[WTDTY] Zero-risk bias: điểm mù trong quản lý rủi ro thời covid
Bước sang năm 2021, tình hình dịch covid tại Việt Nam tiếp tục có những chuyển biến phức tạp. Trong một diễn biến cuối tháng 1 vừa...
Bước sang năm 2021, tình hình dịch covid tại Việt Nam tiếp tục có những chuyển biến phức tạp. Trong một diễn biến cuối tháng 1 vừa qua, có 35 trẻ em tại một trường tiểu học phải cách ly tập trung trong khoảng thời gian dự kiến là 21 ngày vì bị “nghi nhiễm” virus SARS-covi-2. Là một người theo dõi tình hình dịch covid ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tôi đã nhận định rằng đây là một quyết định sai lầm và mang rủi ro lớn đối với những đứa trẻ đó. Ngay trong đêm mà bọn trẻ bị cách ly, tôi lên tiếng về việc đó như sau:


Ý kiến của tôi dựa trên những nhận định sau:
- Rủi ro mắc và lây truyền covid của trẻ em rất thấp dựa trên các số liệu thực tế đã thu thập được.
- Rủi ro ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tâm thần của trẻ em cao nếu cách ly tập trung, xa bố mẹ trong nhiều ngày – thậm chí có thể dẫn tới những tổn thương tâm thần về lâu dài.
- Khác với khi cách ly người lớn, phụ huynh là đại diện pháp lý của con trẻ, thực hiện các biện pháp chống dịch với đối tượng là trẻ em cần có sự đồng thuận và làm rõ trách nhiệm đối với phụ huynh.
3 ngày sau, Bộ Y tế đã thay đổi cách thức tiến hành cách ly đối với trẻ em với lý do như sau:
Thứ hai, thay đổi chiến lược cách ly. Bộ trưởng cho biết, do đặc tính virus học nhân lên rất nhanh, phát tán mầm bệnh nhanh hơn nên cần thay đổi phương thức cách ly với nhóm trẻ em, để trẻ được ăn Tết tại nhà.Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phân trẻ thành 2 nhóm: Nhóm dưới 5 tuổi, thực hiện cách ly tại nhà nghiêm ngặt. Mỗi trẻ có một người lớn khỏe mạnh trông kèm, trong gia đình không có người già, người mắc bệnh nền. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ. Hiện Cẩm Giàng đang áp dụng hình thức cách ly này.
Sau đó, tôi có chia sẻ nhận định của tôi với một nhóm Facebook có trình độ học vấn tương đối cao và nhận được hầu hết những bình luận đại loại như:

Điều tương tự cũng diễn ra với một số bình luận mà tôi nhận được trong bài của tôi trên Facebook.
Hầu hết những bình luận đó đều có một điểm chung: bỏ qua hoàn toàn rủi ro về tổn thương tinh thần của những đứa trẻ (và bình luận duy nhất có đề cập đến thứ đó thì phủi tay luôn như thể nó không là gì cả). Bọn họ đã mắc phải “zero-risk bias”.
Zero-risk bias: Thiên kiến không rủi ro
Thiên kiến không rủi ro có thể hiểu là thiên kiến cố gắng giảm thiểu một khía cạnh rủi ro của một vấn đề tới mức tối thiểu bất chấp ngay cả khi vấn đề đó có nhiều khía cạnh rủi ro khác. Điều đó dẫn tới việc rủi ro tổng thể của vấn đề đó không được giảm thiểu một cách tối ưu khi các khía cạnh rủi ro khác không được giải quyết. Thiên kiến đó thường xuất hiện trong các trường hợp người ra quyết định giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe, an toàn và môi trường.”
Trong trường hợp này, hầu hết mọi người đều chỉ tập trung vào rủi ro của covid mà không hề quan tâm tới những rủi ro khác về sức khỏe, như rủi ro về tổn thương tinh thần mà tôi đã đề cập ở trên. Điều này là một sự phi lý trí, khi cuộc sống thường ngày có rất nhiều rủi ro khác nhau về sức khỏe, ví dụ như đột quỵ, ung thư, tai nạn giao thông hay tai nạn nghề nghiệp, v.v… Tôi thì chợt nhớ đến cảnh một người phụ nữ vừa lái xe đạp điện trên đường vừa video call cho ai đó để than vãn về việc covid nguy hiểm như thế nào. Hẳn là rủi ro chết vì tai nạn giao thông trên đường VN còn lớn hơn rủi ro mắc covid (nếu tính theo số liệu ở thời điểm hiện tại).
Tương tự như vậy, số người tử vong quá mức (so với trung bình hàng năm) so với số người tử vong vì covid trong năm 2020 của Mĩ đang đặt ra nhiều câu hỏi về cách quản lý rủi ro của các nhà chức trách Mĩ, khi mà việc cố gắng giảm nguy tử vong vì covid có thể dẫn đến tăng nguy cơ tử vong vì các nguyên nhân khác.
Như vậy, kể cả khi nhận định của tôi về rủi ro của việc trẻ em nhiễm hay lây truyền covid có hoàn toàn sai đi chăng nữa, rủi ro về sức khỏe tâm thần vẫn còn đó và vẫn phải được tính toán khi đưa ra các quyết định chống dịch covid. Chắc tôi không cần nói thì các bạn cũng biết các vấn đề về tâm lý và tâm thần ở Việt Nam được coi nhẹ như thế nào rồi nhỉ.
Quay trở lại với lời giải thích mà Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra:
“Bộ trưởng cho biết, do đặc tính virus học nhân lên rất nhanh, phát tán mầm bệnh nhanh hơn nên cần thay đổi phương thức cách ly với nhóm trẻ em, để trẻ được ăn Tết tại nhà.”
Lời giải thích đó có thể ngầm hiểu là rủi ro lây nhiễm từ trẻ em sang người lớn thấp hơn so với từ người lớn sang người lớn (hoặc chí ít là tương đương), và việc trẻ được ăn Tết tại nhà là để đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho trẻ, trong đó có sức khỏe tâm thần. Như vậy, điều đó chứng tỏ được rằng những nhận định trên của tôi là đúng.
Làm sao để hạn chế zero-risk bias
Bởi vì zero-risk bias là một thiên kiến của tâm lý nên rất cần một hệ thống tư duy vững vàng để tránh mắc khỏi điều đó. Một trong số những công cụ đắc lực để làm điều đó là kinh tế học, bởi vì cốt lõi của kinh tế học là cách phân bổ tài nguyên và rủi ro.
Việc cố gắng giảm thiểu rủi ro về covid một cách quá mức sẽ tốn nhiều tài nguyên hơn mà đáng lẽ ra có thể dùng để giảm thiểu rủi ro về những mặt khác, ngoài ra lợi ích cận biên của nó mang lại có thể không cân xứng với chi phí cận biên. Đối với tôi, để đưa ra những chính sách phản ứng với dịch bệnh một cách hợp lý thì cần cách nhìn nhận vấn đề dưới dạng bài toán kinh tế, nơi mà rủi ro lẫn lợi ích đều được định lượng hóa một cách sát thực nhất có thể.
Vì vậy, câu hỏi mà bạn nên tìm câu trả lời là: có bao nhiêu người đã chịu ảnh hưởng tiêu cực (thậm chí là tử vong) từ những động thái phòng chống covid? Hay là từ những trào lưu môi trường xanh, năng lượng xanh? Tôi cũng không biết câu trả lời chính xác là gì, tôi chỉ biết là bạn sẽ không bao giờ tìm được nó trên các phương tiện truyền thông.
Bài tập về nhà (tùy chọn)
Vì tôi không hay theo dõi các nhân vật “có số má” trên truyền thông chính thống hay mạng xã hội, tôi sẽ biết ơn các bạn nếu các bạn có thể giúp tôi tìm xem có ai khác ý kiến tương tự như tôi ở cùng thời điểm đó không.
WTDTY (what they don't tell you) sẽ là một series bài viết mới của tôi về những vấn đề mang tính thời sự, giúp bạn có một góc nhìn khác - góc nhìn mà bạn chắc sẽ không thể nào tìm thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hi vọng tôi có thể giúp các bạn có thêm những kiến thức bổ ích để không bị cuốn vào dòng chảy hỗn độn của thông tin trên Internet.

Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
Ví dụ như thảm hoa động đất sóng thần ở Fukushima, Nhật Bản. Sau khi nhà máy điện nguyên tử bị nổ là chính phủ Nhật đóng cửa hết các nhà máy điện hạt nhân trong nước, kết quả là phải dùng nhiệt điện thay cho điện hạt nhân. Hậu quả là người chết vì ô nhiễm môi trường do nhà máy nhiệt điện còn nhiều hơn người chết do nhà máy điện hạt nhân bị nổ. Đến giờ chính phủ Nhật vẫn muốn mở lại các cơ sở điện hạt nhân nhưng bị phản đối rất mạnh. Trước đây nước ta cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhưng sau vụ đó là im luôn
2. Đêm đầu tiên không hề có phụ huynh, cho phụ huynh đi kèm chỉ là phương án chữa cháy tạm bợ và không hề giải quyết dứt điểm vấn đề vì trẻ vẫn ở không gian lạ.
3. Phải 3 ngày sau khi tôi phát biểu về vấn đề này thì mới có thay đổi, nếu bạn nghĩ họ biết từ trước khi họ ra quyết định cách li tập trung mấy đứa trẻ thì bạn lầm rồi. Dù sao cũng may mắn là họ đã thay đổi.
2. Không có ý kiến.
3. Giải pháp cách ly tập trung là hiệu quả nhất vì cách ly không chỉ là nhà ở mà còn hậu cần ăn uống, lấy mẫu v.v.. Cán bộ y thế thực hiện tiếp xúc người cách ly đều phải mặc đồ bảo hộ. Rõ rằng việc cách ly 50 người ở một nơi thì hiệu quả hơn là cách ly ở 50 nơi. Chưa kể (1) thì việc cách ly tại nhà đôi khi còn phức tạp hơn khi bố hoặc mẹ cần tìm nơi khác để ở (f3, f4) và đều có nguy cơ.
P/S Nó giống việc ưu tiên xe cứu hỏa -> xe công an -> xe cứu thương (lợi ích cộng đồng rồi đến cá nhân).
P/S Nó chỉ là một ví dụ tổng quát về việc đặt lợi ích cộng đồng (hỏa hoạn) lên trên lợi ích cá nhân (thường tội phạm là cá nhân).
Còn trả lời cho câu hỏi "ai sẽ chịu trách nhiệm cho những tổn thương tinh thần của họ (người lớn)" thì bạn nên hỏi Bộ Y tế nhé, mình không có thẩm quyền cũng như nghĩa vụ phải trả lời câu hỏi này. Hơn nữa, người lớn đủ điều kiện độc lập về mặt pháp lý, còn trẻ em thì không.