[WTDTY] “Phải đặt an toàn của người dân là trên hết” (trừ một số người ra)
Từ những người trốn khai báo y tế… Cách đây không lâu, trang Facebook Thông tin Chính phủ có đăng một bài viết như sau: https://www.facebook.com/thongtinchinhphu/posts/3686308828112944...
Từ những người trốn khai báo y tế…
Cách đây không lâu, trang Facebook Thông tin Chính phủ có đăng một bài viết như sau:
Bài viết nhận được rất nhiều sự ủng hộ, thể hiện qua số lượng tương tác khá lớn (28 nghìn lượt like, 1 nghìn lượt share và hơn 1 nghìn bình luận). Đối với nhiều người, điều đó thể hiện sự cứng rắn và nghiêm túc của Chính phủ. Và có lẽ tôi cũng đã chẳng có ý kiến gì cho đến khi đọc được đoạn dưới đây:
Những đối tượng trốn khai báo y tế phải xử lý nghiêm. Trước hết, đề nghị các nhà mạng lớn (VNPT, Viettel, Mobifone) cắt thuê bao vĩnh viễn đối với các trường hợp cố tình trốn khai báo y tế (sau khi đã nhắn tin nhắc nhở).
Tôi khuyên bạn hãy thử đọc lại đoạn trên vài lần. Nếu bạn cảm thấy không có vấn đề gì thì đó thực sự là điều đáng quan ngại.
Câu hỏi đầu tiên bạn nên đặt ra là: cắt thuê bao vĩnh viễn đối với các trường hợp cố tình trốn khai báo y tế (sau khi đã nhắn tin nhắc nhở) thì có tác dụng gì trong việc khắc phục hay ngăn chặn hành vi tương tự?
Bởi vì theo tôi thấy thì cái việc cắt thuê bao kia không hề làm cho những người đó cảm thấy muốn khai báo y tế hơn. Cắt thuê bao đồng nghĩa với việc xác định vị trí của những thuê bao đó trở nên khó khăn hơn, bởi vì ngay cả khi họ trốn thì vị trí của họ vẫn có thể xác định được nhờ hệ thống sóng vô tuyến. Thứ nữa, những người trốn khai báo thì sẽ không gặp khó khăn mấy trong việc mua một cái SIM mới. Và hơn hết, việc cắt thuê bao sẽ khiến họ cảm thấy bị bỏ rơi bởi chính những cơ quan có nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ họ.
Tuy vậy, một khía cạnh khác của việc cắt thuê bao là việc đó vi phạm nghiêm trọng đời tư cá nhân của công dân và nhân quyền. Việc trốn khai báo y tế đã có các quy định và chế tài của pháp luật, không hề liên quan tới hợp đồng thuê bao của các cá nhân đó. Hợp đồng thuê bao là hợp đồng kinh tế giữa nhà cung cấp dịch vụ và cá nhân, được quy định bởi các bộ luật liên quan. Mặc dù về mặt pháp lý thì nhà cung cấp dịch vụ có toàn quyền ngừng cung cấp dịch vụ đối với các cá nhân vi phạm pháp luật nếu được nhà nước yêu cầu, nhưng thường thì điều khoản đó chỉ được áp dụng nếu như cá nhân đó sử dụng chính dịch vụ đó để vi phạm pháp luật (ví dụ như sử dụng Internet để hack vào mạng các tổ chức khác).
Và có vẻ như việc cắt thuê bao là chưa đủ nên một số thành phần trong một nhóm Facebook có học thức khá cao đã đề đạt thêm như này:
Và tôi dám chắc với bạn rằng những suy nghĩ như thế này rất phổ biến trong xã hội. Bạn cứ đọc thử phần bình luận của bài đăng trên trang Thông tin Chính phủ trên kia là biết.
Bắt gặp những suy nghĩ này, tôi chợt nhận ra những điểm tương đồng đến đáng sợ với trào lưu “văn hóa tẩy chay” (cancel culture) – thứ đang hủy hoại cuộc sống của rất nhiều cá nhân cũng như đe dọa sự ổn định xã hội ở phương Tây. Chỉ khác là ở phương Tây thì đây là phong trào tự phát của các cá nhân, còn ở Việt Nam thì đến trực tiếp từ một người nào đó trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước. Phải chăng “nhà nước của dân, do dân, vì dân” chỉ là câu sáo ngữ cho vui, thích thì đem ra để tranh thủ sự ủng hộ còn không thích thì cất đi để đe dọa người dân?
Tôi cho rằng người đưa ra đề nghị đó không đủ phẩm chất đạo đức để phục vụ đất nước và người dân, cần chịu kỉ luật nghiêm khắc và phải đứng ra xin lỗi công khai mọi công dân Việt Nam.
Sự cực đoan phản ánh ở trên cũng là thứ mà bạn có thể dễ dàng quan sát trong các nhóm Facebook được cho là “yêu nước” nhưng thực chất là có màu sắc chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Và nó cũng tương tự như một thứ đã từng hủy hoại cả thế giới – một thứ được đại diện bởi 4 chữ: N, A, Z, I.
Đến người chịu án hình sự chỉ vì “đen”
Nếu các bạn theo dõi tình hình covid tại Việt Nam thì chắc sẽ biết đến bệnh nhân 1342 – anh Hậu – là người đầu tiên bị truy tố trách nhiệm hình sự vì gây lây nhiễm covid cho người khác. Sự việc cũng không có gì quá phức tạp, chủ yếu xoay quanh việc anh ta vi phạm quy định cách ly và việc xử lý dựa theo các văn bản pháp luật, cụ thể:
[Trích] Công văn số 45/TANDTC-PC V/v xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19
1. Hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự1.1. Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:b) Không tuân thủ quy định về cách ly;
[Trích] Điểm c, Khoản 1 Điều 240 BLHS:
“c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.”
[Trích] Điều 240 BLHS:
Về mặt khách quan của tội phạmLàm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người hoặc có hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.Đây là tội phạm có cấu thành vật chất. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người thực hiện một trong các hành vi nói trên đã làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Người thực hiện những hành vi nói trên nhưng không hoặc chưa làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì chưa bị coi là tội phạm nhưng có thể bị xử lý hành chính.
Về mặt pháp luật, bản án dành cho anh Hậu là đúng với quy định. Song điều đáng nói ở đây là việc Công văn số 45 đã quy định xem xét yếu tố hình sự ngay khi có sự vi phạm quy định cách ly, nghĩa là dường như không hề có chỗ cho việc cảnh cáo hay để người vi phạm sửa chữa hành vi của bản thân. Theo tôi, quy định như vậy là khắt khe quá mức cần thiết vì trong tình hình dịch bệnh như này, hầu hết mọi người thường có tâm lý bất ổn và cả chủ quan, vì vậy khó mà kì vọng được là mọi người sẽ làm đúng theo những gì được quy định.
Ngoài ra, về mặt khách quan của tội phạm được quy định trong Điều 240 BLHS có nêu “Người thực hiện những hành vi nói trên nhưng không hoặc chưa làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì chưa bị coi là tội phạm”. Các bệnh thường gặp được mang ra xét xử theo Điều 240 BLHS như AIDS chẳng hạn đều là những bệnh mà con người đã biết từ lâu, nắm rõ mức độ lây lan cũng như phương thức lây lan, cũng như được bổ sung vào trong các chương trình giáo dục và đào tạo. Trái lại, covid là bệnh mới, truyền nhiễm theo đường hô hấp – với đặc thù rất dễ lây lan ngay cả khi không tiếp xúc trực tiếp. Và để tôi nhắc cho các bạn biết rằng mặc dù đã hơn một năm trôi qua, chưa hề có một bất kì nghiên cứu nào chỉ ra được virus SARS-cov-2 thực sự lây nhiễm như thế nào. Hầu hết những quy định phòng chống dịch hiện thời (ví dụ như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, v.v…) đều là các biện pháp can thiệp không dùng thuốc (non-pharmaceutical intervention) và là những giả định dựa trên những hiểu biết rất hạn chế về covid. Tương tự như thế, chưa hề có bất kì nghiên cứu nào đủ tiêu chuẩn khoa học thông qua thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (randomized controlled trial) chứng minh được sự hiệu quả của những biện pháp đó cả.
Việc đưa ra những biện pháp phòng chống dịch như trên trong tình hình hiểu biết của con người về bệnh dịch còn hạn chế là điều chấp nhận được. Song nếu dựa vào những giả định thiếu căn cứ khoa học đó làm căn cứ để định đoạt việc một cá nhân có trở thành tội phạm hình sự hay không là điều mà tôi khó có thể chấp nhận. Khi mà việc lây truyền của virus SARS-cov-2 còn chưa có chứng minh cụ thể rõ ràng, sẽ thật lố bịch khi một cá nhân có thể trở thành tội phạm hình sự với một xác suất bất định – chẳng khác nào việc tung đồng xu cả, thậm chí là còn tệ hơn vì ít ra tỉ lệ khi tung đồng xu là 50:50 (bạn có thể làm phép tính ước lượng bằng cách lấy số F1 dương tính chia cho tổng số F1 với bất kì một trường hợp F0 nào). Và bởi vì đó chỉ là những giả định, điều gì sẽ xảy ra nếu như các giả định đó được chứng minh là sai sau này? Liệu ai sẽ chịu trách nhiệm cho những giả định đó? Đấy là chưa kể anh Hậu còn không biết mình bị nhiễm bệnh (vì các lần xét nghiệm trước đó đều trả về âm tính) và chắc chắn là không hề có ý muốn lây cho người khác.
Tôi hay theo dõi tình hình dịch nước ngoài, tôi cũng đã thấy nhiều nơi có phản ứng hơi thái quá đối với người vi phạm quy định phòng chống dịch – ví dụ như bị đuổi khỏi máy bay hay siêu thị vì không đeo khẩu trang, hay cảnh sát bắt về đồn vì có nhiều người trong nhà hơn mức cho phép, v.v… Nhiều trường hợp trong số đó có phần khá hài hước, và tính ra thì cũng không quá khắt khe đến thế. Nhưng tôi chưa thấy ở đâu như ở Việt Nam, nơi mà người nhiễm bệnh không những bị kì thị mà còn đứng trước nguy cơ trở thành tội phạm hình sự vì những thứ mà họ không thể kiểm soát được. Những phán quyết của tòa án luôn phải dựa vào những căn cứ chắc chắn chứ không phải những giả định, ngay cả khi những giả định đó chỉ có 1% khả năng sai.
Một điều khiến tôi trăn trở khác là việc tòa giảm án phạt và không yêu cầu anh Hậu nộp phạt hành chính 50 triệu đồng vì bố anh ta đang ốm nặng. Tôi tự hỏi là không biết 50 triệu kia có thấm vào đâu khi mà cơ hội việc làm của anh Hậu coi như chấm dứt, thiệt hại về thu nhập trong tương lai là một con số khổng lồ. Và anh Hậu liệu sẽ xoay sở đâu ra tiền để tiếp tục chu cấp cho người cha đang ốm nặng của mình? Và lỡ như vì không đủ điều kiện kinh tế để chu cấp khiến bố anh ta không có điều kiện chữa trị và qua đời, liệu còn quan tòa nào sẽ phán xét điều đó?
Đáng nói hơn nữa là ngoài khả năng trở thành tội phạm hình sự, có nhiều trang tin đăng tải thông tin rằng anh Hậu gây ra thiệt hại kinh tế tương đương 4,5 tỉ đồng (!). Lý giải cho con số khổng lồ này, báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh đăng ngày 30/3 đưa tin như sau:
Theo Sở Y tế TPHCM, thiệt hại do việc làm lây lan dịch bệnh COVID-19 ra cộng đồng là gần 2,8 tỉ đồng, bao gồm chi phí xét nghiệm tầm soát các trường hợp F1, F2. Ngoài ra còn có chi phí sử dụng để tiến hành cách ly y tế các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh có liên quan. Tổng thiệt hại vật chất là gần 4,5 tỉ đồng.
Tôi cho rằng đây là một sự đánh tráo khái niệm trắng trợn nhằm biến anh Hậu thành kẻ tội đồ. Cùng lúc đó, tôi lấy làm ngạc nhiên vì đoạn trên không hề đề cập tới chi phí chữa trị của những người bị nhiễm bệnh do anh Hậu trực tiếp gây ra – mặc dù đó mới chính là một phần thiệt hại (và tại sao chẳng tờ báo nào đăng thông tin này?). Tại sao chi phí xét nghiệm tự dưng lại biến thành “thiệt hại” khi mà chi phí đó hoàn toàn không nằm trong sự kiểm soát của anh Hậu mà là của các cơ quan có thẩm quyền? Về mặt lý thuyết, các cơ quan đó hoàn toàn có quyền chủ động không thực hiện các xét nghiệm đó – mặc dù nếu như vậy thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc đó. Hơn thế nữa, về bản chất thì những chi phí đó hoàn toàn không phải thiệt hại của các cơ quan kia vì chẳng có mất mát hay tổn thất gì cả. Và tôi cũng đã đề cập ở trên rằng covid là bệnh truyền nhiễm dễ lây qua đường hô hấp, cũng như rằng chúng ta vẫn biết rất ít về covid. Một lần nữa, tôi không hề đồng tình với việc “phù phép” chi phí thành thiệt hại chỉ dựa trên những giả định đó. Tôi không am hiểu nhiều về luật, nhưng tôi thấy đây là một sự lố bịch nếu như bắt anh Hậu chịu trách nhiệm cho đống chi phí kia. Nếu các bạn vẫn nằng nặc đòi anh Hậu phải gánh số tiền đó, có lẽ các bạn nên gửi hóa đơn tới chính phủ Trung Quốc thì sẽ hợp lý hơn.
Công Lý có phải là tên của một diễn viên hài?
Anh Hậu chỉ là một người không may trở thành mục tiêu của một cuộc “săn phù thủy” (witch hunt) của xã hội, dưới sự dàn xếp của truyền thông và các thế lực giật dây đằng sau.
Còn những kẻ phỉ báng, xúc phạm nhân phẩm anh Hậu thì sao? Còn những kẻ tiết lộ thông tin cá nhân của anh Hậu thì sao? Ai sẽ đòi lại công lý cho anh ta? Hơn một năm trôi qua, có hàng tá người đã chịu chung sự kì thị và sự xâm phạm nghiêm trọng về đời tư cá nhân – và tất cả những gì mà chúng ta có thể làm là “dự thảo luật” với mức phạt cao nhất là phạt hành chính 80 triệu – trong khi đó chỉ mất chưa tới 1 năm để biến người bị bệnh thành tội phạm hình sự.
Vậy hóa ra 2/3 cuộc đời còn lại của anh Hậu chỉ có giá 130 triệu.
Với tất cả những gì đang diễn ra với anh Hậu nói riêng và những người nhiễm bệnh khác nói chung, bọn họ lại hỏi vì sao người bệnh lại sợ hãi và trốn tránh báo cáo y tế đến thế? Buồn cười là lâu lâu có những bài báo như thế này nổi lên chỉ để “cho có”:
Không kỳ thị, phải chia sẻ, hỗ trợ để người cách ly yên tâm, hợp tác phòng chống dịch Covid-19
Kinhtedothi - Ngày 5/2/2021, tại trụ sở UBND TP, Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội họp phiên thứ 86 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo.kinhtedothi.vn
Kinhtedothi - Ngày 5/2/2021, tại trụ sở UBND TP, Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội họp phiên thứ 86 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo.kinhtedothi.vn
Sự tồn tại của những bài báo như trên càng giúp tôi khẳng định rằng bọn họ biết là việc họ làm sẽ dẫn đến tình trạng như thế này, song bọn họ không hề có ý định dừng lại hay khắc phục mà ngày càng đẩy mạnh sự cực đoan và chia rẽ. Đến lúc này, khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” có lẽ đã trở thành “chống người nhiễm bệnh như chống giặc” mất rồi.
Và đáng buồn là tất cả những điều này đều nằm trong dự tính của tôi – chỉ có con người mới trở thành kẻ thù thực sự của con người được thôi.
Liệu đây có phải là xã hội mà bạn muốn sống?
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất