Ảnh làm bằng word và snipping tool =)))))))))
(Ảnh cắt từ SGK Ngữ Văn 8 tập 1)
Theo Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1, trong bài “Dấu ngoặc kép” đã nêu ra công dụng của dấu ngoặc kép như sau:
“ -  Đánh dấu từ ngữ, câu, đoạn dẫn trực tiếp;
   - Đánh dấu từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt hay có hàm ý mỉa mai;
   - Đánh dấu tên tác phẩm, tờ báo, tập san,... được trích dẫn.”
Nói như vậy có nghĩa là khi bạn kèm tên ai đó cạnh một câu nói đặt trong ngoặc kép, thì hãy chắc chắn đó là câu của chính họ, được dẫn đúng từng từ. Hoặc chẳng may có nhiều phiên bản của câu nói đó do điều kiện ghi chép không cho phép, vui lòng thêm “[?]” hoặc “(?)” cạnh phần nghi ngờ và chú giải thêm phía dưới. Nếu bạn không có nhu cầu trích hết câu (hết câu văn chứ không phải toàn bộ đoạn văn hay tác phẩm nhé) thì hãy thêm “[...]” vào chỗ đã lược bớt. Đó là một nguyên tắc căn bản mà ai chịu khó đọc hết sách giáo khoa Tiếng Việt và Ngữ văn các cấp sẽ nhận ra được. 
Khi trích dẫn, dấu ngoặc kép chính là dấu hiệu chính để phân biệt câu trích dẫn trực tiếp và câu trích dẫn gián tiếp. Để dễ hiểu, mình xin đưa ra 2 ví dụ về trích dẫn trực tiếp (đánh số 1) và trích dẫn gián tiếp (đánh số 2) dưới đây:
  • 1: Trong tác phẩm “Việt Bắc”, nhà thơ Tố Hữu đã miêu tả màu hoa chuối “đỏ tươi”, gợi ta nhớ đến màu đỏ trong “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ.
  • 2: Câu thơ nhắc đến màu đỏ rực rỡ tươi thắm như tình quân dân của Tố Hữu trong bài thơ “Việt Bắc” [...].
Nhìn vào đó, các bạn có thể thấy rằng trách nhiệm của người sử dụng dấu ngoặc kép, hay trích dẫn trực tiếp chính là dẫn nguyên câu, chính xác, không sai một từ - của người được trích dẫn. Chưa xét về khía cạnh sở hữu trí tuệ thì đây là một trong những kĩ năng cơ bản khi hành văn. Nhưng hỡi ôi, 1- 2 năm trở lại đây, xuất hiện một bài post với chủ đề “nhà văn thả thính”, dùng dấu ngoặc kép mà lại trích dẫn sai bét nhè, bẻ ý của nhà văn, hay thậm chí còn “nhét chữ vào mồm” các tác giả khi đặt tên học cạnh những câu nói đó. Và đáng cười hơn, khi mà những người chia sẻ bài viết này và bản thân bài viết đó có tư tưởng “mấy câu thả thính trong ngôn tình chỉ có xách dép cho các cụ ngày xưa” thì chính “tác giả” của loạt bài này lại tự ỉ* tự ăn khi dám lạm quyền, ngôn tình hoá bằng cách thêm mắm dặm muối vào những câu văn câu thơ vốn đã rất đủ đầy của các tác giả chân chính. 
Bài viết này của chúng mình xin được lạm quyền thay các cụ tác giả đính chính những thứ vớ vẩn mà người ta nhét vào mồm các cụ, đồng thời mong mọi người từ nay về sau hãy cẩn trọng với dấu ngoặc kép, với những thứ thông tin mà các bạn thấy có vẻ “hay ho và ngầu” trên mạng và hơn hết là chính nút share của mình. Nội dung đính chính chi tiết vui lòng bấm vào từng hình.
Nội dung cho bài viết được chúng tớ tổng hợp từ nhiều nguồn (sẽ dẫn link dưới comment) và ảnh sử dụng lưu từ post đầu tiên hiện lên khi search cụm từ “nhà văn thả thính” trên facebook. 
Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm bài viết này về việc trích dẫn sao cho đúng người nhé:
 https://www.facebook.com/Ngang.Nhu.Kua.286/posts/116904306338842
1. NGUYỄN HUY TƯỞNG

SỰ THẬT: Theo như thông tin mình đã tìm hiểu (nhưng quên mất nguồn) thì thậm chí cả gia đình nhà văn cũng xác nhận là ông chưa từng phát biểu câu này. Tất cả những gì mình timd được trên google khi tra “câu văn” này đều là các kết quả liên quan đến bài viết gốc vốn đã sai lệch từ đầu. Thật nực cười khi mà Nguyễn Huy Tưởng - vốn là một người cực coi trọng việc trích dẫn - lại bị trích dẫn theo kiểu “nhét chữ vào mồm” như thế này.
2. TÔ HOÀI 

SỰ THẬT: Đây là một câu “nhét chữ vào mồm” dựa trên lời phát biểu trước báo giới của bà Nguyễn Thị Cúc - vợ nhà văn: “Tôi vẫn nói đùa với ông ấy: Đời tôi, chưa một lần lên xe hoa, chưa có một đêm tân hôn.”
3. NAM CAO

SỰ THẬT: Đây là một câu “ngôn tình hoá” từ lời ngẫm của nhân vật Hàn trong tác phẩm “Một chuyện xuvơnia” của nhà văn: “Bây giờ Hàn mới biết rằng, trước khi nghĩ đến việc đặt những cái hôn lên cái miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã. Cái ý nghĩ có lẽ chẳng được thơ cho lắm, nhưng cuộc sống vốn không tha thứ những cái gì quá thơ.”
4. XUÂN DIỆU

SỰ THẬT: Đây là câu nói bẻ cong từ 2 câu đầu bài thơ “Anh đã giết em” của Xuân Diệu: 
“Anh đã giết em, anh chôn em vào trái tim anh
Từ đây anh không được yêu em ở trong sự thật”
5. HUY CẬN

SỰ THẬT: Lại là một pha bẻ thơ thành văn từ bài “Anh mang thầm em”:
"Anh mang thầm em trong hồn anh
Như đứa trẻ thơ mãi để dành
Chiếc bánh mẹ cho từ sáng sớm
Anh chờ hạnh phúc những giờ xanh."
6. VŨ TÚ NAM

SỰ THẬT: Tính đến thời điểm hiện tại, đây là trường hợp được “nương tay” nhất khi mà câu này không khác quá nhiều so với câu gốc trong bức thư mà tác giả viết cho vợ: “Chỉ cần gặp H. một lần, thì lịch sử đã chép chung hai cuộc đời làm một rồi.” (H. là tên viết tắt của vợ nhà thơ - Hương)
7. NGUYỄN BÍNH

SỰ THẬT: Vẫn là bổn cũ, câu thơ gốc nằm trong bài “Đêm sao sáng” kinh điển của Nguyễn Bính:
“Trời* còn có bữa sao quên mọc
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em.”
*: Có một số bản để là “giời” thay vì “trời”
8. NGUYỄN ĐÌNH THI

SỰ THẬT: Câu gốc nằm trong bài thơ “Nhớ”:
“Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”
Trong bản gốc do tác giả viết tay, có lời đề “tặng M.”. Dù M. chính xác là ai, không ai biết được, nhưng nhiều người cho rằng đó là một cô gái Pháp đã khiến nhà thơ phải lòng. Tuy nhiên, khi đặt tình cảm riêng tư vào xét giữa bối cảnh chung của đất nước lúc bấy có, có lẽ nhà thơ đã nén nỗi lòng mình lại, gửi gắm vào trong bài thơ này thôi chăng?
9. CHẾ LAN VIÊN

SỰ THẬT: Câu thơ gốc vốn nằm trong bài “Tiếng hát con tàu” của nhà thơ: “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét”. Thật là một sự sến súa hoá khiến người đọc buồn nôn!
10. HÀN MẶC TỬ 

SỰ THẬT: Chưa tìm được ra câu nói hay câu thơ, câu văn nào liên quan đến ý tứ được đề cập trong hình. Mình tin rằng người này vận ý từ nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử. Nếu bạn nào có đóng góp vui lòng comment nha.
____________________________________
Khoảng 1, 2 năm trở lại đây, cái post "xào chữ nhét vào mồm nhà văn" này cứ thi thoảng lại được share lại và lảng vảng trên facebook của mình. Nó cứ vật vờ ngày này qua tháng khác, trồi lên rồi chìm xuống như đồ thị sin vậy. Mỗi lần thế mình lại thấy tức, nhưng rồi bỏ đấy, lâu lâu lại tức một đợt. Cái cảm giác này không khác gì bị một cơn nấc lâu ngày, cứ tưởng nó lặn đi rồi thì bạn lại "hức" lên một cái vậy. Mãi đến hôm nay mình mới có thời gian để áp hẳn cái cơn nấc này xuống. 
Ngoài ra, bài này của mình cũng được đăng trên facebook, nếu có nhã ý, bạn có thể vào share bài để giúp mình thay mặt các cụ nhà văn "đính chính". Mình cảm ơn rất nhiều.