Hôm nay là ngày 20/10, mạn phép lệch sóng viết về một người đàn ông ở Johor Bahru, Malay. Một người mà có lẽ mình sẽ nhớ, cho tới khi chiếc não trong đầu này bị xóa dữ liệu.
 Sự thật thì ở Malay có nhiều chủng tộc quá, mà phổ biến là Malay, Trung Quốc, và Ấn Độ. Người Malay và Ấn Độ da màu, cấu trúc khuôn mặt cũng khác người mình nên hơi khó đoán tuổi. Do không biết nên gọi là "anh" hay "chú", mình mạn phép dùng từ "người này/đó", hy vọng nó không thể hiện sự thiếu tôn trọng.
 Cụ thể thì hồi đó, nhà mình không có wifi, nên mấy đứa hay bắt Grab ra McDonald's gần nhất để trực mạng chùa làm bài thuyết trình. (Chú thích thêm là bên đó không sẵn quán cafe hay trà sữa nhan nhản các vỉa hè như Hà Nội nên mình mới phải đi Grab, và ngồi ở quán gà:< À, và vì McD bên này là được xếp là "bình dân" chứ không "sang chảnh" như Hà Nội.)
IMG-20190716-WA0045.jpg

Hôm đó có mình, Trúc, và Zuha.
Quy trình mua đồ ở McD là: chọn đồ và đặt hàng qua một cái bảng tự động đặt lối đi vào, đặt xong thì lấy số cạnh máy, mang số đó ra quầy trả tiền, trả tiền xong thì qua quầy bên cạnh lấy đồ ăn. 
Người đàn ông ấy làm việc ở McD. Cụ thể thì ở quầy thanh toán. Mình đoán lúc đó đang bàn luận cái gì hăng say với mụ Trúc lắm nên mới không để ý người đứng quầy là nam hay nữ, trông như nào. Chỉ biết tới lượt thì hấp tấp chạy lên, lúi húi nhìn lại số với giá, đọc lên rồi chuyển mẩu giấy cho nhân viên, rồi mới ngẩng đầu đầy hào hứng nhìn người thu ngân sừng sững trước mặt.
mcdonalds-kiosk.jpg
Nhân tiện kể, thường thì mình hay gặp các chị nhân viên ở đây choàng hijab, mắt đeo lens, lông mi cong vút, phấn trắng lộ rõ đang trang điểm, khác hẳn các bạn nữ phục vụ ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, trong các hàng quán bán đồ ăn nhanh thấy chủ yếu là các bạn sinh viên đi làm, có chăng chắc các bạn nữ sẽ tô son với kẻ lông mày rất nhẹ nhàng, chất phác, đúng chất sinh viên kiếm tiền thêm thôi.
À, mà cũng có thể mỗi văn hóa có cách trang điểm riêng. Người Đạo Hồi có xu hướng make up đậm hơn thì phải. Hôm Global Village mình nhờ bà cùng phòng người Pakistan trang điểm cho, lúc nhìn gương mới hốt hoảng vì bả tô vẽ đậm như thể mình là con gấu trúc mới bị đấm cho tím hai con mắt vậy. Về sau được Pung phẩy bớt cho không chắc khóc.
IMG_1419

Quay lại câu chuyện người đàn ông thu ngân ở McD.
Nếu cậu muốn biết chi tiết thì hãy hình dung nhé: khoảnh khắc mắt mình chạm mắt người đó, mình đã đứng hình mất vài giây, theo nghĩa đen.
Mình thật sự cho rằng, quả tim trong mình khi đó không đập. Thậm chí, hình như phổi cũng hiểu chuyện nên chẳng dám co bóp, bảo mũi ơi đừng hít vào thở ra nhé, sợ luồng khí phát tiếng động, người ta sẽ nghe thấy.
Mình nhìn thấy một khoảng không đỏ thẫm, một chiếc cửa sổ mở to không cần tới rèm cửa. Cảm tưởng như nếu ai đó, cái gì đó đủ nhỏ bé, có thể bước vào, nằm im trong đó.
Mình đang nói đến khoảng không trong con mắt bên trái của người đàn ông quầy thu ngân trước mặt mình. Mình đang mắc kẹt nơi cửa sổ tâm hồn ấy.
Ở Việt Nam, mình có từng thấy người này người kia có vấn đề về mắt. Chẳng hạn như lòng đen ngả ghi/ trắng, hoặc hai mí mắt sẽ khép lại.
Mình cũng từng thấy một người có một bên mắt mà hai mí khít vào nhau, gần như không thấy mí mắt, như vết mổ khâu sắp lành sẹo.
Nhưng chiếc mắt của người đàn ông trong bộ đồng phục đỏ McD đứng ở quầy thu ngân này vẫn mở rất to. Nó mở ngang bằng với chiếc mắt còn lại.
Ở đó hoàn toàn không có nhãn cầu. Ở đó có một căn phòng trống trơn sơn tường đỏ, với hai cửa mở toang.
Xin nhấn mạnh đây là đôi mắt đặc trưng của người Ấn Độ to, và sâu
như muốn thách thức cả vũ trụ,
như không chịu thua kém anh bạn bên phải,
một con mắt "hiên ngang" nhất mình từng biết,
mở to như thể sẵn sàng nghênh chiến với mọi thế lực ngoài kia, nếu có ý đồ công kích!
Nếu là một đứa bé con không hiểu chuyện, không chừng mình đã vô tình hét lên, hay quay vội mặt đi. Lần đầu tiên thấy bản thân may mắn vì không còn bé nữa.
Hy vọng là lúc đó bản mặt mình không biến sắc.
Hy vọng cái khoảnh khắc mình chững lại không quá lâu để người ta nhận biết được.
Mình chuyển ánh nhìn qua con mắt bên phải của người đàn ông cao lớn với màu da nâu đặc trưng. Mình nhớ là đã hít một hơi thật sâu, lấy lại tinh thần, giả vờ quay sang hồ hởi với bà Trúc để không khí bớt căng thẳng (bà Trúc vô tư lắm, chẳng để ý nên cũng tíu tít cả. Chắc bà mải ngắm kiến trúc quán, chuyên ngành bả.)
Người đó hỏi lại mình cái gì đó. Giọng to, dứt khoát, tác phong chững chạc, chuyên nghiệp,
nhưng không cười.
Mình, đếm tiền một cách ngu ngốc, nào giấy nào xu (như mọi lần), đưa cho người thu ngân. Rồi lại cười, rồi cảm ơn thật to, với hy vọng mong manh rằng nếu nói to và niềm nở, không trốn tránh, bình tĩnh nhìn vô con mắt bên phải của ổng, ổng sẽ cảm thấy được trân trọng, được chào đón (ý là ổng hiểu rằng có một vị khách, là mình, rất vui khi có ổng ở đây).
Mình muốn thể hiện cái đó, hy vọng ổng cũng hiểu như vậy.
---
Dĩ nhiên là sau đó, mình bị dằn vặt khi nhận ra bản thân đã sợ khi đối diện với người đàn ông đó, cảm giác sai trái. Nếu bản thân không hề có ý phân biệt đối xử, hay kì thị, sao phải sợ, sao lại thương hại? Sao lại coi họ là một người "không bình thường"?
Rồi mình tìm được ở đâu đó nói rằng, con người sinh ra phản ứng sợ trước những tình huống mà họ không mong muốn xảy ra đối với bản thân, hoặc họ chưa sẵn sàng chấp nhận nó.
Lý giải theo cách này thì, nếu cậu sợ khi đứng trên nóc nhà nhìn xuống, khả năng là bởi cậu không muốn rơi xuống. Sẽ đau lắm, sẽ thảm lắm, kinh lắm. Hình dung cảnh tượng đó đã quá sức chịu đựng, nên cậu sợ.
Kể cả nếu cậu biện minh rằng nỗi sợ rất bé, thoáng qua rất nhanh, thì cơ bản vẫn là sợ, là bản năng con người gồng lên tự bảo vệ mình tránh khỏi những nguy hiểm.
Những nỗi sợ khi thấy một người không có tay chân, có một nhãn cầu, một người bị lác, một người đi xe lăn, tay không bắt một con sâu, v.v... đều do cậu chưa dám chấp nhận là một phần cuộc sống, không muốn những điều đó xảy ra với cậu, thậm chí không dám nghĩ tới.
ceaa913f4655b30fc5e4468ba5e770e8

6 tuần tình nguyện ở Johor Bahru, Malay, cái đọng lại lớn nhất trong mình là bài học về sự đa dạng. Giữa một xã hội với quá nhiều sự khác biệt pha lẫn, người ta chẳng thể nói ai đẹp hơn, ai xấu hơn, da trắng hay ngăm nâu mới là đẹp, quần áo này so với quần áo kia cái nào hợp thời, người khiếm khuyết và người lành lặn ai được coi là bình thường.
Vì sống giữa một môi trường với quá nhiều khác biệt để mà để ý, người ta tôn trọng sự đa dạng, người ta chung sống bình đẳng, tự do.
Atef bảo mình, nó không đối xử với người này người kia dựa theo giới tính nam hay nữ. Nó đối xử với tất cả đơn thuần như con người với con người.
Mình cũng đang học điều đấy từ nó, tập gạt những cái mác phân loại qua một bên, tập nhìn vào điểm chung, thay vì những điểm lạc nhịp.
---
Nếu để ý, cậu sẽ nhận ra xã hội vốn vẫn luôn tồn đọng rất nhiều vấn đề, chỉ là ai dám nhận trách nhiệm về mình để góp phần thay đổi nó thôi.
Mình vốn chẳng quan tâm tới các doanh nghiệp, nghĩ rằng họ chỉ chạy theo tiền và làm xã hội đảo điên. May mắn là McDonald's đã giúp mình thay đổi tư tưởng đó. Mình thấy tác động xã hội có thật mà chính sách mở cửa đón nhận những người khiếm khuyết làm việc, thay vì "gom" họ lại một chỗ, "giấu" họ trong những góc khuất, đối xử với họ công bằng, cho họ cơ hội sống và cống hiến tích cực, bình đẳng như bao người những người bình thường khác, 
không thiên vị,
không thương hại,
giúp họ không cảm thấy vô dụng, thừa thãi,
giúp cộng đồng dần đón nhận những người khiếm khuyết là một phần cuộc sống. 
giúp mọi người bớt đi một nỗi sợ không nên có.
 Và mình nhận ra cái "đam mê", "định hướng" không nằm ở những chuyên ngành như MKT, như Sales hay FMCG, v.v... Nó nằm ở việc cậu muốn thay đổi điều gì. Khi đó, dù mở doanh nghiệp bán gà hay bán bảo hiểm, cậu vẫn thực hiện hóa được câu chuyện "sống có ước mơ", theo cách riêng của cậu.
No. 11 (9)