Trong suốt nhiều thập kỉ qua, Đài Loan là một thực thể chính trị tuy độc lập trên thực tế nhưng lại không được hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận là một Nhà nước. Việc xác định vị thế chính trị vàrung Hoa đang quản lý Trung pháp lý của Đài Loan tương đối phức tạp do những mâu thuẫn lịch sử giữa chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đang quản lý khu vực Đài Loan và chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc quản lý Đại Lục. Tuy nhiên, bất chấp tình thế bất lợi bị cô lập về mặt chính trị và ngoại giao, Đài Loan vẫn vươn lên và trở thành một trong những nền kinh tế mạnh nhất châu Á. Dù không chính thức công nhận Đài Loan, các quốc gia trên thế giới vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với hòn đảo này vì Đài Loan từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong quan hệ quốc tế. Câu hỏi được đặt ra khi giao thiệp với Đài Loan luôn xoay quanh những vấn đề như: đây là Trung Quốc, hay một tỉnh của Trung Quốc, hay bản thân Đài Loan chính là một Nhà nước độc lập. Bài viết này sẽ tập trung phân tích vị thế của Đài Loan trên phương diện lịch sử, luật pháp quốc tế, và chính trị quốc tế.  
Hồ Trung Hưng tại trường Đại học Quốc lập Trung Hưng (Thành phố Đài Trung) là tấm bản đồ chính thức của Trung hoa Dân Quốc bao gồm Đại Lục, Mông Cổ, và Đài Loan
Hồ Trung Hưng tại trường Đại học Quốc lập Trung Hưng (Thành phố Đài Trung) là tấm bản đồ chính thức của Trung hoa Dân Quốc bao gồm Đại Lục, Mông Cổ, và Đài Loan
I. Định nghĩa Nhà nước 
Nhà nước (State với chữ S in hoa), theo Max Weber, là một thể chế chính trị có quyền sử dụng vũ lực hợp pháp, tối cao, và duy nhất đối với cộng đồng dân cư nằm trong khu vực địa lý mà Nhà nước đó có chủ quyền. Sau Cách mạng Mỹ, hầu hết các Nhà nước mới được thành lập đều theo thể chế cộng hoà nên không có quân chủ cai trị. Bản thân Nhà nước không phải là một thực thể hữu hình nên sẽ cần có một chính phủ để quản lý các công việc nội bộ và ngoại giao. Những cá nhân và tập thể cấu thành nên chính phủ quản lý các công việc của Nhà nước dựa trên nền tảng tín nhiệm của nhân dân. Tuy vậy, cần phải làm rõ, chính phủ có quyền quản lý, nhưng chủ quyền, lãnh thổ, và nhân dân luôn thuộc về Nhà nước. Trên phương diện luật quốc tế, Nhà nước là chủ thể chính và có vị thế có thể tạm so sánh với một công dân trong xã hội dân sự. Một trong những điểm khác biệt cần lưu ý đó là không có một thể chế nào cao hơn Nhà nước đóng vai trò là cơ quan hành pháp trong quan hệ quốc tế cả.  
Mặc dù coi Nhà nước là chủ thể chính, nhưng luật quốc tế không có quy định rõ ràng về sự hình thành của một Nhà nước mới là như thế nào. Thông thường, chúng ta sẽ căn cứ theo Công ước Montevideo năm 1933, theo đó, một Nhà nước cần đảm bảo bốn tiêu chí: có dân cư ổn định, có lãnh thổ xác định, có chính phủ hợp pháp, và có khả năng quan hệ với các Nhà nước và các tổ chức quốc tế khác. Công ước Montevideo 1933 không có quy định về cách thức và mốc thời gian cụ thể khi nào thì một Nhà nước mới được coi là hình thành. Về vấn đề này, có hai lý luận hay được trích dẫn là thuyết cấu thành (constitutive theory) và thuyết tuyên bố (declaratory theory). Theo thuyết cấu thành, một thể chế chính trị trở thành một Nhà nước khi được các Nhà nước khác công nhận như vậy. Vấn đề là thuyết cấu thành sẽ không thể giải thích sự thành thành của những Nhà nước đầu tiên khi không có Nhà nước nào trước đó công nhận cả. Trong bối cảnh của Trung Quốc, quan điểm được công nhận rộng rãi hiện nay là Nhà nước Trung Quốc được thành lập từ thời đại của Tần Thuỷ Hoàng vào năm 221 TCN. Tuy nhiên, cho đến tận giữa thế kỉ 19 thì các Nhà nước phương Tây mới có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc. Còn theo thuyết tuyên bố, sự hình thành của một Nhà nước mới không phụ thuộc vào sự công nhận của một bên thứ ba. Một tổ chức chính trị đáp ứng đủ các điều kiện chung của một Nhà nước và có tuyên bố độc lập với tư cách là một Nhà nước mới thì đã là một Nhà nước rồi. Tuyên bố độc lập thành một Nhà nước mới cần phải dựa trên nền tảng mong muốn của dân cư vùng lãnh thổ đó. Thông thường, để đi đến tuyên bố độc lập như vậy cần trải qua một cuộc trưng cầu dân ý.  
II. Nhà nước Trung Quốc 
Cuối thời nhà Chu, vùng lãnh thổ hiện nay là Trung Quốc bước vào giai đoạn Xuân Thu – Chiến Quốc. Tần Thuỷ Hoàng khi đó là quân chủ nước Tần, một nước chư hầu, đã tập hợp lực lượng và thôn tính các nước chư hầu khác. Năm 221 TCN, Tần Thuỷ Hoàng thống nhất lãnh thổ và tuyên bố thành lập triều đại nhà Tần. Tần Thuỷ Hoàng tuyên bố vùng đất mình cai trị là một đế quốc và ông là hoàng đế. Sau nhà Tần, Trung Quốc trải qua rất nhiều triều đại phong kiến khác nhau có thể kể đến như nhà Hán, Tuỳ, Đường, Tống, Nguyên, Thanh. Thông thường, giới học giả Trung Quốc dùng tên của triều đại để chỉ Nhà nước trong cả các văn bản nội bộ lẫn đối ngoại. Ví dụ như vào thời đại nhà Thanh thì tên gọi chính thức của Nhà nước Trung Quốc là Đế quốc Đại Thanh. Không có sự phân biệt rạch ròi giữa Nhà nước và chính phủ. Mặc dù được sử dụng từ rất lâu trước đó rồi nhưng cái tên Trung Quốc chỉ mới chính thức được sử dụng để chỉ Nhà nước này từ năm 1912 sau khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc được thành lập và sau đó là Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (Trung Hoa Nhân dân Cộng hoà Quốc). Trung Quốc chính là dạng viết gọn của hai chính phủ này và từ tương đương trong tiếng Anh của Trung Quốc là China. 
Vì không có sự phân biệt rõ ràng giữa Nhà nước và chính phủ nên khi người Trung Quốc nói về bản thân cũng sẽ sử dụng tên của chính phủ thay vì tên Nhà nước. Khi Quốc dân đảng thành lập chính phủ Trung hoa Dân Quốc (THDQ) vào năm 1912, họ tin rằng họ thành lập một Nhà nước mới. Điều này có thể được thấy trong Hiến pháp 1946 của chính phủ THDQ. Điều 2 chương 1 có ghi: "Chủ quyền của Trung Hoa Dân Quốc thuộc về toàn thể quốc dân". Điều 4 chương 1: "Lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc theo ranh giới hiện tại không thể thay đổi nếu không có nghị quyết của quốc hội". Theo luật quốc tế, Nhà nước là chủ thể duy nhất nắm chủ quyền và lãnh thổ, nếu như chủ quyền và lãnh thổ thuộc về Trung Hoa Dân Quốc, đồng nghĩa với việc Trung Hoa Dân Quốc là một Nhà nước. Ngoài ra, Tưởng Giới Thạch coi Tôn Trung Sơn là quốc phụ của Trung Hoa Dân Quốc vì Tôn Trung Sơn khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc. Từ "quốc phụ" hay "father of the nation/country" có thể được dùng trong trường hợp của George Washington đối với Mỹ vì nước Mỹ khi đó mới thực sự được sinh ra và trước đó chưa có một Nhà nước nào trên vùng lãnh thổ và quản lý cộng đồng dân cư đó cả. Khi gọi Tôn Trung Sơn là quốc phụ của Trung Hoa Dân Quốc có nghĩa là Trung Hoa Dân Quốc là một Nhà nước mới, tương tự như Mỹ ở ví dụ trên.  
Tuy nhiên, luật quốc tế hiện nay chịu nhiều ảnh hưởng bởi sự giải thích của triết học chính trị phương Tây, nên khái niệm Nhà nước và chính phủ được tách biệt. Theo đó, trên phương diện luật quốc tế và trong quan hệ quốc tế, Nhà nước Trung Quốc là duy nhất và kéo dài từ thời nhà Tần cho đến hiện tại không đổi. Cái thay đổi là chính phủ quản lý Nhà nước Trung Quốc mà thôi, như thời phong kiến là các triều đại với hoàng đế đứng đầu, còn thời hiện đại là chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Có thể lấy ví dụ như vào năm 1841 khi nhà Thanh kí vào các hiệp ước với Đế quốc Anh trong Chiến tranh Nha Phiến, họ kí dưới tên Đế quốc Trung Quốc (Empire of China) chứ không phải Đế quốc Đại Thanh (the Great Qing Empire). Điều này là hợp lý trong luật quốc tế vì hiệp ước phải được ký giữa hai Nhà nước, chính phủ chỉ đại diện cho Nhà nước ký và thực thi mà thôi. Như vậy, theo luật quốc tế và trong quan hệ quốc tế, nhà Thanh chỉ là chính phủ đại diện cho Nhà nước Trung Quốc chứ bản thân nhà Thanh không phải là một Nhà nước. Tương tự như vậy, khi Quốc dân đảng thành lập Trung Hoa Dân Quốc kế thừa nhà Thanh, Trung Hoa Dân Quốc là một chính phủ, không phải Nhà nước mới. Dù cho thể chế chính trị có thể thay đổi, hình thái chính phủ có thể thay đổi, nhưng lãnh thổ và dân cư là không đổi (một cách tương đối). Nhà nước Trung Quốc được hình thành dưới thời Tần Thuỷ Hoàng và luôn được duy trì cho đến hiện tại. Theo luật quốc tế và trong quan hệ quốc tế, khi Quốc dân đảng rút về Đài Loan năm 1949, Trung hoa Dân Quốc vẫn là chính phủ đại diện của Nhà nước Trung Quốc. Điều này đúng với cả chính phủ CHNDTH vì khi họ thay thế THDQ trong Liên hợp quốc họ không gia nhập với tư cách một Nhà nước thành viên mới, họ chỉ thay thế THDQ với tư cách là đại hiện mới của Nhà nước Trung Quốc mà thôi. 
III. Lịch sử Đài Loan 
1. Đài Loan trước khi sáp nhập vào Trung Quốc 
Từ thời cổ đại, những cư dân đầu tiên trên đảo Đài Loan là những cộng đồng người Nam Đảo và đây chính là những nhóm dân tộc bản địa của Đài Loan. Đến thế kỉ 16, các thuỷ thủ người Bồ Đào Nha đi ngang qua khu vực này , "khám phá" ra đảo Đài Loan và đặt tên là Formosa (Formosa có nghĩa là đẹp trong tiếng Bồ Đào Nha). Không xa đảo Đài Loan, còn có đảo Bành Hồ được các thuỷ thủ phương Tây đặt tên là Pescadores (có nghĩa là ngư dân). Đảo Formosa và Pescadores được giới thiệu lần đầu tiên trên một tấm bản đồ châu Âu vào những năm 1550. Bắt đầu từ khoảng thời gian này, các nhóm người Hán, chủ yếu là thương nhân, ngư dân, và cướp biển bắt đầu di cư từ miền Nam Trung Quốc Đại Lục đến Đài Loan. Những người Hán di cư đến Đài Loan từ giai đoạn này cho đến năm 1895 gồm hai nhóm chính là người Mân Nam (Hoklo) và người Khách Gia (Hakka). Nhóm người này được gọi chung là người bản tỉnh hay nội tỉnh (本省人) để phân biệt với các nhóm dân tộc bản địa, và nhóm người Hán di cư đến Đài Loan sau năm 1945 được gọi là người ngoại tỉnh (外省人).  
Đầu thế kỉ 17, người Hà Lan đến đảo Bành Hồ và lập thuộc địa tại đây với công ty Đông Ấn Hà Lan. Nhà Minh luôn coi Bành Hồ thuộc phạm vi lãnh thổ của mình nên đưa quân đến đánh và yêu cầu người Hà Lan rời đi và có thể tới đảo Đài Loan vì đảo Đài Loan khi đó trong mắt chính quyền nhà Minh không được coi trọng và không nằm trong cương vực lãnh thổ Trung Quốc. Người Hà Lan lập thuộc địa tại đảo Đài Loan cũng như bắt đầu phát triển nông nghiệp và thương mại tại đây. 
Ở Trung Quốc Đại Lục, người Mãn Châu đánh bại nhà Minh và lập nên nhà Thanh cai trị Trung Quốc từ năm 1644. Rất nhiều người Hán bất mãn đã quyết định rời khỏi Đại Lục. Trịnh Thành Công là một vị tướng thề trung thành với nhà Minh đã đem người thân và quân lính di cư đến đảo Đài Loan. Quân của Trịnh Thành Công sau đó đã đuổi được người Hà Lan đi và chính thức cai trị khu vực Đài Loan như hiện nay. Dưới thời nhà Trịnh, Đài Loan có những bước phát triển đầu tiên, văn hoá và giáo dục của người Hán được đem vào áp dụng, ngoại thương cũng được chú trọng. Sau khi Trịnh Thành Công chết, con trai ông là Trịnh Kinh lên nắm quyền và tiếp nối sứ mệnh phản Thanh phục Minh nhưng sau cũng chết trên chiến trường. Sau khi thấy ngày càng nhiều người Hán di cư đến Đài Loan, chính quyền nhà Thanh cũng cảm thấy đây là một mối lo, đặc biệt là với sự cai trị của nhà Trịnh tại đây. Hoàng đế nhà Thanh khi đó là Khang Hy quyết định chinh phục hòn đảo này và thành công vào năm 1683. Đến năm 1885, khu vực Đài Loan chính thức trở thành một tỉnh của Trung Quốc.  
2. Đài Loan dưới sự cai trị của Trung Quốc và Nhật Bản 
Sau khi chiếm được Đài Loan, triều đình nhà Thanh vẫn không mấy coi trọng khu vực này. Lý do lớn nhất để tấn công Đài Loan là vì lo ngại tầm ảnh hưởng của thế lực nhà Trịnh, cũng như muốn quản lý cộng đồng người Hán tại đây. Sau khi chính quyền của nhà Trịnh bị đánh bại, triều đình trung ương cũng không còn tập trung vào khu vực này nữa. Thậm chí, quan viên còn khuyên người Hán quay trở lại Đại Lục, trở lại các tỉnh lân cận như Quảng Đông hay Phúc Kiến. Ngoài ra, Khang Hy cũng không muốn khu vực này trở thành nơi trú ngụ của cướp biển hay những thành phần phản loạn, càng không muốn các nước phương Tây chiếm được gây hại cho an ninh của quốc gia. Đài Loan được sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc nhưng phần lớn là vì lý do an ninh, triều đình trung ương không hề có ý định phát triển khu vực này. Chính vì thế, trong suốt hơn 200 năm dưới thời nhà Thanh, có hàng trăm cuộc nổi dậy chống chính quyền, tuy nhiên đều thất bại. 
Năm 1894, chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất nổ ra do mẫu thuẫn về vấn đề Triều Tiên. Trước sự ngỡ ngàng của nhà Thanh, quân Nhật giành chiến thắng, buộc triều đình nhà Thanh phải ký với Nhật Hiệp ước Shimonoseki năm 1895. Theo hiệp ước này, Trung Quốc sẽ phải nhượng lại vĩnh viễn chủ quyền đối với tỉnh Đài Loan cho Nhật. Nhà Thanh đồng ý một phần cũng vì không mấy coi trọng khu vực Đài Loan. Người dân Đài Loan bất mãn và yêu cầu triều đình trung ương rút lại hiệp ước nhưng bị khước từ. Họ nổi dậy chống lại quân Nhật nhưng đều gặp phải thất bại. Nhật Bản sau đó chính thức sáp nhập Đài Loan vào cương giới lãnh thổ của mình. 
Mười sáu năm sau Hiệp ước Shimonoseki, nhà Thanh sụp đổ. Năm 1912, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc được thành lập và được cộng đồng quốc tế công nhận là chính phủ kế nhiệm nhà Thanh đại diện cho Nhà nước Trung Quốc. Đến năm 1941, trong bối cảnh Thế Chiến II, chính phủ THDQ tuyên bố huỷ bỏ toàn bộ những hiệp ước "không công bằng" đã kí trước đó giữa Nhật Bản và Trung Quốc, bao gồm cả Hiệp ước Shimonoseki 1895. Năm 1943, Mỹ, Anh, và Trung Quốc (THDQ) họp tại Cairo (Ai Cập) và đưa ra tuyên bố chung về trật tự thế giới hậu Thế Chiến II, trong đó ba cường quốc đồng ý về việc Đài Loan sẽ trở về với Trung Quốc (THDQ).  Đến năm 1945, ba cường quốc họp lại một lần nữa ở Postdam và đưa ra một tuyên bố tương tự liên quan đến Đài Loan. Ngày 2/9/1945, Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh, Thế Chiến II chính thức khép lại. Ngay sau đó, Mỹ trở thành quốc gia tiếp quản toàn bộ lãnh thổ của Nhật, bao gồm cả Đài Loan. Tuy nhiên, Mỹ đã giao nhiệm vụ giải giáp quân Nhật ở Đài Loan cho Trung Quốc (THDQ) vì cho rằng rồi thế nào Đài Loan cũng sẽ về với Trung Quốc đúng như các tuyên bố trước đó. Ngay sau đó, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tiếp tục quản lý đảo Đài Loan, kết thúc 50 năm cai trị của Đế quốc Nhật.  
Trong Đại Lục, sau khi Quốc dân đảng lập ra Trung hoa Dân Quốc, đảng Cộng sản Trung Quốc cũng được khai sinh và ngày càng có nhiều ảnh hưởng. Mặc dù chính phủ Trung Hoa Dân Quốc được phần lớn cộng đồng quốc tế công nhận nhưng trên thực tế họ không quản lý trực tiếp toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Trong cuộc chiến chống Đế quốc Nhật, Quốc dân đảng cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của đảng Cộng sản để tiêu diệt kẻ thù chung. Sau khi đánh bại quân Nhật, mâu thuẫn về ý thức hệ và cách thức điều hành đất nước giữa hai bên đã làm bùng lên cuộc nội chiến từ năm 1927. Cuộc nội chiến đạt đến đỉnh điểm vào năm 1948 và kết thúc bằng sự chiến thắng của đảng Cộng sản Trung Quốc. Đảng Cộng sản chiếm được phần lớn lãnh thổ và lập nên chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949 đặt thủ đô tại Bắc Kinh. Trong khi đó, Tổng thống Tưởng Giới Thạch đưa toàn bộ chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cùng với 1,2 triệu người từ Đại Lục di chuyển tới Đài Loan. Tưởng Giới Thạch tuyên bố Đài Bắc trở thành thủ đô lâm thời của THDQ cho tới khi lấy lại được Đại Lục từ tay đảng Cộng sản. Mặc dù cũng có những cuộc chiến quy mô nhỏ vào những năm 1950, nhưng sau đó về cơ bản cả hai bên đều duy trì hiện trạng này.  
IV. Vị thế của Đài Loan 
Ban đầu, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc vẫn có thể duy trì được vai trò đại diện cho Nhà nước Trung Quốc của mình trên trường quốc tế. Vào thời điểm sau nội chiến, chiếc ghế Hội đồng Bảo an của Liên hợp quốc vẫn do THDQ nắm. Tuy nhiên, thời gian qua đi, ngày càng nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế chuyển sang công nhận tính chính danh của chính phủ CHNDTH, đồng nghĩa với việc chấm dứt quan hệ ngoại giao chính thức với THDQ. Năm 1971, Đại Hội đồng Liên hợp quốc quyết định công nhận Chính phủ CHNDTH là đại diện hợp pháp duy nhất của Nhà nước Trung Quốc và loại bỏ THDQ ra khỏi tổ chức này. Năm 1979, Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với CHNDTH và thừa nhận chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Tuy vậy, Mỹ vẫn cam kết sẽ bảo vệ Đài Loan bằng Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act). Hiện nay, chỉ còn 13 quốc gia và Vatican có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Tuy nhiên, hầu hết đây chỉ là những quốc gia nhỏ lẻ ở châu Phi, và khu vực Caribe châu Mỹ Latin. Câu hỏi được đặt ra là rốt cuộc chính thể Đài Loan hay THDQ hiện nay là gì, Đài Loan là một Nhà nước độc lập, là một phần của Trung Quốc, hay chính là đại diện của cả Trung Quốc? 
Như đã trình bày ở trên, khi bàn tới sự hình thành của một Nhà nước mới, thuyết tuyên bố thường được áp dụng hơn. Theo đó, một chính thể đáp ứng đầy đủ những đặc điểm của một Nhà nước theo Công ước Montevideo sau khi tuyên bố độc lập với tư cách là một Nhà nước mới sẽ chính thức trở thành một Nhà nước. Vì chính thể Đài Loan đã đáp ứng đầy đủ những đặc điểm theo Công ước Montevideo (có chính phủ hữu hiệu, có lãnh thổ rõ ràng, có dân cư ổn định, và có khả năng tham gia vào các quan hệ quốc tế), điều cần lưu ý duy nhất còn lại là một tuyên bố độc lập thể hiện được mong muốn chung của dân cư nơi đây. 
1. Quan điểm của lãnh đạo Đài Loan  
Từ năm 1949, chính phủ THDQ ở Đài Loan đã trải qua bảy đời tổng thống chính thức. Hai tổng thống đầu tiên là cha con Tưởng Giới Thạch - Tưởng Kinh Quốc quản lý Đài Loan tương đối độc tài thông qua việc áp dụng thiết quân luật. Trong suốt khoảng thời gian này, Tưởng Giới Thạch vẫn luôn ấp ủ dự định lấy lại Đại Lục. Theo quan điểm của ông, Đài Loan chỉ là một căn cứ tạm thời chờ tới khi quay trở lại Đại Lục. Đó là lý do vì sao Tưởng Giới Thạch rất quyết liệt đàn áp các phong trào độc lập ở Đài Loan. Chính quyền cấm sử dụng các ngôn ngữ bản địa và cả các phương ngữ như Phúc Kiến và Khách Gia. Các chính sách Hán hoá đảo Đài Loan cũng được áp dụng để tuyên truyền cho chính sách Một Trung Quốc, luôn nhấn mạnh Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, và Trung Hoa Dân Quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất của Nhà nước Trung Quốc này. Tưởng Kinh Quốc tuy đã phần nào từ bỏ giấc mơ quay trở lại Đại Lục nhưng vẫn để mở cho câu chuyện hợp nhất một Trung Quốc.  
Sau khi Tưởng Kinh Quốc qua đời, Lý Đăng Huy khi đó là phó tổng thống lên nắm quyền và rốt ráo đẩy mạnh quá trình dân chủ hoá ở Đài Loan. Với sự cố gắng của Lý Đăng Huy, năm 1996, Đài Loan đã tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên, Lý Đăng Huy tái đắc cử tổng thống và trở thành người nội tỉnh đầu tiên làm lãnh đạo chính phủ THDQ. Dù là chủ tịch Quốc dân đảng, Lý Đăng Huy không muốn lấy lại Đại Lục nữa mà muốn tập trung nguồn lực vào Đài Loan. Một loạt các cải cách được thực hiện, từ trong hiến pháp cho đến cơ cấu tổ chức, để phản ánh chính xác hơn hiện thực của Đài Loan. Cụ thể hơn, cuộc tổng tuyển cử sẽ chỉ bao gồm cử tri thuộc "vùng tự do" chỉ tỉnh Đài Loan, chứ không bao gồm cử tri đại diện của "vùng đại lục" như trước nữa. Tuy có cố gắng đẩy mạnh danh tính Đài Loan, do thời điểm này chính phủ CHNDTH ngày một lớn mạnh, Lý Đăng Huy cũng tương đối cẩn trọng trong vấn đề Đài Loan độc lập. 
So với Lý Đăng Huy, Tổng thống Trần Thuỷ Biển thuộc đảng Dân Tiến còn chú trọng hơn nữa vấn đề danh tính Đài Loan. Mặc dù ông cũng không muốn chọc giận Bắc Kinh bằng những chính sách quá rõ ràng ủng hộ Đài Loan độc lập, nhưng ông bắt đầu sử dụng thuật ngữ Đài Loan và THDQ song song với nhau. Khi nói về Đài Loan, ông nói đây là một quốc gia độc lập có chủ quyền. Tuy nhiên, cũng không thể xem đây là tuyên bố độc lập của một quốc gia hay Nhà nước mới được vì Nhà nước mà ông nói đến vẫn là Nhà nước Trung Quốc với chính phủ THDQ, không phải một Nhà nước mới mang tên Đài Loan. Đài Loan ở đây chỉ sử dụng để thay thế cho THDQ mà thôi. 
Sau Trần Thuỷ Biển, Mã Anh Cửu thuộc Quốc dân đảng chiến thắng tổng tuyển cử và trở thành tổng thống tiếp theo của THDQ. Mã Anh Cửu là lãnh đạo Đài Loan có những chính sách được xem là thân Đại Lục nhất tính đến thời điểm hiện tại. Trong suốt nhiệm kì của mình, ông luôn tìm cách thúc đẩy quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan. Quan hệ giữa hai bên trong giai đoạn này trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết. Mã Anh Cửu cực kì tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc và quan điểm này cũng được ông nhắc lại nhiều lần trong cuộc gặp lịch sử của ông với Chủ tịch nước Tập Cận Bình tại Singapore năm 2015. 
Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến đắc cử tổng thống THDQ trong giai đoạn người dân Đài Loan, sau khi chứng kiến những gì diễn ra tại HongKong, đã gần như không còn tin tưởng vào lời hứa "một quốc gia-hai chế độ" mà chính quyền Bắc Kinh đề ra. Thái Anh Văn kịch liệt phản đối vấn đề hợp nhất và luôn khẳng định Trung Hoa Dân Quốc tự thân đã là một quốc gia độc lập rồi và không cần phải tuyên bố gì nữa. Các chính sách thúc đẩy văn hoá địa phương, văn hoá bản địa của Đại Loan hết sức được nhấn mạnh trong thời kì bà Thái Anh Văn làm tổng thống. Đầu năm 2021, chính phủ THDQ quyết định thay đổi một chút bìa của hộ chiếu bằng cách xoá bỏ phần tiếng Anh ghi Republic of China đi. Nhiều người cho rằng đây là động thái cho thấy bả ủng hộ Đài Loan độc lập với tư cách là Đài Loan chứ không phải THDQ nữa. Tuy nhiên, tựu chung lại, Thái Anh Văn dù có những động thái ủng hộ, vẫn chưa từng có tuyên bố chính thức về việc độc lập của một Nhà nước Đài Loan mới cả.  
Trong cuộc tổng tuyển cử đầu năm 2024, Lại Thanh Đức đến từ đảng Dân Tiến đã đắc cử tổng thống. Lại Thanh Đức trước đây được xem là một người ủng hộ mạnh mẽ câu chuyện Đài Loan độc lập. Tuy nhiên, những năm gần đây và đặc biệt là từ khi tranh cử, ông đã có những điều chỉnh hài hoà hơn để tránh kích động chính quyền Bắc Kinh. Quan điểm của Lại Thanh Đức về vị thế chính trị của Đài Loan hiện tại là Đài Loan đã là một quốc gia độc lập có chủ quyền rồi và quốc gia đó gọi là Trung Hoa Dân Quốc. Đây là cách sử dụng mập mờ hai thuật ngữ Đài Loan và THDQ như các lãnh đạo trước đây, và không thể được xem là tuyên bố độc lập cho một Nhà nước Đài Loan mới.  
Tổng kết lại, chính phủ THDQ cho tới thời điểm hiện tại chưa từng tuyên bố độc lập cho một Nhà nước Đài Loan. Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc, và Mã Anh Cửu luôn có lập trường nhấn mạnh Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc (THDQ). Trong khi đó, Lý Đăng Huy, Trần Thuỷ Biển, Thái Anh Văn, và hiện tại là Lại Thanh Đức đều có xu hướng ủng hộ một danh tính dân tộc Đài Loan độc lập so với Trung Quốc nhưng cũng vẫn chưa từng đưa ra tuyên bố chính thức nào liên quan đến vấn đề Đài Loan độc lập cả. Vậy nên, căn cứ theo thuyết tuyên bố, Đài Loan cho đến hiện tại không phải là một Nhà nước độc lập có chủ quyền.  
2. Xã hội Đài Loan 
Ngoài quan điểm của các lãnh đạo, cũng cần xem xét quan điểm của người dân Đài Loan về vấn đề danh tính và tương lai chính trị của hòn đảo này như thế nào vì tuyên bố độc lập sẽ chỉ được coi là chính danh nếu tuyên bố đó phản ảnh thực chất mong muốn của người dân mà thôi. Xã hội Đài Loan có khi được chia làm ba nhóm: nhóm dân tộc bản địa Nam Đảo, nhóm người nội tỉnh (chủ yếu là người Mân Nam và Khách Gia di cư đến Đài Loan trước 1895 - thời điểm Đài Loan rơi vào tay Nhật), và nhóm người ngoại tỉnh (nhóm người từ Đại Lục di cư đến Đài Loan sau 1945 - thời điểm Đài Loan do chính phủ THDQ quản lý). Thông thường, ba nhóm người này có những quan điểm rất khác biệt về danh tính của bản thân cũng như mong muốn không đồng nhất về vị thế chính trị và tương lai của hòn đảo này. Kể từ khi Đài Loan dân chủ hoá, quan điểm của người dân ngày càng có vai trò lớn hơn đến tình hình chính trị của Đài Loan. 
Dưới thời Nhật đô hộ, chính phủ áp rất nhiều các chính sách đồng hoá đảo Đài Loan. Tuy không phải không có phản kháng, nhưng một phần nào đó chính sách đồng hoá của Nhật có ảnh hưởng tương đối lớn lên xã hội Đài Loan lúc bấy giờ và kể cả đến hiện tại. Rất nhiều cư dân đảo Đài Loan thời điểm đó nói tiếng Nhật, tuôn thủ theo văn hoá truyền thống Nhật, và cũng coi bản thân là người Nhật. Không ít cư dân Đài Loan cảm thấy tự hào khi được chiến đấu cùng quân đội Đế quốc Nhật trong Thế Chiến II. Những người phản đối thường là tầng lớp trí thức, sau khi tiếp nhận nền giáo dục của Nhật Bản lại nhận ra rằng họ không  những đang bị đồng hoá mà cũng luôn bị coi là công dân thứ cấp trong xã hội Nhật Bản.  
Sau khi Nhật rút khỏi Đài Loan năm 1945, chính phủ THDQ lấp đầy bộ máy quản lý tỉnh Đài Loan bằng quan chức người Hán từ Đại Lục gửi sang. Chính phủ trung ương không tin tưởng những người nội tỉnh vì cho rằng họ đã bị Nhật Bản hoá quá lâu rồi. Nhóm những người nội tỉnh cũng nổi giận và phản ứng lại khi chính phủ áp dụng các chính sách được cho là phân biệt đối xử đối với phong tục, ngôn ngữ, truyền thống văn hoá đặc trưng của họ, trong khi đó không ngừng thu lợi từ các nguồn tài nguyên của Đài Loan. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào ngày 28 tháng 2 năm 1947 tại Đài Bắc hay còn được gọi là Sự kiện 228. Hàng nghìn người nội tỉnh đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ chống lại chính phủ. Sự kiện 228 để lại vết thương lịch sử giữa nhóm người nội tỉnh và ngoại tỉnh ở Đài Loan mà ảnh hưởng của nó còn tồn tại cho đến tận ngày hôm nay. Đến thời điểm mất đi Đại Lục, chính phủ THDQ rút lui đến Đài Loan năm 1949 và ngay lập quản lý tỉnh Đài Loan bằng thiết quân luật. Các chính Hán hoá tỉnh Đài Loan càng được áp dụng cực đoan  hơn. Tiếng Quan thoại được coi là quốc ngữ, các ngôn ngữ khác của người bản địa hay "phương ngữ" Phúc Kiến Đài Loan và Khách Gia đều bị hạn chế sử dụng trong khi phần lớn dân cư Đài Loan lúc bấy giờ không hề nói tiếng Quan Thoại. Phần lớn nhóm người ngoại tỉnh, bao gồm cả chính phủ THDQ, đều coi Đài Loan là căn cứ tạm thời và chờ ngày quay trở lại Đại Lục. Mâu thuẫn giữa hai nhóm người cai trị và bị trị dần dần tăng lên, làn sóng tẩy chay Quốc dân đảng và người ngoại tỉnh cũng âm ỉ diễn ra trong xã hội Đài Loan lúc bấy giờ. Nhóm người phản đối chính phủ cho rằng, cộng đồng cư dân Đài Loan là một dân tộc riêng biệt, tuy cùng là người Hán nhưng họ không còn giống với người Hán ở Đại Lục nữa rồi. Đối với họ, Đài Loan cần phải được độc lập, không phải là Trung Quốc nữa, cũng không phải là THDQ.  
Tuy nhiên, kể từ sau khi dân chủ hoá, xã hội Đài Loan chấp nhận một loại danh tính mới là người Đài Loan. Người Đài Loan ở đây sẽ bao gồm tất cả cư dân tại Đài Loan, bất kể là người bản địa, người ngoại tỉnh, hay người nội tỉnh. Tất cả người Đài Loan đều coi Đài Loan là quê hương của mình, không phải Đại Lục. Quan điểm này đặc biệt phổ biến ở nhưng thế hệ sinh ra sau này, họ sinh ra và lớn lên ở Đài Loan, vậy nên cho dù xuất thân là gì thì họ cũng chỉ trung thành với Đài Loan mà thôi. Trong cuộc khảo sát hàng năm của trường Đại học Quốc Lập Chính trị (National Chengchi University), số người chọn coi họ là người Trung Quốc giảm đi đáng kể trong những thập niên gần đây, giảm từ 26,2% vào năm 1994 xuống còn 2,4% vào năm 2022. Trong khi đó, vào năm 2022, có đến 63,7% số người được khảo sát chỉ coi họ là người Đài Loan mà thôi.  
Mặc dù, dựa trên khảo sát, ngày càng nhiều người chỉ coi họ là người Đài Loan, chứ không phải là Trung Quốc hay vừa Đài Loan vừa Trung Quốc nữa, nhưng phần lớn đều khá thận trọng trong việc tuyên bố độc lập vào thời điểm hiện tại do những lo ngại về an ninh từ phía Bắc Kinh. Các nhóm ủng hộ độc lập không ngừng yêu cầu cần có một cuộc trưng cầu dân ý về vấn danh tính và tương lai của Đài Loan, tuy nhiên, cho đến hiện tại, vẫn chưa từng có một cuộc trưng cầu dân ý nào cả. 
V. Kết luận 
Vị thế chính trị và pháp lý của chính thể tại Đài Loan luôn là một vấn đề phức tạp với nhiều lớp lang cần  phải được cân nhắc cẩn thận. Thứ nhất, quan niệm về Nhà nước và chính phủ trong hệ thống triết học - chính trị - lịch sử tại Trung Quốc không phải lúc nào cũng tương đồng với phương Tây. Vậy nên khi lãnh đạo THDQ hay CHNDTH đưa ra các tuyên bố liên quan, cần phải lưu ý bối cảnh để tránh hiểu nhầm. Thứ hai, luật quốc tế không có quy định rõ ràng về quá trình hình thành của một Nhà nước. Thứ ba, sau nhiều lần sáp nhập và chuyển giao, xã hội Đài Loan hiện tại không đồng nhất và có những quan điểm khác nhau về danh tính, vị thế, và tương lai của Đài Loan. Thứ tư, lãnh đạo của Đài Loan, vô tình hay hữu ý, cũng thường đưa ra những tuyên bố mập mờ và không rõ ràng về vị thế của chính thể này. 
Tuy có rắc rối, nhưng trong phạm vi bài viết này có thể tạm thời đưa có thể đưa ra kết luận cho câu hỏi nếu dựa trên cơ sở luật quốc tế thì Đài Loan có phải một quốc gia hay không, thì câu trả lời ngắn gọn là không. Chưa từng có một chính phủ nào tuyên bố độc lập chính thức cho một Nhà nước Đài Loan cả nên sẽ không thể coi Đài Loan là một Nhà nước độc lập có chủ quyền. Cũng chưa từng có một cuộc trưng cầu dân ý nào được tổ chức trên quy mô toàn Đài Loan về câu hỏi này cả nên cũng chưa thể đưa ra kết luận về mong muốn của người dân tỉnh Đài Loan về vấn đề độc lập tại thời điểm này. Tuy nhiên, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc có phải là đại diện hợp pháp của Nhà nước Trung Quốc hay không thì phải dựa vào lập trường của từng Nhà nước và tổ chức quốc tế. Có ít nhất 13 quốc gia hiện đang có quan hệ ngoại giao chính thức với chính thể ở Đài Loan với tư cách là đại diện cho Nhà nước Trung Quốc.  
-- 
Tài liệu tham khảo chính: 
Bodo, W. (2019). Introduction to Chinese History From Ancient Times to 1912. Routledge. https://doi.org/10.4324/9780429050978   
Center for Strategic & International Studies. (n.d.). A brief history of modern China and Taiwan. https://www.csis.org/programs/international-security-program/isp-archives/asia-division/cross-strait-security-initiativ-0  
Chiang, F. (2018). The One-China Policy: State, Sovereignty, and Taiwan's International Legal Status. Elsevier. https://doi.org/10.1016/B978-0-08-102314-3.00005-7   
Davison, G.M. (2003). A Short History of Taiwan: The Case for Independence. Praeger.    
Election Study Center. (2022, July 12). Taiwanese / Chinese Identity(1992/06~2022/06). National Chengchi University. https://esc.nccu.edu.tw/PageDoc/Detail?fid=7800&id=6961   
Eberhard, W. (1987). A history of China. University of California Press. https://library.um.edu.mo/ebooks/b30863582.pdf   
Government Portal of the Republic of China. (n.d.). History. https://www.taiwan.gov.tw/content_3.php    
Jacobs, J. B., & Liu, I. B. (2007). Lee Teng-Hui and the Idea of “Taiwan”. The China Quarterly, 190, 375–393. http://www.jstor.org/stable/20192775   
James, C. (2007). The creation of States in international law. Oxford University Press. 10.1093/acprof:oso/9780199228423.001.0001   
Nachman, L., & Hioe, B. (2020, April 23). No, Taiwan’s President isn’t ‘pro-independence’. The Diplomat. https://thediplomat.com/2020/04/no-taiwans-president-isnt-pro-independence/   
Office of President Republic of China. (n.d.). Constitution of the Republic of China (Taiwan). https://english.president.gov.tw/page/93#:~:text=The%20ROC%20Constitution%20was%20adopted,25%20of%20the%20same%20year.   
Shih, C., & Chen, M. (2010). Taiwanese Identity and the Memories of 2-28: A case for political reconciliation. Asian Perspective, 34(4), 85–113. http://www.jstor.org/stable/42704735  
Sullivan, J., & Lowe, W. (2010). Chen Shui-bian: On independence. The China Quarterly, 203, 619–638. http://www.jstor.org/stable/27917799