Từ rất lâu rồi, cuộc chiến trường chuyên – trường thường giữa cộng đồng mạng vẫn chưa bao giờ đến hồi kết. Mỗi khi một kỳ thi lớn được tổ chức, khi báo đài đưa tin hình ảnh khi 2 ngôi trường: một chuyên và một không chuyên tình cờ tổ chức những sự kiện có điểm tương đồng, làn sóng so sánh, phân tích, công kích lẫn nhau lại nổi lên.

Trong đó số bài công kích các trường chuyên nhà giàu, kiêu ngạo rất nhiều và số bài phản bác, thanh minh cho trường chuyên cũng nhiều không kém. Thời cấp 3, Phương là một học sinh trường chuyên nên có lẽ nhiều bạn cho rằng, mình chắc sẽ hả hê lắm khi đọc được những bài viết dài đề cao trường chuyên và công kích các trường còn lại. Tuy nhiên, mình cực kì không thoải mái, lí do là bời:

1. Khoảng cách tiêu cực phần nào đến tự định kiến “cứ học chuyên là giỏi” từ phụ huynh

Mô hình “trường chuyên, lớp chọn” xuất hiện từ năm 1966, nhưng suốt 55 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa lí giải định nghĩa “trường chuyên” một cách cụ thể và xác đáng nhất. Nhưng có thể tạm nói Hệ thống “trường chuyên” tuyển chọn học sinh dựa trên khả năng năng khiếu vượt trội MỘT MÔN HỌC DUY NHẤT trong chương trình THPT.
Dù đầu vào chỉ là học giỏi vượt trội ở một môn học thôi, nhưng người ta hình như đã quen cho rằng những em học sinh trường chuyên là những học sinh “kiểu mẫu” qua bức tranh hoa mỹ của báo đài mà thành ra chỉ một lỗi nhỏ cũng trở thành đề tài bàn tán. Tất cả những hiện tượng đó đã dẫn về một kết quả là học sinh trường chuyên, học sinh trường không chuyên tự cho nhau ở 2 thế giới khác nhau và đôi khi còn có ý kiến tiêu cực về nhau.
Phương cho rằng giỏi cái gì cũng là một loại tài năng. Giỏi Toán là có tài năng về logic, giỏi Anh, Pháp, Nhật, v.v là có tài năng về ngôn ngữ, giỏi nấu ăn, giỏi vẽ, giỏi nói trước đám đông, v.v đều là tài năng. Các bậc phụ huynh cũng nên trân trọng tài năng của con mình: nếu các em giỏi các môn văn hóa trên trường, trường chuyên là nơi nuôi dưỡng tài năng lí tưởng, với các em có sở trường là những lĩnh vực khác, những môi trường khác có thể sẽ phù hợp với các em hơn.
Đừng để mô hình đáng ra là cái nôi đào tạo học thuật, nuôi dưỡng ước mơ của các em nhỏ trở thành nỗi ám ảnh của các em.

2. Trường học đáng ra là nơi mà ai cũng cảm thấy như nhau

Các em trường chuyên, thực chất trên lớp các em vẫn dùng SGK phổ thông như các trường khác, các em học sinh các trường còn lại, các em cũng có tài năng, sở trường ở những lĩnh vực mà nhà trường không giảng dạy. Các em thực chất không khác nhau đến vậy đâu.
Khi lên đại học cũng là lúc mô hình trường chuyên, lớp chọn không được áp dụng nữa, nghĩa là học sinh trường nào rồi cũng có thể học cùng 1 trường đại học, cùng khoa, cùng lớp, mình thấy rằng bức tường ngăn cách giữa những kiểu học sinh nó thật sự vô nghĩa.
Con người em không được quyết định bởi điểm số, huống gì là điểm số của chỉ 1 kỳ thi. Khi em vào trường A, em sẽ có được trải nghiệm A1 A2 A3... An. Khi em vào trường B, C cũng tương tự. Điều quan trọng cốt lõi vẫn là cách học hỏi và rèn luyện bản thân của em. Nếu em biết tận dụng thời gian để khám phá bản thân, học hỏi bí quyết giỏi một môn từ người thật sự đam mê lĩnh vực đó, mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn một lần, tham gia tích cực các hoạt động hướng nghiệp... thì em có thể thành công ở bất kỳ nơi đâu.

3. Việc học ở trường chuyên chưa bao giờ đi liền với việc bạn sẽ thành công trên đường đời.

Thị trường việc làm sau cấp 3 hoặc ĐH khắc nghiệt hơn nhiều so với việc cạnh tranh điểm số ở trường lớp (kể cả trường chuyên). McKinsey, Forbes và BBC đều có bài viết về việc "5 triệu việc làm sẽ biến mất nhờ sự tự động hóa vào năm 2030" (tức là khi các em đang học lớp 9-11 tốt nghiệp đại học/ cao đẳng và đang là 1 thành viên của cộng đồng "rao bán bản thân qua kĩ năng làm việc").
Các báo này cũng đưa ra nhiều bài phân tích về kĩ năng cần có trong thời đại mới; bao gồm kĩ năng tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, kĩ năng giao tiếp, khả năng đối phó với stress, v.v
Thế mà quá nhiều người lầm sự khác biệt giữa người với người nằm ở ngôi trường cấp 3.
Nếu bị vây bủa bởi hiệu ứng đám đông, của bệnh thành tích học-thi-thi-học của cha mẹ từ bé đến lớn mà em vẫn học được cách chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng bản sắc cá nhân thì em mới thực sự giỏi. Còn nếu vẫn tiếp tục thù địch, hay theo ngôn ngữ giới trẻ bây giờ là “gây war”, tạo khoảng cách giữa các ngôi trường thì mình nghĩ vẫn còn non nớt quá.
Bản chất của thành công không nằm ở điểm số, tấm bằng đại học, thậm chí là lương của bạn. Bản chất của thành công nằm ở việc bạn bền bỉ và bản lĩnh thế nào khi vượt qua thử thách cuộc đời. Nếu Walt Disney, Henry Ford, J.K.Rowling, Oprah Winfrey đánh giá bản thân ở tuổi 25 theo thang điểm ở trên chắc họ sẽ mất động lực lắm vì họ không tài sản lẫn thành quả nổi trội khi ấy!

4.  Những định kiến sẽ chiếm lấy em nếu em không biết chế ngự
chúng

Em đỗ trường chuyên rồi, giờ sao? Gia đình em có kỳ vọng em phải
nhất lớp, phải vào đội tuyển toán, phải đi thi Đường lên đỉnh Olympia,
phải đạt điểm tuyệt đối môn anh văn? Gia đình em có tiếp tục đặt ra kỳ
vọng mới là em phải đỗ Y Dược, Bách Khoa, Ngoại Thương… không?
Chính em có đặt ra kỳ vọng gì cho bản thân không? Em mong muốn bản
thân phải tốt nghiệp THPT với số điểm bao nhiêu? Và em sẽ làm gì để
thỏa mãn kỳ vọng đó? Và em sẽ làm gì nếu không?

Trải nghiệm cá nhân của Phương ở trường chuyên không màu hồng
lắm. Mình không phải là "học sinh giỏi", và tinh thần mình đã xuống dốc
kha khá. Mình biết rất nhiều bạn chưa thể phục hồi khỏi việc là "thành
viên không giỏi" sau 2,3,5 (thậm chí hơn) tốt nghiệp trường chuyên.
Nhưng mà… nguồn gốc của thất vọng chính là kỳ vọng! Nếu bạn xem
tất cả là trải nghiệm, là cơ hội khác nhau để học hỏi và phát triển bản
thân thì mọi chuyện đã nhẹ nhàng đi biết mấy.

Lời kết

Phương cực kì mong khái niệm “trường thường” sẽ đi vào
dĩ vãng. Cái cách gọi vậy khiến trường chuyên và các ngôi trường còn
lại tự dưng sinh ra đẳng cấp, sinh ra khác biệt kì lạ quá. Mong rằng từ
nay giữa các trường, sẽ không còn sự so sánh, không còn công kích lẫn
nhau nữa để chúng ta từ những hành động nhỏ nhất, cùng xây dựng một thế hệ người trẻ khách quan, tôn trọng cá nhân và biết chấp nhận
sự khác biệt.

Cái học sinh và phụ huynh cần, là việc chọn trường cấp 3 có thể giúp
các em phát triển bản thân tối đa. Nếu một bạn học sinh rất giỏi Toán
nhưng chưa tốt môn Văn thì trường nào không bắt học lệch & có đội
ngũ giáo viên kiên nhẫn, dạy vững về phương pháp? Nếu một cô bé
đam mê chơi bóng rổ thì trường nào mạnh về thể thao & có sân rộng?
Chúng ta cần tìm hiểu nhu cầu phát triển của con em. Chúng ta cần
quan tâm hơn đến nội quy & cách trường thực hiện nội qui, đội ngũ giáo
viên, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất, trải nghiệm của cựu học
sinh… Cũng giống như điểm số không làm nên con người, chữ trường
chuyên không làm nên sự thành công trường.
Mong rằng từ nay giữa các trường, sẽ không còn sự so sánh, không còn công kích lẫn nhau nữa để chúng ta từ những hành động nhỏ nhất, cùng xây dựng một thế hệ người trẻ khách quan, tôn trọng cá nhân và biết chấp nhận sự khác biệt.
Còn bạn? Bạn nghĩ gì về trận chiến trường chuyên - trường thường này? Hãy cùng chia sẻ quan điểm nhé!
Chúc các bạn luôn vui vẻ, tích cực🥰
Thân ái,
Vũ Phương.