Thị trường tự do = Nhà nước ơi xin hãy biến đi?! = Chợ đen?!
Khi tôi còn là sinh viên đại học, tôi đã được nhồi nhét vào đầu rằng tự do thương mại là điều luôn luôn đúng. Nó như một chân lý mà...
Khi tôi còn là sinh viên đại học, tôi đã được nhồi nhét vào đầu rằng tự do thương mại là điều luôn luôn đúng. Nó như một chân lý mà khi bạn đi ngược lại thì sẽ bị dè bỉu bởi lũ bạn cùng lớp. “Không ngờ sinh viên quốc tế như mày mà muốn chống lại tự do”. “Mày muốn chơi nổi hả?”. Tôi từng có ác cảm với tự do thương mại vì định nghĩa của nó trong trường đại học đơn giản là không có sự tham gia của nhà nước. Nó là một thế giới không tưởng vì nó quá lí tưởng. Nhưng càng tìm hiểu về nó tôi mới nhận ra nó thực sự là tương lai của xã hội. Một tương lai mà tôi cảm thấy rất bấp bênh khi nghĩ tới nhưng là nguồn động lực để thế hệ trí tuệ hơn sau này có thể bám lấy và hiện thực hoá.
Nhưng trước tiên là cái định nghĩa hời hợt trên nên được vứt bỏ vô sọt rác ngay lập tức. Bản chất từ “tự do” luôn mang nghĩa tích cực và nay nó được dùng để mô tả một trường phái kinh tế. Theo tôi, nó nên được nhìn nhận như một cái tên hơn là điều đúng đắn cần tuyên dương để tránh sự diễn dịch sai trái của những điều tốt đẹp thị trường tự do thực thụ mang lại.
Mục tiêu cao cả của thị trường tự do là loại bỏ trung gian để tối ưu hạnh phúc của người mua và giảm thiểu chi phí cho người bán. Điều này hoàn toàn đúng nhưng muốn chiến đấu cho tự do này cần phải có sự hiện diện kẻ thù bằng da bằng thịt, và những người ủng hộ thị trường tự do hời hợt hiện thực hoá kẻ thù này dưới hình dạng nhà nước.
Họ luôn đem nhà nước tế sống trên giàn thiêu mỗi khi tình hình kinh tế xấu đi. Họ đổ lỗi nhà nước vì đã cản trở lưu thông thương mại, sự minh bạch của thị trường và những doanh nghiệp có năng lực chèo lái nền kinh tế. Họ nỗ lực hướng tới một thị trường chỉ tồn tại hai bên cung cầu và không hề có sự tham gia bên thứ ba trong vai trò điều tiết kinh tế mà ở đây là như nhà nước. Sự tham gia của nhà nước dưới dạng thuế và đạo luật sẽ được coi là tăng chi phí không cần thiết, người mua sẽ bị thiệt vì họ trả một cái giá đắt hơn cho một sản phẩm và bị cấm mua những sản phẩm thoả mãn những nhu cầu bản năng. Người bán cũng bị suy giảm lợi ích khi nhà nước không cho phép họ sản xuất số lượng hàng phù hợp với mong muốn của họ hoặc cấm họ không tạo ra mặt hàng đang được yêu cầu bởi thị trường. Luận điệu có vẻ như muốn bảo vệ cho hai bên mua bán nhưng thị trường tự do nông cạn này chỉ có lợi cho người bán. Nó đặt niềm tin trọn vẹn cho sự tốt đẹp của người bán.
Trên lý thuyết, người bán có quyền định đoạt những gì sẽ được tiêu thụ bởi người mua, hay chi tiết hơn là người mua cuối cùng. Một số người nói người bán cần người mua nhưng nếu như người mua không thể tìm một mặt hàng nào tốt hơn hiện tại thì thậm chí họ buộc phải dùng những mặt hàng rác rưởi vì thị trường chỉ có nó. Nói cách khác, người mua lúc nào cũng nằm ở thế bất lợi so với người bán. Họ là người thụ động trong cuộc trao đổi buôn bán vì nhiệm vụ của họ là tiêu thụ sản phẩm chứ không phải tạo ra sản phẩm. Hơn nữa, họ rất đông nhưng không phải một tổ chức như doanh nghiệp mà chỉ là tập hợp của những cá thể đơn lẻ. Có nghĩa một khi bị tổn hại, họ ở thế bất lợi trong việc kiện cáo và đòi công lý.
Đến đây thì có một ý tưởng được nảy sinh là: người mua hoàn toàn có thể tập hợp lại với nhau để hình thành tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và bắt đầu cuộc đấu tố những doanh nghiệp làm ăn dối trá. Nhưng tổ chức này thiếu một yếu tố quan trọng đó là sự cảnh giác thường trực. Nếu như mọi nhân viên trong doanh nghiệp luôn gắn kết với nhau vì động lực kiếm tiền hằng ngày, thì người tiêu dùng chỉ tập hợp lại với nhau khi sự cố xảy ra. Mà sự cố này phải được xảy ra trên diện rộng (với nhiều cá thể) thì mới có đủ năng lượng để cuộc đấu tố diễn ra.
Liệu đặt quyền hành tự do sản xuất sản phẩm cho người bán mà không hề có một sự trừng phạt nào là tốt? Chúng ta đang trao quyền sinh sát của nhân loại cho một nhóm người và hi vọng họ sẽ làm đúng với lương tâm? Để đảm bảo một thị trường tự do thực sự, sự kiểm soát người bán là cần thiết. Việc kiểm soát này còn hiệu quả hơn việc kiểm soát người mua. Thứ nhất, người bán tạo ra sản phẩm; thứ hai, họ nhỏ về số lượng nhưng chịu trách nhiệm cung cấp hàng hoá cho dân số cả nước. Ngoài ra, họ là người trực tiếp sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên mang tính sống còn.
Lợi ích 95% dân số bị lấy ra chơi đùa bởi mong muốn tự do của nhóm 5%
Nếu chỉ dựa vào định nghĩa tự do thương mại là không có can thiệp nhà nước thì thị trường chợ đen cũng sẽ là thị trường tự do. Nó vận hành theo đúng quy luật cung cầu không gò bó. Nó sẵn sàng cung cấp các mặt hàng thoả mãn nhu cầu đỉnh điểm của khoái lạc như mại dâm, thuốc lắc và chất gây hưng phấn; những quyết định mang tính sống còn như nội tạng; những mưu cầu hạnh phúc và sức khoẻ trường tồn như ngà voi, sừng tê giác, da hổ; hay đơn giản là những yêu cầu cho cuộc sống dễ dàng hơn như nô lệ và lao động trẻ em. Ở đây, sự tự do của một cá thể là sự tước đi tự do của một cá thể khác một cách vô nhân đạo.
Cho dù khi người mua và bán đồng ý hợp tác mặc cho sự suy đồi đạo đức của cuộc trao đổi, thì ngay từ ban đầu người mua đã ở thế bất lợi lớn. Người mua không thể cầu cứu sự trợ giúp bên thứ ba nếu họ bị lừa trong cuộc mua bán. Không những vậy, người mua hoàn toàn không có quyền để biết thông tin đầy đủ của sản phẩm từ thành phần, chi phí sản xuất và các tác dụng và từ đó không thể đàm phán giá cả và lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với khả năng kinh tế. Lợi nhuận là trên hết ở thị trường chợ đen và để đạt tới giới hạn khả năng kiếm tiền, họ phải hạn chế thông tin về sản phấm và sản xuất để bắt người mua không có bất kì câu hỏi nào khi mua hàng và chỉ tập trung vào việc tiêu thụ hàng. Người mua còn không có công cụ nào để có thể liên hệ với những khách hàng đã từng sử dụng sản phẩm đặc biệt là những thứ nguy hiểm và trái đạo đức. Ai cũng muốn ẩn danh để là bảo vệ hình ảnh trong sạch. Người bán lợi dụng sự bưng bít thông tin và thiếu hiểu biết của người mua để hình thành thế độc quyền và sự độc quyền này đảm bảo sự tối ưu về lợi nhuận và tối thiểu về chất lượng.
Thị trường đen tin vào khả năng tối ưu hoá lợi nhuận thông qua sự thoả mãn lòng tham không đáy của con người với nguồn tài nguyên có hạn.
Giá tốt nhất ở đây này cô bé
Ngoài lề:
(Điều này có vẻ mâu thuẫn với các công ty nhà nước độc quyền mà ở đó người mua không bị tính phí cắt cổ vì trên mặt pháp lý, lợi ích nhà nước có sự đồng nhất cao với người dân. Người mua dễ dàng lên án nhà nước cho sự tăng giá hơn là lên án tư nhân vì lí do lợi nhuận không thể được dùng cho nhà nước. Độc quyền nhà nước và độc quyền tư nhân có một sự khác nhau đáng kể.)
Vậy định nghĩa của thị trường tự do của tôi nên như thế nào? Tôi không muốn nhà nước là trung tâm của mọi thứ vì nhà nước có dạng nhà nước vì dân và dạng phục vụ lợi ích cho một nhóm người. Vậy khi nhà nước có quá nhiều bộ mặt thì tại sao chúng ta không hào phóng cho một định nghĩa đi thẳng vào cộng đồng người trực tiếp thụ hưởng lợi ích? Chúng ta không thể suy nghĩ ngược hay đặt cỗ xe phía trước con ngựa được.
Trong đầu tôi không có một cấu trúc nhất định của định nghĩa. Một cụm từ, một câu gồm chủ ngữ vị ngữ hay một đoạn văn, tôi chỉ muốn định nghĩa của tôi sự liệt kê những yếu tố có thể mang lại lợi ích chung. Vậy cái định nghĩa của riêng tôi chắc chắn sẽ phổ quát và hơn nữa, bản chất thị trường rất phức tạp. Chúng ta cần những đúc kết ngắn gọn để hiểu bản chất của nó.
Minh bạch thông tin về hàng hoá có lẽ là điều cốt lõi của thị trường tự do. Sự minh bạch rất quan trọng vì nó liên quan tới lòng tin và sự đồng bộ hoá lợi ích của người của hai bên. Hơn nữa, nó còn liên quan tới sự tự nguyện và sự tự do lựa chọn hàng hoá. Đó là xu hướng của thời đại khi ta càng ngày thấy nhiều thông tin sản phẩm thông qua sự tăng số lượng thông tin in trên bao bì. Ta biết loại sản phẩm này có thành phần là gì, lượng calorie bao nhiêu, cách sử dụng như thế nào, khuyến cáo cho những người có dị ứng vời thành phần sản phẩm, hạn sử dụng đến ngày nào. Ngoài ra ta có thể kiểm chứng nó thông qua phản hồi của những người mua khác thông qua các platform bảo vệ người tiêu dùng. Sự minh bạch không cần phải là sự thành thật trần trụi vì nếu như vậy sẽ không hề có lợi nhuận cho người bán. Nó chỉ ở mức vừa đủ để người bán có lợi nhuận phát triển kinh doanh và người mua hài lòng với cơ cấu chi tiêu.
Sự minh bạch còn nâng cao tính phát triển hàng hoá và ý thức người tiêu dùng. Nó khiến cho bên thụ động của cuộc mua bán trở nên chủ động hơn và tham gia vào việc tạo sản phẩm. Người mua nhận thức những hậu quả khi mình dùng một sản phẩm nào đó và có thể tự điều chỉnh mức độ tiêu thụ phù hợp với mong muốn bản thân. Nhờ sự hiểu biết về hàng hoá, người mua hình thành cho mình những yêu cầu khắt khe hơn với sản phẩm hiện tại. Người bán công khai thông tin sản phẩm sẽ gầy dựng được sự tin tưởng khách hàng và giảm rủi ro phát sinh sau khi trao đổi hàng hoá. Phản hồi từ việc sử dụng sản phẩm thúc đẩy người bán phát triển các sản phẩm hoàn thiện hơn.
UT Me của UNIQLO cho phép khách hàng thiết kế mẫu áo và in áo tại chỗ (Tôi thật sự muốn có thân hình của Mid Nguyễn)
Một yếu tố nữa cần được đề cập đó chính là sự tương quan giữa sự phát triển kinh tế và sự văn minh của loài người. Sự văn minh đó được thể hiện bằng sự thực thi những giá trị đạo đức và lối sống lành mạnh mang tới hạnh phúc bền vững của những người trong cuộc mua bán và cả những người nằm ngoài nó. Những người không sử dụng ví dụ như chất kích thích không hề xứng đáng để bị đe doạ bởi hành vi bạo lực của những kẻ sử dụng nó. Những thế hệ của khu dân cư gần khu sản xuất không xứng đáng để hứng chịu sự đầu độc từ đống chất thải đổ xuống sông, trong khi việc sản xuất đó đang phục vụ những cộng đồng nằm ngoài vùng ảnh hưởng.
Để thúc đẩy nhanh sự hiện diện hai yếu tố này thì cần phải có một bên thứ ba có thể hoà giải hai bên bằng chế tài và cưỡng chế. Điều tốt đẹp không thể trông chờ vào sự tự nguyện. Và quan trọng nhất là nó phải là hiện thân của lợi ích của cộng đồng lớn bao gồm những bên tham gia mua bán và những bên nằm ngoài cuộc mua bán. Và ai ngoài nhà nước văn minh trung lập đảm đương trách nhiệm này? Đến lúc này, tôi mới tự tin chọn ra cho mình một ứng cử viên phù hợp.
Sự tham gia của nhà nước là cần thiết để đảm bảo phát triển sự hợp tác của cả hai và sự tích hợp giá trị thương mại của hai bên với giá trị chung của xã hội. Đến một lúc nào đó, quá trình hiện thực thị trường tự do phát triển đến mức sự tham gia của nhà nước là không còn gây ảnh hưởng thì lúc đó nhà nước nên thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của mình trong nền kinh tế để sử dụng tiền thuế người dân hiệu quả hơn cho việc khác.
Thị trường tự do thường được hiểu là giảm thiểu sự can thiệp của bên thứ ba nhằm đạt hiệu quả tối ưu của hai bên mua bán nhưng nếu sự can thiệp đó có thể định hướng cho tương lai tự do hơn thì vẫn nên được ủng hộ. Nhưng xã hội đa dạng luôn có những nhìn nhận khác nhau về tính cần thiết của sự can thiệp vì nhân loại bị giới hạn về sự thông thái và lợi ích. Sự can thiệp chắc chắn có sự hi sinh và tất nhiên không phải ai cũng chịu thiệt thòi. Đó là thế khó để nhà nước nhận được sự đồng cảm từ những người chống họ. Hi vọng những lời tự sự này của tôi có thể phần nào giúp họ có cái nhìn phóng khoáng hơn với nhà nước. Đừng đổ hết tội lỗi lên đầu của họ.
"Sự tham gia của một nhà nước văn minh vào nền kinh tế nên được nhìn nhận là sự khuếch đại tự do và hỗ trợ tìm những giá trị tự do tốt đẹp hơn thứ tự do cá lớn nuốt cá bé".
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất