Vì sao Warren Buffett là một lãnh đạo tài năng?
Triết lý và phong cách quản trị nhân lực của Warren Buffett cụ thể gồm những gì mà có thể giúp ông đạt được những thành tựu như vậy?
Nhắc đến những tỷ phú và nhà đầu tư nổi tiếng nhất trên thế giới, có lẽ ít ai chưa từng nghe qua cái tên Warren Buffett. Ông là nhà đầu tư thành công nhất thế giới, cổ đông lớn nhất kiêm giám đốc hãng Berkshire Hathaway. Warren Buffett đang có lượng tài sản ròng ước tính khoảng 115 tỷ USD và được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu thứ 6 trên thế giới. Với hơn 70 năm kinh nghiệm hoạt động, ông được nhiều người ca ngợi là “Hiền tài xứ Omaha” bởi những triết lý đầu tư cũng như quản trị nhân lực đã trở thành kim chỉ nam cho nhiều doanh nhân hậu bối.
Với một nhà quản trị cấp cao, việc học hỏi và tham khảo những triết lý đầu tư của những người như Warren Buffett là rất cần thiết. Suy cho cùng, đầu tư ra sao cho đúng vẫn luôn là một điều quan trọng. Thế nhưng đó mới chỉ là một nửa con đường để đi tới thành công mà thôi. Cho dù một người tài giỏi ra sao thì cũng không thể nào chỉ dựa vào một mình mình mà lại có thể đạt được thành tựu. Trong trường hợp của những người như Warren Buffett thì lại càng đúng hơn; bởi thành công mà ông có được là sự kết hợp từ tài năng cá nhân, chiến lược và triết lý đúng đắn và phương thức quản lý nhân sự một cách tối ưu.
Triết lý và phong cách quản trị nhân lực của Warren Buffett cụ thể gồm những gì mà có thể giúp ông đạt được thành tựu như ta thấy? Vì sao có thể nói ông là một lãnh đạo đại tài?
Phong cách lãnh đạo của Warren Buffett
Một đặc trưng mà người ta hay nhắc đến khi nói về Warren Buffett chính là phong cách lãnh đạo của ông. Warren Buffett là người đi theo trường phái có tên là Laissez-Faire, tạm dịch là “lãnh đạo ủy quyền”. Trường phái này giúp lãnh đạo không phải bỏ quá nhiều thời gian và công sức để quản lý đến cả những tiểu tiết của doanh nghiệp, khi có thể ủy thác cho nhiều nhân viên dư rới quyền. Tất nhiên muốn được như vậy thì hệ thống nhân viên dưới quyền cũng phải có đầy đủ kỹ năng cả về chuyên môn lẫn ứng xử, nếu không thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp. Sở dĩ Warren Buffett lựa chọn đi theo trường phái này, là bởi ông có trong tay nhiều nhân viên chất lượng và ông rất tin tưởng họ có thể truyền tải đúng và đầy đủ tầm nhìn của mình tới hàng vạn nhân viên cấp thấp hơn.
Một lãnh đạo thuộc trường phái Laissez-Faire thường sẽ có 4 đặc điểm sau:
Lãnh đạo thường không đưa ra nhiều chỉ dẫn quá chi tiết cho nhân viên. Họ sẽ thường để cho nhân viên có tự do nhất định trong xử lý công việc và tìm những giải pháp tối ưu.
Lãnh đạo thường sẽ để nhân viên có quyền ra quyết định. Họ sẽ để nhân viên tự đánh giá xem nên quyết định như thế nào mới là tốt; không hoàn toàn phụ thuộc vào chỉ thị cấp trên.
Đương nhiên là dù lãnh đạo không can thiệp quá nhiều vào công việc của nhân viên, thì họ vẫn sẽ cung cấp nguồn lực để đáp ứng nhu cầu. Nhân viên được khuyến khích tận dụng tối đa nguồn lực được trao để đạt được thành quả tốt nhất có thể.
Và cuối cùng, khi rắc rối và vấn đề ngoài ý muốn xảy ra, nhân viên cũng sẽ là người đầu tiên phải tìm cách giải quyết.
Ngoài ra, để đảm bảo rằng những tầm nhìn và triết lý của mình được hiểu đúng và đủ; Warren Buffett cũng thường xuyên đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho các nhân viên của mình. Ông muốn chắc chắn rằng những kỹ năng và nguồn cảm hứng từ cá nhân mình có thể truyền sang những người khác. Với Warren Buffett, cách tốt nhất để truyền cảm hứng cho nhân viên là dựa trên những thành công của tập thể, chứ không chỉ dựa trên những thành tựu của một cá nhân nào, kể cả ông.
Warren Buffett cũng không quản trị nhân viên dựa trên một danh sách những luật lệ hay quy tắc cần tuân theo. Thay vào đó, ông đưa ra những điều được gọi là “nguyên tắc ứng xử” để xây dựng văn hóa chung cho doanh nghiệp. Thay vì đánh giá nhân viên dựa trên luật lệ, ông đánh giá họ dựa trên việc bản thân có thể tin tưởng giao cho họ thực hiện công việc ra sao. Với Warren Buffett, ông tin rằng nếu lãnh đạo có thể đặt niềm tin vào nhân viên, vậy thì họ sẽ có cơ hội phát huy hết tài năng và doanh nghiệp hẳn sẽ được lợi từ đó.
Hay nói cách khác, triết lý của Warren Buffett là xây dựng một văn hóa doanh nghiệp dựa trên niềm tin và sự tự giác của nhân viên. Làm được như thế, lợi ích của tập thể sẽ có cơ hội được tối ưu. Có thể nói là triết lý này của Warren Buffett khá gần với một số quan điểm chủ đạo trong cuốn sách “Động lực nội tại - Làm sao để yêu công việc của bạn và đạt tới thành công” của Stefan Falk (người nguyên là cố vấn quản trị của McKinsey & Company). Theo đó, Stefan Falk muốn các nhân viên của doanh nghiệp xây dựng cho mình quan niệm rằng “Đừng là nạn nhân, hãy là thám tử”. Cụ thể hơn, đó là việc hiểu rằng vấn đề lớn nhất của thất bại không phải là bản thân của việc thất bại, mà là nỗi đau tinh thần nó gây ra. Điều tương tự cũng xảy ra khi trải nghiệm thành công - cảm xúc vui mừng có thể dễ dàng khiến một người đánh giá quá cao bản thân. Bí quyết là cho dù đang thất bại hay thành công thì cũng hãy nhanh chóng thoát khỏi cơn say cảm xúc.
Bên cạnh đó, việc Warren Buffett khuyến khích việc đặt niềm tin vào các nhân viên của mình cũng nhằm để họ hiểu rằng thành - bại của doanh nghiệp phụ thuộc vào chính họ chứ không ai khác. Nhờ thế, họ sẽ có thể đặt lợi ích của công ty lên đầu - một quan niệm hoàn toàn trùng với quan niệm của Stefan Falk trong cuốn sách của mình.
Cuối cùng, Warren Buffett cũng tin rằng việc khen thưởng và khích lệ nhân viên là tối quan trọng. Cho dù chỉ là một lời khen ngợi cũng có thể mang tới những hiệu ứng tích cực không ngờ. Ông cũng rất chú trọng việc để công sức và sự cố gắng của bất kỳ cá nhân nào cũng được tập thể biết tới. Đó là một cách khích lệ và nâng cao tinh thần hiệu quả mà lại tích cực.
Vì sao Warren Buffett là một lãnh đạo đại tài?
Đầu tiên, có thẻ nói rằng Warren Buffett là một người lạc quan. Ông luôn tỏ ra vui vẻ, hòa nhã và năng lượng tích cực của ông khiến nhân viên cũng trở nên thoải mái hơn. Ông cũng là người luôn nhìn vào mặt tích cực của vấn đề, không để sự tiêu cực và khó khăn lấn át. Suy cho cùng thì thực tế đã chứng minh khả năng của Warren Buffett. Khi mới tiếp nhận Berkshire Hathaway, nhiều người đã đánh giá doanh nghiệp này là một thất bại không thể thay đổi. Thế nhưng Warren Buffett vẫn nhìn ra được cơ hội và kiên định trong những quyết định của mình, và thành công đã đến.
Thứ hai, mặc dù là người theo trường phái Laissez-Faire, tức là không can thiệp quá nhiều vào những quyết định của nhân viên, nhưng Warren Buffett không hoàn toàn để mặc cho họ tự xoay sở. Ông rất chú trọng việc hướng dẫn và giúp đỡ các nhân viên để giúp họ vượt qua những khó khăn nhất định. Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, những sự chỉ dạy của Warren Buffett là rất đáng giá và quan trọng. Một lãnh đạo tốt là người có thể giúp đỡ nhân viên của mình theo mọi cách có thể, nhất là về chuyên môn. Warren Buffett chính là một người như vậy.
Thứ ba, Warren Buffett là một người rất thẳng thắn và sẵn sàng đối mặt với sai lầm. Không một ai có thể trở thành chiến lược gia hoàn hảo luôn luôn đúng. Ai cũng sẽ mắc sai lầm vào một thời điểm nào đó, Warren Buffett hiểu rõ điều đó và sẵn sàng thừa nhận thiếu sót của bản thân. Ông hiểu rằng mình sẽ là tấm gương để các nhân viên học tập; cho nên việc đối mặt với sai lầm là rất cần thiết. Nó cho thấy sự dũng cảm của một lãnh đạo và khuyến khích những người dưới quyền làm theo.
Cuối cùng, Warren Buffett từng đảm nhận rất nhiều vai trò khác nhau ở Berkshire Hathaway. Điều ấy biểu thị cho tinh thần cầu thị và luôn muốn học hỏi của ông. Đối với Warren Buffett, học hỏi và trau dồi thêm các kỹ năng là cách để ông có thể giúp đỡ và chỉ dạy các nhân viên của mình tốt hơn, và cũng là một cách ngầm khuyến khích họ làm theo.
Với những nguyên tắc và tính cách như vậy, không khó để hiểu tại sao Warren Buffett lại có thể đạt được thành công lớn như vậy với Berkshire Hathaway. Tuy nhiên, một lãnh đạo đại tài thể hiện không chỉ ở khả năng tạo nên thành công, mà còn ở việc đối mặt và vượt qua thất bại cũng như trở ngại ra sao. Với Warren Buffett, điều đó cũng không phải mới mẻ gì, vì đã nhiều hơn một lần ông gặp phải thử thách trong công việc của mình. Thế nhưng Warren Buffett đã khéo léo tìm cách vượt qua chúng - điều ấy lại càng chứng tỏ khả năng của ông. Có thể dẫn ra đây một vài ví dụ như sau:
Vụ bê bối liên quan tới Salomon Brothers: Đây vốn là một ngân hàng đầu tư lớn và khá có tiếng. Vào những năm đầu thập niên 90, Berkshire Hathaway nắm giữ một lượng lớn cổ phần của ngân hàng. Tuy nhiên sau đó các cuộc điều tra đã cho thấy có nhiều nhân viên ở Salomon Brothers có dính líu đến các hoạt động phi pháp trên thị trường. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới danh tiếng của Berkshire Hathaway nói chung và cá nhân Warren Buffett nói riêng. Để sửa chữa sai lầm, Warren Buffett đã không do dự sa thải nhiều giám đốc điều hành cấp cao, thực hiện nhiều điều chỉnh khác để lấy lại danh tiếng cho công ty.
Đầu tư vào Tesco: Vào năm 2012, Berkshire Hathaway quyết định đầu tư vào Tesco, một doanh nghiệp đa quốc gia chuyên bán lẻ và phân phối hàng hóa có trụ sở ở Anh. Warren Buffett rất tự tin vào thương vụ này sau khi xem xét các số liệu của Tesco, và ông tin rằng lợi nhuận có được sẽ lớn. Tuy nhiên vào năm 2014, Tesco vướng vào bê bối khi nhiều báo cáo tài chính cho thấy công ty đã khai khống lợi nhuận trong nhiều năm. Đối mặt với điều này, Warren Buffett thừa nhận đánh giá của mình đã sai sót và ông quyết định bán hết mọi cổ phần của Berkshire Hathaway trong Tesco, dù có phải chịu lỗ.
Đó là hai ví dụ điển hình đại diện cho nhiều khó khăn cũng như thất bại mà Warren Buffett gặp phải trong hàng chục năm kinh doanh. Và trong cả hai trường hợp, ta có thể thấy được cung cách xử lý quyết đoán của ông và sẵn sàng thừa nhận sai lầm. Điều ấy càng thể hiện rõ ông là một lãnh đạo có năng lực và cũng rất có tinh thần cầu thị sửa sai mà không hề bào chữa dài dòng.
Đó là một số điều ngắn gọn về triết lý và phong cách quản trị nhân lực của Warren Buffett; cũng như những lý do cơ bản nhất để lý giải vì sao ông lại là một lãnh đạo tài năng và thành công đến vậy. Tất nhiên một bài viết ngắn sẽ không thể nói được hết và chi tiết về Warren Buffett, nhưng hy vọng rằng qua những thông tin ấy, các bạn đã có thể có được một cái nhìn tổng quan nhất về vị tỷ phú được mệnh danh là “Hiền tài xứ Omaha” này, và phần nào hiểu được tại sao ông lại truyền cảm hứng cho nhiều người đến như vậy.
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất