Sở dĩ mình viết bài này vì mới đọc bài viết về NGO của bạn @NotaPrincess và vì mình chưa đọc được bài viết nào về chủ đề mặt trái của NGO bằng tiếng Việt. Phần lớn các bài trong nước là đánh giá tốt về tổ chức NGO, nào là lương cao, môi trường làm việc quốc tế (đậm chất ngôn ngữ quảng cáo Việt). Tuy nhiên, như một đồng xu có hai mặt, các NGO cũng có những mặt đen tối của nó mà không phải ai cũng thấy được.

Các tổ chức NGO, NPO…, tạm gọi chung trong bài này là NGO, được những người đầu tiên sáng lập với mục đích và mục tiêu lý tưởng, tốt đẹp nhưng trải qua thời gian dài hoạt động, sự bành trướng về mặt tổ chức và nhân sự làm cho chính các NGO ngày càng xa rời lý tưởng cao đẹp của nó.
Những người được tuyển dụng vào làm việc cho các NGO, ngoài những người có chuyên môn như bác sĩ, kĩ sư, chuyên gia nghiên cứu thì phần lớn là bộ phận hỗ trợ, theo mình chiếm tới 70% tổng số nhân sự. Công việc hoàn toàn giống với một doanh nghiệp bình thường, có giám đốc, phó giám đốc, trợ lí, thư kí, phiên dịch, kế toán, nhân sự, mua hàng, IT…và họ cũng là những nhân viên làm công ăn lương, có thể có hoặc không cùng lý tưởng cao đẹp với tổ chức, chứ không phải ai làm cho tổ chức NGO cũng là cao đẹp và thánh thiện cả.
Ngày nay, công tác nhân đạo, thiện nguyện đã được doanh nghiệp hóa, trở thành một doanh nghiệp thực sự, với khách hàng là các nhà tài trợ và sản phẩm đem rao bán là các chương trình, dự án xã hội. Không biết bạn có nghe tới cụm từ “social entrepreneurship” chưa, nếu chưa thì mời bạn học khóa này trên Coursera (https://www.coursera.org/specializations/social-entrepreneurship-cbs). Người yếu thế giống như một công cụ trợ diễn đắc lực cho trong các chương trình, dự án này hơn là người thực sự được thụ hưởng. Bạn làm việc cho NGO, cái mà bạn đang đóng góp là cho “doanh nghiệp” của bạn, để họ có thể bán được sản phẩm cho các nhà tài trợ, và bạn được trả công, hơn là thực sự giúp được những nhóm người yếu thế.
Yếu tố con người trong NGO
Ở các NGO quốc tế của châu Âu, Mỹ, họ hay phân biệt expat và local. Expat là những người ngoại quốc làm việc ở nước sở tại, còn local là từ dành cho nhân viên nước sở tại. Hệ thống cấp bậc, thang lương và quyền lợi của hai nhóm này cách xa nhau một trời một vực. Thường thì quyền lợi, lương bổng là rất cao dành cho expat, ngoài lương thưởng ra, họ còn được mang theo gia đình tới đất nước mà họ làm việc, được trả luôn tiền nhà ở, điện, nước, internet, housemaid (người giúp việc), bảo hiểm, thậm chí tiền học phí của con cái họ đến đại học. Trong khi đó, nhân viên local thì không có những khoản này, chỉ được thêm cái bảo hiểm tư nhân. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 2-3 năm trở lại đây, nhiều tổ chức đã tiến bộ xóa bỏ sự phân biệt này, bỏ tên gọi expat và local, xây dựng chung một hệ thống cấp bậc, lương thưởng cho nhân viên, đồng thời cắt bỏ những bonus mà expat từng được hưởng khi mang gia đình đi. Hậu quả là một lượng lớn senior expat (các expat lão làng) cảm thấy bất mãn, bỏ việc hoặc nhảy sang chỗ khác vì bị cắt quyền lợi, bị kéo xuống ngang hàng với local, trong khi local thì rất ủng hộ chính sách mới này.
Tại trụ sở chính của NGO cũng có những sự cạnh tranh ngấm ngầm giữa “ma cũ” với “ma mới” mà người ngoài khó có thể biết được. Thường thì với nhân viên trẻ, độc thân, mới nhập làng, đang nhiệt huyết sục sôi đóng góp, sẽ “được” phân công đến những vùng gọi là “dầu sôi lửa bỏng” như Syria, Trung Đông…hay xa xôi hẻo lánh ở Châu Phi, Mỹ Latinh hay các đảo ngoài khơi Thái Bình Dương. Và anh phải khăn gói đi thôi, vì đó là công việc được phân công, rồi anh sẽ được cộng điểm, khi nhiều điểm và có thâm niên rồi, anh không còn “bị” phân công nữa mà được chọn, chọn đến những nơi an toàn như các nước Đông Nam Á chẳng hạn. Nhưng lỡ chẳng may anh quân phiến loạn bắt cóc hay lạc đạn thì đành chịu vậy, anh sẽ được lên trang nhất tờ thông tin nội bộ của tổ chức. Các expat có thâm niên chẳng dại gì phải xông pha với xung phong, cứ cho đám trẻ gà bông nó thể hiện, cái họ cần là chờ một vị trí tốt nào đó, xa headquarter (trụ sở chính), dù gì thì “xa mặt trời” cũng dễ tung hoàng hơn, châu Á càng tốt vì dân châu Á đa phần sính Tây.
Nhóm có chuyên môn thì mình chưa rõ thế nào chứ nói về nhóm nhân viên làm công tác hỗ trợ thì tình hình cũng giống y hệt như trong các doanh nghiệp thông thường: tham nhũng, gian lận, lãng phí, thâm lạm quyền hạn, lợi ích nhóm, phe phái…
Tham nhũng
Tham nhũng vặt thì phát sinh từ nhân viên cấp thấp, từ việc mua sắm nhỏ, ăn uống, hội họp. Tham nhũng lớn thì phát sinh từ quản lí cấp trung trở lên, thông qua việc kí kết các chương trình, dự án, khảo sát… rồi ăn chia đằng sau hoặc rút ruột công trình, “đi đêm” giữa các tay trong NGO và các công ty bên ngoài.
Mặc dù các NGO đã rất nỗ lực phòng chống tham nhũng, đưa vào Bộ quy tắc của nhân viên, thuê kiểm toán độc lập, số hóa các chương trình kế toán…nhưng tham nhũng vẫn hiện diện và có xu hướng ngày càng tinh vi hơn vì kiểm tra, kiểm toán cũng chỉ là trên giấy tờ, nhiều khi nhìn trên giấy tờ thấy hợp lí hết, nhưng chỉ có người trong cuộc, hoặc trong cùng một nước mới thấy được những điểm tham nhũng đó, nhất là tham nhũng vặt, đố mà biết được. Đơn cử vài ví dụ tham nhũng vặt. Hóa đơn taxi Nội Bài-Hà Nội ghi 900k, có số seri, số tài, thông tin đầy đủ được coi là hợp lệ nhưng nội dung thì sai bét nhè, trên hóa đơn ghi công ty Mai Linh TPHCM, taxi Nội Bài-Hà Nội không có tới 900k, cái này là ghi khống quá xá. Đấy, những thứ đấy thì kiểm toán bó tay. Ai chẳng biết hóa đơn ở xứ mình muốn ghi sao thì ghi, đâu có cần đúng thực tế.
Mời bạn tham khảo thêm về tham nhũng của NGO, hai nguồn này mình thấy phản ánh tương đối đầy đủ và chính xác:
Gian lận
Ví dụ một sự gian lận với nhà tài trợ. Hàng năm, các NGO sẽ làm báo cáo cho nhà tài trợ, nhưng nhà tài trợ cũng không quan tâm mấy, vì họ đã đạt được mục đích của họ. (Xem Vấn đề của nhà tài trợ). Thường các NGO sẽ làm đẹp báo cáo bằng cách tăng khoản tiền hoạt động, tiền đã hỗ trợ cho người hưởng lợi và giảm bớt tiền chi phí cố định, tiền liên quan tới nhân viên và các chi phí hậu cần. Nhưng tiền đã chi rồi làm sao tăng chi hoặc giảm chi? Việc này cũng khá đơn giản thôi. Ban kế toán chỉ cần switch – đổi lại mã tài khoản là ok hết. Ví dụ như năm nay tiền chi phí cố định cao quá, tới 60-70% tổng chi phí (thực tế thường vậy), sếp sẽ ra lệnh cho ban kế toán làm sao thì làm để chi phí cố định xuống còn 30% thôi, ban kế toán sẽ kiếm những khoản chi nào hợp lí chút để đưa vô thành chi phí hoạt động.
Lãng phí
Các bạn trong nước, nhất là các bạn trẻ, thường hay tự hào với mức lương và bổng lộc của các NGO. Đây là một số mức lương cho bạn dễ hình dung, vị trí thư kí, làm các công việc như đặt phòng khách sạn, tàu xe, hậu cần cho hội họp…lương khoảng 20 triệu/tháng, lương nhân viên chương trình/dự án gì đó khoảng 20-30 triệu/ tháng, kế toán 40-50 triệu/ tháng, giám đốc trên 50 triệu/ tháng. Tiền lương nhân viên cùng các phụ cấp, thưởng sẽ nằm trong cái gọi là overhead cost, chi phí cố định. Khi đi công tác, các bạn sẽ theo tiêu chuẩn khách sạn của tổ chức, thường là mức khá, 3 sao trở lên, còn cấp vị quản lí có khi còn được ở 4, 5 sao, tiêu chuẩn như các chính khách. Toàn là tiền của nhà tài trợ cả đấy. Các bạn có biết cái điểm nực cười ở đây là gì không? Khi ngân sách bị cắt giảm do nhà tài trợ chưa giải ngân thì cái mà tổ chức cắt giảm là chi phí hoạt động cho người hưởng lợi chứ không phải các chi phí cố định, đặc biệt là lương thưởng của nhân viên, các chế độ công tác. Ví dụ như quý 3 cần chuyển 10.000 phần gạo và nhu yếu phẩm sang châu Phi, nhưng vì ngân sách giảm nên sẽ chỉ chuyển 5.000 phần, trong khi chi phí công tác cho nhân viên, lương và chế độ tiện ích đương nhiên vẫn được đảm bảo. Điều này là bình thường, chấp nhận được nếu như sự chênh lệnh không quá lớn, nhưng thực tế lại ngược lại. Nhân viên đi công tác thì thích chí như đi khám phá vùng đất mới trên những chiếc xe sạch sẽ, ở những nơi sạch sẽ tới sang trọng và phân phát hàng tài trợ cho đám đông đang đói khổ. Hình ảnh đó đối với mình thật khó chịu.
Tháng 11, 12 là cao điểm chốt sổ của các NGO Âu, Mỹ. Nếu tới thời điểm này mà trong ngân sách vẫn còn tiền thì phải chạy vắt giò lên cổ mà xài tiền, mua sắm vật dụng, tổ chức hội thảo, hội họp, hội nghị các bên cho hết tiền, bất chấp nó là cái gì, có liên quan xíu xiu là được. Không biết văn phòng NGO của các khu vực khác như thế nào nhưng văn phòng khu vực mình làm thì được tuyên truyền như vậy. Nghe thật là mắc cười phải không? Nhưng nếu không làm vậy thì sẽ bị đánh là làm việc không hiệu quả, không hoàn thành chỉ tiêu ngân sách, và điều này sẽ làm ảnh hưởng tới nguồn ngân sách được rót cho năm sau.
Hội họp cũng là một sự lãng phí rất lớn trong các tổ chức NGO. Mặc dù công nghệ thông tin phát triển, teleconference đã rất dễ dàng nhưng hội họp vẫn rất nhiều. Và cũng như hội họp ở khắp nơi, thường được tổ chức ở một địa điểm nghỉ dưỡng nào đấy, kéo theo chi phí khổng lồ cho tiền tàu xe, ăn uống, ngủ nghỉ, công tác phí (còn gọi là tiền per diem). Dòng nhân sự từ khu vực doanh nghiệp thuần túy đang tràn qua làm việc cho các NGO kéo theo văn hóa hội họp “rất doanh nghiệp”. Rốt cuộc ai trả những khoản tiền này? Nhà tài trợ chứ ai.
Vấn đề của nhà tài trợ
Vậy nhà tài trợ - các donors – có biết các việc này của NGO không? Chắc chắn là có, không ít thì nhiều. Vậy tại sao họ vẫn tài trợ cho NGO. Về nhà tài trợ cho NGO thì có 2 nguồn lớn đáng chú ý: một là từ chính phủ các nước phát triển; hai là từ các doanh nghiệp tư nhân. Các chính phủ nước phát triển thường có cam kết là sẽ hỗ trợ 3-4% GDP cho các tổ chức NGO lớn, uy tín để họ thực hiện công tác hỗ trợ phát triển các nước thuộc thế giới thứ 3, hoặc cho các mục tiêu môi trường, khí hậu thế giới…Còn các doanh nghiệp tư nhân thì họ sẽ tránh được một khoản thuế trên lợi nhuận do đem một khoản tiền đi tài trợ NGO, coi như là làm CSR, tạo hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội. Lợi anh, lợi ả, lợi cả hai ta.
Hiệu quả của dự án
Dự án NGO thường có 2 mục tiêu: mục tiêu đầu tiên và trên hết là sử dụng cho hết số tiền tài trợ vào một chương trình/công việc nào đó nhằm đưa ra một bản báo cáo đẹp nhất có thể để tiếp tục duy trì nguồn tài trợ và tìm kiếm thêm nguồn tài trợ mới. Mục tiêu thứ hai và thứ yếu mới là hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế thông qua các chương trình y tế, giáo dục, bla bla bla…và đối tượng yếu thế cũng phải được chọn lọc chứ không phải ai yếu thế cũng được chọn để giúp. Những đối tượng nào dễ tiếp cận, cách giúp đỡ đơn giản, giúp chương trình không phải quá vất vả sẽ được chọn nhiều hơn. Tất cả phải phục vụ cho mục tiêu thứ nhất vì không hoàn thành mục tiêu thứ nhất thì lấy ngân sách đâu ra làm mục tiêu thứ hai.
Trong khi những vấn đề mang tầm cỡ quốc gia như nghèo đói, khí hậu…muốn giải quyết được thì phải có sự tham gia của chính phủ và cần nhiều tác động hơn từ những chính sách vĩ mô về kinh tế, lao động, việc làm…, các tổ chức NGO thường chọn con đường dễ dàng hơn là cấp cho người yếu thế những thứ họ cần ngay trước mắt. Ở đây, bạn thấy câu chuyện bắt đầu giống “con cá và cần câu”. “Con cá” là cần, ít nhất là trong ngắn hạn, sau đó phải có “cần câu” thì mới có hiệu quả được. Trong khi đó, đối với các dự án NGO, hết tiền tài trợ là hết dự án, “con cá” có cho bao nhiêu cũng không đủ, còn đối tượng hưởng lợi của dự án thì “sống chết mặc bay”, đơn giản là vì họ chưa bao giờ là trung tâm của dự án cả. Hình ảnh minh họa rõ nét nhất chính là các nước châu Phi, họ đã nhận tài trợ, viện trợ cái gì, trong bao nhiêu năm, số lượng tổ chức, dự án NGO đổ bộ xuống châu Phi không biết bao nhiêu mà nói, nhưng một kết quả tổng thể thì châu Phi đang và sẽ tiếp tục khó mà bước qua giai đoạn của nghèo đói, bệnh tật, thiếu thốn…để bước lên một bậc cao hơn nếu chỉ có cánh tay NGO mà không có cánh tay của nhà nước.
Kết
Nói tóm lại, “không ở trong chăn thì không biết chăn có rận”, làm càng lâu, càng sâu rồi thì bạn sẽ nhận ra có rất nhiều bất cập trong các tổ chức gọi là NGO với các mỹ từ mà nó tự công bố. Bài viết chỉ cho bạn nhìn thêm một lát cắt của NGO thôi, tốt có, xấu có, chứ không chỉ toàn đẹp đẽ tinh khôi như nhiều bạn đã viết.
Đọc thêm nhữngbài viết khác của mình tại https://officezombie2019.wordpress.com/