Giá mà có người nói với tôi hồi Đại học
(Đây không phải version khác của Nếu tôi biết khi tôi n tuổi gì đó, chỉ cùng cái cấu trúc đặt title, xin cảm ơn). Hồi đại học của...
(Đây không phải version khác của Nếu tôi biết khi tôi n tuổi gì đó, chỉ cùng cái cấu trúc đặt title, xin cảm ơn).
Hồi đại học của tôi nói chung cũng khá viên mãn, chẳng đến nỗi ăn chơi lêu lổng hay chỉ biết mỗi việc học nhưng đến khi đi làm vẫn thấy có nhiều thứ nhỏ bé tôi nghĩ nếu chuẩn bị tốt hơn hoặc được mách nước thì bây giờ đi làm sẽ tiết kiệm nhiều thời gian và công sức hơn bao nhiêu nên hôm nay tôi xin phép mách bạn nhé.
1. Hãy học tin học cẩn thận
Tin học là một môn cơ bản ở các trường đại học công, cần thiết nhưng tẻ nhạt và cũng không quá khó đến nỗi không học thì trượt nên từ cá nhân tôi đến chúng bạn xung quanh đều chẳng đứa nào đề cao. Ai lại phải quan tâm mấy cái gõ chữ abc mình thành thạo từ hồi chơi Mario với nhảy Au cơ chứ?
Ấy thế mà đời thực thì không như mơ :) lúc đi làm cái gì cũng cần trình bày chỉn chu và cẩn thận, chưa được sờ tới kế hoạch kinh doanh tiền tỉ này kia thì mấy việc đầu tiên gần như toàn liên quan đến giấy tờ gõ chữ. Lúc đấy mà dốt thì thôi về học lại cấp 1 là vừa.
Mấy cái khác tôi không nói nhưng điểm qua mấy cái sương sương dưới đây các bạn nhớ in đậm gạch chân để lưu ý nhé.
Excel: nếu không phải kế toán hay mua hàng thì thực ra cũng không cần tính đủ các hàm cao đâu nhưng mấy cái cơ bản như bôi đen cột hàng, thêm cái này cái kia, tính tổng sum siếc thậm chí ENTER hay wraptext,.. mấy cái đấy nhiều bạn không biết lắm. Đừng tặc lưỡi nghĩ khi nào cần thì google cũng được. Đúng là cũng được nhưng thực sự rất tốn thời gian và nó chẳng đáng để tra cứu đâu.
Power point: Một thứ tưởng chừng như rất đơn giản, ai cũng biết làm từ hồi cấp 3 đúng không. Nhưng không :) hồi làm bài tập nhóm đại học tôi đã gặp rất nhiều bạn bè chăng lứa tự tin nói rằng “Mình không biết làm power point đâu” khi được phân công làm slide, ok đây không phải bài nói xấu bạn học cũ mà chỉ là ví dụ cho việc những thứ tưởng chừng ai cũng biết thì không phải như vậy nên (biết đâu) bạn cũng không giỏi power point như bạn tưởng thì sao.
Quay lại chuyện pp thì một lí do khiến tôi cho rằng nó quan trọng bởi khi ra trường đi làm, đặc biệt trong các môi trường marketing, truyền thông hay cụ thể hơn là quảng cáo thì kĩ năng làm pp rất quan trọng. Tất cả mọi thứ đều được trình bày dưới dạng pp và mọi thông tin, hình ảnh đều phải được tổng hợp trong các slide đấy chứ không có bản word nào đi kèm. Pitching cần pp không? Có. Training dự án mới cần pp không? Có. Gửi cái kế hoạch cho sếp cũng trình bày pp thì còn lí do gì quan trọng hơn để không giỏi pp chứ?
Đến lúc này thì pp không chỉ là kĩ năng trình bày thông tin ngắn ngọn mạch lạc đầy đủ nữa mà còn phải đẹp và tinh tế. Càng đẹp càng hay càng tốt vì sếp hay đối tác không có nhiều thời gian để đọc từng li từng tí mà họ (cũng như bao người) chỉ quan tâm tới nội dung chính cũng như bị ấn tượng với màu sắc, con số, video,.. thôi.
Đây thực sự là kĩ năng cần được bồi dưỡng và trau dồi hàng ngày chứ không phải mẹo tìm template và thay chữ đơn thuần (thực ra tôi còn ước những người bạn đại học của tôi chịu tìm template mà thay chữ chứ bản họ gửi cho tôi xấu quá tôi không nuốt được) nên các bạn nhớ để ý nhé.
Gợi ý cho bạn vài trang làm pp mẫu đẹp này:
Microsoft Word thì có lẽ gần gũi thân quen hơn nhưng dù sao cũng nên nhắc qua, khi gửi bản word cho người khác nhớ kiểm tra kĩ chính tả, co dòng gọn gàng sạch đẹp, tab tiếc đầy đủ hoặc xóa bớt những cái không cần thiết.Dù trên đây toàn mấy cái nhỏ nhỏ nhưng khi đi làm đều quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng làm việc của bạn đấy.
2. You made from what you EAT.
Khi còn trẻ ta vẫn thường hay tặc lưỡi ăn gì chẳng được, bữa nay bận rộn làm cái bánh mì hay sang sang thì gọi pizza, mai hết tiền thì ăn mì tôm. Thật tệ hại vì tôi cũng thế rồi suốt ngày tự rằn vặt bản thân với cú pháp “Nếu-mình- nghe- lời- mẹ ăn uống tử tế thì chắc bây giờ không bị đau dạ dày rồi”.
Cũng không cần nhắc đến vai trò của ăn và dinh dưỡng đối với cuộc sống con người nhưng nhiều khi chúng ta chẳng thèm để tâm đến điều đó. Nhất là lứa tuổi sinh viên vừa mới rời vòng tay bố mẹ, thời gian thì dành cho hết cái này cái khác mới lạ mà lại lãng quên bản thân mình.
“Tối nay ăn gì? Sáng mai ăn gì?, Đi hẹn hò ăn gì?” toàn những câu hỏi quen thuộc mà theo tôi là không có gì đáng cười mà thiên hạ với truyền thông cứ ra rả cười cợt vào người hỏi (đặc biệt nếu đó là một cô gái). Cái buồn cười ở đây có lẽ là việc chúng ta chỉ nhớ đến nó như thú vui ăn ngon và làm quá lên chuyện thường ngày mà quên đi yếu tố sức khỏe sau đó.
Cũng chưa phải quá muộn nhưng tôi vẫn muốn nhắn các bạn hãy ăn uống tử tế từ lúc còn trẻ, chịu khó nấu nướng và hình thành thói quen để sau này đến khi đi làm hay về lâu về dài vẫn có một sức khỏe tốt.
Có một mẹo tôi thường dùng để nhắc bản thân ăn uống tử tế đó là luôn nghĩ rằng:
Cơ thể mình được hình thành từ những chất dinh dưỡng mình dung nạp vào người dù mình có ăn bất cứ cái gì gì.
Nghĩ như thế thì dù có chán ăn hay mệt mỏi tôi cũng lết dậy nấu ăn hoặc đi ăn ngay chứ không ăn tạm mì tôm hay cốc trà sữa nữa. Bạn thử xem mẹo đấy có tác dụng không nhé.
3. Không có môi trường hoàn hảo
Tôi sẽ để dành câu chuyện về những thứ hoàn hảo hay “cỏ bên kia đồi luôn xanh hơn” ở một bài khác, hôm nay sẽ chỉ nói về một ảo tưởng mà tôi hay nhiều bạn khác cũng từng mơ hồ gặp phải. Đó là Luôn nghĩ rằng có tồn tại một công việc hoặc một công ty phù hợp hoàn toàn với năng lực của bản thân, kiểu một cái kết “hạnh phúc mãi mãi về sau” như trong các câu chuyện cổ tích.
Đến tuổi đi làm, chúng ta sẽ thử việc tại vài chỗ, không ổn lại nghỉ, lương thấp cũng nghỉ, đồng nghiệp xấu tính cũng nghỉ. Chúng ta luôn tự an ủi rằng chỗ làm mới sẽ tốt hơn, mọi thứ sẽ ổn hơn nhưng kì vọng nhiều thì thất vọng cũng nhiều. Cuối cùng nhiều người không chịu được lại đến một giai đoạn chấp nhận, sẵn sàng làm một công việc vừa vừa chưa chuẩn ý mình lắm nhưng mọi thứ hài hòa và quan trọng là lương đều đặn. Tôi sẽ không nói điều đó đúng hay sai, nhưng nó vẫn xảy ra hàng ngày hàng giờ giữa cuộc sống bộn bề này.
Công việc tốt, có, nhưng công việc hoàn hảo thì không.
Ở đâu cũng sẽ có những khó khăn và chướng ngại vật hơi “hãm” theo cách riêng. Việc của chúng ta là thay đổi bản thân linh hoạt với công việc, chỉ nội dung công việc thôi chứ không phải bị quay cuồng với những thứ vớ vẩn ở công ty. Tức là nên bớt ảo tưởng hay mong đợi vớ vẩn và tập trung tối đa vào năng lực bản thân cũng như những công việc phải giải quyết. Thực tế một chút sẽ giúp chúng ta nhận ra được ưu khuyết điểm của bản thân và trau dồi năng lực hết cỡ chứ không phải mông lung trước dòng đời xô bồ và thị trường lao đồng phức tạp hiện nay.
Về chuyện hợp việc hay nhảy việc có lẽ có nhiều cuộc tranh luận quá rồi nhưng theo tôi thì đơn giản rằng bạn hãy nghe bản thân xem có thấy ổn trong hiện tại và tương lai hay không. Chỉ cần chú ý rằng nhảy việc nhiều quá sẽ khiến chính bạn mệt mỏi và làm hao hụt sự tự tin của bạn nên hãy cẩn thận với điều đó. Ngoài ra thì chẳng còn gì phải bận tâm cả, vì chẳng có ai hiểu điều bạn đang đối mặt nên không dựa vào mình thì dựa vào ai, phỏng ạ?
Tạm kết: Hi vọng những bài học nhỏ này sẽ có ích với bạn theo một cách nào đó. Còn không thì cũng hi vọng mỗi ngày qua đi bạn học được nhiều hơn ha.
Có thể bạn muốn đọc thêm: Các website tự học miễn phí (một bài nhiều viu) hoặc Nơi tâm sự xàm xí nhất quả đất của tôi (một cái fan pết)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất