(từ Lời giới thiệu của cuốn Lộ trình tâm và sắc pháp)
Tất cả giáo lý trong Đạo Phật, bao gồm nhiều trường phái với cách tiếp cận khác nhau, đều có chung một mục đích cơ bản: Chứng ngộ sự giải thoát; nghĩa là không còn bị ràng buộc bởi những ranh giới và sự khổ đau vốn là bản chất nội tại của mọi hiện hữu trong vòng sinh tử luân hồi. 
Đức Phật đã dạy rằng chúng ta chỉ có thể chứng ngộ sự giải thoát bằng hiểu biết sâu sắc về chính bản thân và về thế giới xung quanh chúng ta. Hiểu biết này phải được phát triển bởi mỗi người, chứ không thể được ai đó, cho dù được tôn kính hay là một bậc thiêng liêng đến mức nào, trao tặng.
Giáo lý có thể được xem có hai phần chính: những lời dạy mang tính quy ước và những lời dạy tối hậu.
“Những lời dạy mang tính quy ước được lưu trữ trong Tạng Kinh (Sutta pitaka). Những bài kinh này hầu hết hướng đến luân lý, đạo đức và giải thích bằng cách nào chúng sinh còn đang vướng mắc trong vòng luân hồi (samsara) có thể sống chân thiện hơn. Đức Phật đã biết rằng, hầu như mọi chúng sinh sẽ không chứng đạt sự giải thoát ngay.
Những lời dạy tối hậu thì được trình bày trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma pitaka, còn gọi là Thắng Pháp) và đi theo một cách tiếp cận khác. Ngôn ngữ của Vi Diệu Pháp trừu tượng hơn và hàm chứa những lời giảng “đặc biệt” hay “siêu thế”, định nghĩa đời sống này bằng các hiện tượng danh (nama) và sắc (rupa). Mục đích của Vi Diệu Pháp là dẫn chúng ta đến một sự hiểu biết sâu sắc về bản chất thật của chính mình và của cuộc sống xung quanh. Để chứng đạt sự giải thoát cuối cùng, chúng ta phải trực tiếp kinh nghiệm được những sự thật tối hậu này.  “
Đức Phật đã thuyết giảng Vi Diệu Pháp cách đây trên 2600 năm. Ngày nay, nhìn vào Giáo lý Vi Diệu Pháp, chúng ta tìm thấy nhiều khái niệm và thuật ngữ không có từ tương đồng trong ngôn ngữ và văn hoá Tây phương. Vi Diệu Pháp không chỉ là siêu hình học, mà nó là một hệ thống đạo-đức-tâm-lý-học hoàn chỉnh. Nó không chỉ liên quan đến sự phát triển tâm linh mà còn bàn một cách chi tiết về cả thân xác lẫn tâm thức, với nhiều chánh sớ lẫn phụ sớ giải bởi nhiều giảng sư qua nhiều thời kỳ khác nhau. 
Khi Vi Diệu Pháp bàn về tâm ý, nó đề cập đến sự kết hợp của hai yếu tố riêng biệt nhưng lại có liên quan mật thiết đến nhau, đó là tâm (citta) và các tâm sở (cetasika). Trong ngôn ngữ hàng ngày, chúng ta thường nói về tâm ý  như những yếu tố tâm lý, nhưng nếu nói chuẩn theo ngôn ngữ Vi Diệu Pháp, thật ra chúng ta đang đề cập đến những tâm sở (cetasika).
Vi Diệu Pháp giải thích rằng tâm và tâm sở không thể sinh lên một cách riêng biệt mà luôn phải sinh khởi cùng nhau. Có tất cả 52 tâm sở, mỗi một trong số chúng luôn luôn sinh lên cùng với tâm đi kèm. Tại bất kỳ một thời điểm nào, một vài tâm sở sẽ sinh khởi cùng tâm, một vài tâm sở có hiệu quả làm trong sạch tâm ý, một vài có thể làm nhơ bẩn nó, một số khác thì có tính trung lập. Trạng thái tổng thể của tâm ý phụ thuộc vào những tâm sở riêng biệt này kết hợp với nhau, những sự kết hợp này có thể tạo ra đến 121 tâm. 
Những tâm và tâm sở sinh kèm với chúng thì liên tục sinh lên và diệt đi, hàng triệu lần trong một giây. Một tâm trí trần tục thì không thể thấu hiểu được hoạt động tinh thần không ngừng nghỉ này.
Trong Đạo Phật, tâm ý thì rất quan trọng. “Tâm làm chủ các pháp, tâm dẫn đầu, tâm tạo tác”. Không thể đạt đến giác ngộ chừng nào chưa xuyên thấu được bản chất sinh diệt không ngừng nghỉ của tâm và tâm sở. 
Danh và Sắc
Vi Diệu Pháp phân tích và thảo luận chi tiết về tất cả những hiện tượng danh sắc và sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng. Triết học Tây phương không phân tích và thảo luận chi tiết về tâm thức như một hiện tượng riêng biệt, mà tâm thức chỉ được đề cập đến thông qua các hoạt động thần kinh ở não bộ. Thậm chí tâm lý học Tây phương cũng không tiếp cận, nghiên cứu và giải quyết bản chất của chính tâm thức, thay vào đó chỉ giới hạn sự nghiên cứu ở hành vi hay cách ứng xử của con người hay thú vật.
Trong Đạo Phật, một con người được xem là chỉ có danh và sắc (tâm ý và vật chất), không gì khác nữa. Cho nên, Vi Diệu Pháp đề cập và nghiên cứu tâm ý và vật chất một cách rất chi tiết. Khi chúng ta thấy cái mà chúng ta gọi là một con người, thật ra đó chỉ là ta đang thấy một sự hiển thị hay biểu lộ của các sự thật tiềm ẩn sâu hơn ở bên dưới, tức là những hiện tượng danh sắc cụ thể nào đó đã kết hợp với nhau
Vi Diệu Pháp liệt kê 28 sắc pháp và mô tả những nhóm sắc. Những sắc pháp này vô cùng vi tế, không thể được nhìn thấy bằng mắt trần hay được cảm nhận bằng sự đụng chạm, chúng chỉ có thể được trải nghiệm như những đặc tính khi có mức độ hiểu biết rất cao sự thật về danh và sắc. 
Vi Diệu Pháp mô tả các trạng thái tâm thức và trạng thái vật chất sinh lên và diệt đi hàng triệu lần trong một giây như thế nào. Khi trí tuệ vipassana (minh sát tuệ) được vun bồi đủ mạnh thì nó sẽ kinh nghiệm được trực tiếp sự thật này, trải nghiệm từng thực tại tột cùng sinh lên và diệt đi tại từng khoảnh khắc một. Một người không biết gì về Vi Diệu Pháp sẽ gặp khó khăn để hiểu được tiến trình cực nhanh của danh và sắc. 
Những người hiểu đúng về Giáo lý thì biết rằng Vi Diệu Pháp là một phần rất quan trọng, đồng thời cũng rất khó của Đạo Phật. Nhiều người, mặc dầu thường xem Đạo Phật là nguồn cảm hứng rất lớn nhưng lại chưa thật sự nghiên cứu Vi Diệu Pháp, và do đó chưa thể sử dụng nguồn trí tuệ lớn lao này. Tuy nhiên, đang có một sự quan tâm trở lại với việc học hỏi và nghiên cứu Vi Diệu Pháp với nhiều nhóm nghiên cứu ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á.