Gen Z nên quan tâm gì khi quan tâm đến tín dụng
Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này và một ai đó thể hiện rằng họ tránh thẻ tín dụng như tránh hủi thì cũng cực đoan hay...
1. Nên hay không nên mở thẻ tín dụng?
Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này và một ai đó thể hiện rằng họ tránh thẻ tín dụng như tránh hủi thì cũng cực đoan hay sai lầm không khác gì một người sử dụng thẻ tín dụng vô tội vạ. Cả hai đối tượng đều thể hiện rằng họ hiểu biết rất ít về cách hệ thống tín dụng hoạt động bởi vì việc từ chối dùng thẻ tín dụng trên thực tế cũng là lãng phí và gây tốn kém.
Vì sao lại như vậy?
Trước hết, cần hiểu mô hình kinh doanh của thẻ tín dụng. Các tổ chức tài chính liên quan đến thẻ tín dụng (như ngân hàng hay đơn vị cấp tín dụng) sống được bằng 3 nhóm nguồn thu chính:
- Lãi suất, phí trễ hạn, phí rút tiền mặt: từ người dùng thẻ tín dụng trễ hạn hoặc có nhu cầu cấp thiết
- Phí thường niên: từ người sử dụng
- Phí hoa hồng: từ các đại lý và nhà bán lẻ
Trong đó, phí thường niên là phần doanh thu thấp nhất và nhiều ngân hàng hi sinh nguồn thu này để thu hút người dùng, chẳng hạn miễn phí thường niên năm đầu, miễn phí với các loại thẻ hạn mức cao hoặc miễn phí nếu bạn chi tiêu đạt mức nhất định trong một năm.
Lãi suất, phí trễ hạn và phí rút tiền mặt là nhóm doanh thu đóng phần lớn nhất khi cộng gộp, có thể lên đến hơn 50% doanh thu (theo [1], số liệu từ Economist, xem dưới phần bình luận). Tuy nhiên, không phải người dùng thẻ tín dụng nào cũng phải chịu khoản phí này.
Nguồn thu thứ ba là phí hoa hồng, thu từ bên bán, chiếm đến hơn 40% doanh thu. Chẳng hạn, khi bạn sử dụng thẻ để đi ăn uống, mua sắm, mua vé máy bay... thì đại lý máy bay, chủ cửa hàng thức ăn hay cơ sở bán lẻ nếu muốn phục vụ khách hàng sử dụng thẻ, thì sẽ phải chịu % phí hoa hồng cho đơn vị cấp thẻ tín dụng. Nếu phí là 2% (đây là mức trung bình hiện tại), thì cứ mỗi lần bạn trả 1 triệu, họ sẽ chỉ nhận được 980 nghìn.
Bởi vì doanh thu đến từ nguồn thứ ba rất lớn, nên nhiều đơn vị phát hành thẻ cố gắng để nhiều người sử dụng thẻ nhất có thể và quẹt thẻ thường xuyên nhất có thể, thông qua việc miễn phí các thể loại phí hay lãi suất trong thời gian đầu hoặc khi chi tiêu đủ hạn mức nhất định, cùng các chương trình cash back, đổi điểm khuyến mãi hấp dẫn (và chúng hấp dẫn thật). Có thể hình dung người dùng thẻ tín dụng là "lao động chi tiêu giúp các ngân hàng kiếm được tiền hoa hồng". Thông qua việc ngày càng có nhiều người sử dụng thẻ tín dụng, sẽ càng nhiều cửa hàng và đại lý phải chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng hơn. Từ số tiền thu được từ nguồn phí hoa hồng, các đơn vị cấp thẻ tín dụng lại trích ra một phần để cash back và khuyến mãi cho người dùng. Chẳng hạn, với 2% phí giao dịch thu được, họ có thể trích ra khoảng 0.2-0.5% để chuyển thành phần thưởng tặng cho người dùng.
Nhưng chả nhẽ các nhà bán lẻ lại đi tặng tiền cho khách hàng của mình và cho các tổ chức tài chính bằng cách mất 2% doanh thu trên mỗi giao dịch? Chắc chắn là không, vì vậy, họ sẽ chuyển phần đó qua phía khách hàng.
Nếu như họ muốn thu về 1 triệu, thì thay vì đặt mức giá là 1 triệu để chỉ còn thu được 980 nghìn, thì họ sẽ nâng lên khoảng 1 triệu 21 nghìn để khách hàng là người phải trả. Điều này cũng tương tự như cách các cửa hàng trên những app giao đồ ăn đang làm.
Nói chung trong thế giới tư bản này, người tiêu dùng cuối sẽ luôn là người được kỳ vọng sẽ gánh đủ mọi khoản thuế phí của các bên trung gian đã tham gia vào việc tạo ra sản phẩm họ sử dụng.
Vậy điều này có nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là, người không dùng thẻ tín dụng đang mất tiền khi sử dụng dịch vụ ở các cơ sở cho phép quẹt thẻ tín dụng (lưu ý điều này không đúng 100% nhưng phổ biến). Bởi vì người dùng thẻ tín dụng sẽ nhận được cash back, được đổi điểm thưởng quy được thành các sản phẩm giá trị, được tặng dặm bay, giảm giá khách sạn, vân vân; còn người trả tiền mặt thì không nhận được bất kỳ thứ gì trong đó cả dù họ phải trả số tiền mà các nhà bán lẻ đã nâng lên để hạn chế tác động của phí hoa hồng thẻ tín dụng.
Nôm na, nó giống kiểu bạn dùng app đặt đồ ăn mà không áp được mã khuyến mãi vì bạn dùng tiền mặt chứ không trả bằng ví liên kết.
Vì vậy, nếu thẻ tín dụng càng phổ biến, việc sử dụng tiền mặt càng thiệt thòi. Ở các quốc gia như Mỹ, người ta đã tính ra được rằng trung bình những người sử dụng tiền mặt phải trả nhiều hơn bao nhiêu tiền mỗi năm cho các dịch vụ tương đương so với người trả thẻ, hay nói cách khác là trung bình mỗi năm người trả tiền mặt trả cho những người dùng thẻ bao nhiêu tiền [2].
Quay trở lại với nguồn doanh thu chiếm tỷ trọng cao thứ hai là lãi suất, phí chậm trả và phí rút tiền mặt, thì phần này bạn không phải trả bất kỳ một khoản nào nếu sử dụng thẻ một cách thông minh và cẩn thận. Nếu bạn dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, không để dư nợ tồn đọng mỗi tháng, thì bạn sẽ không mất tiền lãi. Nếu bạn trả nợ đúng hạn, thì không phải trả phí chậm trả. Và nếu bạn không dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt, thì bạn cũng không phải trả mức phí cắt cổ này.
Lý tưởng nhất là sử dụng thẻ mà không bao giờ phải đóng ba khoản phí vừa đề cập. Vì lãi suất tín dụng thường cao từ 30-50%/năm, phí rút tiền mặt là khoảng 5% cho mỗi lần rút và phí chậm trả cũng không hề thấp - chúng thậm chí còn khiến bạn bị hạ điểm tín dụng. Nhưng những người sử dụng thẻ thông minh và cẩn thận không bao giờ đóng ba khoản phí này cũng không được tăng điểm tín dụng bởi vì họ thậm chí còn khiến các ngân hàng, tổ chức tài chính phát hành thẻ tín dụng bị lỗ.
Tuy nhiên, không phải lúc nào người ta vì biết đâu là chuyện nên làm, cũng có thể thực sự làm được 😉 chúng ta biết rằng tiết kiệm, ngủ sớm, tập thể dục và ăn uống đủ chất là tốt, nhưng bao nhiêu người có thể thực sự làm được và xây dựng lợi thế cho mình? Bởi thế nên các tổ chức tài chính không hề sợ việc bạn sử dụng thẻ quá tử tế. Họ tin rằng phần lớn sẽ không thể làm được điều đó.
2. Cần lưu ý điều gì khi sử dụng thẻ tín dụng
Mình nghĩ phần 1 đã khá rõ: thẻ tín dụng không gây hại, nhưng nó có thể làm trầm trọng hơn vấn đề của những người đang có các thói quen không tốt.
Khi biết cách sử dụng tín dụng, bạn có thêm một nguồn vốn để làm được nhiều việc hơn trong ngắn hạn, hoặc đi săn thưởng. Nhiều người thậm chí còn mở rất nhiều thẻ ở nhiều ngân hàng khác nhau, và quản lý bằng các công cụ theo dõi chi tiêu chuyên nghiệp, để cứ mỗi năm lại được những dặm bay miễn phí, ở khách sạn sang trọng miễn phí, thưởng đồ công nghệ hay các bữa ăn ở nhà hàng sang trọng... mà không tốn bất kỳ một khoản phí nào.
Nhưng đối với đa số, việc được cấp thêm nguồn tiền dễ truy cập cùng với điều kiện sống chưa ổn định, sẽ dần bị phụ thuộc vào thẻ tín dụng và sống chung với các khoản nợ lãi suất cao. Sau đây là một số lưu ý:
- Không trốn nợ
Điều này sẽ khiến bạn bị dính tín dụng xấu và không bao giờ vay được các khoản vay lớn về sau này nữa. Lưu ý, các khoản vay lớn rất quan trọng trong xã hội tư bản. Phần lớn sẽ không thể mua nhà, hay thậm chí không thể có hôn nhân hạnh phúc và khả năng nuôi dạy con cái tốt, hay bị cản trở trong phát triển sự nghiệp... nếu như không được tiếp cận với các khoản vay lớn này. Nếu như bạn là một người trung lưu điển hình, hãy biết rằng gần như 100% bạn sẽ cần vay các khoản này để sống được đàng hoàng trong xã hội tư bản. Vì vậy, đừng để vì một khoản tiền tín dụng nhỏ từ thời trẻ ảnh hưởng đến cuộc đời sau này.
- Không để trễ hạn hoặc rút tiền mặt, cố gắng thanh toán nợ thẻ tín dụng sớm nhất có thể
Lãi và phí rất cao, và nó sẽ ăn mòn thu nhập cũng như nguồn vốn của bạn, đẩy bạn vào tình thế ngày càng khó khăn.
Trong nhiều trường hợp bất khả kháng, đây có thể là lựa chọn khẩn cấp. Nhưng hãy cẩn thận khi dùng những phương án khẩn cấp, và đặc biệt không nên dùng nó trong điều kiện bình thường (mà nếu điều kiện bình thường lại dùng phương án khẩn cấp thì thực ra bạn nên nhận ra cuộc sống của bạn đang ở tình trạng khẩn cấp cmnr).
Rất nhiều người tự tin rằng họ sẽ không bao giờ đóng các khoản phí này cho đến khi cuộc sống đẩy họ vào chỗ buộc phải lựa chọn nó.
- Không chi tiêu quá thu nhập
Rất nhiều nghiên cứu cho thấy việc sở hữu thẻ tín dụng khiến mọi người chi tiêu nhiều hơn so với không có. Nó có thể đến từ việc dùng thẻ tín dụng thì dễ dàng và không cảm thấy đau đớn như khi trả tiền mặt. Nó có thể đến từ việc con người không giỏi nhìn vào các con số trong tương lai. Nó có thể đến từ việc những nơi chấp nhận dùng thẻ thường có giá dịch vụ cao hơn so với các dịch vụ bình dân (chẳng hạn nếu bạn chỉ cầm thẻ trong người, bạn chỉ có thể ăn mì udon trong trung tâm thương mại chứ không thể ăn mì xào bò ở quán bình dân, nên bạn sẽ chi tiêu cao hơn cho cùng một bữa ăn).
Cái này nói thì dễ, tuân thủ được mới khó.
- Cố gắng trả hết nợ tín dụng và xem đó như ưu tiên hàng đầu
Ngay cả khi bạn không thể trả hết, hãy trả con số nhiều nhất có thể trả được, vì nó sẽ giảm số lãi bạn phải chịu. Nếu như bạn nợ tín dụng 20 triệu và chỉ có thể trả mỗi tháng 5 triệu, hãy làm điều đó. Hãy lập tức giảm chi tiêu và trả cho đến khi hết nợ thẻ, rồi bắt đầu dùng tử tế lại từ đầu. Đừng cố gắng đợi đủ tiền rồi trả luôn thể vì (1) chuyện đó khó thực hiện hơn và (2) tiền lãi cao hơn.
Phương thức "trả tối thiểu" đã bị cấm ở Mỹ vì nó tăng rủi ro tín dụng cho người sử dụng, nhưng hiện vẫn phổ biến ở Việt Nam. Đừng rơi vào bẫy "trả tối thiểu". Có bao nhiêu, trả bấy nhiêu và hãy cố gắng trả nợ nhiều nhất có thể để lấy lại tự do của bạn. Đôi lúc nợ thẻ tín dụng sẽ làm bạn bị chậm kế hoạch, không dám nghỉ việc, không dám thử những thứ mới... việc tất toán được thẻ tín dụng có thể giúp bạn dần lấy lại được cảm giác làm chủ với cuộc sống.
3. Tóm lại là?
Thẻ tín dụng chỉ hữu ích với những ai đã làm chủ được sức mạnh của mình, và nó tiềm ẩn nguy cơ gây hại nhiều hơn cho những người vẫn đang gặp các vấn đề về chi tiêu và thu nhập.
Vì vậy, hai bài học quan trọng nhất và cấp thiết nhất dành cho bất kỳ ai:
- Tăng thu nhập là mục tiêu tối quan trọng và cần theo đuổi cả đời.
- Kiểm soát chi tiêu (kiểm soát chứ không phải giới hạn) có thể giúp bạn kiểm soát cuộc sống.
Hãy nhớ, khi vay nợ để sử dụng, bạn đang dùng tiền của bạn trong tương lai. Vì vậy, một tốc độ phát triển đủ nhanh và chiến lược tốt sẽ giúp bạn có được lợi ích đòn bẩy. Nhưng nếu bạn tiêu hết tiền của năm 2023 trong năm 2022 mà chẳng thu được gì có ích, thì năm 2023 sẽ cực kỳ khổ sở vì đó là năm bạn phải chi tiêu ít hơn cả trước khi có thẻ tín dụng vì bạn phải trả nợ thẻ tín dụng. Cuộc đời của bạn sẽ có những chu kỳ nơi các năm phải trả nợ rơi xuống đáy và cảm giác tất cả mọi thứ đều thật khó khăn.
Đây dường như cũng là quy luật vận hành (nói một cách giản lược nhất có thể) của nền kinh tế nơi phần lớn tiền trên thế giới là tín dụng. Thế giới tư bản vay tiền của tương lai để kích thích tăng trưởng ở hiện tại, và nếu mọi thứ không đi đúng hướng, khi thời điểm trả nợ đến hạn, suy thoái sẽ xảy ra. Gọi là các chu kỳ nợ ngắn và chu kỳ nợ dài.
Vì tiền hay tín dụng cũng đều là tài nguyên. Sử dụng tài nguyên thì không xấu, sử dụng sai cách, thiếu hiệu quả và lãng phí mới xấu.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất