"Đừng đánh giá cuốn sách qua bìa", "Ở đâu cũng có người này người kia" và hàng loạt những video tình huống trên Youtube thường được chia sẻ với thông điệp chung rằng: Chúng ta không nên có định kiến, luôn nên có một tư tưởng mở và đón nhận những luồng tư tưởng mới, thông tin mới. Bài viết này không phản đối nửa sau của thông điệp, nhưng sẽ nhìn nhận lại nửa trước của nó.

1. Không phải tự nhiên mà có định kiến. 

Image result for prejudice

Giả dụ tôi có 100 cây kim dài ngắn khác nhau, chất liệu khác nhau, điểm chung duy nhất là chúng đều có đầu nhọn. Tôi dùng đủ 100 cây kim đó đâm vào tay bạn, bạn đều thấy đau. Vậy thì tới cây kim thứ 101 cũng có đầu nhọn, chỉ cần nhìn qua thôi bạn đã thấy hãi, chứ đừng nói là thử đâm tiếp, nếu bạn không biết cây kim đó làm bằng cao su. 
Như vậy, định kiến về một vấn đề, đối tượng gì đó không phải chỉ là một suy nghĩ ngẫu nhiên, chủ quan của 1 cá nhân không có tí kinh nghiệm gì với điều đó. Nó là một tổng hợp, một đúc kết của rất nhiều những va chạm có-cùng (hoặc giống)-kết-quả của những người đi trước truyền lại. Vì vậy có thể nói, định kiến là kết quả của xác suất: xác suất của một việc xảy ra trong một tình huống nhất định càng cao, với càng nhiều người, thì là lẽ thường tình khi chúng ta giả định rằng nếu chúng ta cũng ở tình huống tương tự điều đó cũng sẽ xảy ra. 

2. Có sai không khi ta có định kiến? 

Chúng ta không thể ngăn việc tạo ra định kiến. Tôi có nhiều định kiến, và nếu bạn không dối lòng, tôi chắc chắn bạn cũng vậy. Tất cả chúng ta đều sản sinh ra vô số định kiến trong cuộc sống mà chúng ta không để ý rằng đó là định kiến. 
"Dùng Macbook không bị virus", "Sinh viên Ngoại Thương thường kiêu lắm" hay "Trông mặt mũi sáng sủa thế mà ăn ở như shit" v...v.... những định kiến đó các bạn thấy có quen không? Tại sao thấy một người mặc vest sang trọng, lịch sự, phần lớn mọi người lại cho là họ sẽ cư xử lịch thiệp hơn những người xăm trổ bặm trợn? Tại sao các nhà tuyển dụng thường ưu ái những người tới từ trường đại học có tiếng hơn, mặc dù họ có thể không có nhiều kinh nghiệm bằng những sinh viên trường khác, thậm chí chưa chắc điểm số đã cao bằng? 
Nói ra như vậy để thấy không có gì sai khi có định kiến, bởi nó là xác suất. Kể cả khi chỉ có 1% xác suất nó không xảy ra, sẽ là không khôn ngoan nếu ta an tâm 100% rằng nó sẽ không xảy ra với tình huống của mình được, đúng không? Định kiến giúp bộ não của chúng ta giảm tải công việc phân tích, đánh giá đối tượng, sự việc và đưa tới những quyết định mà nó cho là hợp lý nhất. Mặc dù xác suất của định kiến không chính xác như xác suất trong khoa học, bởi nó dựa trên trải nghiệm chủ quan của những người đi trước giống như ca dao tục ngữ, nhưng điều đó vẫn không thể phủ nhận hoàn toàn sự đúng đắn của định kiến trong nhiều trường hợp. 

Đọc thêm:

3. Không nhất thiết phải phản bác định kiến của người khác.

Ở trên tôi không nói định kiến giúp ta đưa ra quyết định đúng, mà là quyết định mà bộ não cho là hợp lý nhất từ những thông tin (định kiến) nó biết trước đó, hoặc đã tự trực tiếp trải qua. Tôi sinh ra và lớn lên ở HP. Thời gian đầu lên ĐH, hay kể cả khi đi du học, mỗi khi một ai đó nghe thấy điều đó, họ đều nói "Ôi người HP thì ghê lắm". Có người còn hỏi "Mày có bán súng hoa cải ko?". Tôi không trách họ, bởi chắc hẳn họ đã từng gặp nhiều người HP ghê gớm, hoặc là họ đã đọc quá nhiều thông tin về tội phạm ở HP trên báo chí để đi tới định kiến đó. Tôi cũng không tức giận hay xấu hổ mỗi khi nghe những định kiến như vậy, bởi ở góc nhìn của họ, từ lượng mẫu thử mà họ có, họ đã đi tới kết luận khả dĩ nhất. Cũng sẽ dễ hiểu nếu họ sẽ không dám mở rộng mẫu thử và trải nghiệm thêm với những người HP khác, nhất là khi kết quả của những mẫu thử đó là tiêu cực cho họ. 
Image result for prejudice

Tuy nhiên, tôi không phản bác theo kiểu "Ở đâu cũng có người này người kia", hay phải gân cổ cãi với họ rằng định kiến của họ là sai, bởi như vậy thì chả khác gì bảo những gì họ đã trải qua với người HP là sai - điều mà người ngoài không thể phán xét được. Tôi chỉ cười trừ và tiếp xúc với họ, cho họ thấy rằng tôi là người thế nào. Tôi thậm chí còn không cố gắng chứng tỏ với họ rằng nhiều người HP cũng như tôi. Tôi chỉ sống sao cho tốt, cho đúng với lương tâm thôi. Và tôi nghĩ đó cũng nên là cách chúng ta phản ứng với các định kiến.
Một ví dụ khác của định kiến. Khi tôi viết bản nháp đơn xin việc chuẩn bị cho lúc tốt nghiệp, thầy người Úc của tôi nói: "Em nên để tên trên đơn xin việc là tên tiếng Anh của em, thay vì tên thật, vì nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng khả năng tiếng Anh của em không được tốt lắm nếu em là người ngoại quốc." Điều đó cũng không khác gì việc các phụ huynh sẵn sàng bỏ cả chục triệu cho con cái học các khóa tiếng Anh giao tiếp với 'Tây', cho rằng họ dạy giao tiếp chuẩn hơn, mặc dù thực tế không phải ai cũng có đủ nghiệp vụ sư phạm để làm điều đó. Tôi đã không vội vàng nổi khùng lên và buộc tội thầy, hay các nhà tuyển dụng kia là phân biệt chủng tộc, mà chỉ đơn giản nộp đơn thật nhiều, và khi được gọi đi phỏng vấn, tôi dùng khả năng của mình để cho họ thấy thực lực của mình. 
Vì vậy, cá nhân tôi thường thích thú với việc lắng nghe định kiến và tìm hiểu lý do đằng sau, hơn là việc gân cổ lên cãi.

Đọc thêm:

4. Định kiến nhưng vẫn cởi mở. 

Có lẽ định kiến chỉ sai khi người có định kiến từ chối cơ hội để nhìn nhận lại tính chính xác của nhận định của mình.
Người bạn của tôi năm nay 25 tuổi, trong đời có 3 lần tính khởi nghiệp thì chưa kịp thành công đều bị lừa nặng. Cả 3 người đều có một điểm chung là quê Thanh Hóa. Hồi học ĐH ở VN, tôi có một người bạn cùng lớp cũng quê Thanh Hóa, và đã có 1 trải nghiệm không tốt với bạn ấy. Khi tôi đi du học, trong một lần trò chuyện với một chú người Thanh Hóa, chính chú cũng bảo tránh xa lũ Thanh Hóa ra. Thế nhưng, một trong những người bạn tốt nhất của tôi nơi xứ người cũng là người Thanh Hóa.
Ban đầu tôi có ấn tượng xấu về người Thanh Hóa không? Có, mặc dù trước khi gặp người bạn tốt nhất kia, tôi mới chỉ trực tiếp tiếp xúc với 1 người Thanh Hóa. Nhưng tôi vẫn cố giữ tư tưởng cởi mở, và đối xử với mọi người như nhau cho tới khi họ làm điều gì đó xác nhận hoặc bác bỏ định kiến ban đầu của tôi. Tương tự, khi tôi có định kiến về một điều/thứ gì đó, tôi vẫn có những dự đoán nhất định trước khi trực tiếp đánh giá, nhưng vẫn sẽ xử lí như thể không có chúng, rồi sau đó mới đánh giá. 

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận rằng, định kiến vẫn sẽ luôn xuất hiện ở ngoài kia, và nó vẫn có khả năng tạo ra những bất công nhất định. Đó là cuộc sống. Hãy có cách nhìn khách quan về chúng, và giữ thái độ bình tĩnh trước chúng. 
P/s: các bạn Thanh Hóa đừng ném đá nhé. Bài viết không mang tính/mục đích công kích đâu (bản thân mình cũng là đối tượng của định kiến, nhưng mình không coi mình là nạn nhân). Cũng đừng tự gộp bản thân vào 'mẫu thử' của những định kiến của người khác nhé ^^. Mỗi bản thân chúng ta sống thật tốt là được :)