[Một phút sân si với đời]
Hình ảnh có liên quan
Thỉnh thoảng, mình vẫn đi chợ nhưng sau cái lần bị “chém trọng thương” sau khi mua 3 con cá biển (cái loại cá mà hay ăn cơm hộp ấy, tự nhiên mình mất trí nhớ tạm thời cái tên của nó) với mức giá 60k (thực tế thì chỉ khoảng vài chục nghìn 1 kí) và 3 con cá kia cùng lắm thì cũng không vượt quá 30 nghìn. Đứa bạn cùng phòng đã tuyên bố từ nay mình nên ở nhà để nó đi chợ! Có lẽ, cái mặt ngáo ngơ của mình đã khiến người bán hàng cho 1 vố khá đớn đau. Từ đó, mình cạch mặt hẳn với quầy đó (vì thực tế mình cũng không còn mua cá ở chợ nữa).
Nhà trọ của bọn mình ở giữa 2 siêu thị Coop Mart và Big C, khoảng cách để đi thì tương đương nhau và mình chọn Big C bởi cái slogan “giá rẻ cho mọi nhà” của nó và mình đang rất cần giá rẻ. Không biết có phải vì nó quá rẻ hay không (nhiều mặt hàng thậm chí còn rẻ hơn ngoài chợ) mà một bộ phận các mẹ, các chị nghĩ rằng họ đang đi chợ trong một không gian có máy lạnh hay không?
Những mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy nghĩ thử-mới-mua chính là rau củ, trái cây và bánh kẹo.
Vào thời điểm cận Tết mới thấy hết mức độ “càn quét kinh hoàng” là thế nào khi bên dưới các quầy bánh kẹo là nhan nhản những vỏ xếp chồng hằng hà sa số như một cơn bão cấp 12 vừa quét qua. Ở quầy hàng rau củ, những lá bắp cải bị xé thô bạo. Khi ai đó muốn lấy một cái bắp cải tươi ngon hơn, không bị ảnh hưởng bởi những lớp vỏ sâu bên ngoài và để trọng lượng bớt đi vài miligram? Và không phải là 1 ai đó mà là rất nhiều ai đó làm điều đó. Điều mà trên thực tế, việc mua hàng ngoài chợ cũng không cho phép bạn làm!
Nhiều chị thậm chí còn táo bạo mở những hộp trái cây đã niêm phong chỉ để ăn thử mới tính tiếp. Rồi đưa ra kết luận có mua hay không thì tùy tâm trạng.
Như trường hợp mình bắt gặp hôm thứ 7 vừa rồi, một chị ăn mặc rất sang trọng, phong cách quý sờ tộc cực kỳ, hồn nhiên, vô tư lự mở hộp nho đã đóng sẵn lên săm soi từng trái một. Giá như có một cái kính hiển vi ở đấy, chắc chị ta sẽ đặt vào mà quan sát chúng có vi khuẩn hay không. Mình đứng nhìn chị thật chăm chú, thật nghiềm ngẫm bằng ánh mắt “đầy say mê” để xem chị sẽ làm điều gì kế tiếp. Mình đã rất muốn lên tiếng bao đồng, dù mình không mua nho, nhưng thú thật, mình nhát cú đế nên chẳng dám mở lời dù trong bụng, chỉ muốn phọt ra ngay lập tức. Dường như không phải chỉ riêng mình thấy điều này, một người phụ nữ trung niên xuất hiện như 1 vị thần và bà lập tức phản ánh việc săm soi như thế sẽ làm những người đến sau bị thiệt hại. Người phụ nữ này lập tức phản pháo bằng luận điệu rằng chị ta soi như vậy, rồi sẽ lấy hộp nho kia cơ mà! Người phụ nữ trung niên, không phải dạng vừa đâu, bà lập tức lên tiếng: "Nếu tôi không nói thì cô có chắc là lấy hộp đó không?" Chị ta, tất nhiên cũng chẳng vừa, lại vịn vào quan điểm: "Bỏ tiền ra thì phải có quyền lựa chọn?" Điều chị nói không sai khi đối với những loại trái cây khác hoặc chị đi ra sạp trái cây ở chợ, (dù nếu mua như vậy thì chắc chắn người bán hàng cũng không vui vẻ gì khi chị ta săm soi từng chùm nho một) còn đối với một cái hộp đã dán nhãn mà còn cố gắng như thế, thì quả là khâm phục. Hơn nữa, việc lựa chọn thì cũng có một mức độ nhất định, chứ không phải bao giờ cũng nghĩ rằng bạn là người trả tiền thì người khác phải phục vụ luôn cả những yêu cầu vô lý của bạn.
Hai người tranh cãi khá kịch liệt nhưng có vẻ, chị ta cảm thấy bị đuối lý trước luận điểm cứng rắn của người phụ nữ trung niên và cũng ái ngại khi mọi người bắt đầu nhìn vào mình, chị lẳng lặng xách hai hộp nho đi và vờ lựa trái cây ở một quầy gần đó. Người phụ nữ trung niên cũng bỏ đi. Nhưng rất nhanh, chị lại quay trở lại quầy nho. Không biết để đổi một hộp mới, để mua thêm hay để bỏ lại thì mình không rõ vì mình đã đi mua những thứ khác (nhiều chuyện nhưng không tới nơi).
Không dám phê phán ai vì người ta thường nói những đứa nói đạo lý thường sống như l*. Mình thì không phải lúc nào cũng văn minh, lịch sự nhưng cũng không đến nổi là như l*=))). Nhưng nhìn vào điều mà chính tai, chính mắt mình nghe, mình thấy thì hi vọng những ai đang chọn siêu thị là kênh mua sắm, hãy dành chút tâm chút sức nghĩ đến người đến sau (vì nếu chẳng may bạn là người đến sau ấy, thì cũng cay cú lắm chứ không đùa) và những người phải dọn dẹp đống rác mà bạn tạo nên. Một cái vỏ kẹo, một lá bắp cải thì không là bao nhưng nếu ai cũng làm thế thì nó không còn nhỏ nữa rồi. Văn minh, lịch sự thì không “ăn” được, thậm chí có khi chẳng mang lại lợi lộc gì cho bản thân mà còn chuốc thiệt vào người nhưng điều đó chứng minh một xã hội đang tiến bộ, và những điều tốt đẹp đang diễn ra thực sự chứ không phải ở những câu chuyện khuôn mẫu trong sách vở. Nghe có vẻ vĩ mô quá nên thôi, chúng ta cứ nghĩ rằng, mình văn minh với người khác, rồi thì một người nào đó, một ngày nào đó, xa hay gần chưa biết, cũng sẽ đối xử văn minh với mình. Vậy thôi cho đời đơn giản!
Cảm ơn mọi người đã đọc!