BAO NHIÊU PHẦN TRĂM CÂU CHUYỆN CỦA DIỄN VIÊN HÀI ĐỘC THOẠI LÀ THẬT?
Này anh diễn viên hài, anh có nói thật không thế? Hồi mới quen nhau, người yêu cũ của mình cũng từng hỏi mình câu này.
Này anh diễn viên hài, anh có nói thật không thế?
Hồi mới quen nhau, người yêu cũ của mình cũng từng hỏi mình câu này. Và vì cô ấy làm ở Tòa án, nghĩa là chuyên môn tóm những đứa xạo, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng mức độ thuyết phục của những gì mình đã trả lời cô ấy ngày đó, cũng chính là những gì mình sẽ trả lời sau đây.
“Anh chỉ toàn nói thật thôi, anh thề!”
À ... thật ra thì nó không đơn giản như thế, mình sẽ giải thích rõ hơn. Nhưng để làm được việc này, mình nghĩ trước tiên mình nên nói qua về quy trình tạo ra một set diễn. Tất nhiên quy trình này có thể khác nhau tùy comic (diễn viên hài độc thoại). Nhưng với mình, quá trình viết một set diễn bao gồm 4 bước:
Bước 1: Viết ra một hoặc nhiều câu chuyện có liên quan đến chủ đề đã chọn, chỉ cần viết chính xác những gì đã xảy ra, không cần màu mè gì cả.
Bước 2: Sắp xếp và làm “mượt” mạch truyện, giúp những gì được viết ra trông giống “một câu chuyện” hơn là “nhiều câu chuyện để cạnh nhau”.
Bước 3: Tìm ra những chỗ tiềm năng để cài các miếng hài vào. Đến khi không thể cài thêm các miếng khác vào, một bản thảo cho set diễn đã ra đời.
Bước 4: Nhìn lại một cách tổng thể xem mình đã hài lòng với kịch bản chưa. Liệu số miếng hài có hơi ít để trở thành 1 set diễn hay không? Có miếng nào dễ gây hiểu nhầm hay gây khó chịu hay không? Nếu câu trả lời cho 1 trong 2 câu hỏi trên là “Có” thì bản thảo cần được sửa.
Nhưng sửa ở đâu? Sau khi hoàn thành bước 3, mình không thể cài thêm miếng được nữa, còn bước 2 thì chỉ ảnh hưởng đến độ “mượt” của câu chuyện thay vì độ “hài” của câu chuyện. Như vậy, nếu ở bước 4 mà mình cảm thấy cần phải sửa, thì có nghĩa là câu chuyện gốc của mình có vấn đề. Ví dụ như hơi “nghèo” chi tiết, hoặc có những chi tiết không phù hợp. Giải pháp cho cả 2 trường hợp này là sửa câu chuyện gốc (làm lại từ bước 1).
Tóm lại, quy trình của mình có thể đơn giản hóa như sau:
Một set diễn cũng tương tự như một cái săm xe vậy. Một cái săm xe tốt là một cái săm xe không có lỗ. Một cái săm xe vẫn tốt nếu nó có lỗ và có vài miếng vá. Mặc dù miếng vá không phải là một phần của cái săm xe “gốc”, nó lại giúp một cái săm xe tồi thành một cái săm xe tốt.
Điều này dẫn tới câu hỏi trong tiêu đề bài viết.
Như đã nói ở bước 1, những gì được viết ra ở trong một set diễn phải hoàn toàn là sự thật. Vậy việc sửa câu chuyện này có nghĩa là xạo rồi? Không hẳn. Câu chuyện gốc sẽ được sửa bằng những câu chuyện khác mà comic đã chứng kiến, hoặc đã được nghe lại, có thể có hoặc không có một chút biến tấu, miễn là vẫn phù hợp với mạch truyện gốc. Ở điểm này thì một set diễn cũng tương tự như một cái săm xe vậy. Một cái săm xe tốt là một cái săm xe không có lỗ. Một cái săm xe vẫn tốt nếu nó có lỗ và có vài miếng vá. Mặc dù miếng vá không phải là một phần của cái săm xe “gốc”, nó lại giúp một cái săm xe tồi thành một cái săm xe tốt.
Ví dụ như trong set “Con robot hút bụi lắm mồm” của mình chẳng hạn. Bạn có đoán được phần nào của câu chuyện là không có thật không? Chính là những chi tiết kể về ông anh trai và bà chị dâu, vì sự thật là mình không có anh trai. Trong câu chuyện gốc, người đề xuất thuê người giúp việc nữ là bố mình. Nhưng bố mình không thích sự nổi tiếng, mình lại không thể bỏ lỡ cái joke kia được, vậy là mình sáng tạo ra nhân vật ông anh trai. Nhưng đó cũng không phải là một nhân vật hoàn toàn hư cấu. Mình đã vẽ ra ông anh trai dựa trên chồng của một chị đồng nghiệp cũ của mình, người thực sự thích thuê giúp việc sinh viên nữ (lý do tại sao thì mình không biết).
Còn trong set “Thiên thần phòng xét nghiệm” thì sao? Sự thật là mình không chia sẻ nước tiểu với ai cả. Câu chuyện thật kết thúc ở việc mình đi lấy xét nghiệm và đi về. Nhưng khi viết đến đây, mình cảm thấy có thể mở mạch truyện đi tiếp nếu thêm một chi tiết nào đó vào. Thực tế thì mình cũng không biết có ai lại chia sẻ mẫu xét nghiệm nước tiểu cho người khác không, nhưng mình từng nghe các bệnh nhân cai nghiện ma túy nói về một loại bột, nếu bỏ vào mẫu nước tiểu có thể khiến máy xét nghiệm không tìm ra được dấu vết của ma túy. Mặc dù mình không biết mức độ chính xác của câu chuyện này tới đâu, mình vẫn tin vào sự thần kỳ của Hóa học và sự sáng tạo của con người, khi người ta lên cơn vật thuốc.
Như các bạn đã thấy, những câu chuyện mà các comic mang lên sân khấu đều là sự thật, 100% sự thật, và không gì ngoài sự thật. Chính xác thì nó là một tổ hợp của nhiều mảnh sự thật. Điều này giúp các comic giữ được tính “thực” (authenticity) của set diễn, vì những gì được kể đều là những thứ đã xảy ra với các comic, hoặc những gì các comic tin rằng đã xảy ra (một cách mù quáng).
Mình biết câu nói “Một nửa cái bánh thì là cái bánh, nhưng một nửa của sự thật thì không phải sự thật”. Mình cũng hiểu nếu ai đó tin là quái vật của Frankenstein, dù được tạo ra từ các mảnh của con người, nhưng vẫn không phải là con người. Cho nên mình sẽ không phản đối nếu bạn cho rằng, cái “tổ hợp của nhiều mảnh sự thật” mà cái gã comic kia đang toe toét kể một cách nhiệt huyết trên sân khấu, hóa ra toàn là xạo. Mà như vậy thì cũng có làm sao, bạn đang đi xem hài kịch cơ mà. Nếu muốn tìm sự thật, để mình dắt bạn sang Tòa án, người yêu cũ của mình sẽ giúp bạn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất