Con đường Đạo mà Đức Phật dạy là gì? Bởi vì nếu con đường đang theo đuổi không đúng thì có nghĩa là con đường Đạo đang không được vun bồi.

I. "Ai thấy Pháp thì thấy Như Lai"

 Đức Phật - Bậc toàn giác, Bậc Ứng Cúng đã bát niết bàn (parinibbana) giữa hai cây Sala trong rừng Sala thuộc xứ Kusinara, kể từ đó, các chúng sinh trong thế giới này không còn cơ hội được trực tiếp nghe chính đức Phật thuyết Pháp nữa. Tuy nhiên, đức Phật đã để lại Giáo pháp (Dhamma) và Giới luật (Vinaya) mà ngài đã thuyết giảng làm vị thầy của chúng ta và đại diện cho Ngài sau khi nhập diệt.
Vì thế, có thể nói mức độ tôn kính mà mỗi Phật tử dành cho Giáo pháp vi diệu của Đức Phật tương xứng với mức độ hiểu biết về Giáo pháp và Giới luật của bản thân họ. Dù cho ai đó có được trực tiếp chiêm ngưỡng Đức Phật, được trực tiếp lắng nghe Giáo pháp từ ngài và đi sau ngài từng bước mà không hiểu Giáo pháp thì người ấy cũng coi như không thấy được Đức Phật, ngược lại, những ai thấy vào hiểu Giáo pháp thì người ấy được gọi là người thấy Như Lai.
Câu nói của đức Phật rằng "Ai thấy Pháp là thấy Như Lai" là nói đến việc thấy và chứng ngộ Giáo pháp mà bản thân đức Phật đã giác ngộ. Đó là kết quả của sự phát triển hiểu biết về Giáo pháp tuần tự theo 3 mức độ : Pháp học - mức độ hiểu lý thuyết về thực tại, Pháp hành - mức độ bắt đầu kinh nghiệm trực tiếp thực tại, và Pháp thành - mức độ xuyên thấu và chứng ngộ trực tiếp Giáo Pháp

II. Giáo pháp và Tam Tạng

Giáo pháp của Đức Phật đã được gìn giữ bằng trí nhớ và lưu truyền nhờ truyền thống tụng đọc. Nó đã được tụng đọc theo sự ghi nhớ những gì được nghe từ các bậc A la hán đệ tử, những người đã thiết lập ba phần của Giáo pháp gọi là Tam Tạng (tipitaka) tại kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhất. Giáo pháp được tụng đọc bằng trí nhớ và lưu truyền như vậy cho đến khi nó được lưu thành văn bản vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Tam tạng này gồm có 3 phần:
 - Tạng Luật (Vinaya pitaka): chứa đựng những quy tắc ứng xử của đời sống phạm hạnh dành cho các vị xuất gia
- Tạng Kinh (Suttanta pitaka): chứa đựng những lời giảng về Giáo pháp được thuyết giảng cho những người khác nhau ở những nơi khác nhau
- Tạng Vi diệu pháp (Abhidhamma pitaka): nói đến bản chất của các thực tại (các pháp) và mối duyên hệ nhân quả giữa chúng. 
Tam tạng ghi lại Giáo pháp, thứ mô tả bản chất tột cùng của các thực tại mà Đức Phật đã tự mình chứng ngộ rồi giảng lại để giúp các chúng sinh khác trong thế giới này.

III. 3 thành tựu toàn hảo của Đức Phật

Để trở thành Bậc Toàn Giác, Bậc Chánh Đẳng Giác, Chánh Biến tri, đức Phật đã vun bồi các ba la mật trong một quãng thời gian dài bằng 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Ngài đã đạt được 3 thành tựu toàn hảo: 
a. Thành tựu về nhân: Là sự thành tựu về các nguyên nhân đúng dẫn đến Phật quả, ở đây đó chính là sự thành tựu các ba la mật cần thiết để có thể giác ngộ và trở thành một vị Phật toàn giác
b. Thành tựu về quả: Là sự chứng đạt của bốn quả như sau
  1. Thành tựu về trí tuệ (nanasampada): Đó là trí tuệ (về các thực tại tột cùng và nhân duyên của chúng) sinh khởi cùng với tâm đạo tại thời điểm giác ngộ. Trí tuệ này là nền tảng và nguyên nhân sâu xa của sự toàn giác và thập lực (dasabala) của Ngài
 2. Thành tựu về xả ly (pahanasampada): Đó là sự tận diệt hoàn toàn các phiền não cùng các tiền khiên tật (vasana). Các tiền khiên tật là các khiếm khuyết trên thân như hình dạng khó coi hay qua khẩu như cách nói khó nghe và được tích luỹ từ nhiều kiếp. Sự đoạn trừ các tiền khiên tật này chỉ có được ở một vị Phật toàn giác
 3. Thành tựu về năng lực (anubhava sampada): Khả năng đạt được cái mình muốn có
 4. Thành tựu về sắc thân (rupakaya sampada): Bao gồm các đặc tính trên thân hiển lộ các phẩm chất cao thượng đã được tích luỹ từ các tiền kiếp. Những đặc tính ấy rất ưa nhìn, khiến người ta ấn tượng và mang đến cho họ niềm hoan hỷ.
Trong trường hợp của Đức Phật, ngài đã vun bồi các ba la mật ở mức độ đủ để không những tự mình giác ngộ mà còn chứng quả Chánh biến tri để có thể dậy Giáo pháp cho các chúng sinh, giúp họ cũng được thoát khổ. Nếu như Đức Phật đã vun bồi các ba la mật chỉ để tận diệt phiền não cho bản thân mình thì Ngài đã không đạt đến quả vị Chánh đẳng giác (hay Toàn giác) mà chỉ đắc quả vị Phật Độc giác. (Một vị Phật Độc giác cũng tự mình đạt được chân lý tột cùng về tất cả các Pháp, nhưng không đạt được Chánh biến tri cùng các thần thông như một vị Toàn giác)
c. Thành tựu về khả năng cứu độ chúng sinh: Là sự thành tựu khả năng luôn luôn trợ giúp cho các chúng sinh của thế giới này. 

IV. Sự thật trong Giáo Pháp

Đức Phật dậy Giáo pháp mà Ngài đã tự mình giác ngộ để những người có thể tiếp nhận Giáo pháp cũng có thể thoát khổ. Vì thế, phận sự của một Phật tử là thẩm xét và nghiên cứu Giáo pháp để hiểu sự thật mà Đức Phật đã giảng chính xác là gì? Sự thật ấy khác như thế nào với sự thật mà chúng ta thường hiểu?
Đức Phật giảng rằng: Tất cả những gì thực sự tồn tại chỉ là các pháp (dhamma), không phải là con người hay là một chúng sinh hay một cái ngã nào hết. Toàn bộ thực tại hay pháp sinh khởi bởi duyên (các điều kiện hay quy luật) chứ không sinh khởi bởi/do hay vì bất kỳ một cái ngã nào hết. Các pháp khác nhau như tham hay sân hay cảm thọ ưu/ hỷ, sự ghen tỵ hay lòng từ bi, cái thấy hay cái nghe .... sinh khởi bởi do có các duyên khác nhau.

V. Vô minh che lấp Pháp chân đế

Trong thế giới thông thường, khi một cá nhân nhìn thấy một cái gì đó thì mọi đạo giáo khác hay khoa học đều công nhận có sự kinh nghiệm sự vật thông qua mắt thuộc về một ai đó, bất cứ khi nào thấy thì đó là "tôi thấy" hay "ông X/bà Y thấy". Tuy nhiên đó là tà kiến hay hiểu biết sai lầm. Chỉ có pháp thực sự tồn tại, nên chỉ có "pháp thấy". Pháp (thấy) sinh khởi rồi diệt đi ngay ấy không phải là bất cứ một ai hay một cái ngã nào hết nên không có "tôi thấy" hay "ai thấy" cả. Nhầm lẫn rằng pháp ấy là "ta/tự ngã/ông X thấy" chính là ý niệm sai lầm về ngã hay còn gọi là tà kiến. Nguyên nhân của tà kiến là do Vô minh về thực tại, về các pháp mà Đức Phật đã giảng.
Sau khi Đức Phật đã giác ngộ sự thật về tất cả các pháp, ngài đã dậy sự thật ấy cho các đệ tử để họ có thể hiểu các pháp như cái thấy, cái nghe... là vô ngã, không phải là chúng sinh hay con người (nghe, thấy ....). Không có con người hay chúng sinh mà chỉ có các pháp nghe hay thấy hay tham hay sân... Có nhiều pháp khác nhau, mỗi pháp đều có những đặc tính riêng không thể thay đổi bởi ai hay do hay vì ai, chúng sinh lên rồi lại diệt đi ngay, gọi chung là các Pháp chân đế (paramatha dhammas)
Do vô minh không thấy được các pháp sinh diệt và các pháp là vô ngã nên xuất hiện tà kiến cho rằng có ta, có ngã, có con người thực sự tồn tại kéo dài. Tà kiến này có thể so sánh với ảo ảnh nhìn thấy nước trên sa mạc khô cằn. Hiểu biết sai lầm cho các pháp là ta, là chúng sinh hay tự ngã cũng như vậy, nó được tạo bởi vô minh, ngã tưởng và tà kiến.

VI. Đặc tính của thực tại

Như trên đã đề cập, Sự thật được giảng trong Giáo pháp và sự thật quy ước như chúng ta thường hiểu trước khi có Giáo pháp thì rất khác nhau. Tuy nhiên nói thế không có nghĩa là trong cuộc sống quy ước hằng ngày của chúng ta không hề có điểm chung nào với Sự thật sâu sắc mà Giáo pháp mô tả. Pháp vẫn luôn xuất hiện thông qua các đặc tính đa dạng trong đời sống: Các mầu sắc, âm thanh, mùi vị, sự nóng, lạnh, cứng mềm, căng trùng, sự suy nghĩ là các đặc tính có thật. Sự hiểu biết ở mức tư duy về các đặc tính ấy cũng như về sự kinh nghiệm các đặc tính ấy chính là sự hiểu biết ban đầu về Pháp. 
Giáo pháp nói rằng có các đặc tính đa dạng ấy xuất hiện là do có các pháp khác nhau kinh nghiệm các đặc tính ấy. Có pháp kinh nghiệm mầu sắc, pháp kinh nghiệm âm thanh, pháp kinh nghiệm mùi vị, pháp kinh nghiệm nóng, lạnh, cứng, mềm, ...; pháp biết ý nghĩa của các thứ khác nhau và pháp suy nghĩ về những chủ đề khác nhau. Các pháp kinh nghiệm những thứ khác nhau ấy được Đức Phật toàn giác gọi là tâm (citta).
 --- Lời bạt của người viết ----
Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch. 
Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.
---- Lưu ý (disclaimer) ----
Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.
------------------------------------
Khi tóm tắt bài này, tôi tâm đắc nhất với phần IV. Sự thật trong Giáo Pháp. Với cá nhân tôi, đây là điểm phân biệt giữa một người chưa từng được nghe chánh Pháp với một người đã tiếp cận được với Giáo pháp thực sự mà Đức Phật giảng. Một người chỉ thực sự có được hiểu biết bước đầu về Giáo pháp khi nhận ra rằng Sự thật mà Đức Phật đã chứng ngộ thì không chỉ khác với sự thật của thế giới quy ước mà còn khác biệt với sự thật mà tất cả các tư tưởng, đạo giáo khác từng xuất hiện trên thế gian này nói đến. Hoàn toàn khác những chủ thuyết mơ hồ về linh hồn hay một cái tánh biết thường hằng hay một Hiện hữu tối cao nào đó, sự thật mà Đức Phật đã chứng ngộ thì sâu sắc, chi tiết hơn hẳn và hoàn toàn Vô ngã. Chính mức độ sâu sắc của Giáo pháp hé lộ cho ta thấy mức độ trí tuệ siêu phàm của Đức Phật và thuyết phục những người hữu duyên rằng Đức Phật thật sự là duy nhất, là hy hữu và tối cao trong Tam giới. Với những ai hữu duyên và có xu hướng quan tâm tìm hiểu con đường Đức Phật dậy, việc nhận ra điểm khác biệt này cần được tiếp tục bằng trách nhiệm tìm hiểu cho thật đúng Sự thật mà Đức Phật đã giác ngộ như được mô tả trong kinh điển!