Mình đã sử dụng email edu như thế nào?
Nếu bạn chưa bao giờ sử dụng email trường thì mình hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn tận dụng được những gì được gọi là đặc quyền của một sinh viên.
Chắc hẳn là các bạn đều có một email edu mà trường cấp dạng là [email protected]. xxxx có thể là mssv hoặc tên của bạn, cái này thì tùy trường nên mình không rõ, uni là viết tắt của trường đại học bạn theo học. Ví dụ, mình học BUH nên email của mình sẽ dạng là [email protected].
Không biết các bạn khác học trường khác như thế nào, nhưng tại BUH, theo quan sát của mình thì đa phần các bạn ít sử dụng email này, vì các bạn có thói quen sử dụng email cá nhân của các bạn hơn.
Nếu bạn chưa bao giờ sử dụng email trường thì mình hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn tận dụng được những gì được gọi là đặc quyền của một sinh viên.
Dưới đây là một số hoạt động mình đã sử dụng email trường cấp.
🚩 1/ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN HỌC TẬP
Khi đi học, làm việc nhóm là một điều rất hiển nhiên. Để quản lý các file tài liệu cũng như tài nguyên khi làm việc nhóm, mình thường sử dụng email của trường.
Vì lí do rất to bự: Driver của email edu không giới hạn dung lượng, nên việc mình upload các tài nguyên lên không sợ hết bộ nhớ. Từ hình ảnh, đến các file bài giảng, tài liệu cho đến quản lý hoạt động làm việc nhóm với Spreadsheets, Google Docs, Google Slides, Google Meets, Calendar, etc.
Cá nhân mình thấy các bạn sinh viên thường có thói quen dùng word, excel trong làm việc nhóm. Và vì vậy, các bạn thường có thói quen upload các file .docx hay .xlxs lên nhóm.
Tuy nhiên, mình thấy khá bất tiện khi làm điều này, vì mỗi lần chỉnh sửa, các bạn sẽ phải gửi một file mới, các bạn teammate khác muốn xem sẽ phải tải xuống các file rất nhiều lần. Ví dụ bạn chỉnh sửa 1 lần thì không vấn đề, nhưng chỉnh sửa cỡ 5 lần trở lên là tới công chiện với cái laptop của bạn liền =))
Để giải quyết vấn đề đó, mình gợi ý các bạn nên sử dụng spreadsheets và googledocs để quản lý các tài nguyên trong quá trình làm việc nhóm. Mỗi lần gửi, chỉ cần gửi một đường link, rất gọn và nhẹ. Ngoài ra, khi chỉnh sửa, các bạn có thể chỉnh sửa cùng nhau và sẽ biết được ai chỉnh sửa những nội dung gì.
Một vấn đề được đặt ra là sau khi tốt nghiệp, số phận của những tài liệu đó sẽ đi đâu? Câu trả lời là sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
1. Email edu của bạn sẽ bị khoá, bạn bị mất tài nguyên.
2. Email edu của bạn sẽ được duy trì có thời hạn hoặc không thời hạn, và tài nguyên của bạn vẫn được bảo toàn.
Cái này thì tuỳ loại dịch vụ mà các công ty sẽ thu tiền của trường. Ví dụ như nếu trường của mình sử dụng dịch vụ mail Sever của Google thì nhiều khả năng trường sẽ vẫn duy trì email edu của bạn mãi mãi vì Google đã không còn thu phí dịch vụ cho các email edu từ năm 2014. [1]
Hiện tại, email của mình chưa hết hạn nên phần này cũng không chắc, nhưng đa phần là sau khi học xong một môn nào đó mình cũng ít xem lại nếu nó không quan trọng. Thế nên mình thường lưu backup các file quan trọng ở một driver cá nhân khác.
🚩 2/ TRAO ĐỔI, LÀM VIỆC VỚI GIẢNG VIÊN VÀ NHÀ TRƯỜNG
Tất nhiên, mình thấy đây cũng là lí do mà trường cấp cho mỗi bạn sinh viên một email như vậy. Mục đích là để các bạn liên hệ với giảng viên những lúc cần thiết, chẳng hạn như xin vắng học, trao đổi, hỏi đáp về bài giảng hoặc những vấn đề khác có liên quan. Ngoài ra, cũng là để liên lạc với các phòng ban khác của trường như Phòng Đào tạo, Phòng Công tác sinh viên, Chánh Văn phòng,... những lúc cần thiết.
Việc sử dụng email trường giúp giảng viên xác định được bạn chắc chắn là sinh viên của trường, và hơn hết điều đó thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn khi hoạt động, làm việc trong một tổ chức nào đó, và cụ thể ở đây là trường bạn theo học.
🚩 3/ THAM GIA VÀO CÁC KHÓA HỌC TRÊN COURSERA VÀ NHẬN CHỨNG CHỈ
Là sinh viên thì hẳn là nhiều bạn cũng đã biết đến Coursera - nền tảng học tập online hàng đầu cho giáo dục đại học. Bạn có thể học rất nhiều khóa học miễn phí, thu về kiến thức hữu ích trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, tài chính, ngoại ngữ, nhân sự, công nghệ, etc....
Tuy nhiên nếu học miễn phí thì lại không có chứng chỉ nhận về. Nếu muốn có chứng chỉ, bạn thường phải trả một mức phí nhất định, mình thường thấy giao động khoảng 49$ mỗi tháng (~>1100k VND).
Bạn cũng có thể trả mức phí như vậy, nhưng là sinh viên mà, mình hiểu nghèo không kể xiết, tiết kiệm được thì cứ tiết kiệm thôi các bạn. 1 triệu đồng cho một chứng chỉ thì có khi cũng bằng nửa tháng làm thêm của mấy bạn đúng không =))
Vậy làm sao để học và nhận chứng chỉ miễn phí từ Coursera?
Khi sử dụng email trường đăng nhập vào Coursera bạn sẽ được tham gia vào Coursera Campus Student Plan. Trong đó, bạn sẽ được học mỗi năm một course miễn phí và có chứng chỉ.
Tiếc là một năm chỉ được học một khóa nên là sau khi hoàn thành khóa miễn phí đó, mình áp dụng chính sách Financial Aid của Coursera. Viết đơn xin như thế nào mình sẽ viết ở một bài viết khác dành cho các bạn quan tâm. Bạn có thể theo dõi tại đây:
Những chứng chỉ đó dùng để làm gì?
Bạn có thể add vào profile Linkedin của mình hoặc CV. Điều này sẽ giúp cho nhà tuyển dụng thấy là bạn có sự đầu tư trong việc tìm hiểu kiến thức, kỹ năng liên quan đến lĩnh vực mà bạn theo đuổi cũng như ghi điểm và ấn tượng tốt hơn khi bạn ứng tuyển vào một vị trí nào đó. Vì mình biết là rất nhiều bạn đã từng tham gia vào một khóa học nhưng chưa bao giờ hoàn thành để nhận được chứng chỉ :'>
Ngoài ra, chứng chỉ đó giống như một món quà ghi nhận cho thời gian cũng như công sức bạn đã dành cho khóa học. Cảm giác nhận được chứng chỉ sau khi hoàn thành rất tuyệt vời nha ^^
🚩 4/ APPLY VÀO GITHUB STUDENT DEVELOPER PACK
Đây là gói hỗ trợ dành cho các bạn học sinh, sinh viên có đam mê tìm hiểu về lập trình và muốn phát triển cũng như học hỏi nhiều trong lĩnh vực này.
- Gói này cung cấp rất nhiều đặc quyền như sử dụng Github Pro, free domains, premium icons, programming lessons, interview prep và rất nhiều tài nguyên khác.
- Sinh viên có thể nhận được miễn phí các công cụ, các nguồn tài nguyên trị giá khoảng $200k.
Với BUH thì mình tin là nó rất hữu ích cho các bạn MISer (Khoa Hệ thống thông tin quản lý) hoặc những bạn nào muốn tìm hiểu về lập trình nhưng điều kiện tài chính chưa cho phép. Còn với các bạn sinh viên như ở BKU hoặc theo IT thì mình đoán là đa phần các bạn có lẽ đã biết đến gói này.
Bản thân mình là sinh viên khối ngành Kinh tế nhưng mình vẫn apply. Vì sao?
Có ba lý do chính:
1. Mình là sinh viên và mình hoàn toàn nhận được gói offer này từ Github. Nó giống như là một đặc quyền của sinh viên mà các bạn không nên bỏ lỡ.
2. Mình sẽ có cơ hội học được nhiều kiến thức mới hơn mà không phải bỏ rất rất nhiều tiền cho nó, mà thực ra là vì điều kiện tài chính không cho phép :'>
3. Công nghệ là xu hướng của tương lai. Bạn thử nghĩ xem, cách đây nhiều năm, giỏi tiếng Anh là một lợi thế. Nhưng bây giờ, tiếng Anh là một kỹ năng hiển nhiên ai cũng phải có. Nhìn xa hơn một chút, IT là một trong những lĩnh vực rất hot, việc tìm hiểu về ngôn ngữ lập trình sẽ giúp mình thích ứng tốt hơn với sự thay đổi trong tương lai. Điều này thì cũng tùy vào mục đích dài hạn của nhiều bạn nữa nên mọi người có thể cân nhắc để tránh việc lãng phí thời gian của bản thân.
Apply Github Student Developer Pack như thế nào?
Apply gói này của Github rất đơn giản nếu bạn có email edu và một thẻ sinh viên. Bạn điền vào một cái form, khá ngắn kèm lý do vì sao muốn nhận gói này và chờ đợi. Khoảng sau 14 ngày gì đó, mình nhận được phản hồi từ Github. Nếu không có email edu thì vẫn apply được, miễn là bạn có thể chứng mình bạn vẫn còn là sinh viên. Tuy nhiên, thủ tục sẽ rắc rối hơn một chút.
Bạn vào link này để apply nha:
Khi nhận được gói này, mình đã học được một vài kiến thức về ngôn ngữ lập trình từ Datacamp (trong đó có Spreadsheet, SQL, Python, R,...), ngoài ra, mình được nhận rất nhiều ưu đãi khác chẳng hạn như sử dụng Canva Pro, tải icon premium miễn phí trên iconscout, và nhiều offer khác mà nếu không phải sinh viên, bạn sẽ phải bỏ rất nhiều tiền mới có thể được trải nghiệm.
Vì mình cũng không rành về mảng IT lắm nên cũng không dám share bừa. Bạn có thể đọc bài viết này để hiểu kỹ hơn về Github Student Developer Pack:
🚩 5/ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHÁC
Ngoài 4 hoạt động mình kể trên, mình được biết là có email edu này các bạn sẽ được sử dụng Microsoft Office 365 bản quyền mà không cần crack (cái này mình thử rồi nhưng không được :'>), sử dụng Notion Premium, Canva for Students, hoặc mua sắm với nhiều ưu đãi đến từ Spotify, Amazon hay các thương hiệu lớn như Nike, Adidas,.. Mấy cái này thì mình chưa thử, nhưng các bạn cứ thử nếu có thể nha.
Hy vọng bài post của mình hữu ích và hỗ trợ các bạn trong việc học tập. Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết của mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất