Thực ra là vì tôi ngu.
(tôi nói thế vì nếu như bạn không đồng ý với tôi thì được thôi, cứ cho là tôi ngu, đây là chia sẻ - tâm sự, chứ có phải tranh luận đâu nhỉ. Tôi đã chán những cuộc tranh luận liên miên xong kết quả lại là ai giữ quan điểm của người đấy lắm rồi, vì đơn giản: Tôi ngu). Bài viết dưới đây là một dạng chia sẻ thuần túy, mong các bạn cân nhắc cẩn thận trước khi đọc (để tránh mất thời gian).

Tôi là một người rất hay phán xét người khác. Một phần bởi vì tôi được học nhiều, tôi đọc cũng rất nhiều. Và tôi tự cho là tôi có đủ khả năng để phán xét người khác.
Có một giai đoạn rơi vào những đợt stress liên miên, mỗi ngày tôi đọc 1000 trang A4, trong vòng 1 năm trời (nhưng chỉ là kinh Phật thôi). Mối quan tâm của tôi trải dài từ tôn giáo, chính trị, triết học, cho tới chăn nuôi, tình dục học, súc vật học ...
Và phải, tôi đã từng cho rằng tôi có đủ khả năng phán xét hiểu biết của người khác. Nhưng:

Làm sao bạn (tôi) biết là người khác không biết?

Đôi khi chúng ta nhìn một quan điểm và nhận định của người khác, rồi đánh giá rằng họ chẳng hề biết cái quái gì. Điều này, tôi cho rằng là một điều lạ.

hay thậm chí đến mức này

Suy nghĩ của tôi khi đọc những dòng đó là: Mọi người dựa vào đâu để nói rằng quan điểm đấy là do đọc không đủ nhiều, hay là do không hiểu về mỹ học, hay dựa vào đâu để nói rằng đối phương (là tôi) học ít? Hay là các bạn học không đủ nhiều, đọc không đủ nhiều để hiểu được ý tưởng xuất hiện trong đó?
Khi những suy nghĩ đó nổi lên trong đầu, tôi bèn cố hết sức để dập tắt nó, vì cũng đúng thật là tôi học không đủ nhiều thật! (học mãi còn không ra được cái bằng, xong rồi đi làm việc chân tay, thì so với ai?).
Nhưng đặt ra câu hỏi đấy cho những người nói tôi xong, thì tôi cũng không trả lời được câu hỏi cho chính mình: 
"Làm sao để tôi thực sự biết rằng mình biết nhiều, biết chính xác hơn người khác?"
Bởi vì có những điều, khi biết không biết gì, ta cho nó là đúng, rồi khi biết một chút, thấy rõ ràng là nó sai lè lè. Khi hiểu được tất cả các khía cạnh rồi, ta lại thấy nó là đúng.
“Trước khi gặp thiện tri thức, tôi thấy núi sông là núi sông.
Sau khi gặp thiện tri thức chỉ dạy, tôi thấy núi sông không phải là núi sông.
Sau ba mươi năm, tôi thấy núi sông là núi sông”.
Hồi xưa, tôi đã từng nghe câu "Trên đời này, cái gì nhiều người cho nó là đúng, thì nó đúng. Vốn dĩ không có đúng và sai". Lúc đầu nghe thì thấy tâm đắc. Về sau (hồi còn trẻ trâu), tôi gân cổ lên cãi càn, cho rằng câu nó đó là sai hoàn toàn. Đến bây giờ, thì lại thấy câu nói đấy chí quá.
Khi nghĩ đến những chuyện đấy, tự tôi đã đưa ra một giải pháp để hiểu được người khác là thế này: "Đặt mình vào hoàn cảnh người khác"
Nếu như bạn thực sự hiểu một cách rõ ràng, tường tận đối phương dựa trên cơ sở nào để nói như thế, thì có lẽ là ý kiến của bạn sẽ có trọng lượng hơn đối phương. Còn nếu câu trả lời của bạn là không (tức là bạn cảm thấy đối phương thật là ngu vãi, điều hiển nhiên như thế mà cũng sai được), thì chắc bạn (và cả tôi) nên tìm hiểu xem tại sao họ lại làm như thế, xem họ có thực sự ngu không, trước khi phán xét.
Lý do đằng sau việc chúng ta nên làm như vậy trước khi đánh giá, là bởi vì một con người đều có một cuộc đời và một thời gian như nhau, tức là, nếu bạn muốn hiểu được 20 năm cuộc đời một con người, kể cả bằng cách xem phim, thì bạn buộc phải bỏ ra đúng 20 năm để ngồi xem lại từng phút giây một. Còn nếu không thì vẫn là không thể hiểu được toàn bộ các góc khuất trong cuộc đời người khác.
Tương tự, khi nhìn một luận điểm, ta chẳng thể hiểu được rằng đằng sau người đó đã trải qua những gì, đã từng nghiên cứ những gì. Có thể người đó đã từng bỏ cả đời ra nghiên cứu về vấn đề đấy, và chỉ đưa ra nhận xét vậy thôi, cũng có thể người đó ... ngu thật.

Vậy thì, hãy nói theo cách tôn trọng người khác

Việc gì phải tôn trọng người khác, khi mà chửi người ta ngu sướng hơn nhiều?
Ý tôi là, có xác suất rằng đối phương ngu thật, và họ chẳng biết cái gì, và nó viết thế này đọc khó nuốt quá. Tại sao không chửi thằng người ta ngu luôn, rồi để xem nó đưa ra luận điểm, luận cứ thế nào?
Thực ra câu hỏi trên tôi cũng không có câu trả lời. Nhưng có lẽ ở một số tầng lớp, có cái văn hóa là "phải dìm người khác xuống thì mình mới lên được". Tôi cũng không hiểu lắm, là tại sao việc đầu tiên không phải là từ từ hỏi han rõ ràng: "Tại sao bạn lại có quan điểm thế", mà việc đầu tiên lại luôn là "thằng này mày ngu, không biết cái gì mà dám đưa ra quan điểm thế", hay là "chẳng hiểu biết được đến đâu mà dám đưa ra quan điểm thế". Những câu hỏi như thế toàn là những câu hỏi tu từ miệt thị? (hay là tôi quá ngu, nên những câu hỏi đấy là những câu chân thành mà tôi không hề nhận ra?)
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, khi chưa hiểu về đối phương, tốt nhất chúng ta nên lịch sự đã. Bởi vì cuộc sống cũng khó khăn lắm rồi. Hằng ngày tiếp khách, bị mắng chửi bao nhiêu lần. Về nhà lại đọc những lời mắng mỏ, cho rằng là mình ngu xuẩn từ không biết bao nhiêu người. Chẳng lẽ chúng ta không thể tặng nhau một chút nhẹ nhàng, khi mà chia sẻ chung một nền tảng tri thức được hay sao?

Tóm lại

Nói gọn thì cái việc mà bạn phán xét, cái quan điểm mà bạn đang bảo vệ, có thể là cái mà đối phương đã tìm hiểu từ rất lâu, cũng thấu hiểu và nghiên cứu về nó từ rất lâu rồi. Và bạn thì có thể chẳng hiểu gì (chẳng biết gì) về những thứ đối phương đang biết. Vậy nên việc đầu tiên là chúng ta nên tôn trọng và tìm hiểu trước đã.
Hoặc cũng rất có thể (mà tôi tin rằng một số người MUỐN trường hợp này hơn) đấy là đối phương thực sự ngu.
Còn tôi, tôi ngu thật, nên các bạn đừng hỏi tôi. Bài viết của tôi đăng trong mục chuyện trò - tâm sự chứ không phải quan điểm - tranh luận (đùa đấy, tôi vẫn gắng tag tranh luận). Nếu các bạn cảm thấy là cần thông tin gì từ tôi, tôi sẵn lòng giải đáp. Còn nếu các bạn bảo tôi ngu không biết gì, thì đúng thật mà, tôi có biết gì đâu nào?