Sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ là thế nào? (Suy nghĩ của cô gái ngoại ngữ ngồi ở công ty IT)
Dạo này mình đã chuyển sang công ty lĩnh vực IT (sau một năm vắng mặt sau bài viết cô gái ngoại ngữ ngồi ở công ty xây dựng haha)....
Dạo này mình đã chuyển sang công ty lĩnh vực IT (sau một năm vắng mặt sau bài viết cô gái ngoại ngữ ngồi ở công ty xây dựng haha). Thật sự cảm ơn vì ngôn ngữ đã cho mình được đi xa và đi nhiều như vậy. Khi ở công ty IT, mình bắt đầu được học, tìm hiểu về ngôn ngữ lập trình, và mình nghĩ đến chuyện học ngoại ngữ của mình nên mình quyết tâm ngồi xuống viết lại.
1. Chuyện ở công ty IT
Với lợi thế ngoại ngữ, mình vẫn được công ty chấp nhận đào tạo dù chỉ như trang giấy trắng. Mình rất vui sướng hân hoan vì được giới thiệu các kiến thức trong lĩnh vực IT, thứ mà ngày xưa dù lê la Voz, J2team cả ngày mình vẫn chả hiểu gì. Mình hăm hở quay tay hết từ Eclipse chạy câu lệnh Java đến luyện tập HTML. Với cá nhân mình, HTML hay Java cũng như ngôn ngữ, chỉ là thứ ngoại ngữ này dùng cho máy tính. Và thế là mình tự hỏi, mình học xong khóa Java core rồi, mình nghe xong khóa HTML rồi, rồi còn chăm chỉ làm đề Algorithm (thuật toán) nữa, vậy mình có được coi là thành thạo nhiều thứ tiếng không?? (=))))) Và rồi mình bật cười mình, nếu được phông bạt thì chắc mình sẽ viết vậy nhưng nếu đã coi nó là thứ ngôn ngữ thì chiếc lương tâm dân ngoại ngữ của mình không cho phép mình ảo tưởng thế. Mình biết là mình học xong khóa Java core thì cũng chỉ như “học xong bảng chữ cái”, học thêm vài câu lệnh thì tương đương với “học từ mới sơ cấp”, đọc vài bài code đơn giản có thuật toán như kiểu “học ngữ pháp căn bản”, hơn nữa bây giờ mình vẫn chưa thể làm ra 1 dự án, mình chưa thể làm nên 1 chức năng nào cả, vậy sao có thể “nổ” là thành thạo được? Cùng lắm thì mình chỉ có thể nói là, mình đang bắt đầu học java, HTML.
2. Nghĩ ra chuyện ngoại ngữ
Chắc hẳn các bạn đã không còn xa lạ gì với những tấm gương con nhà người ta thành thạo 4-5 thứ tiếng? Nhiều khi là do báo giật tít, cũng có khi là họ cố tình show ra, nhưng với mình – với lương tâm người học ngoại ngữ, thì mình cho rằng, “thành thạo” nhưng trình độ dưới B1 hay chỉ mới biết đọc-viết, thì không phải thành thạo. Với một sự tỉnh táo nhất định hoặc chỉ cần là người đã học thì bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy trình độ thật sự của những người này.
Quay lại với câu chuyện học Ngoại ngữ, suy cho cùng, chỉ là công cụ để giao tiếp. Nhưng mình nghĩ rằng chỉ khi bạn sử dụng được thứ công cụ đó để giao tiếp, để truyền đạt được suy nghĩ của mình, để cho một mục đích gì đó thì mới nên nói là “thành thạo”, chứ thành thạo không phải dừng ở việc học được bảng chữ cái hay chỉ biết nói theo các chủ đề chào hỏi, hỏi giờ, hỏi địa điểm cơ bản.
Tuy nhiên, học ngoại ngữ mới cũng sẽ có rất nhiều giai đoạn, và đôi khi bạn sẽ phải chấp nhận sự thật là nó sẽ không có điểm dừng. Khi mới đầu học một ngoại ngữ nào đó thì sự hứng thú sẽ giúp bạn học thật nhanh, tiếp thu kiến thức vui vẻ và thấy được sự tiến bộ của mình mỗi ngày (khoảng trình độ A1, A2), nhưng khi đến trình độ nhất định, bất cứ ai cũng sẽ gặp quãng chững khi học ngoại ngữ. Bạn sẽ bắt đầu được học những ngữ pháp hay cấu trúc, từ vựng cao cấp hơn, nhưng dù có càng học thì bạn có thể thấy những từ vựng mình học như rơi vào hố sâu, lấp mãi không đầy. Ở giai đoạn này, nếu không thật sự tập trung cố gắng, kiên trì thì nhiều người sẽ bỏ lửng và tự cho là “thôi thì mình cũng học được rồi, cũng biết chào hỏi cơ bản rồi”, “mình cũng học ổn ổn rồi nhưng có thể mình không hợp với thứ tiếng này đến thế.. ”, và kết quả là, ở trung tâm ngoại ngữ thì các lớp tiếng Trung tiếng Hàn mình biết đều rơi rớt học viên ở những buổi cuối sơ cấp, đầu trung cấp rất nhiều.
Tất nhiên, có tiếp tục học và trau dồi thêm từ vựng ngữ pháp hay không là tùy lựa chọn mỗi người, như mình đã nói, ngoại ngữ chỉ là công cụ, nếu bạn thấy mình chỉ cần một hòn đá để làm công cụ, điều đó cũng không có gì đáng trách. Nhưng nếu được, mình mong là bạn cũng sẽ hiểu rằng, mình hay bạn hay bất kì ai khi học ngoại ngữ cũng đều vấp phải những khó khăn đó, và việc học ngoại ngữ không phải chỉ toàn niềm vui hay thật đơn giản, và rằng không phải mình có thiên phú hay bạn không giỏi, chỉ là chúng mình cần kiên trì, cần nỗ lực vượt khó mà học nó, nhai lấy nó, và yêu nó. Để bắt đầu chắc hẳn bạn đã cần rất nhiều động lực, nhưng nếu đã bắt đầu rồi thì bạn hãy cố gắng để thành thạo nó, vì khoảng cách giữa "mới bắt đầu" và "thành thạo" có thể xa và cần nhiều đánh đổi, nhưng nó phân cấp bậc rất rõ ràng và nếu đạt được, nó thật sự rất đáng.
Hi vọng 2022 mọi người sẽ có một năm yêu ngoại ngữ, có động lực để bắt đầu và có sức mạnh để tiếp tục.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất