''T... tự tử, mất rồi em ơi''
Đó là một trong số những câu nói có sức nặng đủ làm tôi suy sụp nhất trong đời. Buổi tối của tháng 12/2017, trở về sau cuộc họp chiến dịch, nhận được hung tin, tôi đã ngã quỵ xuống ngay cửa cổng trước sự ngỡ ngàng của chị N. Tôi không biết bằng cách nào mà mình có thể lê bước vào phòng, lên gác, rồi quay lưng bật khóc cả đêm. Khoảnh khắc ấy, mọi thứ dường như sụp đổ dưới chân tôi, muốn khóc lên thật lớn nhưng không sao làm được. Có thể chân tôi bước đi, nhưng tâm trí thì mãi mãi mắc kẹt trong sự dày vò, hối hận, và tự trách chính mình đến tận cùng.
<i>Cre: Silvestri Matteo</i>
Cre: Silvestri Matteo
T. sống cùng ám ảnh trầm cảm trầm trọng, trong suốt tuổi thơ của T., niềm vui hay hạnh phúc thật sự xa xỉ vô cùng tận. T. hay dùng từ ''k.h.ố.n n.ạ.n'' để cô đọng về quá khứ của mình. T. không chối bỏ quá khứ, nhưng dĩ nhiên rồi, T. cũng chưa bao giờ bình yên. Thỉnh thoảng, T. mơ hồ nói về những quyết định muốn bỏ đi đâu đó, những cuộc ra đi mà không có ngày gặp lại, những cuộc tháo chạy khỏi trách nhiệm đối diện với chính mình. Thứ duy nhất giữ T. lại, là ý nghĩ ai đó sẽ rất buồn nếu T. ra đi, có thể là người thân, và cũng có thể là những tâm nguyện dở dang chưa thành hình. Ở cái tuổi 20, nói về cái chết thì thật dễ bị chỉ trích. Nhưng điều đó có nghĩa lý gì nếu như người ta không còn nói nữa, mà người ta thật sự chuẩn bị, thật sự quyết tâm rời bỏ mọi thứ để chấm dứt một cuộc đời?
Sáng hôm ấy, T. nhắn tin cho tôi, hỏi rằng có thể gặp nhau được không. Thời gian cuối năm tôi cực kỳ bận, thi cử, họp hành, công tác và những công việc làm thêm bên ngoài gần như choáng hết quỹ thời gian mỗi ngày. Như mọi khi, tôi nhắn dời lại để gặp nhau vào cuối tuần, đi loanh quanh ở đâu đó rồi tấp vào cửa hàng tiện lợi uống một chút, ngà ngà say rồi mới kể chuyện. Mà thường thì tôi là người nói nhiều nhất, còn T. là một khối im lặng thống nhất, chỉ muốn gặp tôi để cảm nhận sự liên kết giữa hai tâm hồn đau đớn, bão giông chứ không có ý định sẽ mang tất cả những thứ ấy ra hong khô rồi xếp vào ký ức.
Kể từ ngày đi làm thêm, T. bắt đầu bước vào thế giới của những người không ngừng lao về sự bận rộn. T. kiếm nhiều tiền, làm việc chăm chỉ, vì hầu như ngoài học và làm việc ra, T. không còn bất cứ sở thích nào khác. Những tin nhắn giữa tôi và T. bắt đầu thưa dần, nhưng việc gặp nhau vào cuối tuần thì vẫn đều đặn. T. làm cho tôi tin rằng, T. thật sự đã bước 1 chân ra ánh sáng, mở lòng ra để đón nhận những điều ngẫu nhiên trong cuộc sống, tin tưởng vào một tương lai nồng hậu, dịu dàng và hy vọng hơn. T. còn nói sẽ chậm lại, chờ tôi biết thương xót cho bản thân, chờ tôi chữa lành và đứt đoạn với chứng trầm cảm, rồi hai đứa sẽ lại hân hoan và hạnh phúc như hai người trẻ bình thường.
Nhưng sự thật là T. đã không còn sợ người ở lại đau khổ, cũng không chờ tôi nữa. T. giận gì đó, hoặc phát hiện ra bản thân đang đi trong ảo ảnh, thấy mọi nỗi đau vẫn vẹn nguyên nơi ngực trái, thấy xa vắng trong mỗi bước đi, thấy trời ngầu đục và lòng chưa bao giờ muốn đứng giữa đám đông. Những huyên náo, lấp lánh và lý do tồn tại không đủ sức níu kéo T., trong đó, có cả tôi.
Hai người chị chung phòng thấy tôi khóc đến dại đi, cũng không biết phải làm sao ủi an cho phải. Sáng hôm sau, tôi quyết định bỏ 4 môn thi cuối kỳ còn lại, bắt xe về quê T. để tiễn bạn lần cuối. Đó là một quyết định tỉnh táo nhất mà tôi có thể làm lúc đó. Vì tôi chẳng thể nào tập trung ôn bài hay vào trường dự thi được, lòng tôi đã vỡ ra rồi. Tôi đã tự dằn vặt mình rất nhiều, và tự hỏi nếu lúc đó tôi bỏ hết công việc để gặp T., liệu tôi có mất T. không? Tôi đã sống trong nỗi ám ảnh ấy rất nhiều năm, mãi chẳng thể tự tha thứ cho chính mình. Tôi tự thấy mình là một người bạn tồi tệ, đầy tội lỗi và thật sự nhẫn tâm. Tôi có thể ở cạnh nhiều người, phục vụ xã hội, nâng đỡ những người xung quanh, nhưng lại không có mặt trong lúc T. cần tôi nhất. Những năm sau, cứ mỗn lần làm chiến dịch, tôi lại buồn vô hạn. Những lúc đó, mọi người chỉ thấy tôi điên cuồng làm việc, càng đau khổ, tôi càng muốn làm mọi thứ tốt hơn. Cái loại đớn đau xen lẫn hưng phấn ấy kéo tôi đi rất nhanh trên những hành trình, và dự án.
Chiều nay ngồi trong Cheese Coffee, nghe hai bạn nữ kế bên nói công an kết luận nguyên nhân tử vong của nam sinh Bình Định là do tự tử, tôi đã thẫn thờ rất lâu. Tôi chợt hiểu vì sao cả ngày hôm nay, lòng tôi cứ dâng lên một nỗi buồn không tên không tuổi. Cả ngày này, người tôi sốt lên, nhưng thật không thể chợp mắt khi lòng đầy ngổn ngang và tasks thì vẫn còn đó nhìn tôi nhắc nhở.
Có rất nhiều lý do đẩy một người đến bước đường tự tử. Tuy nhiên, tử tử vì trầm cảm, với tôi, là cuộc tháo chạy khỏi thực tại một cách có kế hoạch. Giống như T. từng nói về những sự rời đi, dù lúc đó T. chẳng có biểu hiện buồn phiền hay sợ sệt, nhưng sâu trong lòng, có lẽ T. sớm đã nuôi dưỡng ý nghĩ từ từ chấm dứt mọi thứ. Hay như cách mà Nghĩa đã cố gắng duy trì hình ảnh con nhà người ta, để rồi lặng lẽ cõng mọi tâm sự trên vai bước vào Sài Gòn, rồi lại dùng một cục đá 10kg để tự kéo mình xuống lòng sông lạnh lẽo. Tất cả các quyết định đều không phải là một sự bộc phát hay tình cờ, mà là một kế hoạch. Một kế hoạch để ra đi mãi mãi.
Tới đây, tự dưng tôi không muốn kết bài, cũng không lồng ghép thông điệp gì vào đây cả. Chỉ mong rằng mọi người luôn nhìn xung quanh, để tâm nhiều hơn, nỗ lực để chữa lành cho chính mình, và hàn gắn bản thân với thực tại. Và nếu có cơ hội, hãy gặp nhau khi có thể, đừng chờ đợi, đừng viện cớ cho sự bận rộn.
Đâu có ai biết khi nào là lần cuối cùng được gặp nhau.