Nước Mỹ và văn hóa gắn kết lỏng-chặt
Lâu lâu mình lại nghe được một cái podcast tâm đắc, lần này là podcast của Freakonomics nói về nước Mỹ khác với các nước khác như...
Lâu lâu mình lại nghe được một cái podcast tâm đắc, lần này là podcast của Freakonomics nói về nước Mỹ khác với các nước khác như thế nào. Không chỉ nói về vấn đề của riêng nước Mỹ, Freakonomics còn đưa ra so sánh của một người nghiên cứu về văn hóa về các nước ra sao. Ở đây, từ "văn hóa" là từ chỉ những chuẩn mực chung của xã hội (mà người sống ở đó tuân theo).
Nhà nghiên cứu này có đưa ra ý tưởng về nền văn hóa gắn kết lỏng và nền văn hóa gắn kết chặt. Mỗi loại văn hóa có một số đặc điểm khác nhau. Ở trong một cộng đồng liên kết chặt, thì người ta dễ tuân thủ các luật lệ, các trật tự xã hội cơ bản hơn là nền văn hóa gắn kết lỏng.
Ví dụ, để phân biệt giữa hai nền văn hóa, người ta cho làm thí nghiệm. Người ta cử những người trông bình thường đi nhờ giúp đỡ ở trong siêu thị. Khả năng những người trông bình thường này nhận được sự giúp đỡ hầu như là giống nhau ở hai loại nền văn hóa trên. Nhưng khi người ta cho những người này đi giả xỏ khuyên mũi trông lập dị khác người, thì ở các nước có nền văn hóa lỏng, người xỏ khuyên mũi không bị từ chối giúp đỡ nhiều bằng ở các nước có nền văn hóa gắn kết chặt. Cuộc sống ở nơi liên kết chặt người ta dễ nhận được sự giúp đỡ từ người giống mình. Ngược lại, ở một cộng đồng liên kết lỏng thì nó hỗn loạn hơn nhưng con người ta được tự do. Những người khác người (do lựa chọn hay sinh ra đã thế) dễ sống hơn ở nơi có liên kết lỏng
Sau đó họ đề cập một ví dụ khác, về chuyện người ta làm nghiên cứu trong đó người nghiên cứu cho người thí nghiệm ngồi giữa một loạt người gài của họ (mà không cho đối tượng được thí nghiệm biết việc này). Những người này cùng được người nghiên cứu hỏi những câu hỏi đúng sai, đếm số tương đối đơn giản, rồi hỏi từng người đứng trước mặt họ. Những người được gài đầu tiên đưa ra câu trả lời đúng cho các câu hỏi đầu tiên; rồi từ từ họ đưa ra câu trả lời sai giống nhau cho các câu phía sau. Một hiện tượng tâm lý là người bị gài nghe nhiều người trả lời sai, thì sẽ sửa câu trả lời (đáng ra là đúng) của mình để mình cũng sai giống mọi người. Tuy thế, ở các nơi mà nền văn hóa chặt, coi trọng sự đồng điệu giữa mọi người thì khả năng người ta sửa cho mình sai giống mọi người lớn hơn. Ở các nước có nền văn hóa mà tôn trọng cá nhân, thì người ta ít làm như vậy hơn, vì người ta lớn lên đã được dạy là sự vững vàng của cá nhân ngay cả khi mình không đồng ý với mọi người, là một phẩm giá quan trọng của con người.
Nước như nước Mỹ là dạng lẩu thập cẩm, liên kết lỏng lẻo giữa mọi người với nhau. Còn nước như Singapore, mức thu nhập ngang ngang giống Mỹ, là một nước có liên kết chặt. Ở Mỹ, đi đường (nhất là đường quốc lộ) thấy người ta xả rác đầy ở đường rất bẩn. Ở Singapore thì chỗ nào cũng sạch đẹp, đi rất ít thấy rác rưởi như Mỹ. Sống ở Mỹ có nhiều việc bực bội, điển hình như việc vận động người ta cùng làm một việc như đeo khẩu trang, tiêm vaccine, hạn chế đi lại dù có đại dịch chết người cũng là không thể. Nước Mỹ là nước khôn sống mống chết, con người có sự độc lập rất lớn. Đó là cái giá phải trả cho một xã hội mà tự do cá nhân đặt lên trên nhiều thứ khác. Tuy vậy, một điều không thể phủ nhận, nước Mỹ là một nước có rất nhiều người tài về nhiều lĩnh vực khác nhau, luôn đi đầu về các thành tựu khoa học-kỹ thuật, cũng vì sự bướng bỉnh của họ. Nước Mỹ cũng là một đất nước mà nhiều người, từ nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ, có đủ các loại tôn giáo, niềm tin sống được với nhau. Ai muốn sống thế nào thì sống, muốn tin cái gì thì tin, xã hội đặt lên họ ít chuẩn mực hơn là ở một nước có sự gắn kết chặt chẽ.
Mình nghĩ như vậy, không phải là nền văn hóa nào ưu việt hơn cái gì mà cái gì cũng có điểm tốt xấu. Ở đâu cũng có cả hai yếu tố phải dung hòa với nhau, tự do cá nhân và chuẩn mực xã hội, chỉ là nơi nào đặt cái gì nặng hơn. Điều mỗi người cần nhận ra là mình sống được với cái gì, ở nền văn hóa nào thấy thoải mái hơn. Và tốt nhất là nơi nào mình cảm thấy hợp hơn thì mình phải tạo điều kiện cho chính mình để có được cơ hội sống ở nơi đó - chứ không thể chờ xã hội thay đổi vì mình. Tóm lại, mình nghĩ có lựa chọn thì tốt hơn là không -- và nếu như mình là người khác biệt, muốn sự khác biệt thì phải sống ở nơi tôn trọng sự khác biệt thì mới dễ sống.
Mình nghĩ mỗi người để tìm ra câu trả lời cho mình, nên đặt câu hỏi: Cái gì mình làm mình khó chịu hơn? Khi một mình mình đúng và số đông sai, và mình bị tẩy chay khó chịu hơn, hay khi có một số nhỏ sai và số đông đúng, nhưng số người sai lè đó không bị tẩy chay khó chịu hơn?
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất