Càng sống thì càng thấy rằng xấu tốt thật giả trắng đen không dễ mà nhận ra. Khi người ta nói có giây phút mà ai ai cũng hò reo vui sướng vì một biến cố trong lịch sử xảy ra, cái xấu cái ác bị tiêu diệt, là không có thật. Và lịch sử sang trang cũng không phải là hoa lá trên đường người người nắm tay nhau hát ca. Khi lịch sử sang trang là những tiếng khóc, tiếng cười lẫn lộn. Khi lịch sử sang trang, có cả triệu người vui thì cũng có cả triệu người buồn. Hôm nay là ngày mình không tập trung làm được gì nhiều vì thấy cảm giác lạ lùng - đang sống trong những ngày lịch sử sang trang. Một cuộc chiến đã qua, một bên đã thắng và một bên đã thua.
Trong ranh giới rất mong manh giữa cái đúng cái sai, người buồn người vui đó thì ta nên chọn lúc nào để đánh giá, và khi đánh giá thì biết bên nào phải bên nào trái là rất quan trọng.
Với mình một quy tắc thường xuyên đúng là bên nào dùng sức mạnh họ có để bóp nghẹt tri thức, khoa học, hiểu biết thì bên đó thường sai. Trong 4 năm vừa qua, những người làm khoa học, giáo dục đều lên tiếng phản đối kịch liệt những hành động của chính quyền TT Trump. Việc đơn phương rút ra khỏi thỏa thuận chung Paris, và xử lý COVID theo kiểu ngược đời là hai ví dụ điển hình của sự coi thường khoa học, coi thường trí thức, coi thường nhân loại tiến bộ. Có những bạn mình biết, với lứa tuổi và tôn giáo, niềm tin của họ, thông thường họ sẽ ủng hộ đảng của TT Trump. Nhưng họ làm trong ngành giáo dục, họ đã nhảy qua phía bên kia để phản đối tổ hợp Trump - Betsy. Mình nghĩ đó là giọt nước đã làm tràn ly, làm cho cán cân chuyển sang phản đối nhiều hơn ở Mỹ trong kỳ bầu cử này.

Không phải tự nhiên mà những người đi ủng hộ Trump có nhiều  người -- hôm qua -- mang cờ quạt của phát xít, hay của Liên minh miền Nam mà không có ai đi biểu tình cùng dám cản trở, ngăn chặn. Trong khi đó, những người khác chống lại Trump thì không ai đi biểu tình lại mang cờ quạt kiểu đó cả.  Người đi ủng hộ Trump mang cờ quạt đó có lẽ nghĩ được làm vua thua làm giặc, những lý tưởng đó là đúng và nó chỉ bị tẩy chay vì nó thua. Họ có sự lầm tưởng thiểu số, người thua cuộc thì là yếu thế, nên được bảo vệ, phải có tiếng nói. Sự thực, thiểu số và đa số có ít ý nghĩa liên quan đến đúng sai ở đây. Mình nghĩ là người ta không nhận ra được khi nào người thua là vì mình yếu thế mệnh bạc, khi nào thì thua vì không có lý tưởng chính nghĩa và tiến bộ. Người ta cũng không nhận ra được không phải tiếng nói, ý kiến nào cũng phải đi ủng hộ cổ xúy thì đấy mới là ủng hộ tự do ngôn luận. Người không biết phải trái đúng sai thì khó lòng mà thuyết phục được. Gần mực thì đen gần đèn thì sáng, mình nghĩ rằng đi giao du, đi cùng ủng hộ, cổ vũ những người có lối suy nghĩ như vậy là không ổn.

Như vậy còn việc có những người khác, cũng đi biểu tình đập phá, mà họ cũng theo phe mà mình ủng hộ, thì sao? Mình nghĩ là có mấy điểm khác biệt ở đây. Thứ nhất, mình nghĩ không ai  thích thú ủng hộ gì hành động đập phá hôi của cả, nhưng những người giận dữ ngu dốt luôn nghĩ bạo lực là cách để chứng tỏ họ có sức mạnh. Cái người ngu dốt đập phá bạo loạn bên nào cũng có. Thứ hai, điều này quan trọng hơn -- nếu cùng là người biểu tình ôn hòa với nhau -- người đi biểu tình BLM mong muốn tương lai bình đẳng, còn người biểu tình phất cờ phát xít, liên minh Miền Nam mong muốn nhìn lại hào quang của quá khứ mà có người thượng đẳng có người hạ đẳng. Hai ý tưởng đó không phải là bằng nhau không có đúng có sai. Tự do ngôn luận không phải là không làm gì mà đi tuần hành cùng những người vỗ ngực tôi ủng hộ Phát xít, tôi ủng hộ miền Nam nô lệ. Đó là điểm khác biệt giữa người biết lẽ phải và người có mắt không thấy, có tai không nghe.
Bảo hai bên đều sai vì họ đều có kẻ hôi của hay gài cắm, là một cách nhìn nông cạn về vấn đề này. Khi nhìn vào vấn đề này, hãy nhìn vào những người cùng có ý định đi biểu tình ôn hòa với nhau. Để biểu đạt ý tưởng xây dựng đất nước tốt đẹp nhân ái hơn mà lại chịu đi chung với những ý tưởng sai trái khốn nạn như thế mà không làm gì, thì chỉ là ngụy biện. 
Cho nên mình nghĩ rằng cách tốt nhất để có nhiều người tiến lên phía trước hơn là làm sao cho nhiều người được học hành tử tế, đến nơi đến chốn, đánh giá được một cách đúng đắn cái gì đúng cái gì sai. Và đánh giá được cái gì đúng cái gì sai từ khi nó còn chưa thành vấn đề lớn mình nghĩ là chìa khóa để có cuộc sống vui vẻ, hòa hợp, tốt đẹp hơn không phải chỉ cho xã hội mà còn cho từng người nữa. Các mối quan hệ, tình cảm, gia đình, việc làm cũng bắt nguồn từ cách nghĩ biết phải trái đúng sai, khi nào thì bỏ qua xí xóa khi nào cần có quan điểm đúng đắn rạch ròi. Không phải việc gì cũng có cái đúng cái sai, nhưng không phải việc gì cũng có thể đánh lận con đen nói phải nói trái đều được.