Nguyễn Hoàng Cường/ Dịch và tổng hợp

129822825_3720868321310409_1300126095046941274_o
Nhà độc tài Juan Peron và vợ Eva Peron
Vào đầu thế kỉ XX, Argentina là quốc gia phát triển hàng đầu Nam Mỹ và được rất nhiều nhà quan sát kì vọng là cường quốc tương lai của khu vực và thế giới. Vậy mà hơn 100 năm sau, quốc gia này lại được biết đến như là một quốc gia đang phát triển, thường xuyên chìm trong các cuộc đảo chính, tham nhũng và bất ổn chính trị, và người ta chủ yếu nhớ tới nước này qua các siêu sao bóng đá. Vậy chuyện gì đã xảy ra cho đất nước này, biến nó từ một nước thuộc “Thế giới thứ Nhất” trở thành nước thuộc “Thế giới thứ Ba”?
· Bối cảnh:
Vào thập niên 1880, sau nhiều năm chìm trong nội chiến và chiến tranh với các quốc gia láng giềng (Brazil, Paraguay), Argentina bắt đầu một giai đoạn ổn định và phát triển liên tục, lâu dài nhất trong lịch sử đất nước. Phát minh về hệ thống làm lạnh trong thời kì này đã giúp cho thịt bò – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này – được xuất đi khắp thế giới, đồng thời nông dân nước này cũng được hưởng lợi từ hệ thống đường sắt và đường biển cho việc buôn bán lúa mì, ngô, len và da. Tình hình chính trị ổn định cũng dẫn tới sự mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài (chủ yếu tới từ Anh và Pháp).
Những con số (và câu chuyện) minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Argentina thời điểm này:
– GDP của nước này tăng 7.5 lần chỉ trong vòng 25 năm (1880-1905) , tốc độ tăng trung bình 8%/năm (cao nhất thế giới đương thời);
– Thu nhập đầu người của Argentina vào đầu thế kỉ XX gần bằng thu nhập đầu người của Mỹ, bằng 92% của trung bình của 16 nước phát triển nhất đương thời;
– Nhờ sự giàu có lúc đó mà Argentina chi tiền rất mạnh tay cho quân đội, đến hết WW1, Argentina cùng với Brazil và Chile là 3 quốc gia Nam Mỹ vận hành thiết giáp hạm kiểu Dreadnought (thời điểm này được coi như loại tàu của các cường quốc như Anh, Pháp, Mỹ hay Nhật);
– Nước này trở thành điểm đến của người di cư từ nhiều nước châu Âu như Đức, Ý (ai mà đọc “Những tấm lòng cao cả” của Amicis có thể để ý đến câu chuyện của cậu bé Marco sang Argentina tìm mẹ, khi mà tới thành phố Rosario (quê hương của Messi) thì bị một ông người Argentina quát: “Trở về quê hương Ý của mày mà đi ăn xin đi!”)
Tuy giàu có như vậy, thế nhưng giới lãnh đạo Argentina đã không tận dụng thời điểm này để đầu tư vào các ngành công nghiệp của đất nước, nâng cao trình độ giáo dục (phần lớn dân cư đến năm 1940 chỉ tốt nghiệp tiểu học chứ không học tới bậc trung học) hay bài trừ tham nhũng và bất bình đẳng giàu nghèo. Chính những vấn đề này sẽ khiến cho Argentina trong vòng hơn 100 năm sau luôn rơi vào vòng luẩn quẩn về kinh tế.
1
– Biểu đồ so sánh GDP đầu người của Argentina so với các nước trong thế kỉ XX. Có thể thấy là từ một quốc gia với thu nhập đầu người hơn cả Ý, Argentina đã tụt dốc, để nay chỉ có thu nhập đầu người tầm 1/3 Ý;
· Sự suy tàn kinh tế:
Thời kì hoàng kim về kinh tế của Argentina đột ngột kết thúc khi mà thế chiến 1 nổ ra (1914). Hệ thống thương mại bị gián đoạn, cộng thêm với việc các nhà đầu tư cũ (Anh, Pháp) rơi vào cảnh nợ nần, khiến cho Argentina mất động lực phát triển. Đến những năm 1920, mọi thứ ngày càng trở nên rõ ràng là giai đoạn vàng về kinh tế của đất nước này đã qua.
Giữa lúc đó, người Anh đưa ra đề xuất với chính phủ Argentina : để đổi lấy hỗ trợ tài chính, các doanh nghiệp Anh sẽ nắm độc quyền ngành chăn nuôi (ngành sản xuất chính của quốc gia này). Không còn lựa chọn nào khác, Argentina đành buộc cho ngành kinh tế chính của đất nước phụ thuộc vào bạn hàng chính của nước này. Chính điều này cuối cùng gây hại cho Argentina khi Đại khủng hoảng bùng nổ (1929), nước Anh, vốn là thành trì của thương mại tự do, quyết định dựng “bức tường bảo hộ” bao quanh đế chế (1932). Hệ quả là quốc gia Nam Mỹ Argentina mất ¼ GDP chỉ trong vòng vài năm.
Tiếp theo là tới Thế chiến II, khi mà hệ thống thương mại toàn cầu còn bị đảo lộn nghiêm trọng hơn Thế chiến I. (Dân Argentina giai đoạn này buộc phải đốt phần dư thừa của vụ mùa ngô làm nhiên liệu, do không có ai mua). Tuy vậy nước này vẫn duy trì được thặng dư thương mại tương đối lớn (khoảng 1,6 tỷ USD thời đó). Một phần vì lí do này, người Argentina liền bỏ thương mại tự do mà chuyển sang phát triển công nghiệp thay thế nhập khẩu.
Giai đoạn sau Thế chiến II chứng kiến sự nổi lên của nhà độc tài Juan Perón. Ngoài việc chứa chấp nhiều tên tội phạm thời Thế chiến II từ Đức Q.X (khiến cho nước này trở nên tai tiếng tới tận bây giờ), ông ta cũng nổi tiếng với việc quốc hữu hóa hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài, tiến hành công nghiệp hóa đất nước, và hạn chế nhập khẩu bằng thuế quan (đi ngược với xu hướng toàn cầu hóa đương thời). Trong vài năm đầu, Argentina chứng kiến tăng trưởng kinh tế khá, cho đến 1948, khi GDP không hề tăng trong 4 năm liên tiếp. (Ngược lại, lạm phát gia tăng phi mã: 26% trung bình từ 1944 – 1974). Hệ quả là đến năm 1955, Perón bị lật đổ, và Argentina được cai trị bởi quân đội.
Tuy nhiên, hóa ra sự cai trị của quân đội cũng không khá hơn là mấy, khi mà các chương trình xã hội dưới chế độ cũ, tuy tốn kém nhưng rất được lòng dân nên họ không thể bãi bỏ; và họ cần duy trì một ngân sách quốc phòng lớn nhằm bảo vệ quyền lực và sức mạnh. Việc này khiến Argentina rơi vào vòng xoáy bất ổn và khủng hoảng, kể cả khi Perón được đưa trở lại nắm quyền (1973) rồi đến vợ ông ta Eva Peron khi chồng qua đời (1974) cũng không thể giải quyết được tình hình.
Tới năm 1976, tình hình Argentina trở nên căng thẳng, và quân đội nước này, dưới quyền Leopoldo Galtieri, lại tiến hành đảo chính và nắm quyền. Tuy vậy, họ cũng không thể giải quyết tình hình rối ren về kinh tế (lạm phát lúc này lên tới 130%/năm, GDP giảm 5%, còn công ty dầu khí quốc gia chịu thiệt hại tới 6 tỷ USD). Để hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi tình trạng này, Galtieri quyết định tấn công người Anh ở Falklands, và kết cục thì như mọi người đã biết, là một thất bại thảm hại. Hệ quả là chính quyền quân sự nhanh chóng sụp đổ vào năm 1982, và thay thế bởi chính phủ dân chủ.
Tuy nhiên, những rắc rối về kinh tế của Argentina vẫn không kết thúc. Siêu lạm phát hoành hành quốc gia này vào cuối thập niên 1980 (trung bình cả thập niên lên tới 750,4%/năm), tiếp theo đó là một giai đoạn phát triển chậm chạp trước khi nước này tuyên bố vỡ nợ vào năm 2002. Sau đó quốc gia này trải qua một giai đoạn phát triển nóng, cho tới khi khủng hoảng kinh tế 2008 ập tới, và quốc gia này rơi vào vỡ nợ lần nữa vào năm 2014 (thứ không được chú ý mấy vào thời điểm đó, do báo chí đang tập trung vào trận thua của Argentina trước Đức tại World Cup năm 2014 ). Tới 22/5 vừa qua, quốc gia này lại chịu lần vỡ nợ tiếp theo (đây là lần vỡ nợ thứ 9 trong lịch sử).
2
– Triển vọng phục hồi kinh tế hậu COVID-19 của các quốc gia. Có thể thấy triển vọng của Argentina ở mức thấp nhất.
· Hệ quả:
Như vậy, trong vòng hơn 100 năm, từ một cường quốc tương lai, Argentina đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình khá (chỉ gần 10000 USD/người, đứng dưới Trung Quốc hay Malaysia). Đây là kết cục buồn cho một quốc gia từng sánh ngang hàng với Anh, Mỹ hay Úc về thu nhập đầu người. Chính vì thế nhà kinh tế Simon Kuznets (từng đạt giải Nobel về kinh tế) từng có câu: “Thế giới có 4 nhóm quốc gia: phát triển, đang phát triển, Nhật Bản và Argentina”.
Cùng với đó, triển vọng kinh tế hiện tại của nước này vẫn chưa khá hơn là bao, khi tham nhũng vẫn đang là quốc nạn, khi mà cựu tổng thống (Cristina Fernandez de Kirchener) vẫn đang phải ra hầu tòa do cáo buộc tham ô. Đồng thời, dịch COVID-19 cũng đang tác động mạnh tới nước này, khi nước này được dự báo sẽ có mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong các quốc gia được khảo sát bởi Wall Street Journal (đến 2021).
Tương lai nào sẽ chờ đón cho đất nước của Maradona và Messi? Có lẽ chúng ta vẫn phải chờ…
· Nguồn: tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng 2 bài báo dưới đây của The Economist có thể tham khảo:
– The tragedy of Argentina – a century in decline: https://www.economist.com/…/02/17/a-century-of-decline
– How Argentina and Japan continue to confound macroeconomists: https://www.economist.com/…/how-argentina-and-japan…
(2 bài này chỉ cần người đọc đăng kí email qua The Economist là có thể đọc được).
Ngoài ra còn có video này của HistoryMatters: https://www.youtube.com/watch?v=im349_aRx-Q.
Argentina debt restructuring deal – 15 years too late! | Euro Crisis in the  Press