Ngày nay, chúng ta đã cải chính nhiều lỗi dùng từ trong tiếng Việt, cũng như dần trút bỏ tư tưởng "sai nhiều thành đúng", đó là một điều đáng mừng. Một trong số đó là phân biệt hằng với hàng: hằng là lặp đi lặp lại định kỳ, còn hàng là chỉ số lượng nhiều không xác định, chẳng hạn như hằng ngày là ngày nào cũng có, còn hàng ngày là nhiều ngày dài. Cũng là một từ chỉ tần suất, sự lặp lại, nhưng theo tôi, từ periodic đang được dịch và hiểu sai là tuần hoàn, như tôi đã nêu từ bài trước. Tuy nhiên, bài trước hình như vẫn chưa chặt chẽ nên nhiều người vẫn bảo vệ cách dịch cũ, nên hôm nay tôi xin trình bày rõ ràng hơn.
Để tóm tắt các luận điểm, tôi xin nêu ra các "con voi trong phòng":
– Nếu dịch periodic tuần hoàn thì cyclic, circulatory, v.v. sẽ là gì, trong khi chúng không tương cận nghĩa? – Nếu đồng nhất periodic với cyclic thì chúng ta cũng đang đồng nhất period (chu kỳ) với cycle (chu trình), liệu điều đó có áp dụng được cho mọi trường hợp? Tại sao tiếng Anh vẫn dùng phân biệt?
Chưa nói đến định nghĩa trong các từ điển tiếng Việt, hãy cùng nhìn cách dùng của phương Tây, nơi khai sinh hầu hết thuật ngữ khoa học ngày nay trước. Tôi tự hỏi người xưa không thấy cấn khi dịch period chu kỳperiodic lại là tuần hoàn hay sao, trong khi hậu tố ic chỉ là cách lập tính từ dẫn xuất? Chu kỳ (period) trong khoa học định nghĩa chặt chẽ là khoảng thời gian giữa hai lần xảy ra (occurence) kế tiếp của một trạng thái, cụ thể là trong một hiện tượng dao động hoặc chu trình, hoặc một hàng trong bảng chu kỳ (periodic table) cũng có ý lặp lại về tính chất. Còn từ tuần hoàn, nghĩa đen sẽ là xoay vần theo vòng, với hoàn (環) là vòng tròn. Vậy tuần hoàn thích hợp nhất khi dịch những thuật ngữ có từ căn liên quan đến vòng, như cyclic, circular, circulatory, v.v. Ta có circulatory system hệ tuần hoàn, hay circular economykinh tế tuần hoàn. Nhưng trên thực tế, từ tuần hoàn đang được lạm dụng để chỉ sự lặp lại nói chung, điển hình như periodic, repeating, v.v. Rốt cuộc nó lại trở thành một từ tối nghĩa, lại ảnh hưởng đến việc dịch ngược. Tôi nghĩ khả năng phân biệt giữa các khái niệm gần nhau là một giá trị đáng quý của ngôn ngữ, chúng ta hay tự hào tiếng Việt giàu đẹp, vậy hãy dùng sao cho xứng đáng với nó. Từ căn của periodicperi- có nghĩa là bao quanh, vậy phần nào cũng liên tưởng đến vòng tròn, nhưng tôi nghĩ cyclic thì sát với tuần hoàn hơn, nếu không muốn nói là phù hợp nhất, còn periodic thì bao gồm cả oscillatory (dao động) lẫn cyclic. Lưu ý rằng hậu tố -ic chỉ là cách mà tiếng Anh tạo tính từ, vậy periodic liên hệ với period chu kỳ, phân biệt với cycle chu trình ứng với cyclic. Hai cách dịch có thể gây sự nhầm lẫn, đó là điều nên tránh. Chẳng hạn với quy luật tự nhiên Xuân Hạ Thu Đông, tiếng Anh gọi nó là cycle of seasons chứ không phải period. Hay menstrual periodmenstrual cycle cũng không như nhau, mà hình như Việt Nam chỉ lưu truyền từ chu kỳ kinh nguyệt.
Một ví dụ minh họa là cyclic group trong toán học, họ dịch là nhóm xyclic hoặc giữ nguyên cyclic, trong khi có thể dịch đơn giản là nhóm tuần hoàn (Trung dịch là tuần hoàn quần – 循環群), nếu không dịch sai lệch periodic từ trước, với periodic function bị dịch là hàm số tuần hoàn (Trung và Nhật dịch là chu kỳ hàm số – 周期函数). Ta có thể thấy cái nhầm lẫn tưởng như nhỏ nhoi lại ảnh hưởng domino như thế. Rồi periodic table, rõ ràng từ periodic ở đây ngụ ý sự thay đổi tính chất hóa học các nguyên tố tuân theo period. Nếu nghi ngờ thì quê hương của chính Mendeleev là nước Nga cũng dùng Периодическая система химических элементов, Период là period, ическая dùng để lập tính từ. Vậy mà chúng ta dịch periodic table là bảng tuần hoàn không hề ăn nhập. Từ tuần hoàn hiểu chặt chẽ là đi một vòng rồi quay lại xuất phát điểm như con rắn cắn đuôi, vậy mà chẳng thấy tính chất hóa học tuần hoàn tý nào, gọi là xoáy ốc (spiral) còn hợp lý, vì càng đi xuống thì period càng tăng số nguyên tố. Khi thảo luận điều này với một người bạn cũng chuyên hóa học, lời phản biện duy nhất tôi nhận được là "Tính chất của các nguyên tố biến đổi tuần hoàn thật mà ông", nghĩa là họ chỉ đi theo lối mòn mà người cũ vạch ra mà không xét tính đúng sai.
Thật ra giải pháp khá đơn giản. Với những từ dẫn xuất thì ta cứ dịch theo từ gốc là ổn thỏa. Cách dịch tuần hoàn nên bỏ, nhưng riêng từ tuần tôi nghĩ nên giữ, vì nó có ý nghĩa sâu sắc, như Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh) giảng là "thuận theo, giữ theo thói quen, theo thứ tự mà xoay vần". Ta cũng có sequential tuần tự, tức là theo trình tự (sequence). Vậy tôi nghĩ có thể dịch periodic tuần chu kỳ, cũng có thể dịch là có chu kỳ hay theo chu kỳ nhưng không lột tả hết khái niệm, cũng như mỗi ngày (each day) hay theo ngày (by day) thì không bằng hằng ngày (everyday, daily) ghi đủ ý lặp lại mỗi ngày. Với thuật ngữ dùng thường xuyên thì có thể chọn lược bỏ từ tuần, như periodic tablebảng chu kỳ, periodic functionhàm số chu kỳ, v.v. Hằng là một từ khá hay, lại thông dụng trong tiếng Việt mà ban đầu tôi muốn dùng, nhưng nó chỉ dùng cho hành động hoặc đơn vị thời gian, không thể dùng tổng quát với period có thể là độ dài hoặc một hàng trong hóa học. Cyclic có thể là tuần hoàn, nhưng vì cách dịch này trùng với circulatory nên tôi nghĩ nên dịch hẳn là tuần chu trình. Trong tương lai, có lẽ chúng ta có thể rút gọn lần lượt thành tuần kỳtuần trình, tùy theo nhu cầu thực tiễn. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, aperiodicacyclic sẽ được dịch là phi chu kỳ phi chu trình. Nếu dùng cyclic tuần hoàn thì acyclic phi hoàn cũng được.