Vẫn có những người đổ lỗi cho những nạn nhân bị hiếp dâm
Đây là một bài tổng hợp ngắn và giản lược nội dung, tập trung vào hiện tượng đổ lỗi cho các nạn nhân nữ ...
Đây là một bài tổng hợp ngắn và giản lược nội dung, tập trung vào hiện tượng đổ lỗi cho các nạn nhân nữ
Nạn nhân trong đại đa số các vụ hiếp dâm là nữ giới. Và trong các vụ tấn công tình dục nhằm vào nữ giới được công bố thông tin rộng rãi, xảy ra một hiện tượng phổ biến là đổ lỗi cho nạn nhân (rape victim blaming).
Tuy nhiên, trong một vụ hiếp dâm, nạn nhân không bao giờ là người có lỗi, vì ta không thể lên án một người A vì những gì mà một người B đã làm với họ, đặc biệt khi những gì người B làm đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền thân thể của người A. Đây là điều dễ hiểu mà đáng lý với một chút tư duy ai cũng có thể nhìn ra được.
Thế nhưng tại sao hiện tượng đổ lỗi nạn nhân vẫn xảy ra? Đâu là những nguyên nhân khả dĩ?
Just world belief – Niềm tin về “Thế giới công bằng”
“Thế giới công bằng” là quan điểm cho rằng, mọi thứ trên đời này đều là công bằng, người tốt sẽ gặp chuyện tốt, và người xấu sẽ gặp chuyện tồi tệ [1].
Con người luôn có nhu cầu phải diễn giải các sự kiện và trải nghiệm mà họ gặp phải, hoặc biết đến, và nhiều người thường vin vào quan điểm “người xấu sẽ gặp điều xấu” như một cách để diễn giải một vụ hiếp dâm. Hoặc khi có những yếu tố đe dọa nghiệm trọng đến niềm tin của họ vào “Thế giới công bằng”, giả dụ như khi một nạn nhân rõ ràng là vô tội phải trải qua một cuộc tấn công tình dục tàn bạo, khiến niềm tin của họ bị lung lay hoặc họ không thể diễn giải được sự công bằng ở đâu trong sự vụ, họ sẽ phát sinh một nhu cầu thay đổi và bóp méo nhận thức của bản thân về nạn nhân sao cho việc nạn nhân phải chịu đựng những bi kịch ấy là xứng đáng [2].
Tóm lại, theo lẽ đó, đây là những người có khuynh hướng đổ lỗi bằng cách gán trách nhiệm cho nạn nhân cho những gì đã xảy đến với họ. “Chậc, chắc (trước đây) nó phải làm gì (không tốt) rồi nên mới bị như thế”.
Sexism and rape myths
Sexism: Phân biệt giới tính
Rape myths: Những định kiến, suy nghĩ rập khuôn, hoặc những niềm tin sai lầm về hiếp dâm, nạn nhân bị hiếp dâm và kẻ hiếp dâm [3].
Một số ví dụ tiêu biểu của rape myths có thể được phân chia thành 4 nhóm sau [3] [4]:
(1) Cô ta nói dối
Phụ nữ nói dối về việc bị hiếp dâm.
Phụ nữ thường cáo buộc sai sự thật về tội hiếp dâm, để vượt qua cảm giác tội lỗi sau một lần quan hệ tình dục mà họ hối hận, để che đậy việc mang thai ngoài ý muốn hoặc để gây chú ý.
Những nạn nhân "thực sự" sẽ tố cáo việc bị hiếp dâm ngay lập tức. (Trên thực tế, nạn nhân thường không tố cáo ngay các vụ cưỡng hiếp do áp lực xã hội, phản ứng dữ dội có thể xảy ra và chấn thương như rối loạn căng thẳng sau thương chấn liên quan đến hiếp dâm, còn được gọi là hội chứng chấn thương do hiếp dâm. Nạn nhân bị hãm hiếp cũng có thể cảm thấy tội lỗi và xấu hổ, điều sẽ ngăn họ tố cáo tội ác ngay lập tức.)
(2) Cô ta mong muốn việc đó
Trang phục của nạn nhân có thể dẫn tới việc bị tấn công tình dục, hoặc việc bị hiếp dâm là lỗi của nạn nhân nếu cô ấy mặc đồ hở hang.
Nạn nhân phải chịu trách nhiệm về việc bị hiếp dâm nếu việc hiếp dâm xảy ra khi cô ấy đang say.
Phụ nữ bị cưỡng hiếp thường xứng đáng bị như vậy - đặc biệt nếu họ vào nhà hoặc lên xe của đàn ông, hoặc những hành động đó thể hiện sự đồng ý quan hệ tình dục.
Một người phụ nữ có thể tránh bị cưỡng hiếp bằng cách "chiến đấu chống lại" kẻ hiếp dâm, và cô ấy có trách nhiệm phải làm như vậy.
Một số phụ nữ có mong muốn thầm kín "được" bị hiếp dâm.
Phụ nữ "thích được" cưỡng hiếp - ví dụ: bằng cách tán tỉnh, ăn mặc khiêu khích, uống rượu hoặc cư xử lăng nhăng - hoặc chỉ một số "loại" phụ nữ (tức là "gái hư") mới bị cưỡng hiếp.
(3) Anh ta không cố ý
Khi đàn ông trả tiền cho bữa ăn tối hoặc hẹn hò, phụ nữ sẽ phải đáp lại bằng cách QHTD.
Đàn ông không thể kiểm soát bản thân một khi họ trở nên hưng phấn tình dục, rằng phụ nữ phải chịu trách nhiệm về hành vi cưỡng hiếp nếu họ để mọi thứ đi quá xa, hoặc việc đồng ý hôn, vuốt ve, v.v. thì cũng tức là đồng ý với việc QHTD.
Hầu hết những kẻ hiếp dâm đều bị tâm thần hoặc mắc bệnh tâm thần.
(4) Đó không phải là hiếp dâm
Đó không phải là hiếp dâm trừ khi nạn nhân chống lại/chống cự về mặt thể chất, hoặc đó không phải là cưỡng hiếp trừ khi nạn nhân bị cưỡng bức về thể chất hoặc bị thương. (Trên thực tế, nhiều vụ cưỡng hiếp không liên quan đến cưỡng bức thể xác, như trong trường hợp nạn nhân bị suy nhược/bất tỉnh hoặc khi mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng buộc nạn nhân phải phục tùng.)
Hiếp dâm đơn giản chỉ là tình dục không mong muốn, chứ không phải tội ác bạo lực.
Việc cưỡng hiếp đã xảy ra phải có động cơ tình dục. (*Nhiều nhà nghiên cứu đã kết luận rằng quyền lực và/hoặc sự tức giận, không phải tình dục, thường là động cơ chi phối của các vụ cưỡng hiếp.)
Sự đồng ý đối việc QHTD của lần này này có nghĩa là đã cấu thành sự đồng ý đối với lần QHTD khác (tức là đó không thể cưỡng hiếp nếu nạn nhân và kẻ hiếp dâm trước đó đã có lần đồng ý QHTD).
Có rất nhiều bằng chứng và một lượng lớn các nghiên cứu chỉ ra rằng, nhìn chung, nam giới thường đổ lỗi cho nạn nhân nữ bị hiếp dâm nhiều hơn nữ giới [5] [6]. Và điều này một phần có liên quan đến sự phân biệt giới tính. Bình thường, nhắc đến phân biệt giới tính ta sẽ nghĩ đến sự phân biệt giới có tính tiêu cực, vốn rất phổ biến.
Tuy nhiên, theo Thuyết Phân biệt giới tính Lưỡng cực, việc phân biệt giới tính chia ra làm hai nhánh [8]:
a) Hostile sexism (Phân biệt giới tiêu cực): định kiến hoặc sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính; thái độ và đánh giá tiêu cực về phụ nữ như một nhóm; là một hệ thống áp bức dẫn đến thiệt thòi cho phụ nữ [7]. (ví dụ, quan điểm cho rằng phụ nữ không đủ năng lực bằng và thấp kém hơn nam giới)
Cho đến nay, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng thái độ tiêu cực đối với phụ nữ là động cơ thúc đẩy chính dẫn đến hành động tin vào rape myths và đổ lỗi cho nạn nhân bị hiếp dâm [12]. Mặc dù cả hai giới đều có những người tin vào rape myths, một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng nam giới có nhiều khả năng tiếp nhận và đồng ý với những rape myth này hơn nữ giới [9], đặc biệt là những nam giới có thái độ tiêu cực hướng đến phái nữ [13]. Điều này có thể lý giải tại sao nam giới chiếm đa số trong những người đổ lỗi cho nạn nhân nữ bị hiếp dâm.
Thêm vào đó, phân biệt giới tiêu cực cũng có liên quan đến việc nhìn nhận một cách giảm nhẹ, thậm chí bào chữa cho hành vi của những kẻ hiếp dâm [10].
Đặc biệt, dường như nếu phụ nữ thực hiện bất kỳ hành vi nào được coi là ‘bất cẩn’ dẫn đến trở thành nạn nhân bị hiếp dâm thì cô ấy có thể bị coi là có lỗi, dù những hành vi này khi được thực hiện bởi nam giới thì lại được cho là ‘hợp lý’, và nếu hành vi đó của cô ấy là những hành vi lãng mạn với kẻ tấn công trước thời điểm xảy ra sự cưỡng bức thì những hành vi đó sẽ còn có thể làm giảm sự nhận thức về mức độ nghiêm trọng của, hoặc thậm chí có thể dùng để biện minh cho, hành vi hiếp dâm. Sự tồn tại của những thái độ này ngụ ý rằng, hành vi hiếp dâm có thể được ngầm chấp nhận trong nhiều tình huống. [5]
b) Benevolent sexism (Phân biệt giới tích cực): thể hiện những đánh giá về giới có thể có vẻ tích cực về mặt chủ quan (chủ quan đối với người đánh giá), nhưng thực sự gây tổn hại cho đối tượng và bình đẳng giới trên phạm vi rộng hơn (ví dụ, ý tưởng rằng phụ nữ là những cá thể thuần khiết và mong manh cần được nam giới chăm lo và bảo vệ)
Phân biệt giới tích cực có thể dùng để giải thích cho việc đổ lỗi cho nạn nhân nữ bị hiếp dâm trong trường hợp thủ phạm là người quen. Theo kết quả nghiên cứu, những đối tượng nghiên cứu có điểm cao ở phần đánh giá mức Phân biệt giới tích cực ban đầu có nhiều khả năng phản ứng tiêu cực với nạn nhân bị hãm hiếp, vì những nạn nhân này có thể bị coi là vi phạm các chuẩn mực xã hội liên quan đến các hành vi phù hợp và kỳ vọng với phụ nữ. [11]
Rape myths and System justification
System justification theory (Thuyết Biện minh cho Hệ thống): là một lý thuyết thuộc nhóm tâm lý xã hội bao gồm những niềm tin có tính chất biện minh cho hệ thống, và những niềm tin này có tác dụng như một chức năng giảm nhẹ về mặt tâm lý.
Lý thuyết này cho rằng con người có một số nhu cầu cơ bản, tuy có sự khác nhau giữa cá nhân, có thể được thỏa mãn bằng việc bảo vệ và biện minh cho status quo (tạm dịch: nguyên trạng, có liên quan đến chính trị - xã hội), ngay cả khi hệ thống có thể gây bất lợi cho một số người khác nhất định (tức là bao gồm cả sự bất bình đẳng giữa các nhóm xã hội). Thêm vào đó, vì con người sẽ có xu hướng đảm bảo sự thống nhất giữa những gì mà họ ưu tiên với status quo, nên trong những tình huống bất lợi không thể tránh khỏi, họ sẽ có nhiều khả năng buộc phải chấp nhận status quo như một cơ chế để đối phó với thực tế khó khăn, hoặc để giảm tải sự căng thẳng/bất hòa, và cung cấp sự an ủi về tâm lý và tình cảm, cũng như cho phép cá nhân đó cảm thấy như đang kiểm soát được các sự kiện bên ngoài.
Theo thuyết biện minh cho hệ thống, con người không chỉ mong muốn có cảm nhận tốt (thiên vị) về bản thân (biện minh cho bản ngã) và nhóm xã hội mà họ thuộc về (biện minh cho nhóm), mà còn muốn có cảm nhận tích cực về cấu trúc xã hội đang bao trùm lấy họ (tức hệ thống), và thấy bản thân có nghĩa vụ phải biện minh cho hệ thống đó. Động cơ biện minh cho hệ thống này đôi khi tạo ra một số hiện tượng, trong đó có:
Thiên vị trong nhóm (in-group favoritism): thường được thể hiện nhiều hơn bởi những người có địa vị xã hội cao (vị thế kinh tế, chủng tộc, giới tính), đây là những người sẽ có những định kiến thiên vị hơn về nhóm của họ và có định kiến kém tích cực hơn đối với những nhóm xã hội có địa vị thấp hơn.
Thiên vị ngoài nhóm (out-group favoritism): thường được thể hiện nhiều hơn bởi những người có địa vị xã hội thấp hơn, đây là những người sẽ có xu hướng chấp nhận, nội tâm hóa (thường là một cách vô thức) và do đó duy trì sự bất bình đẳng mà họ đang phải chịu.
(Ngoài lề: “nghèo nhưng hạnh phúc”, “giàu nhưng bất hạnh”.…cũng là một kiểu biện minh cho sự bất bình đẳng của hệ thống, có vai trò như một sự bù đắp cho tình trạng bất lợi)
Một nghiên cứu về tác động của biện minh cho hệ thống đối với việc chấp nhận rape myths và đổ lỗi cho nạn nhân đã cho ra kết luận sau:
- Nam giới có mức độ biện minh cho hệ thống liên quan đến giới tính cao (tức cho rằng họ có vị thế cao hơn nữ giới) thì có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân nữ bị cưỡng hiếp, và điều này không phải do có ác cảm với phụ nữ. Thêm nữa, đây là kết quả cho dù các định kiến chuẩn mực giới tính (complementary stereotypes) có được kích hoạt một cách có chủ đích trong cuộc thí nghiệm hay không. Và với nam giới, việc chấp nhận rape myths và việc đổ lỗi nạn nhân ngoài việc được dùng để biện minh cho hệ thống, còn đóng vai trò như một cách để bảo vệ cho lợi ích nhóm của họ, đồng thời có xu hướng giảm nhẹ hành động của kẻ hiếp dâm (là nam giới) như một nỗ lực thiên vị trong nhóm [14].
- Nữ giới chỉ có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân khi các định kiến chuẩn mực giới tính (complementary stereotypes) được kích hoạt một cách có chủ đích trong cuộc thí nghiệm [14]. Và với nữ giới, việc chấp nhận rape myths có thể được dùng để giảm bớt cảm giác dễ bị tổn thương của bản thân bằng cách tự gia tăng niềm tin rằng chỉ có một số kiểu phụ nữ nhất định thì mới bị hãm hiếp [15]. Một phụ nữ trưởng thành trong một môi trường đầy rẫy sự phân biệt giới tính rất có thể sẽ coi đó là một trật tự hiển nhiên, và dần chấp nhận rằng đó là một hiện thực không thể thay đổi. Như vậy, việc mang trong mình sự phân biệt giới một cách vô thức và nhu cầu tự trấn an có thể dùng để lý giải cho hiện tượng vẫn có nhiều phụ nữ vẫn có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân, thay vì thông cảm và thấu hiểu.
- Một lý giải khác có thể rút ra dựa trên sự thiên vị ngoài nhóm. Trước hết, trong những tình huống mà giữa nạn nhân và thủ phạm có sự chênh lệch về các mối quan hệ xã hội và/hoặc tồn tại sự bất bình đẳng về quyền lực, dễ thấy nạn nhân sẽ thường bị nhấm chìm trong những lời dèm pha, kì thị, công kích, đổ lỗi và ngờ vực. Thủ phạm lúc này, thường nằm trong nhóm hưởng lợi từ sự chênh lệch và bất bình đẳng đó, sẽ có xu hướng được dư luận bênh vực hơn. Đó là bởi sự thiên vị ngoài nhóm đã khiến đám đông, thường là những người có địa vị xã hội thấp hơn so với thủ phạm và đang mang trong mình sự phân biệt giới vô thức, coi những người có quyền lực và địa vị cao hơn họ là một sự chuẩn mực, một cái đích mà cả xã hội nên hướng tới, và vì vậy được ngầm coi như không thể xâm phạm.
***
Người ta thường không đánh giá về các vụ hiếp dâm dựa trên sự tương tác với chính nạn nhân. Thay vào đó, họ thường nghe về những sự cố này trên các phương tiện truyền thông hoặc từ người khác. Vì vậy, với một số người, đặc biệt là những người có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân, họ sẽ không thể nào thấu hiểu hết được những gì mà nạn nhân phải chịu đựng. Điều này dẫn đến việc nạn nhân bị đổ lỗi đó lại một lần nữa trở thành nạn nhân, lần này là của những lời lẽ tiêu cực và sự chỉ trích. Hiện tượng này còn gọi là victimisation (tạm dịch: trù dập nạn nhân).
Thế nghĩa là, nạn nhân không những phải chịu sự đau đớn của hành vi tấn công tình dục mà còn phải chịu đựng sự ác ý và tiêu cực của những người xung quanh – những người thậm chí đang tìm cách gán trách nhiệm cho những nạn nhân này cho những gì mà họ đã phải chịu.
Việc đổ lỗi cho nạn nhân chỉ là một phần hệ quả tất yếu của một hệ thống lớn hơn, trong đó sự bình đẳng, quyền con người nói chung và quyền phụ nữ nói riêng chưa được xem trọng. Nhưng dù nhìn nhận thế nào đi nữa, hành động đổ lỗi cho nạn nhân bị hiếp dâm, dù là nam hay nữ, luôn là một sự ác ý, mà thiết nghĩ chỉ cần với một chút tư duy, cùng sự cảm thông và bao dung, chúng ta có thể dễ dàng xóa bỏ hiện tượng xấu xí này.
_____________
Tham khảo:
[1] Lerner, M. J. (1980). The Belief in a Just World. The Belief in a Just World, 9–30. (https://sci-hub.se/10.1177/0886260517725736)
[2] Furnham, 2003; Thomas, Amburgey, & Ellis, 2016; VanDeursen, Pope, & Warner, 2012; Yamawaki, 2009.
[4] McMahon, S., & Farmer, G. L. (2011). An Updated Measure for Assessing Subtle Rape Myths. Social Work Research, 35(2), 71–81. (https://sci-hub.se/https://doi.org/10.1093/swr/35.2.71)
[5] Pollard, P. (1992). Judgements about victims and attackers in depicted rapes: A review. British Journal of Social Psychology, 31(4), 307–326. (https://sci-hub.se/10.1111/j.2044-8309.1992.tb00975.x)
[6] Black & Gold, 2008; Grubb & Harrower, 2008; Kleinke & Meyer, 1990; Workman & Freeburg, 1999.
[8] Glick, P., & Fiske, S. T. (2001). Ambivalent sexism. Advances in Experimental Social Psychology, 115–188. (https://sci-hub.se/https://doi.org/10.1016/S0065-2601(01)80005-8)
[9] Canto et al., 2014; Emmers-Sommer, 2017; Hammond, Berry, & Rodriguez, 2011; McMahon & Farmer, 2011; Powers, Leili, Hagman, Cohn, 2015; Suarez & Gadalla, 2010; Vonderhaar & Carmody, 2015.
[10] Yamawaki, N. (2007). Rape Perception and the Function of Ambivalent Sexism and Gender-Role Traditionality. Journal of Interpersonal Violence, 22(4), 406–423. (https://sci-hub.se/https://doi.org/10.1177/0886260506297210)
[11] Viki, G. T., & Abrams, D. (2002). Sex Roles, 47(5/6), 289–293. (https://sci-hub.se/10.1023/A:1021342912248)
[12] Abrams, D., Viki, G. T., Masser, B., & Bohner, G. (2003). Perceptions of stranger and acquaintance rape: The role of benevolent and hostile sexism in victim blame and rape proclivity. Journal of Personality and Social Psychology, 84(1), 111–125. (https://sci-hub.se/https://doi.org/10.1037/0022-3514.84.1.111)
[13] Lonsway, K. A., & Fitzgerald, L. F. (1995). Attitudinal antecedents of rape myth acceptance: A theoretical and empirical reexamination. Journal of Personality and Social Psychology, 68(4), 704–711. (https://sci-hub.se/https://doi.org/10.1037/0022-3514.68.4.704)
[14] Ståhl, T., Eek, D., & Kazemi, A. (2010). Rape Victim Blaming as System Justification: The Role of Gender and Activation of Complementary Stereotypes. Social Justice Research, 23(4), 239–258. (https://sci-hub.se/https://doi.org/10.1007/s11211-010-0117-0)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất