Trước khi Lưu Bị gặp được Gia Cát Lượng, dù đã chinh chiến nửa đời người, vẫn coi như "không đất cắm dùi". Còn Gia Cát Lượng, sau khi Lưu Bị qua đời, dù "nhiều năm động binh, vẫn không thể thành công" (lời bình của Trần Thọ trong Truyện Gia Cát Lượng). Mối quan hệ quân - thần giữa hai người gắn bó mật thiết, như cá với nước. Không có Gia Cát Lượng, Lưu Bị cũng không thể lập quốc xưng đế, sống yên một góc tại vùng Tây Nam. Nếu không có Lưu Bị, Gia Cát Lượng dù có hùng tài, cũng khó sử dụng được tốt. Xét về thuật dùng người, hai người họ có nhiều điểm chung là biết thu gom và trọng thị nhân tài. Tuy vậy, nhận xét từ những việc lớn, ta có thể thấy, Gia Cát Lượng là người giỏi về mưu lược quân sự, còn Lưu Bị với  kinh nghiệm thực tế, lại có phần hiểu người, nhận xét người tinh tường hơn Gia Cát Lượng. Về thuật dùng người, giữa Gia Cát Lượng và Lưu Bị có một số điểm khác nhau. 
Nguồn: vtc.vn

1. Lưu Bị có đôi mắt nhìn người sáng suốt hơn, Gia Cát Lượng có phương pháp giáo dục con người tốt hơn. 

Hơn hai mươi năm bôn ba chiến đấu nhọc nhằn, với con mắt nhiều kinh nghiệm, Lưu Bị đã nhìn ra tài năng Gia Cát Lượng, điều đó tuyệt đối không phải ngẫu nhiên. Đương thời Lưu Bị đang đóng quân tại Tân Dã, lực lượng thì mỏng yếu, bên cạnh lại thiếu mưu sĩ. Nghe nói có Gia Cát Lượng là người rất túc trí đa mưu nên đã cùng Quan Vũ, Trương Phi không quản gian khổ khó khăn, thậm chí không nản lòng ba lần hạ cố đến lều tranh mời Gia Cát Lượng xuống núi trợ giúp. Lúc đó, Lưu Bị đã là Dự châu mục, Nghi thành đình hậu, Tả tướng quân, đã qua nửa đời chinh chiến ngang dọc, vang danh khắp thiên hạ. Nhưng chỉ vì muốn mời một kẻ hậu bối vô danh tiểu tốt, nhỏ hơn mình đến hai mươi tuổi, sau khi Từ Thứ tiến cử, Lưu Bị đã ba lần hạ cố đến tận nơi, điều này chứng tỏ thành ý cũng như tài chiêu mộ người tài của Lưu Bị. Gia Cát Lượng nguyên là một người bình dân bá tánh, theo chú tị nạn tại Long Trung thuộc vùng Nam Dương, vừa làm ruộng vừa khắc khổ học hành. Tuy có kỳ mưu đại trí, nhưng chưa hề có một chức tước hay thành tích chính trị đáng kể. Với đôi mắt sáng suốt của mình, Lưu Bị đã nhìn ra tài năng của Gia Cát Lượng. Có thể nói, Lưu Bị là người không rành binh pháp chiến thuật nơi sa trường, bày mưu tính kế cũng lại thuộc hàng không có gì đặc sắc. Tuy nhiên về khả năng nhìn người, kết thân bằng hữu, Lưu Bị lại là người có ánh mắt hơn người.
Con mắt nhìn người cực kỳ sáng suốt của Lưu Bị hơn Gia Cát Lượng được thể hiện rõ trong việc nhìn nhận Mã Tắc. Lưu Bị nhận xét Mã Tắc không phải là người có tài năng của bậc tướng soái, ông sớm đã nhìn ra tính cách ba hoa khoác lác của con người này nên cho rằng không thể trọng dụng. Còn Gia Cát Lượng lại đặc biệt xem trọng Mã Tắc, nên đã dẫn đến thiệt hại quá lớn. Sử sách cho thấy, Mã Tắc dù nổi tiếng rằng có tài thao lược, song tài năng ấy chủ yếu thể hiện ở mặt lý luận quân sự, giỏi đề xuất mưu kế, nhưng nhược điểm là chỉ biết nói nhiều mà thiếu bản lĩnh thực tế. Trước khi qua đời, vì thấy Gia Cát Lượng có mối quan hệ mật thiết với Mã Tắc, nên Lưu Bị đã cảnh báo trước. Nhưng với Gia Cát Lượng, Mã Tắc lại là tài năng hiếm có, là vật báu khó tìm. Do cứ nhất định trọng dụng Mã Tắc làm tham quân, nên dẫn đến thất bại trong chuyến xua quân ra Kỳ Sơn. Xem ra, đôi mắt của Gia Cát Lượng đã chưa sáng suốt trong việc nhận xét nhân tài dẫn đến việc dùng người không thích hợp. 
Lưu Bị xuất thân dân dã, đã từng nếm trải quá nhiều bất công, vất vả, nên ông sớm khao khát vươn lên từ nghịch cảnh. Từ nhỏ mồ côi cha, làm nghề bán chiếu bán giày để mưu sinh, sau này khởi binh đánh giặc và lên làm vua, trong bụng của ông không tích lũy được bao nhiêu học vấn, nên không sẵn  có vốn tri thức về bồi dưỡng giáo dục cấp dưới. Gia Cát Lượng ngược lại, đã thuộc làu kinh sách, thao lược đầy bụng. Bản thân là quân sư, Gia Cát Lượng có thể đem sở học và tri thức của mình dùng vào mọi trường hợp. Lúc Lưu Bị còn sống, Gia Cát Lượng vui vẻ lãnh trách nhiệm giáo dục cấp dưới. Khi không có chiến sự, ông thường tập hợp các tướng sĩ lại để huấn luyện. Khi có chiến sự, trong quá trình điều binh khiển tướng, ông đem lý lẽ về sự tiến thoái diễn giảng thực sự rõ ràng để các tướng sĩ biết được phải đánh trận ra sao. Những quyển mà Gia Cát Lượng để lại như: "Tướng Uyển", "Tiện Nghi", "Tương Khí", "Tương Giới", "Ai Tử", "Lễ Sĩ",... có tác dụng chỉ dạy các vấn đề và đề cao chất lượng quân sự, chính trị cho các quan tướng. Còn "Bát Trận Đồ Pháp", "Cách làm mộc ngưu lưu mã", "Cách rèn dao găm",... đối với việc tăng cường kỹ năng tác chiến cho chiến sĩ, có hiệu quả rõ rệt. 

Đọc thêm:

2. Lưu Bị xem trọng võ tướng, xem nhẹ quan viên làm việc văn trong khi Gia Cát Lượng hậu đãi quan văn, đè nén quan võ

Lưu Bị kể từ khi được Quan Vũ và Trương Phi giúp sức, nhờ đó xây dựng nên sự nghiệp, thì luôn cảm thấy nếu có một số quan võ sẵn sàng bán mạng vì mình, sẽ là cái vốn để giành lấy thắng lợi. Đặc biệt là, khi bên cạnh ông đã có một Gia Cát Lượng - "túi khôn" lớn, thì đối với các quan văn, ông càng tỏ ra không chú ý đến nhiều. Như Bàng Thống là một mưu sĩ của Lưu Bị - một nhân vật có tiếng tăm ngang hàng với Gia Cát Lượng, thế mà sau trận Xích Bích, Lưu Bị lại đưa Bàng Thống đi làm Thái Thú Nam Quận (Nam Quận lúc đó thuộc Đông Ngô, như vậy, Bàng Thống là một người làm việc dưới tay của Châu Do). Danh nhân nước Ngô ai ai cũng ái mộ Bàng Thống. Ấy thế mà, Lưu Bị sau khi mượn được đất Kinh Châu, lại giáng Bàng Thống xuống làm Huyện lệnh huyện Lai Dương. Ta có thể thấy, Bàng Thống là người tài cao, nhưng lại không được sử dụng đúng chỗ, tất nhiên khiến Thống không vui, nên từ đó tỏ ra qua loa trong công việc, bị Lưu Bị "bãi quan". Về sau Bàng Thống theo Lưu Bị vào đất Thục, tuy đã lấy tính mệnh của mình để làm tròn trách nhiệm, nhưng bình thời, hai người với nhau cũng không hòa hợp lắm.
 Trần Thọ viết Tam Quốc Chí căn cứ vào sách sử của nước Ngụy và nước Ngô để biên soạn, duy chỉ có nước Thục là không có sử quan lo việc viết sử. Cho nên Trần Thọ cảm thấy vô cùng đáng tiếc: "Nước mà không đặt sử quan để ghi chép lịch sử, khiến nhiều việc làm bị lãng quên, bị mai một" Qua đó cho thấy, nước Thục không coi trọng việc đặt sử quan. 
Gia Cát Lượng khác hẳn với Lưu Bị, đối với những quan văn luôn đề cao, nhưng đối với các võ tướng, dù cho có thành tích nổi bật, ông cũng không xem trọng đúng mức. Tưởng Uyển nguyên là Thư Tá của Gia Cát Lượng, có văn tài, được Gia Cát Lượng sắp xếp đến Quảng Đô nhậm chức để rèn luyện. Tưởng Uyển đến nơi không làm tốt công việc mà lại uống rượu quá nhiều. Có lần, Lưu Bị đến Quảng Đô thị sát, thấy Uyển bỏ việc không làm, lại thường say sưa, Lưu Bị giận lắm, bèn xử tội chết. May mà có Gia Cát Lượng đem lời can gián, còn khen ông ta là nhân tài xã tắc. Lưu Bị nể mặt Gia Cát Lượng, mới tha cho Tưởng Uyển. Xem ra thái độ của Gia Cát Lượng đối với quan văn, còn có phần bao che. Gia Cát Lượng xuất quân đánh Ngụy mấy lần, đều được Tưởng Uyển lo liệu rất chu đáo về hậu cần.  Gia Cát Lượng đánh giá Tưởng Uyển rất cao: "Công Diễm trung thành, một lòng với công việc, cùng chung sức với ta gây dựng được vương nghiệp vậy." Trước khi mất, Gia Cát Lượng mật báo cho Hậu chủ Lưu Thiện rằng có thể giao phó đại sự cho Tưởng Uyển. 
Về thái độ với quan võ, Gia Cát Lượng lại có phần hà khắc hơn. Lão tướng Huỳnh Trung sau khi theo Lưu Bị thời gian dài, thường xung phong hãm trận, dũng cảm bậc nhất trong tam quân. Sau khi xưng vương, Lưu Bị muốn phong Huỳnh Trung làm Hậu tướng quân, đứng ngang hàng với Quan Vũ, Trương Phi. Nhưng Gia Cát Lượng đã không đồng ý, lấy cớ làm như vậy sẽ phật lòng Quan Vũ, yêu cầu Lưu Bị thay đổi quyết định. 
Ngụy Diên là một tướng vừa có dũng lại vừa có mưu, tuy tính tình kiêu ngạo, nhưng xem ra cũng được nể nang, và được Lưu Bị sau khi lên làm vương rất trọng dụng. Nhưng Trưởng lại Dương Nghi lại không thích Ngụy Diên, hai người thường xảy ra bất hòa. Đối với hai người này, Gia Cát Lượng lại có phần thiên về Dương Nghi hơn, khiến Ngụy Diên hơn một lần đã than rằng tài năng của mình không được dùng hết. Khi Gia Cát Lượng sắp lâm chung tại Ngũ Trượng Nguyên, nếu ta xét về quá trình làm việc cũng như năng lực, hoặc xét về chức vụ, thì trong số các quan viên ngoài tiền tuyến, Ngụy Diên là người phù hợp hơn cả đế thay thế quyền lực của Gia Cát Lượng. Thế nhưng, Gia Cát Lượng lại trao quyền cho Dương Nghi, là một quan văn không biết về quân sự, tạo ra sự lục đục trong nội bộ quân đội nước Thục. Ngụy Diên về sau đành chịu chết oan dưới lưỡi đao của Dương Nghi. Việc đó âu đã làm yếu đi phần nào lực lượng quân sự của nước Thục. 

Đọc thêm:

3. Lưu Bị "cai trị dùng tình cảm", Gia Cát Lượng luôn luôn đề cao một chữ nghiêm

"Lưu Bị ném con để mua lòng người", đó là cách sử dụng thủ đoạn để lung lạc nhân tâm của Lưu Bị, mà nhiều người thường nói. Sau cuộc bại trận Trường Bảng, vợ con của Lưu Bị đều lọt vào doanh trại của Tào Tháo. Đại tướng Triệu Vân đã xông pha, cứu được A Đẩu và bồng trở về khi trên người Triệu Vân đầy thương tích. Lưu Bị nhìn thấy Triệu Vân mang đầy vết tích, bồng con thơ của mình, thì ném con xuống đất. Cái ném đó như muốn nói lên lòng xót thương người tướng yêu quý của mình, được mọi người khen ngợi. 
Khi Tào Tháo xua quân tiến xuống phía Nam, truy đuổi theo Lưu Bị "một ngày đêm đi xa 300 dặm đường", trong khi Lưu Bị dẫn theo 10 vạn dân và quân, "đi được chỉ hơn 10 dặm". Tình hình nguy cấp, ngàn cân treo sợi tóc, có người khuyên Lưu Bị nên bỏ bá tánh mà chạy cho nhanh, Lưu Bị đáp: "Làm tốt việc lớn phải lấy người làm gốc, nay mọi người đã theo tôi, tại sao tôi lại bỏ rơi" (Theo Tiêu Chủ truyện trong Tam Quốc Chí). Trong một tình thế như vậy mà lại nói lên được những lời đó, điều ấy càng phản ánh đúng thái độ xem trọng việc tranh thủ nhân tâm của Lưu Bị. 
Trong sử sách có nói, việc gì Gia Cát Lượng cũng chính tay mình làm, phàm việc phạt từ 20 roi trở lên đều đích thân ông trực tiếp phê duyệt. Tại sao việc nhỏ như vậy Gia Cát Lượng cũng đích thân làm? Nguyên nhân vì cấp dưới đối với những quy định nhỏ nhặt như thế của ông, họ không lý giải được, không chịu chấp hành, nên Gia Cát Lượng phải đích thân đốc thúc. 
Mã Tắc tuy bại trận ở Nhai Đình, cần phải chịu trách nhiệm, nhưng có thể thấy, ông ta dù không đủ điều kiện, vậy mà Gia Cát Lượng lại làm ngược lại với ý kiến số đông, phái ông ta tiên phong, đó là cái sai không theo lòng quân. Rồi khi Mã Tắc thất bại trở về, đã tiến hành kiểm tra một cách sâu sắc. Gia Cát Lượng sau khi tự mình nhận lấy trách nhiệm, lại không dùng biện pháp gì để cho Mã Tắc được sửa sai (như Tưởng Uyển và một số người nữa đã đề xuất nên cho Mã Tắc lấy công chuộc tội), Gia Cát Lượng lại cố chấp giết Mã Tắc. Khi giết Mã Tắc, bản thân Gia Cát Lượng chẳng những phải thương tiếc rơi lệ, mà mười vạn quân cũng đau thương khóc sướt mướt. Nếu đổi lại là Lưu Bị, Mã Tắc tất nhiên không giữ vai trò tiên phong, mà cho dù Mã Tắc có thất bại tại Nhai Đình đi chăng nữa, thì sau khi hướng dẫn cho toàn quân tiếp thu bài học đó rồi, ông sẽ không xử lý một cách nặng nề như cách mà Gia Cát Lượng đã làm. Mục đích Gia Cát Lượng giết Mã Tắc là để "đáp tạ lòng quân sĩ", nhưng do ông đối với quân tâm đánh giá không sâu, nên việc đó không tạo ra tác dụng gì. 
Ngoài ra, suốt mấy mươi năm kể từ ngày Lưu Bị khởi binh cho đến ngày ông qua đời, ông chưa bao giờ soạn thảo ra những điều khoản quy định để quản lý thuộc hạ một cách có hiệu quả. Lúc Lưu Bị mỗi khi điều binh khiển tướng, Gia Cát Lượng đều quy định rõ quân lệnh, ai không hoàn thành nhiệm vụ đều bị thẳng thừng trừng trị. Lúc đó, Lưu Bị lại thường đứng ra xin xỏ, Gia Cát Lượng nể tình chúa công, cũng khoan hồng. Điều đó chẳng những làm cho biện pháp "dùng tình cảm để cai trị" của Lưu Bị càng hữu hiệu, mà cũng làm cho uy tín của Gia Cát Lượng ngày càng cao. 
Kết
"Con nhà nghèo thường đảm đang việc nhà sớm", Lưu Bị có thể nói là một người trưởng thành sớm hơn tuổi, cho nên ngay từ nhỏ đã biết lôi kéo người cùng chí hướng, biết cách kết giao với những người xung quanh. Dù Lưu Bị có đôi mắt nhìn người tốt, song ông chỉ hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm cá nhân, chứ thuật dùng người của ông chưa hẳn được nâng lên đến mức lý tính. Còn Gia Cát Lượng, vừa tư chất thông minh, lại đọc nhiều kinh sử, nên khi bước ra vũ đài chính trị, một mặt học hỏi với Lưu Bị, một mặt tích lũy qua việc làm, nên ông đã hình thành được lý luận nhân tài của chính mình. Lưu Bị có cách nhìn người sáng suốt, Gia Cát Lượng có phương pháp bồi dưỡng giáo dục nhân tài. Chuyện dùng người tất nhiên quan trọng, nhưng nếu bỏ qua việc bồi dưỡng giáo dục, e rằng khó có thể đồng lòng quyết tâm từ trên xuống dưới, khó có thể chuẩn bị kỹ lưỡng cho một lực lượng kế thừa. Lưu Bị trọng quan võ, đè nén quan văn, Gia Cát Lượng trọng quan văn, xem nhẹ quan võ. Việc Lưu Bị xem trọng quan võ, Gia Cát Lượng trọng dụng quan văn, về bề mặt, đó là sự bổ túc cho nhau, song xét kỹ về tư tưởng của hai người, thì đó lại là khoảng cách quá lớn. Nước Thục sử dụng nhân tài quá thiên lệch, dẫn đến giai đoạn sau, tình trạng thiếu thốn nhân tài càng rõ, nhất là những người vừa giỏi văn vừa giỏi võ lại càng hiếm hoi. Lưu Bị "cai trị dùng tình cảm", Gia Cát Lượng luôn luôn đề cao một chữ nghiêm. Lưu Bị trọng về cách "tâm trị" đôi khi cũng phản tác dụng, còn Gia Cát Lượng trong quản lý quân đội, quá nặng nề về sử dụng kỷ luật khắt khe. Nhất là khi xem xét về mức độ khoan hồng, ông luôn luôn giữ vững nguyên tắc là nghiêm khắc chứ không khoan hồng, khiến cho một số người bị chết dù không đáng chết. Tóm lại, Lưu Bị và Gia Cát Lượng, trong cách dùng người, đôi bên đều có sở trường và sở đoản. Sự bổ trợ cho nhau dù gì cũng mang lợi ích to lớn hơn là sự tổn thất do trái nghịch nhau gây ra. Sau khi Lưu Bị qua đời, Lưu Thiện là một ông vua có tư chất bình thường, thậm chí còn bị cho là ngốc nghếch, nhu nhược, tất cả đại quyền đều do Gia Cát Lượng nắm. Sở đoản của ông lúc này không người bổ cứu, cho nên nước Thục nhanh chóng xuống dốc cũng là lẽ đương nhiên. 


Tài liệu tham khảo
Phùng Thế Bản, Thuật dùng người thời Tam Quốc (Phong Đảo dịch), NXB Văn hóa thông tin, 1998.