"Đa số mọi người nghĩ rằng hệ thống kinh tế cần phải được cải thiện bằng cách nào đó. Nhưng chúng ta cũng thường nóng lòng bác bỏ những ý tưởng đến từ nhà phê bình Chủ nghĩa tư bản nổi tiếng và nhiệt thành nhất – Karl Marx. Điều này cũng không ngạc nhiên lắm. Đó là bởi trên thực tế, những ý tưởng chính trị và kinh tế của Marx đã được sử dụng để thiết kế nên những mô hình kinh tế kế hoạch hóa tai hại cũng như những nền chính trị độc tài tàn ác. Dù vậy, chúng ta cũng không nên vội vàng chối bỏ Marx. Chúng ta nên nhìn nhận về ông như một người chỉ dẫn, người đem lại các phân tích, chẩn đoán về các căn bệnh của chủ nghĩa tư bản, từ đó giúp chúng ta tiến tới một tương lai hứa hẹn hơn. Chủ nghĩa Tư bản sẽ cần phải được cải cách, và bất kì câu trả lời nào cho việc đó cũng sẽ có phần đến từ những phân tích của Marx." 
RiveraMural02
Bài lược dịch từ nguồn: The School of Life - Political Theory/ Karl Marx
Karl Marx sinh năm 1818 tại Trier, Đức. Ông nhanh chóng gia nhập vào hàng ngũ những người Cộng sản, một nhóm nhỏ những trí thức chủ trương phá bỏ hệ thống phân chia giai cấp và hủy bỏ chế độ tư hữu. Ông viết báo, và đã phải rời khỏi nước Đức, và sau cùng chuyển tới ở tại London. Marx viết một lượng lớn sách và các bài báo, đôi khi tham gia cùng với ông có người bạn là Friedrich Engels. Ông viết chủ yếu về Chủ nghĩa Tư bản, loại hình kinh tế ngày nay vẫn đang thống trị xã hội phương Tây. Vào thời của ông, Chủ nghĩa Tư bản vẫn đang trên đà phát triển. Marx là một trong những người phê bình sáng suốt và có nhận thức về nó sâu sắc nhất. Ông chỉ ra một số vấn đề của Chủ nghĩa Tư bản như sau: 

1️⃣ Công việc hiện đại trở nên tha hóa (alienated) 

Một trong những suy ngẫm quan trọng nhất của Marx đó là, công việc có thể là một trong những nguồn vui lớn nhất. Nhưng để có thể cảm thấy trọn vẹn khi làm việc, theo Marx, người công nhân phải 'thấy bản thân mình trong những đồ vật mà họ tạo ra'. Hãy nghĩ về người làm ra chiếc ghế này. 

Trông nó ngay thẳng, mạnh mẽ, chân thật và thanh lịch. Đó là một ví dụ về cách thức mà lao động đem lại cho ta cơ hội thể hiện ra bên ngoài những gì tốt đẹp bên trong con người mình. Nhưng trong thế giới hiện đại, điều này dần trở nên hiếm hoi. Một phần là bởi công việc hiện đại ngày càng được chuyên môn hóa. Các nghề nghiệp chuyên môn khiến nền kinh tế hiện đại đạt hiệu suất cao, nhưng cũng có nghĩa, việc một người công nhân có thể cảm nhận sự đóng góp người đó đang tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân loại là cực kì hiếm.  
Marx chỉ ra rằng, công việc thời hiện đại dẫn đến sự xa lìa/ vong thân/ tha hóa - Entfremdung (Alienation). Nói cách khác, đó là cảm giác rằng những công việc bạn làm cả ngày không hề có kết nối với bản thân bạn hay điều bạn tin rằng mình có khả năng làm được để đóng góp cho sự tồn tại một theo cách tốt nhất. 

2️⃣ Công việc thời hiện đại luôn bấp bênh.  

Chủ nghĩa tư bản khiến con người rơi vào tình cảnh hoàn toàn có thể bị thay thế và loại bỏ bởi con người cũng chỉ là một yếu tố giữa các yếu tố khác thuộc lực lượng sản xuất, thứ sẽ bị cho đi ngay khi chi phí sản xuất bị đội lên hay khi các khoản tiết kiệm chi phí được tạo ra nhờ vào công nghệ. Tuy vậy, theo cách hiểu của Marx, sâu thẳm bên trong chúng ta, không ai muốn bị loại bỏ một cách tùy ý, ta sợ hãi việc bị bỏ rơi.  
Chủ nghĩa Cộng sản do vậy, không phải chỉ là lý thuyết về kinh tế. Hiểu theo khía cạnh cảm xúc, nó thể hiện một khát khao ăn sâu trong tâm hồn con người: chúng ta sẽ luôn luôn có một vị trí trong trái tim của thế giới, và sẽ không bị thải loại. 

3️⃣ Công nhân chỉ nhận được đồng lương rẻ mạt trong khi giới tư bản ngày càng giàu có. 

Đây có lẽ là điều Marx lo ngại nhất về Chủ nghĩa Tư bản. Cụ thể, ông tin rằng giới tư bản thu hẹp đồng lương của người lao động nhiều nhất có thể để có được biên lợi nhuận lớn. Ông gọi đây là quá trình tích lũy ban đầu - ursprüngliche Akkumulation (primitive accumulation). Trong khi giới tư sản nhìn nhận lợi nhuận như là phần thưởng cho sự khôn khéo hay tài năng công nghệ, Marx lên án nó gay gắt hơn nhiều. Thu về lợi nhuận đơn giản là hành vi ăn cắp, và cái mà nhà tư bản ăn cắp là tài năng và thành quả lao động vất vả của giới lao động thuộc sở hữu của họ. Dù người ta có cố gắng tô vẽ đến đâu, Marx nhấn mạnh rằng, ở dạng thô sơ nhất, chủ nghĩa tư bản có nghĩa là trả cho công nhân với một mức giá để tạo ra một thứ có thể bán ra với giá khác cao hơn nhiều. “Lợi nhuận” là một cách diễn đạt bóng bẩy của sự bóc lột. 

4️⃣ Chủ nghĩa tư bản không lâu bền. 

Marx cho thấy hệ thống tư bản được định hình bởi một chuỗi các cuộc khủng hoảng. Mọi cuộc khủng hoảng đều được các nhà tư bản “cải trang” để có dáng vẻ như một hiện tượng dị thường, rất hiếm gặp và sẽ sớm biến mất. Marx chứng tỏ rằng sự thật khác xa như vậy – khủng hoảng là vấn đề đặc hữu của Chủ nghĩa Tư bản và chúng được sinh ra bởi cái gì đó rất kì quặc. Sự thật là chúng ta có khả năng để sản xuất ra quá nhiều – nhiều hơn rất nhiều lượng con người cần tiêu thụ. Khủng hoảng trong chủ nghĩa tư bản là khủng hoảng đến từ sự thừa mứa, thay vì do sự thiếu hụt trong quá khứ. Những nhà máy và hệ thống của ta quá năng suất, nên ta có thể đem cho mỗi người trên hành tinh này một chiếc xe, một căn nhà, khả năng tiếp cận giáo dục và y tế.
Đó là điều khiến Marx phẫn nộ nhưng cũng đem lại cho ông chút hy vọng. Rất ít người trong chúng ta thực sự phải làm việc, vì nền kinh tế hiện đại đã quá năng suất. Nhưng thay vì nhìn nhận điều này như việc được giải phóng khỏi lao động, ta lại than phiền về nó rồi mô tả tình trạng này bằng ngôn từ miệt thị là "thất nghiệp". Ta nên gọi đó là tự do.
Có rất nhiều kiểu thất nghiệp đi kèm một lý do tốt đẹp và đáng ngưỡng mộ: bởi chúng ta giỏi trong việc sản xuất với năng suất cao, chúng ta không cần tất cả phải tham gia lao động nữa. Nhưng trong hoàn cảnh đó, theo Marx, ta cần biết trân trọng sự thư nhàn.  Chúng ta nên phân phối lại khối tài sản khổng lồ của các tập đoàn lớn và đưa cho tất cả mọi người. Điều này theo cách riêng của nó, đẹp như lời hứa của Jesus về ý niệm thiên đường; nhưng có tính thực tế hơn nhiều. 

5️⃣ Chủ nghĩa tư bản cũng gây hại cho chính các nhà tư bản 

Marx không nghĩ các nhà tư bản là những kẻ xấu xa. Lấy ví dụ: ông nhận thức sâu sắc về những nỗi buồn, nỗi thống khổ ẩn sau những cuộc hôn nhân tư sản. Marx nhận định, hôn nhân kiểu này thực chất là một hình thức mở rộng của việc làm ăn, và rằng gia đình tư sản luôn chịu rất nhiều áp lực, đè nén và phẫn uất, bởi người ta ở với nhau chẳng phải vì tình cảm, mà bởi tiền bạc. Marx tin rằng Chủ nghĩa Tư bản ép con người coi vấn đề kinh tế là trung tâm của đời sống, do vậy họ không còn biết những mối quan hệ sâu sắc và chân thành là thế nào. Ông gọi khuynh hướng tâm lý này với cái tên chủ nghĩa sùng bái vật chất - Warenfetischismus (commodity fetishism) bởi nó khiến chúng ta xem trọng những thứ vốn không có chút giá trị khách quan nào. Ông mong muốn con người được giải phóng khỏi áp lực tài chính để rồi cuối cùng cũng có thể bắt đầu tìm đến những lựa chọn sáng suốt, lành mạnh trong các mối quan hệ của mình. 
Câu trả lời mang màu sắc nữ quyền trong thế kỷ 20 cho rằng phụ nữ cần có được khả năng ra ngoài xã hội để làm việc. Câu trả lời của Marx tinh tế hơn thế. Lời đòi hỏi nữ quyền này chỉ khiến chế độ nô lệ tiếp tục được dung dưỡng. Điều quan trọng ở đây không phải là việc phụ nữ lặp lại những gì đồng nghiệp nam phải chịu đựng, mà là việc cả hai giới đều nên có một lựa chọn mang tính cố định, cho phép họ tận hưởng sự thư nhàn.  
Hãy thử cùng suy nghĩ giống Marx một chút. Một khía cạnh quan trọng trong công trình của Marx đó là, hệ thống kinh tế bằng một cách xảo quyệt và tinh vi, đã tô vẽ những ý niệm mà ngày nay chúng ta có. Nền kinh tế sản sinh ra thứ mà Marx đặt cho thuật ngữ “hệ tư tưởng” - die Ideologie. Một xã hội tư bản là một nơi mà hầu hết mọi người, giàu hay nghèo, cùng đặt niềm tin vào những điều đơn thuần là những lập luận về giá trị, có móc nối trở lại chính hệ thống kinh tế mà thôi. Ví dụ, người nào không lao động thì là kẻ vô giá trị, thời gian rảnh rỗi vượt quá vài tuần trong năm là tội lỗi, hay sở hữu càng nhiều ta càng hạnh phúc hơn, và rằng những thứ đáng giá (và ngay cả con người) sẽ luôn luôn sẽ có khả năng tạo ra tiền. Nói một cách ngắn gọn, một trong những điều tệ hại của Chủ nghĩa Tư bản không phải ở việc đứng đầu xã hội có những con người tha hóa – điều này thì bất cứ  hình thái xã hội chia thứ bậc nào cũng xảy ra – mà là ở việc những ý niệm tư bản dạy tất cả chúng ta trở nên lo sợ, ham ganh đua, tuân thủ và bằng lòng về mặt chính trị.  
Marx không chỉ vạch ra điểm sai trái của Chủ nghĩa Tư bản: ông còn đưa ra cái nhìn thoáng qua về một thế giới lý tưởng trong tương lai. Trong Tuyên ngôn Cộng sản Manifest der Kommunistischen Partei, ông miêu tả một thế giới không còn tài sản thuộc tư hữu hay thừa kế, mà thay vào đó, là thuế thu nhập lũy tiến ở mức cao, sự quản lý tập trung về ngân hàng, truyền thông và công nghiệp vận tải, cùng với đó là giáo dục công miễn phí. Marx cũng kỳ vọng rằng xã hội cộng sản sẽ tạo điều kiện để con người có thể phát triển rất nhiều mặt khác nhau trong bản chất của họ: 
"Trong xã hội cộng sản... hôm nay tôi có thể làm một việc, rồi ngày mai chuyển sang một việc khác. Tôi có thể đi săn vào buổi sáng, đánh bắt cá vào buổi chiều, chăn đàn gia súc vào buổi tối, đàm luận sau bữa cơm, đó là bởi vì tôi có một tâm trí, và tôi không cần phải trở thành thợ săn, ngư dân, mục phu hay nhà phê bình.”
Sau khi chuyển tới sống ở London, Marx nhận được sự ủng hộ từ một người bạn - người cộng sự Friedrich Engels. Engels là một người giàu có, có cha là chủ đồn điền trồng bông tại Manchester. Ông đã thanh toán hết nợ nần giúp Marx, và đảm bảo các công trình của Marx được xuất bản. Chủ nghĩa Tư bản đã trả giúp Chủ nghĩa Cộng sản. Thậm chí hai người còn viết thơ thể hiện sự ngưỡng mộ dành cho nhau. 
Ở thời mình, Marx không được đánh giá cao, cũng không phải là học giả nổi tiếng. Những người được trọng vọng, đi theo lệ thường sống cùng thời với Marx sẽ cười nhạo nếu có nghe về viễn cảnh rằng những ý tưởng của Marx có thể tái lập thế giới. Vậy mà chỉ một vài thập kỉ sau đó, điều đó đã xảy ra: Những ghi chép của ông trở thành yếu tố chủ chốt cho một số phong trào tư tưởng quan trọng hàng đầu của thế kỉ 20. Nhưng Marx, giống như một vị bác sĩ thiên tài trong thời buổi đầu của y học. Ông đã có thể nhận ra bản chất của căn bệnh, dù chưa biết làm sao để chữa được nó. 
Vào thời điểm này trong lịch sử, chúng ta đều nên là những người Marxist, hiểu theo nghĩa rằng, chúng ta tán thành với những chẩn đoán của ông về các vấn đề của chúng ta. Nhưng chúng ta cần phải đi tìm những cách chữa trị thực sự có tác dụng. Như chính Marx đã từng tuyên bố: “Các triết gia cho tới nay vẫn chỉ đang làm công việc diễn giải thế giới theo những cách khác nhau. Nhưng mục đích ta hướng tới, là thay đổi nó.”