Suốt đời, Phạm Quỳnh ôm một mối huyễn hoặc rằng công việc của ông chính là công việc "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" như Phan Châu Trinh khởi xướng. Nhưng có hai điểm khác biệt lớn giữa Phạm Quỳnh và Phan Châu Trinh. Một mặt, Phan Châu Trinh xem duy tân như một phương tiện để đạt được mục đích là giành lấy độc lập từ tay Pháp, thì Phạm Quỳnh lại hành động nhất mực theo chủ trương về văn hóa của thực dân. Mặt khác, trong khi Phan Châu Trinh đề cao thực học và thực nghiệp - tức những ngành học và nghề nghiệp có giá trị khoa học, kinh tế, thương mại nhằm giúp quốc gia giàu mạnh, Phạm Quỳnh chỉ toàn làm biên khảo văn chương, lại là những thứ văn chương không có tính cách phản kháng. Và trên thực tế, ngay trong cả công việc đó, Phạm Quỳnh cũng không phải là một học giả xuất sắc. Nếu phải so sánh với Nguyễn Văn Tố, thì Phạm Quỳnh chỉ như đom đóm mà so với đèn điện. Nhưng sở dĩ nói suy nghĩ của Phạm Quỳnh là một huyễn hoặc, là vì trong mọi trường hợp, nhất là trước các đối chất của các trí thức và thanh niên chống Pháp, Phạm Quỳnh luôn đáp lại rằng bản thân ông đang giúp nước theo cách của riêng ông. Đến tận lúc bị xử bắn năm 1945, Phạm Quỳnh có khi cũng vẫn giữ vững cái nhận định đó của mình.
Phạm Quỳnh
Phạm Quỳnh
Ngay trong thời Phạm Quỳnh, ta đã thấy có những người xem trọng Phạm Quỳnh, như Dương Quảng Hàm, Vương Hồng Sển, cũng có những người đả kích Phạm Quỳnh, như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Văn Hùm. Về sau, trong đánh giá con người và sự nghiệp Phạm Quỳnh, ta lại cũng thấy chủ yếu tồn tại hai lập trường đối nghịch nhau. Một bên nhìn nhận Phạm Quỳnh trong một mối quan hệ mật thiết với chính trị để kết luận Phạm Quỳnh là tay sai cho Pháp; những người thuộc phe này có Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Văn Trung. Bên kia nhìn nhận Phạm Quỳnh trong phạm vi văn học thuần túy, để kết luận rằng Phạm Quỳnh có công lao trong việc truyền bá chữ quốc ngữ và xây dựng nền quốc văn; hoặc xem Phạm Quỳnh là một người yêu nước nhưng “trong khi ngộ biến tòng quyền biết sao” đó là phe của Nguyễn Công Hoan, Thanh Lãng, nhóm Lê Quí Đôn, Thụy Khuê và hậu duệ của họ Phạm như Phạm Thị Ngoạn và Phạm Tuyên.
Nhưng nếu có một giá trị nào của việc tiếp tục nghiên cứu Phạm Quỳnh nói riêng và lịch sử văn học Việt Nam ở thời buổi này, đó là tìm thấy một lập trường thứ ba, bao quát cả hai lập trường nói trên. Lúc này, ta phải nhìn nhận rằng, một khi đứng về phe chống Phạm Quỳnh, phủ nhận đóng góp của Phạm Quỳnh và Nam Phong vì đó là một tồn tại báo chí và văn chương trong vòng kiềm tỏa của thực dân Pháp, thì ta buộc phải đi đến việc hoài nghi cả một nhân vật mà ta rất có cảm tình, đó là cụ Nguyễn Văn Vĩnh, chưa kể đến vô số các nhóm báo chí và xuất bản mà tính chất chống thực dân ở họ không quá rõ rệt, như Tự Lực Văn Đoàn, Tân Dân hay Lê Cường. Và như thế, sẽ lại lặp lại thái độ bảo thủ của những người chối bỏ di sản văn học miền Nam 54-75 ở nước ta thời hậu chiến - một thái độ hằn học và mù quáng. Ngược lại, nếu đứng hẳn về phe thân Phạm Quỳnh, thì ta lại thiếu sự toàn diện trong nhìn nhận giá trị, bởi lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ 20 không hề tách rời, mà lại liên hệ vô cùng mật thiết với lịch sử chính trị. Cái tình thế lưỡng nan đó cũng có quan hệ đến một câu hỏi mang tính phổ quát hơn về nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh, vốn đã gây ra một cuộc tranh luận văn học lớn thời trước 1945 ở nước ta, mà dẫu rằng quan niệm thống trị bấy lâu nay ngả về phía vị nhân sinh, trong thời này, chúng ta có điều kiện tốt hơn để tự hỏi, “thế còn những tuyệt tác văn chương không chuyên chở luân lý của Việt Nam và trên thế giới, chẳng lẽ phải vứt sọt rác vì không đủ tiêu chuẩn đạo đức”.
Trong khi chờ đợi một tháo gỡ khả hữu ở những văn bản còn chưa đọc trước mắt, chúng ta có thể tạm đi đến một nhận định con người Phạm Quỳnh trong sự tách bạch giữa chính trị và văn chương, dựa trên những gì đã biết. Về mặt chính trị, có thể là quá nếu chúng ta nói Phạm Quỳnh là tay sai cho Pháp. Có lẽ sẽ phù hợp hơn khi ta nói Phạm Quỳnh là một người ngây thơ và lầm lạc, khi nghĩ rằng con đường mà ông ấy đi - vốn là con đường bị thao túng bởi thực dân - là con đường cứu nước. Nhưng sự ngây thơ và lầm lạc đó là dễ hiểu khi Phạm Quỳnh thuộc vào cái thế hệ 1913-1932 mà theo giáo sư Thanh Lãng là thế hệ đặc trưng bởi sự liên hiệp với Pháp. Chính cái thế hệ đó cũng đã chứng kiến quá nhiều sự thất bại của việc chống Pháp theo đường lối võ trang. Các chí sĩ yêu nước bị chém, bị tù đày hoặc bị quản thúc, những lời chỉ dạy yêu nước bị cấm đoán. Ta nên biết rằng khác với Phan Khôi, Đào Trinh Nhất hay Ngô Đình Diệm, cả Phạm Quỳnh lẫn Nguyễn Văn Vĩnh đều không xuất thân trong gia đình nặng truyền thống Nho học, càng không có những người đi theo phong trào Cần Vương. Phạm Quỳnh vươn lên bằng tài năng và sự chuyên cần trong việc học Pháp văn. Phạm Quỳnh lớn lên trong bối cảnh nền cai trị của Pháp ở Đông Dương đã rất chắc chắn. Chịu những ảnh hưởng của văn hóa Pháp nhiều hơn là văn hóa Việt Nam, và cũng nhận được những lợi lộc khi làm công chức cho chính phủ bảo hộ, Phạm Quỳnh vì thế không kịch liệt chống Pháp. Cái sức ảnh hưởng của thời cuộc lên con người rất lớn, ta có thể thấy trường hợp Phạm Duy Khiêm, con người bị giằng xé bởi hai cực Pháp Việt đã có một cuộc đời không mấy hạnh phúc. 
Còn về mặt văn chương, phải công nhận rằng Phạm Quỳnh là gương mặt quan trọng, bởi vì cũng như Trương Vĩnh Ký hay Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh tuy viết cho một tờ báo được Pháp tài trợ, nhưng đó cũng lại là một trong số rất ít những nơi mà tiếng nói người Việt có thể được người Việt nghe thấy, vì chính sách báo chí của Pháp ở Đông Dương thời điểm này chưa cởi mở như giai đoạn về sau. Nhưng cũng vì thế địa vị của Phạm Quỳnh trong việc phổ cập chữ quốc ngữ và phát triển nền quốc văn - một địa vị mà Phạm Quỳnh hay được xưng tụng - thực chất là do ông được thời thế đặt lên. Nguyễn Văn Trung đã khả sát Nam Phong và nhận định rằng các biên khảo văn học của Phạm Quỳnh không có mấy giá trị, và nếu so sánh về đóng góp cho văn hóa giữa Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh thì Nguyễn Văn Vĩnh cao hơn một bậc. Đến bây giờ, những hội thảo, những bài viết ngợi ca Phạm Quỳnh, xưng tụng ông là nhà ngôn ngữ học đầu tiên, nhà văn hóa vĩ đại, vân vân, thực ra chả chỉ ra được một cái gì xác đáng để ta có thể thấy Phạm Quỳnh lớn ở chỗ nào. Phạm Quỳnh là một nhà báo kém so với Phan Khôi, là nhà nghiên cứu kém so với Nguyễn Văn Tố, là dịch giả kém so với Nguyễn Văn Vĩnh, và là nhà chính trị kém so với Ngô Đình Diệm. Phạm Quỳnh rất nổi tiếng ở thời ông, nhưng giá trị mà ông để lại thì tôi thấy rằng không có gì đáng kể.