Màu xanh (của) Zima
Dịch từ ZIMA BLUE của Alastair Reynolds --- Người ta bắt đầu dạt khỏi hòn đảo sau tuần đầu tiên. Các bệ khán đài quanh...
Dịch từ ZIMA BLUE của Alastair Reynolds
---
Người ta bắt đầu dạt khỏi hòn đảo sau tuần đầu tiên. Các bệ khán đài quanh hồ vắng dần. Những chiếc tàu chở du khách hướng trở về không gian bao la. Những thân hữu nghệ thuật, những nhà bình luận hay phê bình khăn gói trở về Venice. Sự thất vọng của họ lững lờ trên eo biển như chướng khí.
Tôi là một trong số ít ỏi người ở lại Murjek, mỗi ngày vẫn quay trở lại các bệ khán. Tôi quan sát suốt hàng giờ liền, nheo mắt nhìn vào ánh sáng xanh lấp lánh hắt từ mặt nước. Úp mặt, hình dáng lêu khêu của Zima di chuyển trôi chảy từ đầu bên này sang đầu bên kia của bể bơi theo cách người ta có thể lầm tưởng nó với một cái xác trôi. Khi ông đang bơi, tôi tự hỏi không biết mình sẽ kể câu chuyện về con người này ra sao, và ai sẽ tin vào những gì tôi viết ra. Tôi cố gắng nhớ lại tên của tờ báo đầu tiên tôi viết, hồi còn trên Hỏa tinh. Họ không trả hậu như những tờ báo lớn hơn, nhưng một phần nào đó bên trong tôi ưa thích cái ý nghĩ trở về nơi xa xưa ấy. Đã rất lâu rồi… Tôi hỏi Trợ Ức, chờ nó truy hồi trong ký ức tên của tờ báo. Đã có quá nhiều rồi… đến hàng trăm tờ, theo tôi ước tính. Nhưng chẳng có kết quả gì. Phải ngáp thêm một bận nữa tôi mới nhớ đã ngưng Trợ Ức ngày hôm trước:
“Carrie, mày đang ở một mình,” tôi to giọng nói với mình. “Hãy tập làm quen đi.”
Trong hồ, hình dáng đang bơi lại kết thúc một chặng nữa chiều dài hồ và bắt đầu bơi trở lại về phía tôi.
Hai tuần trước, tôi đương ngồi ở Quảng trường San Marco buổi trưa, nhìn theo những bóng dáng trắng tinh lướt qua tháp đồng hồ bằng cẩm thạch trắng. Bầu trời Venice ắp đầy tàu, đậu san sát nhau. Bụng của chúng nung núc những tấm sàn khổng lồ, sáng lóa, được điều chỉnh để tiệp với màu trời. Cảnh tượng ấy làm tôi nhớ tới tác phẩm của một nghệ sĩ thời kỳ tiền-Di cư chuyên trị các thủ pháp lẫn sáng tác theo phối cảnh rất hại mắt: những thác nước vô tận, những con thằn lằn đan xen vào nhau. Tôi hình thành một hình ảnh trong đầu và tra vấn Trợ Ức đang nhấp nháy, nhưng nó cũng chẳng thể dò ra tên.
Tôi xong cốc cà phê và sẵn sàng thanh toán.
Tôi tìm tới cái phiên bản Venice bằng cẩm thạch trắng này để chứng kiến lần ra mắt tác phẩm nghệ thuật cuối cùng của Zima. Tôi đã hứng thú với vị nghệ sĩ này suốt nhiều năm qua, và hy vọng có thể thu xếp có một buổi phỏng vấn ông. Rủi thay, hàng ngàn con người khác trong đám đông cũng đã nảy ra y hệt cái ý tưởng ấy. Đằng nào thì cuộc đua tranh ấy cũng chẳng mấy ý nghĩa: Zima không giao tiếp với ai cả.
Nhân viên phục vụ đặt một tấm thiếp gấp lại lên bàn tôi.
Tất cả những gì chúng tôi được thông báo là hãy tới Murjek, một thế giới bao quanh hoàn toàn bằng nước mà hầu hết chúng tôi chưa ai từng nghe qua. Danh tiếng duy nhất của Murjek chính là nơi đây có một bản sao thứ 171 của Venice, và là một trong duy nhất ba phiên bản của Venice hoàn toàn làm từ cẩm thạch trắng. Zima chọn Murjek làm nơi trưng bày tác phẩm nghệ thuật cuối cùng, và là nơi mà ông sẽ tuyên bố rời khỏi đời sống của người nổi tiếng.
Lòng trĩu nặng, tôi nhấc hóa đơn lên để xem số tiền phải trả. Thay vì hóa đơn, đó chỉ là một tấm thiếp màu xanh, nhỏ, có dòng chữ mảnh màu vàng in nghiêng. Sắc của màu xanh đúng y hệt cái màu nước biển đục mà đích thân Zima tạo ra. Tấm thiếp được gửi đích danh tôi, Carrie Clay, và nói rằng Zima muốn trao đổi với tôi về buổi công bố tác phẩm. Nếu hứng thú, tôi hãy có mặt ở Cầu Rialto đúng hai giờ nữa kể từ lúc này.
Nếu tôi hứng thú.
Mẩu giấy cũng nêu rõ không mang theo bất cứ thiết bị ghi chép nào, thậm chí giấy bút cũng không. Hãy còn muốn dặm thêm, tấm thiếp nhắc rằng hóa đơn đã được thanh toán. Tôi gần như căng thẳng tới mức muốn gọi thêm một ly cà phê nữa và tính tiếp vào hóa đơn. Suýt, chứ chưa làm.
-
Robot phục vụ của Zima đã đứng sẵn lúc tôi sớm có mặt ở cây cầu. Những động cơ neon tinh xảo đang chuyển động bên trong cơ thể mannequin trong suốt của con robot. Con robot cúi hông chào và nói rất khẽ. “Cô Clay phải không ạ? Nay cô đã có mặt, hai chúng ta đã có thể khởi hành rời khỏi đây.”
Con robot hộ tống tôi tới một hành lang dẫn xuống bờ nước. Trợ Ức của tôi theo sau, phấp phới bay đằng vai. Một chiếc tàu vận chuyển đang chờ sẵn, bay lửng cách mặt nước chừng một thước. Con robot giúp tôi tiến vào khoang sau. Con Trợ Ức sắp chừng theo tôi thì bị con robot giơ tay cảnh báo.
“Cô buộc phải để nó lại, tôi e là vậy; không mang theo thiết bị, cô nhớ chứ?”
Tôi nhìn vào con chim ruồi xanh lá kim loại, cố nhớ lại lần cuối tôi nằm khỏi sự hiện diện giám sát của nó.
“Bỏ nó lại?”
“Nó sẽ an toàn nơi đây, và cô có thể lấy lại nó khi trở lại vào ban đêm.”
“Nếu tôi nói không thì sao?”
“Thì tôi e rằng chúng ta sẽ không gặp ngài Zima.”
Tôi cảm thấy con robot sẽ chẳng chờ suốt buổi chiều để nghe câu trả lời của tôi. Cái ý nghĩ phải cách xa Trợ Ức khiến máu tôi nguội đi. Nhưng tôi khao khát cuộc phỏng vấn kia quá đỗi, đến mức sẵn sàng đánh đổi mọi thứ.
Tôi ra hiệu cho Trợ Ức ở yên đó tới khi tôi quay lại.
Cỗ máy ngoan ngoãn lùi xa khỏi chỗ tôi đứng, trong một ánh chớp kim loại xanh lá. Như thể tôi đang nhìn thấy một phần nào đó thuộc về mình dạt trôi. Lồng kính đóng lại xung quanh và tôi cảm thấy tàu tăng tốc nhẹ tênh.
Venice nghiêng sang một bên dưới chúng tôi, đoạn mất hút ở đường chân trời.
Tôi đặt một câu hỏi kiểm tra thử, yêu cầu Trợ Ức gọi tên hành tinh tôi từng mừng sinh nhật 1700 của mình. Không có tín hiệu gì: Tôi đã ra khỏi vùng truy vấn, chỉ còn trông cậy được vào chính ký ức rệu rã của bản thân.
Tôi ngả về phía trước. “Cậu có được phép thông báo cho tôi biết chuyện này có nghĩa là gì hay không?”
“Tôi e rằng chủ nhân không hề đề cập chuyện đó,” con robot đáp, hiện thành một khuôn mặt phía sau đầu. “Nhưng bất cứ thời điểm nào cô cảm thấy không thoải mái, chúng ta có thể quay trở lại Venice.”
“Tôi ổn lúc này. Còn ai khác được mời giống tôi không?”
“Chỉ có cô, theo những gì tôi được biết.”
“Và nếu như khi nãy tôi từ chối? Liệu cậu có đề nghị một ai khác hay không?”
“Thưa không,” con robot đáp. “Nhưng hãy chấp nhận điều này, thưa cô Clay. Cô nào muốn từ chối đề nghị của chủ nhân.”
Khi chúng tôi tiếp tục bay, xung sóng của chiếc tàu vận chuyển làm thành một cột bọt ngay mặt biển đằng sau. Tôi chợt nghĩ tới một nét cọ đi lên bề mặt sơn ướt trên cẩm thạch, làm lộ ra một bề mặt trắng phau dưới lớp sơn. Tôi giở lại thiếp mời của Zima và giương nó về hướng đường chân trời phía trước mắt, thử xem liệu màu xanh ấy gần với màu trời hay màu biển hơn. Đặt giữa hai sắc xanh kia tấm thiếp dường như cứ hấp háy vô định.
Xanh Zima. Đó là một màu xanh chính xác, được định nghĩa một cách khoa học theo đơn vị angstrom và sắc độ. Giả sử nếu là một nghệ sĩ, ta có thể có một mẻ màu trộn theo đúng chỉ số kỹ thuật ấy. Nhưng chưa một ai từng sử dụng màu Xanh Zima trừ những lúc họ đưa ra một nhận định đầy đắn đo về bản thân ông.
Từ khi xuất hiện trước công chúng Zima đã là một nhân vật có một không hai. Ông đã trải qua những tiến trình cải tiến cho phép chịu đựng những điều kiện môi trường cực đoan mà không cần tới một bộ giáp bảo hộ. Zima có hình thù của một người đàn ông lực lưỡng mặc đồ bó sát, tới khi ta đến đủ gần và nhận ra rằng thực chất đó chính là da của ông. Phủ lên toàn bộ thân thể, lớp da làm từ một vật liệu hỗn hợp có thể chuyển thành màu sắc và họa tiết tùy theo tâm trạng và môi trường xung quanh. Lớp phủ có thể tiệm cận với áo quần nếu như các hoàn cảnh giao tiếp bắt buộc. Làn da này có thể chứa áp suất nếu ông muốn vào chân không, và bó cứng lại để bảo vệ ông trước áp lực của một hành tinh khí. Bất chấp những ưu việt ấy, làn da này vẫn hoàn toàn chuyển tải toàn diện các cảm giác về giác quan vào tâm trí của ông. Ông không cần thở, vì toàn bộ hệ thống tim mạch của ông đã được thay thế bởi các cơ quan trợ sống tuần hoàn khép kín. Ông chẳng cần ăn uống; cũng chẳng cần bài tiết. Các cỗ máy bé nhỏ trải suốt trên cơ thể, cho phép ông chịu đựng các liều phóng xạ có thể giết chết bất cứ người bình thường nào chỉ trong ít phút.
Với cơ thể chống chịu được nghịch cảnh môi trường như thế, Zima có thể tự do kiếm tìm bất cứ nguồn cảm hứng sáng tác nào mình muốn. Ông có thể dạt vào không gian, nhìn thẳng vào bề mặt một ngôi sao, hay chu du trên các hẻm núi sâu vút nơi kim loại chảy tựa dung nham. Đôi mắt ông thay thế bằng cặp camera có thể phát hiện một dải quang phổ điện từ cực rộng, gắn vào não ông qua các module xử lý phức tạp. Một kết nối đa liên kết giác quan cho phép ông nghe thấy các dữ liệu hình ảnh tựa như nghe một bản nhạc, nhìn thấy âm thanh như một bản giao hưởng vô cùng sặc sỡ. Làn da của ông vận hành như một ăng-ten, mang lại sự nhạy cảm trước các thay đổi điện trường. Nếu còn chưa đủ, Zima có thể tiếp cận các nguồn dữ liệu từ bất kỳ cỗ máy theo kèm nào.
Với chừng ấy khả năng, nghệ thuật của Zima không thể trở nên gì khác hơn ngoài sự đặc sắc và cuốn hút tuyệt đối. Các cảnh tượng và cánh đồng sao như có một phẩm chất tăng tiến, mê ly, đầy ắp những màu sắc lung linh, chói lọi và thủ thuật phối cảnh đến gai mắt. Vẽ trên các chất liệu truyền thống nhưng ở khổ đại, các tác phẩm này nhanh chóng thu hút một lượng khách hàng thật sự nghiêm túc muốn mua chúng. Một số còn tham gia các bộ sưu tập cá nhân, nhưng bích họa của Zima cũng đồng thời xuất hiện tại các không gian công cộng trên khắp dải ngân hà. Dài hàng chục mét bề ngang, chúng lại có độ chi tiết đến tận cùng của giới hạn thị giác. Hầu hết được sáng tác chỉ trong duy nhất một lần vẽ. Zima không cần ngủ, do đó ông có thể làm việc liên tục cho đến khi hoàn thành một tác phẩm.
Các bích họa này nghiễm nhiên vô cùng ấn tượng. Từ góc độ sáng tác lẫn kỹ nghệ, chúng cũng cực kỳ phi thường. Thế nhưng ở chúng vẫn còn một chút gì đó u ám và lạnh lẽo. Chúng là những quang cảnh thiếu vắng sự hiện diện của con người, ngoại trừ góc nhìn ngụ ẩn của chính người sáng tác.
Nói cách khác: chúng rất đẹp để chiêm ngưỡng, nhưng cá nhân tôi không bao giờ treo chúng trong nhà.
Rõ ràng không phải ai cũng đồng tình, bằng không Zima không thể bán được nhiều tác phẩm dường ấy. Nhưng tôi không sao ngừng thắc mắc có bao nhiêu người mua chúng bởi những hiểu biết của họ về người nghệ sĩ, hơn là bởi bất cứ nét khoa trương nào của chính các tác phẩm kia.
Đó là sự thể xảy ra khi lần đầu tiên tôi để tâm tới Zima. Ngay lập tức tôi nhìn nhận Zima là một họa sĩ thú vị nhưng sến sẩm; có lẽ có thể xứng đáng để có một bài viết nếu còn thêm điều gì khác xảy ra với tác phẩm của ông hay với chính bản thân ông. Và chuyện đó đã xảy ra, nhưng phải mất một hồi lâu mọi người – trong đó có tôi – mới nhận ra.
Một ngày kia – sau một thời gian thai nghén lâu hơn thông thường – Zima hé lộ một họa bích có chút gì đó khác lạ. Đấy là một bức họa tinh vân vần vũ giữa các vì sao, nhìn từ một viên đá không trọng lực. Trên đỉnh của một hố thiên thạch ở chính giữa, chặn đi một phần của tinh vân, là một màu xanh tí hon. Thoạt trông nó như thể một tấm toan đã bị tẩy xanh và Zima chỉ chừa lại một khu vực nhỏ chính giữa sau khi hoàn thành tác phẩm. Không có một bám dính nào dành cho khối vuông ấy, không một chi tiết hay dẫn gợi nào về mối liên hệ giữa nó với toàn bộ khung cảnh hay phông nền. Nó không đổ bóng cũng chẳng có chút ảnh hưởng nào lên các màu sắc ở xung quanh. Nhưng khối vuông ấy hoàn toàn có chủ đích: quan sát kỹ cho thấy rõ ràng nó được sơn chồng lên miệng hố thiên thạch. Khối vuông mang một ý nghĩa nào đó.
Khối vuông ấy chỉ là sự khởi đầu. Từ đó trở đi, tất cả các bích họa mà Zima công bố trước thế giới đều có một dạng hình học như thế: một hình vuông, một hình tam giác, hình bầu dục hay một hình dáng tương tự nằm đâu đó trên tác phẩm. Một thời gian sau đó người ta mới nhận ra rằng màu xanh ấy có cùng sắc độ hết từ bức này sang bức khác.
Đó là màu xanh Zima: cùng cái sắc xanh trên tấm thiếp khắc chữ vàng.
Trong suốt chừng một thập kỷ tiếp theo, các hình trừu tượng ngày càng chiếm vị trí quan trọng hơn, tràn ra khỏi các thành phần khác của từng tác phẩm. Các quang cảnh vũ trụ rốt cuộc chỉ còn là những mép rìa chật chội, những hình tròn, tam giác, chữ nhật viền khung. Nếu như tác phẩm trước kia của ông có yếu tính là nhát cọ phóng khoáng và những lớp sơn dày, thì ngày nay các hình dạng màu xanh được xử lý thành một mặt phẳng phẳng lì như gương.
Biết trước về sự xâm lấn đang diễn ra của các hình dáng màu xanh trừu tượng, khách hàng thường xuyên nay lại rời bỏ Zima. Chẳng bao lâu sau Zima trình làng tác phẩm đầu tiên trong loạt các bích họa chỉ có duy nhất một màu xanh của mình. Đủ lớn để che chắn một bề mặt của tòa nhà cao hàng ngàn tầng, bức bích họa được nhiều người xem là giới hạn tối hậu của Zima.
Không thể sai lầm hơn.
~
Tôi cảm nhận chiếc tàu đang chậm dần khi chúng tôi tiến gần một hòn đảo nhỏ, thứ hình dáng duy nhất tồn tại ở xung quanh.
“Cô là người đầu tiên nhìn thấy nơi này,” con robot nói. “Có một màn chắn mọi quan sát từ không gian dành riêng cho nơi này.”
Hòn đảo có bề ngang chừng một cây số: thấp, hình dáng một con rùa, xung quanh là một hàng cột mảnh bằng cát nhạt. Ở gần chính giữa là một khoảnh đất cạn, cây cối đã dọn quang thành một khu vực có hình dáng gần giống một hình chữ nhật. Tôi nhận ra một tấm panel màu xanh phản chiếu trên nền đất, xung quanh bao bọc bởi một hệ thống bệ quan sát chia thành từng tầng.
Con tàu hạ cao độ và tốc độ, xuống thấp tới khi dừng ngay bên ngoài khu vực khán đài khép quanh. Chiếc tàu dừng lại cạnh một nhà gỗ thấp, trải đá mà tôi hãy còn chưa nhận ra ban nãy.
Con robot bước xuống trước rồi giúp tôi bước ra khỏi tàu.
“Ngài Zima sẽ xuất hiện trong giây lát,” nó thông báo, trước khi trở vào tàu và biến mất hút trên bầu trời.
Bất thình lình tôi cảm thấy vô cùng cô độc và mong manh. Một cơn gió nhẹ ùa từ biển vào, thốc cát vào mắt tôi. Mặt trời đang trườn xuống về phía chân trời và chẳng mấy chốc tất cả trở nên se lạnh. Ngay khi tôi bắt đầu cảm thấy thoáng hốt hoảng, một người từ ngôi nhà gỗ xuất hiện, nhanh chóng phủi tay. Ông tiến tới gần chỗ tôi, dọc theo một con đường trải đá.
“Rất hân hạnh vì cô đã tới, Carrie ạ.”
Đó là Zima, dĩ nhiên, và thốt nhiên tôi cảm thấy ngớ ngẩn vì nghi ngờ không biết ông có xuất hiện hay không.
“Xin chào,” tôi trả lời ấp úng.
Zima chìa tay ra. Tôi bắt tay, cảm thấy một chút vân nhựa trên làn da nhân tạo của ông. Hôm nay làn da ấy có màu xám thiếc.
“Hãy vào ban-công ngồi. Ngắm hoàng hôn cũng thú vị chứ nhỉ?”
“Hay đấy,” tôi đồng tình.
Ông xoay lưng và quay về hướng ngôi nhà gỗ. Khi đi, cơ bắp của ông co giãn chuyển động dưới lớp thịt bằng thiếc. Có những gai ánh sáng như vây cá phía sau lưng ông, như thể nó được tạo từ một bức khảm kim loại phản quang. Ông đẹp đẽ tựa như một bức tượng, cơ bắp như một con báo. Ông điển trai, kể cả sau hết tất cả những lượt hóa thân, nhưng chưa bao giờ tôi nghe thấy ông có người tình, hay có một chút gì đó đời sống riêng tư cả. Nghệ thuật đối với ông là tất cả.
Tôi theo sau ông, cảm thấy vừa kỳ quái vừa ngại ngùng. Zima dẫn tôi vào nhà gỗ, băng qua một nhà bếp lối xưa và một sảnh cũng theo lối xưa, đầy những món vật dụng và trang trí hàng ngàn năm tuổi.
“Chuyến bay thế nào?”
“Ổn.”
Ông bất chợt dừng lại và ngoảnh lại nhìn tôi. “Tôi quên kiểm tra… con robot có nhắc cô phải gửi lại Trợ Ức cá nhân?”
“Có.”
“Tốt. Tôi muốn trò chuyện với chính cô, Carrie ạ, chứ chẳng phải với một thiết bị ghi chép phụ trợ nào cả.”
“Tôi ư?”
Dấu thiếc trên khuôn mặt của ông tạo thành một biểu hiện chất vấn. “Cô có sử dụng từ đa âm tiết không, hay vẫn còn đang cố gắng?”
“Ơ…”
“Bình tĩnh,” ông trấn an. “Tôi không ở đây để khảo sát, hay làm gì khiến cô bẽ mặt cả. Đây chẳng phải là một cái bẫy gì cả, và cô cũng không gặp chút hiểm nguy nào hết. Cô sẽ trở lại Venice vào giữa đêm.”
“Tôi không sao,” tôi gắng. “Chỉ còn đang khớp đôi chút trước mặt ngôi sao.”
“Cô không nên như vậy. Tôi chắc chắn khó lòng là người nổi tiếng đầu tiên mà cô từng gặp, phải không nào?”
“Không phải, nhưng mà…”
“Người ta cảm thấy tôi đáng sợ,” ông nói. “Rồi họ cũng vượt qua cảm giác ấy, rồi tự hỏi tất cả mớ bòng bong này rốt lại là gì.”
“Sao lại là tôi?”
“Bởi cô luôn đặt câu hỏi một cách tử tế,” Zima trả lời.
“Nghiêm túc nào.”
“Thôi được. Có lẽ nhiều hơn thế, dù cô quả là có hỏi thăm tử tế thật. Tôi rất thích những gì cô viết nhiều năm qua. Người ta thường hay tin tưởng ủy thác cô viết một chân dung xác thực đầy đủ nhất, nhất là mỗi khi gần cuối đời.”
“Ông nói về việc họ giã từ sự nghiệp, không phải cuộc sống phải không?”
“Dù thế nào đi chăng nữa, đây vẫn là một sự thoái lui khỏi đời sống công chúng. Tác phẩm của cô lúc nào cũng thật chân thật đối với tôi, Carrie ạ. Tôi không biết từng có ai hiểu sai những gì cô viết ra không.”
“Vẫn xảy ra khi này hay khi khác đó thôi,” tôi đáp. “Đó là vì sao tôi luôn bảo đảm luôn có một Trợ Ức đi theo để không ai tranh chấp điều họ nói ra.
“Với chuyện của tôi thì không cần thiết,” Zima nói.
Tôi nhìn Zima đầy nghi hoặc. “Còn một điều gì khác nữa ở đây chăng? Một lý do nào khác khiến ông nghĩ đến tên tôi chăng?”
“Tôi muốn giúp cô,” ông ta đáp.
Khi đa số mọi người nói về Giai đoạn Xanh, họ muốn nói tới giai đoạn của những bích họa thật sự khổng lồ. Khổng lồ ở đây tôi muốn nói là thật sự khổng lồ, kỳ vĩ. Chẳng bao lâu chúng đã to lớn đến nỗi át đi hẳn những tòa nhà và không gian công, đủ có thể nhìn thấy từ tít trên quỹ đạo. Vượt khỏi dải ngân hà, những tấm bích họa hàng hai mươi cây số màu xanh sừng sững trên những hòn đảo tư nhân hay mọc lên từ đại dương bị bão tố giày xéo. Chi phí chưa bao giờ là vấn đề cả, vì Zima có rất nhiều nhà tài trợ đối thủ săn đua lẫn nhau để đứng ra tài trợ cho tạo phẩm mới nhất và to lớn nhất của ông. Các tấm trải cứ thế giãn rộng, cho tới lúc chúng cần tới một cỗ máy sử dụng công nghệ tĩnh phức tạp cốt để giữ chúng lơ lửng trước trọng lực và thời tiết. Chúng vút lên khỏi những chóp cao nhất của khí quyển hành tinh, đâm vào không gian. Chúng rực lên bằng chính ánh sáng xanh dịu của mình. Chúng uốn quanh thành những vòm và rẽ quạt, khiến cho toàn bộ tầm nhìn của khán giả chỉ còn duy nhất một màu xanh.
Nhưng đó là chuyện của trăm năm trước. Zima thậm chí còn chưa hoàn thiện.
Sau rốt, các cấu trúc đã trở nên quá đỗi kềnh càng để có thể các hành tinh chứa chấp. Hết sức vô tư, Zima tiến vào không gian giữa các hành tinh, đúc thành những tấm phản khổng lồ, trôi tự do dài hàng vạn cây số. Giờ đây ông không còn thao tác với cọ và sơn nữa, mà bằng những hạm đội robot khai thác, xé toạc thiên thạch để lấy nguyên vật liệu làm thành tác phẩm. Giờ đây tới lượt toàn thể những nền kinh tế tinh tú đối đầu với nhau để chứa chấp tác phẩm của Zima.
Đó chính là thời điểm mà tôi tìm thấy trở lại niềm hứng thú ở Zima. Tôi tham dự một trong những buổi “nguyệt kết” của ông: khép lại trọn vẹn một tinh tú bằng một tấm bọc màu xanh, như một chiếc nón đi vào trong hộp. Hai tháng sau đó, ông lại nhuộm lấy toàn bộ đai bao của một hành tinh khí, và tôi cũng có một chỗ ngồi dự khán cạnh vành đai. Sáu tháng sau nữa, ông thay đổi toàn bộ hóa tính bề mặt của một sao chổi hướng mặt trời khiến nó tạo thành một cái đuôi màu xanh Zima quét qua khắp một thái dương hệ. Nhưng tôi vẫn chưa có chút gì của một câu chuyện cả. Tôi liên tiếp hỏi xin một cuộc phỏng vấn và liên tiếp bị từ chối. Tất cả những gì tôi biết được là để lý giải cho ám cưỡng của Zima với màu xanh sẽ còn đó một thứ gì đó khác hơn ý tưởng nghệ thuật. Thiếu đi thấu hiểu về ám cưỡng kia, sẽ chẳng có câu chuyện nào cả: chỉ là một giai thoại.
Tôi thì không viết kiểu bài giai thoại.
Do đó tôi chờ, và cứ chờ. Và rồi – như hàng triệu kẻ khác – tôi hay tin tác phẩm nghệ thuật cuối cùng của Zima, và thu xếp tới Venice giả lập trên Murjek. Tôi chẳng chờ ngóng một cuộc phỏng vấn nào, hay bất cứ tư tưởng nghệ thuật mới mẻ nào cả. Tôi chỉ hiện diện mà thôi.
~
Hai chúng tôi bước qua cửa kính trượt vào ban công. Hai chiếc ghế giản dị màu trắng đặt ở hai bên một chiếc bàn trắng ở giữa. Chiếc bàn bày sẵn thức uống và một tô trái cây. Bên ngoài ban công không rào chắn, mảnh đất cằn cỗi dốc xuống thật sâu, mang tới một cảnh biển trọn vẹn không khuất. Mặt nước bình lặng và gọi mời, cùng mặt trời đang hạ thấp phản chiếu như một đồng xu bạc.
Zima ra hiệu tôi ngồi vào một chiếc ghế. Tay ông phân vân giữa hai chai rượu.
“Vang đỏ hay trắng nhỉ, Carrie?”
Tôi mở miệng như thể trả lời Zima, nhưng không thốt ra lời nào. Thông thường, trong cái khoảnh khắc nằm giữa hỏi và đáp ấy, Trợ Ức thường khẽ hướng tôi tới lựa chọn một trong hai. Không có gợi ý từ Trợ Ức cảm tưởng như một trạng thái đứng chững trong ý nghĩ.
“Tôi cho là vang đỏ,” Zima nói.
“Trừ khi cô hết lòng phản đối.”
"Chẳng phải là tôi không thể tự quyết định,” tôi nói.
Zima rót cho tôi một ly vang đỏ, rồi giơ nó lên bầu trời để xem độ trong suốt của rượu. “Đương nhiên là không rồi,” ông nói.
“Chỉ là nó có hơi lạ đôi chút với tôi.” “Nhẽ ra không nên,” ông nói. “Đây là cách mà ông đã sống suốt hàng trăm năm qua.”
“Một cách tự nhiên, theo ý cô phải vậy chăng?” Zima tự rót một ly vang đỏ, nhưng thay vì uống ông lại ngửi vành ly. “Phải rồi.”
“Nhưng lại chẳng có gì tự nhiên trong việc sống sót hàng ngàn năm kể từ khi tôi sinh ra cả,” tôi nói tiếp. “Ký ức hữu cơ của tôi đã đạt hạn chừng bảy trăm năm trước. Đầu của tôi tựa như một ngôi nhà chứa quá nhiều vật dụng. Hễ đem vào thêm một món, ta phải lấy ra ngoài một món khác.”
“Hãy quay trở lại với rượu một chốc nhé,” Zima gợi ý. “Thông thường, cô vẫn hay cậy vào lời khuyên của Trợ Ức, có phải không?”
Tôi nhún vai. “Phải.”
“Liệu nó có luôn gợi ý một trong hai lựa chọn? Lúc nào cũng là vang đỏ, hay lúc nào cũng là vang trắng, chẳng hạn?”
“Không đơn giản như thế,” tôi nói.
“Nếu tôi từng cực kỳ yêu thích một trong hai món hơn hẳn món còn lại, thì đúng, Trợ Ức sẽ luôn gợi ý một thức uống thay vì thứ còn lại. Nhưng tôi lại không thế. Tôi đôi lúc thích vang đỏ và khi khác lại chuộng vang trắng. Đôi khi tôi chẳng muốn tí vang nào cả.” Tôi hy vọng sự bức bối của mình không quá lộ tỏ. Nhưng sau khi dày công thử thách với tấm thiếp xanh, con robot và chiếc tàu, thứ cuối cùng mà tôi muốn là trao đổi với Zima chính là cái trí nhớ bất toàn của bản thân.
“Vậy nó ngẫu nhiên ư?” ông hỏi lại.
“Trợ Ức hẳn cũng sẽ nói đỏ hay trắng thôi mà?”
“Không, cũng chẳng như thế. Nó đã theo tôi suốt hàng trăm năm. Nó chứng kiến tôi uống rượu hàng trăm ngàn lượt, trong cùng hàng trăm ngàn hoàn cảnh khác nhau. Nó hiểu, với một mức độ đáng tin cậy rất cao, lựa chọn chính xác nhất của tôi trong bất kỳ bộ tham số nào sẽ là gì.”
“Và cô theo lời khuyên từ nó mà không chút nghi ngờ?”
Tôi hớp vang đỏ. “Dĩ nhiên rồi. Đi ngược lại chỉ để khẳng định về tự do ý chí há chẳng có chút trẻ con hay sao? Sau rốt, tôi cũng dễ thỏa mãn với lựa chọn mà nó đưa ra hơn.”
“Nhưng trừ đi trường hợp là khi này hay lúc khác cô từ bỏ gợi ý của nó, liệu cả cuộc đời chẳng trở thành một tập hợp các đáp án dễ đoán hay sao?”
“Có lẽ,” tôi đáp. “Nhưng thế thì có tệ lắm hay không? Nếu tôi hạnh phúc thì cớ chi phải bận tâm?”
“Tôi không chỉ trích gì cô cả,” Zima nói. Ông cười mỉm và ngả lưng ra sau, làm dịu đi căng thẳng gây ra bởi câu thắc mắc của mình. “Không có mấy kẻ có Trợ Ức ngày nay, phải không nào?”
“Tôi không rõ,” tôi nói.
“Chưa tới 1% toàn bộ dân số của toàn thể dải ngân hà.” Zima ngửi rượu rồi lại nhìn bầu trời qua chiếc ly. “Gần như bất kỳ ai khác ngoài kia cũng đều đã chấp nhận sự bất khả kháng.”
“Cần đến máy móc để xử lý hàng ngàn năm ký ức. Rồi sao chứ?”
“Nhưng là một loài máy móc khác,” Zima đáp. “Cấy neuro, tích hợp hoàn toàn vào cảm quan của người tham gia cấy ghép về bản thể. Không thể phân tách khỏi trí nhớ sinh học. Ta không cần phải truy vấn Trợ Ức về lựa chọn thức rượu; ta cũng không cần phải chờ đợi lời thì thầm khẳng định từ nó. Ta chỉ đơn giản biết đó là gì ngay.”
“Khác biệt nằm tại đâu? Tôi cho phép một cỗ máy ghi chép lại những điều tôi trải qua và đi theo mọi nơi tôi đặt chân tới. Cỗ máy chẳng lỡ mất điều gì, lại còn giỏi đoán định những câu hỏi từ tôi tới nỗi tôi gần như chẳng phải hỏi nó lời nào.”
“Cỗ máy vẫn rất cơ yếu.”
“Nó được backup định kỳ. Và nó cũng chẳng khá khẩm hơn chùm những thứ cấy vào đầu của tôi. Xin lỗi cô, nhưng đấy chẳng phải là một lời phản đối hợp lý cho cam.”
“Anh nói phải, quả thật là vậy. Nhưng tồn tại một luận điểm sâu sắc hơn chống lại Trợ Ức. Nó quá đỗi hoàn hảo. Nó chẳng hề biết cách bóp méo hay lãng quên.”
“Chẳng phải đó là ưu điểm của nó hay sao?”
“Không hẳn. Khi ta nhớ lại một chuyện nào đó – cuộc hội thoại này chẳng hạn, một trăm năm nữa – sẽ có những thứ mà ta không còn nhớ đúng. Ấy thế mà những chi tiết khiếm khuyết ấy lại trở thành một phần ký ức của ta, cứ mỗi bận hồi tưởng lại thêm cứng cáp và nên vóc nên hình. Một ngàn năm nữa, ký ức của ta về cuộc nói chuyện này há chẳng còn giống gì mấy với hiện thực nữa. Ấy thế mà ta lại cam đoan hồi tưởng là chính xác.”
“Nhưng giả sử nó đã theo tôi, tôi sẽ lại có một ghi chép tuyệt đối chính xác những gì đã từng xảy ra.”
“Cô sẽ có,” Zima đáp. “Nhưng nó chẳng phải là ký ức sống. Nó chỉ là một bức ảnh: một quá trình ghi chép cơ học. Quá trình ấy cố định trí tưởng tượng, chẳng chừa lại chút nào các chi tiết để mà nhớ sai có chọn lọc.” Ông dừng một hồi đủ lâu để rót đầy cốc của tôi.
“Hãy tưởng tượng rằng vào gần như mỗi bận cô có lý do để ngồi tận hưởng một buổi chiều thế này cô luôn chọn vang đỏ thay vang trắng, và thường chẳng có lý do gì để hối tiếc lựa chọn đó. Nhưng bỗng một lần nọ, vì một lý do này hay khác, cô được ai đó thuyết phục chọn thử vang trắng – ngược lại với nhận định của Trợ Ức – và lần đó thức rượu thật tuyệt. Mọi thứ tới với nhau một cách diệu kỳ: người bạn, cuộc chuyện trò, bầu không khí khói lam chiều, cảnh trí rực rỡ, cái lâng lâng chuếnh choáng khi vừa ngả say. Một buổi chiều hoàn hảo hóa thành một tối hoàn hảo.”
“Có thể chi tiết ấy cũng chẳng mấy liên quan tới lựa chọn thức rượu của tôi,” tôi nói.
“Không hề,” Zima đồng tình. “Và Trợ Ức chắc chắn không hề gán thêm cho bất kỳ ý nghĩa nào cho cái kết hợp của các hoàn cảnh tiêu dao kia. Một chệch choạc đơn lẻ chẳng sao có thể tác động tới mô hình dự đoán dù bất cứ mức độ nào. Nó vẫn sẽ nói ‘vang đỏ’ ở lần sau.”
Tôi cảm nhận một râm ran khó chịu khi hiểu ra vấn đề. “Nhưng ký ức con người nào có vận hành theo cách đó.”
“Không hề. Ký ức con người lại tựa vào sự ngoại biệt kia và gán một ý nghĩa chưa từng có vào nó. Ký ức sẽ nhấn dặm những phần quyến rũ của ký ức chiều hôm đó và nén đi những phần kém sảng khoái hơn: con ruồi cứ vo ve trước mặt, nỗi lo sợ sẽ lỡ mất chuyến tàu về và món quà sinh nhật cô biết phải sắm hồi sáng. Tất cả những thứ cô sẽ nhớ chỉ là hào quang óng ánh của niềm hạnh phúc. Lần kế, cô cũng hẳn sẽ chọn vang trắng, và lần sau đó nữa. Toàn bộ mô thức hành vi sẽ đổi thay chỉ bởi một lần sai khác ấy. Trợ Ức sẽ chẳng thể nào chấp nhận được. Cô sẽ phải đi ngược lại với lời của nó rất nhiều lần nữa trước khi nó cáu bẳn cập nhật mô thức kia và bắt đầu gợi ý vang trắng thay thế cho vang đỏ.”
“Đúng vậy,” tôi nói, vẫn mong chúng tôi có thể nói về ông ấy hơn là về chính tôi. “Đâu là khác biệt thật sự giữa việc ký ức nhân tạo nằm trong đầu tôi hay nằm ở bên ngoài?”
“Tất cả mọi khác biệt trên thế gian này,” Zima nói. “Ký ức lưu giữ trong Trợ Ức cố định vĩnh viễn. Cô có thể tra vấn nó bất cứ khi nào muốn, mà nó thì chẳng đời nào gia cường hay loại bỏ bất cứ chi tiết nào. Nhưng ký ức cấy vào não thì vận hành khác đi. Chúng được thiết kế để kết nối song suốt với ký ức sinh học, tới độ người thụ nhận không thể trỏ ra khác biệt. Vì cùng lý do này chúng buộc phải làm từ nhựa, có thể uốn nắn được, có thể hư hỏng và méo mó.”
“Hỏng hóc,” tôi nói.
“Nhưng nếu không có sự hỏng hóc, thì làm sao có nghệ thuật. Và không có nghệ thuật làm sao có chân lý?”
“Hỏng hóc dẫn tới chân lý chăng? Hay đấy nhỉ.”
“Ý của tôi là chân lý theo nghĩa chọn lọc, ẩn ý hơn. Cái buổi chiều vàng óng kia? Đấy là chân lý. Nhớ về con ruồi phá bĩnh chẳng thể bổ sung thêm bất cứ ý nghĩa vật chất nào. Thậm chí còn làm ta xao nhãng.”
“Không có buổi chiều, sẽ không có con ruồi kia,” tôi gặng lại. Rốt cuộc, lòng kiên nhẫn của tôi đã tới hạn. “Xem này, tôi hàm ơn vì đã được mời tới đây. Nhưng tôi nghĩ có lẽ còn gì đó khác hơn là bài thuyết giảng dành cho cách mà tôi chọn quản lý ký ức của chính mình chứ.”
“Quả thật,” Zima nói, “rốt cuộc còn một mục đích khác. Và nó thuộc về tôi, nhưng cũng thuộc về cả cô nữa.” Ông ấy đặt ly xuống. “Chúng ta đi một vòng chứ? Tôi muốn mời cô xem qua hồ bơi.”
“Mặt trời vẫn chưa lặn hết,” tôi nói.
Zima mỉm cười. “Rồi sẽ có một hoàng hôn khác.”
Ông dẫn tôi qua một lối đi khác xuyên qua ngôi nhà, bằng một cánh cửa khác với cánh cửa chúng tôi bước vào. Một con đường đất uốn khúc cao dần lên giữa hai bức tường đá trắng, giờ đây đang tắm trong ánh vàng mặt trời dần buông. Hiện chúng tôi đã đến mỏm cao mà tôi nhìn thấy lúc còn trên tàu vận chuyển. Những gì tôi từng nghĩ là khán đài quan sát quả đúng là vậy: những cấu trúc chia tầng cao chừng 30 thước, có thang dẫn từ phía sau lên từng tầng. Zima đưa tôi vào một bóng thẫm dần bên dưới bệ gần nhất, rồi qua một cánh cửa riêng dẫn ra khu vực đang được bao quanh. Tấm xanh mà tôi nhìn thấy hóa ra là một hồ bơi chữ nhật khiêm tốn, cạn nước.
Zima dẫn tôi tới mép hồ.
“Một hồ bơi,” tôi nói. “Ông không đùa đó chứ. Đây có phải là thứ để khán giả trên khán đài thưởng ngoạn không?”
“Đây chính là nơi mọi thứ sẽ xảy ra,” Zima đáp. “Trình làng tác phẩm nghệ thuật cuối cùng của tôi, và lần giã từ đời sống công chúng.”
Bể bơi chưa hoàn thiện hẳn. Ở góc xa, một con robot nhỏ màu vàng đang dán các miếng gạch men vào chỗ. Nơi chúng tôi đứng đã ốp xong gạch, nhưng tôi không khỏi chú ý các viên gạch đôi chỗ bị nứt hoặc vát góc. Ánh hoàng hôn khiến cho quan sát khó mà chắc chắn hơn – chúng tôi đang đứng trong bóng thẫm – nhưng màu sắc của các miếng gạch men rất gần với màu xanh Zima.
“Sau khi vẽ-vang khắp các hành tinh, có vẻ tác phẩm này có vẻ như đôi chút thất vọng chăng?” Tôi hỏi.
“Với tôi thì không,” Zima đáp. “Với tôi, đây chính là điểm kết của sứ mệnh. Đây là điểm tận cùng của tất cả mọi thứ.”
“Một hồ bơi tồi tàn?”
“Nó không giống như bất kỳ bể bơi cũ kỹ nào khác,” ông khẳng định.
~
Ông ấy dắt tôi quanh hòn đảo, khi mặt trời chìm vào đại dương và sắc màu ngả sang xám tối.
“Những bức bích họa trước kia tới từ con tim,” Zima nói. “Tôi sáng tác trên kích thước lớn do bởi yêu cầu của chủ đề chuyển tải.”
“Đấy quả là tuyệt tác,” tôi nói.
“Chúng chỉ là trò cỏn con. Bề thế, ồn ào, đòi hỏi, đại chúng, nhưng rốt cuộc vô hồn vô cốt. Chỉ bởi nó đến từ trái tim không thôi chẳng thể khiến tác phẩm trở nên hay ho được.”
Tôi không nói gì. Đó cũng đích thị là cảm nhận mà tôi vẫn luôn có dành cho tác phẩm của ông: khổng lồ và vô nhân tính như chính cảm hứng dành cho chúng, và chỉ những bổ sung thuộc về cyborg của Zima mới là thứ tạo ra bất cứ nét đặc sắc nào ở chúng. Nó cũng giống như khen ngợi một bức tranh chỉ bởi ai đó đã vẽ bằng cách ngoạm cọ giữa hai hàm răng.
“Tác phẩm của tôi chẳng đả động bất cứ điều gì mới mẻ về vũ trụ mà tự thân nó chẳng thể nêu ra. Quan trọng hơn, nó cũng chẳng nói gì về tôi cả. Vậy giả như tôi đi giữa chân không, hay bơi lặn giữa đại dương nitơ lỏng thì sao? Giả như tôi có thể nhìn thấy photon cực tím, hay nếm thử từ trường? Những bổ sung cấu trúc mà tôi gắn lên người thật gớm guốc và cực đoan. Nhưng chúng chẳng trao cho tôi bất cứ điều gì hay ho hơn những gì một con drone thực tế ảo có thể mang tới cho người nghệ sĩ.”
“Tôi nghĩ ông có hơi nặng lời với bản thân,” tôi xoa dịu.
“Không hề. Giờ đây tôi có thể nói ra điều này là bởi tôi biết rằng rốt cuộc mình đã tạo ra một thứ gì đó thật giá trị. Nhưng nó lại xảy đến hoàn toàn không theo dự định nào.”
“Ý của ông là cái màu xanh kia?”
“Cái thứ màu xanh ấy,” ông nói, gật đầu.
“Nó khởi đầu chỉ tình cờ: một lần dùng sai màu trên một tấm toan gần như hoàn chỉnh. Một đốm xanh nước biển nhạt nhòa trên một nền gần như đen kịt. Hiệu ứng ấy thật dữ dội. Cứ như thể tôi đã bị đoản mạch ở một chừng mực nào đó, một ký ức sơ nguyên, một trường trải nghiệm khi mà màu sắc ấy từng là thứ quan trọng nhất trong thế giới của tôi.”
“Ký ức ấy là gì?”
“Tôi chẳng rõ. Tất cả những gì tôi biết chính là cách mà màu xanh ấy trao đổi cùng tôi, như thể tôi đã mãi đợi mãi chờ suốt cả đời để tìm ra nó, để giải phóng nó.” Ông trầm ngâm một thoáng. “Màu xanh ấy luôn có một chút gì đó. Một ngàn năm trước, Yves Klein bảo rằng đó chính là tinh túy của màu sắc: màu xanh đại diện cho tất cả những màu sắc khác. Có người từng dành trọn đời tìm cho mình đúng một sắc xanh mà ông từng bắt gặp vào thời ấu thơ. Ông bắt đầu tuyệt vọng sẽ không bao giờ tìm thấy, cho rằng chắc hẳn mình chỉ tưởng tượng ra đúng cái sắc xanh kia, rằng nó chẳng thể nào hiện hữu trên đời. Rồi một ngày nọ ông tình cờ tìm thấy. Đó là màu xanh một con bọ trong bảo tàng lịch sử tự nhiên. Ông khóc òa vì vui sướng.”
“Vậy thế nào mới là màu xanh Zima?” Tôi hỏi. “Có phải nó cũng là màu một con bọ cánh cứng?”
“Không đâu,” ông đáp. “Chẳng phải bọ. Nhưng tôi buộc phải tìm ra câu trả lời, bất kể phải đặt chân tới đâu. Tôi phải biết vì sao màu sắc ấy lại mang chừng ấy ý nghĩa, và vì lẽ nào nó đang chiếm cứ lấy nghệ thuật tôi tạo nên.”
“Ông cho phép điều đó xảy ra sao,” tôi hỏi.
“Tôi không có lựa chọn. Khi màu xanh ấy ngày càng mãnh liệt, nổi trội hơn, tôi lại cảm thấy mình tiến gần hơn tới câu trả lời. Tôi cảm thấy giá như có thể đắm chìm trong màu xanh ấy, khi ấy tôi sẽ biết tất cả những gì khát khao muốn được biết. Tôi sẽ hiểu bản thân mình trong tư cách một người nghệ sĩ.”
“Và rồi? Ông đã thử chứ?”
“Tôi hiểu bản thân,” Zima đáp. “Nhưng lại không như những gì tôi kỳ vọng.”
“Ông ngộ ra điều gì?”
Zima mất một hồi lâu mới trả lời tôi. Chúng tôi chậm bước, tôi có hơi lùi về phía sau hình dáng lực lưỡng nhô cao của ông. Trời càng lúc càng mát hơn và lúc này tôi bắt đầu ước gì đã nghĩ tới việc mang theo áo khoác. Tôi nghĩ tới chuyện hỏi Zima cho tôi mượn một chiếc, nhưng cũng không muốn làm trật ray ý nghĩ của ông ra khỏi nơi mà chúng đang tiến tới. Giữ nguyên không nói một lời lúc nào cũng là khoảng đoạn khó khăn nhất trong công việc báo chí này.
“Chúng ta đã nói về sự bất toàn của ký ức có phải không,” ông hỏi tôi.
“Phải.”
“Ký ức của tôi vẫn chưa trọn vẹn. Kể từ khi cấy ghép tôi nhớ hết mọi sự, nhưng chúng chỉ nằm ở ba trăm năm cuộc đời vừa qua. Tôi hiểu rõ mình thọ hơn thế, nhưng cuộc đời trước cấy ghép mà tôi còn nhớ lại chỉ là những phân mảnh rời rạc; những mảnh ghép vỡ toang mà tôi không biết làm sao có thể chắp vào trở lại.” Ông chậm bước rồi quay lại về phía tôi, ánh cam mờ dần ở đường chân trời phết lên một bên khuôn mặt ông. “Tôi biết mình phải đào xới vào quá khứ ấy, nếu muốn hiểu ra ý nghĩa của màu xanh Zima.”
“Ông lui về quá khứ đến tận đâu?”
“Cũng tựa như khảo cổ,” ông nói. “Tôi lần theo dấu của ký ức tới sự kiện đáng tin cậy nhất, xảy ra chỉ ít lâu trước khi cấy ghép. Nó đưa tôi tới Kharkov Eight, thế giới của Garlin Bight, cách nơi đây 1900 năm ánh sáng. Tất cả những gì tôi còn nhớ là tên của một người mà tôi từng quen biết ở đó, Cobargo.”
Cobargo chẳng có ý nghĩa gì với tôi, nhưng kể cả khi không có Trợ Ức tôi vẫn biết đôi chút về Garlin Bight. Đó là một vùng thiên hà bao gồm sáu trăm hệ thống có thể định cư, nép giữa ba siêu cường kinh tế. Tại Garlin Bight, luật ngân hà thông thường không áp dụng. Đó là lãnh thổ của tù nhân.
“Kharkov Eight chuyên sản xuất một loại sản phẩm,” Zima nói tiếp. “Toàn bộ hành tinh được sử dụng vào việc cung cấp một thứ dịch vụ y tế không nơi nào khác có. Các cấy ghép điều khiển học phi pháp, chính nó.”
“Có phải đó là nơi…” Tôi bỏ lửng câu.
“Đó chính là nơi mà tôi thành ra tôi ngày hôm nay,” Zima tiếp. “Dĩ nhiên, tôi cũng tự tiến hành các thay đổi lên cơ thể sau thời gian ở Kharkov Eight – tăng khả năng chống chịu trước môi trường cực hại, nới rộng khả năng cảm ứng – nhưng tinh cốt con người tôi vẫn nằm dưới dao mổ của phòng khám của Cobargo.”
“Vậy trước khi tới Kharkov Eight ông là một con người bình thường?” tôi hỏi.
“Đây là lúc chuyện trở nên phức tạp,” Zima nói, vừa cẩn thận rẽ bước trên con đường mòn. “Khi trở về, hết sức tự nhiên tôi tìm cách định vị Cobargo. Bằng giúp đỡ của ông ta, tôi kết luận có thể hiểu thấu được những mảnh ký ức tôi còn mang trong đầu. Nhưng Cobargo không còn đó, đã biến mất hút vào Bight. Phòng khám vẫn còn, nhưng do cháu của ông ấy điều hành.”
“Tôi chắc cậu ta không khoái mở lời cho cam.”
“Đúng vậy; cần chút thuyết phục. May thay, tôi có cách. Một chút mua chuộc, một chút buộc ép.” Ông khẽ cười trước điều vừa nói. “Cuối cùng cậu ta đồng ý mở lại ghi chép của phòng khám và xem lại log chữa bệnh của người ông.”
Chúng tôi lách sang một góc. Biển và trời giờ đây cùng một sắc xám không thể tách rời, chẳng còn chút xanh nào nữa.
“Điều gì xảy ra?”
“Ghi chép ấy cho biết tôi chưa bao giờ là con người,” Zima đáp. Ông ngừng một lúc rồi tiếp tục, không chút nghi ngờ nào vào điều vừa nêu. “Zima chưa từng xuất hiện cho tới khi tôi đến phòng khám.”
Những thứ tôi không thể nếu như không có một con drone ghi chép, hay – khi không thể có một con drone – không có một quyển sổ và cây bút. Tôi thất thểu, như thể sự thể ấy có thể khiến công sức ghi nhớ của tôi khó khăn hơn.
“Vậy ông từng là gì?”
“Một cỗ máy,” ông đáp. “Một con robot phức tạp: một trí tuệ nhân tạo tự hành. Khi đến Kharkov Eight tôi đã hàng trăm tuổi, có sự độc lập hợp pháp trọn vẹn.”
“Không thể như thế được,” tôi lắc đầu.
“Ông là một con người có các bộ phận máy móc, nào phải một cỗ máy.”
“Các ghi chép tại phòng khám rất rõ ràng. Tôi đã đến đó trong tư cách một robot. Một robot hình dáng con người, rõ là vậy – nhưng vẫn cứ là một cỗ máy mà thôi. Tôi bị tháo rời và các chức năng nhận thức lõi của tôi được tích hợp vào một cơ thể sinh học vật chủ từ phòng thí nghiệm.” Dùng một ngón tay ông vỗ vào mặt nhôm phía sau hộp sọ. “Có rất nhiều vật chất hữu cơ ở đây, và cũng rất nhiều máy móc cơ điện tử. Rất khó phân biệt ra xem đâu là nơi bắt đầu và kết thúc. Càng khó hơn để chỉ ra đâu là chủ, đâu là tớ.”
Tôi nhìn vào nhân dáng đứng cạnh mình, cố sức tìm cách nhận dạng dẫu vô cùng khó khăn rằng đấy là một cỗ máy – kể cả là một cỗ máy có các thành phần thần kinh mảnh dẻ - thay vì là một con người. Tôi không thể - chưa thể.
Tôi chững lại. “Phòng khám biết đâu đã nói dối ông thì sao.”
“Tôi không tin là vậy. Nếu tôi không biết, họ sẽ còn hạnh phúc hơn gấp bội.”
“Được rồi,” tôi nói. “Chỉ để tranh luận –“
“Chúng hoàn toàn là điều có thật. Dễ dàng kiểm chứng. Tôi đã xem xét các ghi chép mẫu dành cho Kharkov Eight và tìm thấy một thực thể robot tiến vào không gian của hành tinh trước khi phẫu thuật chỉ vài tháng.”
“Cũng chẳng nhất thiết đó là ông.”
“Không một cá thể robot nào từng đến thế giới đó suốt nhiều thập kỷ qua. Chắc chắn chỉ là tôi. Hơn nữa, các ghi chép cũng chỉ ra cả xuất xứ của con robot.”
“Là?”
“Một thế giới khác nằm ngoài Bight. Lintan 3, ở Quần đảo Muara.”
Thiếu Trợ Ức cũng giống như mất một chiếc răng. “Tôi không rõ mình biết nơi đó không.”
“Hẳn là cô không biết. Nơi ấy chẳng phải kiểu thế giới mà ta chọn để đặt chân đến. Các tàu phá sấm không đến đó. Mục đích viếng thăm duy nhất nơi đó với tôi dường như là—“
“Ông đã tới đó?”
“Hai lần. Một lần trước khi phẫu thuật ở Kharkov Eight, và một lần mới đây, để xác quyết nơi tôi đã từng có mặt trước khi tới Lintan 3. Vết chứng bắt đầu trở nên mơ hồ, nếu phải nói cho công bằng… nhưng tôi đã hỏi đúng những câu cần hỏi, đã tìm tới đúng những kiểu dữ liệu cần tìm, và cuối cùng đã tìm thấy nơi tôi khởi phát. Nhưng thế vẫn chưa phải câu trả lời cuối cùng. Có quá nhiều thế giới, và mắt xích ngày càng nhạt mờ hơn sau mỗi chuyến thăm. Nhưng tôi vẫn cương quyết.”
“Và rủng rỉnh nữa.”
“Và rủng rỉnh nữa,” Zima đáp, lịch sự gật đầu đồng ý nhận xét từ phía tôi. “Tiền giúp ích khôn tả.”
“Vậy ông đã tìm thấy gì, rốt cuộc?”
“Tôi lần theo dấu vết về lại thủa sơ khai. Ở Kharkov Eight tôi là một cỗ máy nhanh nhảu có trí tuệ tương đương với trí tuệ loài người. Nhưng trước đó tôi không thông minh hay phức tạp dường ấy. Tôi đã được hiệu chỉnh dần dà, theo thời gian và hoàn cảnh.”
“Tự thân?”
“Rốt cuộc thì đúng. Đó là lúc tôi có sự độc lập, độc lập hợp pháp. Nhưng tôi buộc phải hành xử theo một mức độ trí tuệ nhất định để có thể được cho phép sự tự do ấy. Trước đó, tôi là một cỗ máy giản đơn hơn… như một quản gia hay một con thú cưng vậy. Tôi được chuyền tay từ chủ nhân này sang chủ nhân khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ bổ sung lên tôi thứ này thứ khác. Họ khiến tôi thông minh hơn.”
“Ông ra đời thế nào?”
“Như một công trình cá nhân,” ông đáp.
~
Zima dẫn tôi trở về hồ bơi. Ánh sáng xích đạo đã chóng xuất hiện, và hồ bơi giờ đây tắm trong một ánh sáng nhân tạo từ rất nhiều luồng sáng bố trí bên trên bệ khán đài. Sau lần cuối tôi nhìn thấy, con robot đã dán xong những viên gạch cuối cùng vào đúng chỗ.
“Nó đã sẵn sàng,” Zima nói. “Ngày mai nơi đây sẽ được niêm phong, và ngày sau nó sẽ ngập nước. Tôi sẽ lọc nước tới khi nó có được độ trong cần thiết.”
“Và rồi?”
“Tôi sửa soạn cho màn trình diễn.”
Trên đường về lại hồ bơi, ông kể cho tôi hết những gì ông biết về nguồn gốc của mình. Zima bắt đầu ra đời trên Trái Đất, trước cả khi tôi sinh ra. Ông được một chàng trai trẻ hứng thú với robot học nghiệp dư lắp ráp. Ngày ấy, anh ta nằm trong số nhiều nhóm và cá nhân mó máy về vấn đề lõi của trí tuệ nhân tạo.
Cảm nhận, di chuyển và tự giải quyết vấn đề là ba thứ chàng trai trẻ dành nhiều hứng thú nhất. Anh tạo ra rất nhiều robot, ráp nối từ các bộ lắp ráp, đồ chơi hỏng và phụ kiện thay thế. Trí não của các con robot – nếu chúng xứng đáng được gọi như vậy – hãy còn chắp vá từ những phụ tùng bên trong của máy tính cũ, với các lập trình đơn giản chịu sự giới hạn của bộ nhớ và tốc độ xử lý.
Chàng trai trẻ chất đầy nhà mình bằng những cỗ máy giản đơn kia, mỗi cỗ máy thiết kế cho riêng một nhiệm vụ cụ thể. Một con robot là một chú nhện chân dính trèo quanh tường nhà để phủi bụi các tấm ảnh. Một con khác nằm yên chờ ruồi và gián. Nó bắt và tiêu hóa chúng, dùng năng lượng hóa học từ xác chúng để tự hành tới một nơi khác trong nhà. Một con robot khác sơn lại tường nhà liên tục hoài hủy, để màu tường tiệp với màu sắc của từng mùa.
Một con khác sống ở bể bơi.
Nó cứ lên rồi xuống dọc theo các mặt lát men của bể bơi, cọ sạch. Chàng trai trẻ nhẽ ra có thể sắm một máy chùi hồ rẻ tiền từ một công ty giao phát tận nhà, nhưng lại thích thiết kế một con robot từ đầu, theo những nguyên tắc thiết kế lập dị của bản thân. Anh trao cho con robot hệ thống quan sát trọn vẹn màu sắc và một bộ não đủ lớn để xử lý dữ liệu hình ảnh thành một mô hình bối cảnh xung quanh. Anh cho phép con robot tự đưa ra quyết định đâu là chiến lược lau chùi hồ hiệu quả nhất. Anh cho nó chọn thời điểm và thời điểm nó sẽ trồi lên để sạc pin bằng các tấm năng lượng mặt trời gắn trên lưng. Anh gieo vào nó một ý niệm sơ khai về phần thưởng.
Con robot lau hồ bé nhỏ dạy cho chàng trai trẻ rất nhiều về những nền tảng của thiết kế robot. Những bài học ấy được đưa vào các con robot gia dụng khác, cho tới lúc một con trong số chúng – một con robot lau nhà đơn giản – trở nên đủ linh hoạt và khả năng tự hành để anh bán nó như một công cụ, đặt hàng qua bưu điện. Sản phẩm bán rất chạy, và một năm sau chàng trai lại rao bán nó như một robot gia dụng ráp sẵn. Con robot thành công chóng vánh, và công ty của chàng trai chẳng mấy chốc đã dẫn đầu thị trường robot gia dụng.
Trong vòng mười năm, thế giới đã tràn ngập những cỗ máy sáng láng, hăm hở của anh.
Anh chẳng bao giờ bỏ quên con robot chùi hồ bé nhỏ. Hết lần này tới bận khác anh dùng nó như một cỗ máy thí nghiệm cho phần cứng và phần mềm mới. Theo các giai đoạn nó trở thành con robot thông minh nhất trong số các tạo tác của anh ta, và là con robot duy nhất anh từ chối không chịu tháo rời để dùng vào các robot khác.
Khi anh qua đời, con robot chuyền sang cháu anh. Cô tiếp tục truyền thống gia đình, tăng gia trí khôn cho cỗ máy nhỏ bé. Khi qua đời, cô lại để lại nó cho cháu của chàng trai, khi ấy đang tình cờ sống trên Hỏa tinh.
“Đây chính là chiếc hồ ngày trước,” Zima nói. “Nếu như cô vẫn còn chưa đoán ra.”
“Sau chừng bấy thời gian?” Tôi hỏi.
“Nó rất cũ. Nhưng men vẫn còn. Phần khó nhất chính là tìm ra được nó. Tôi phải đào xuống hai mét lớp đất mặt. Nó nằm ở một nơi trước kia được gọi là thung lũng Silicon.”
“Chỗ gạch kia có màu xanh Zima,” tôi kết luận.
“Xanh Zima chính là màu của các viên gạch,” ông dịu dàng chữa lại. “Nó chỉ tình cờ là màu mà chàng trai trẻ ngày trước chọn cho màu gạch bể bơi.”
“Thế là một phần nào đó của ông đã nhớ lại.”
“Đó chính là khởi thủy của tôi. Một cỗ máy thô sơ nhỏ bé chỉ có vừa đủ trí khôn để tự di chuyển quanh một bể bơi. Nhưng đó là thế giới của tôi. Đó là tất cả những gì tôi biết, tất cả những gì tôi cần biết.”
“Còn bây giờ thì?” tôi hỏi, trong cảm giác sợ sệt chẳng dám nghe câu trả lời.
“Giờ thì tôi về lại mái nhà xưa.”
~
Tôi đã có mặt tại nơi ông trở về. Khi ấy các bực khán đài đầy ắp những con người đến để chứng kiến tiết mục, và bầu trời quanh hòn đảo là một tấm khảm đan đen kịt những chiếc tàu đậu quanh. Màn phá sóng đã được tắt đi, và các bục quan sát trên tàu ních kín hàng trăm ngàn khán giả chứng kiến từ xa. Họ có thể nhìn thấy bể bơi vào lúc này, trong bề mặt phẳng như gương và trong suốt. Họ có thể nhìn thấy Zima đứng ở một mép, với các hình thù năng lượng trên lưng óng ánh như vẩy rắn. Chẳng một người xem nào biết điều gì sắp sửa xảy ra, cũng như ý nghĩa của nó là gì. Họ đang trông chờ một điều gì đó – sự trình làng trước công chúng một tác phẩm dự sẽ vượt trên hết mọi thứ Zima đã tạo ra trước đó – nhưng họ chỉ có thể nhìn vào bể bơi trong hoang mang, tự hỏi làm thế nào nó có thể sánh với những tấm toan đâm toạc vào không gian, hay những thế giới trọn vẹn vây trong sắc xanh. Họ cứ tiếp tục cho rằng bể bơi ắt hẳn là một sự đánh lạc hướng. Tác phẩm đích thực – cái tác phẩm sẽ ngợi ca cuộc về hưu của ông – chắc hẳn nằm ở một nơi khác, vẫn chưa ai nhìn thấy, chờ được tiết lộ trong hết thảy sự vĩ đại của nó.
Đó là suy nghĩ của họ.
Còn tôi đã biết sự thật. Tôi biết khi quan sát Zima đứng ở mép bể bơi và buông lỏng vào ánh xanh. Ông đã cho tôi biết đích xác chuyện gì sắp sửa xảy ra: sự đóng tắt dần dà, có phương pháp các chức năng cao cấp hơn của bộ não. Việc chúng sẽ mất đi vĩnh viễn không còn mấy quan trọng nữa: ông chẳng còn đủ trí để tiếc nuối những gì vừa đánh mất.
Nhưng sẽ còn một thứ - một cái lõi tồn sinh nhỏ bé – đủ để một tâm trí nhận ra sự hiện diện của chính mình. Đủ để một tâm trí cảm thán những thứ xung quanh, và để rút tỉa chút gì đó khoan khoái và hài lòng từ việc thực thi công việc, bất kể vô mục đích tới đâu. Ông không còn cần phải rời khỏi bể bơi. Các tấm mặt trời sẽ cung cấp cho ông mọi năng lượng cần thiết. Ông cũng chẳng bao giờ già đi, chẳng bao giờ bệnh tật. Các cỗ máy còn lại sẽ chăm nom hòn đảo, bảo vệ chiếc hồ và kẻ bơi lội lặng lẽ, chậm chạp bên trong khỏi những dãi dầu của nắng mưa và thời gian.
Hàng thế kỷ sẽ trôi qua.
Hàng ngàn năm, rồi hàng triệu năm.
Sau chừng ấy thời gian thì mặc ai nghĩ sao cứ việc. Nhưng có một điều tôi biết chắc đó là Zima không bao giờ mệt mỏi trước nhiệm vụ của mình. Không còn gì khác trong tâm trí của ông để cảm thấy chán chường. Ông đã tự thân trở thành một trải nghiệm thuần khiết. Nếu như từng biết qua bất cứ niềm vui nào khi bơi trong bể, thì đó chính là sự phấn chấn gần như điên rồ của một con côn trùng gieo phấn. Như thế với ông là đủ. Nó đã từng là đủ với ông trong bể bơi kia ở California, và đủ với ông cả vào lúc này, một ngàn năm sau, trong cùng bể bơi, nơi một thế giới khác, quanh một mặt trời khác, ở một nơi chốn khác của một dải ngân hà.
Còn phần tôi…
Hóa ra tôi nhớ về cuộc gặp gỡ giữa hai chúng tôi trên hòn đảo nhiều hơn được phép. Muốn nghĩ thế nào tùy các bạn, nhưng dường như tôi chẳng cần tới chiếc nạng tinh thần Trợ Ức trợ giúp nhiều như tôi hay tưởng. Zima nói đúng: tôi cho phép cuộc sống của mình bị chép lại, bày ra như một bản vẽ. Lúc nào cũng là vang đỏ trong hoàng hôn, chẳng bao giờ là vang trắng. Bước lên một chiếc tàu phá sấm rời khỏi hành tinh một phòng khám đã gắn một bộ mở rộng bộ nhớ thần kinh sẽ giúp ích tôi trong bốn hay năm trăm năm nữa. Một ngày nọ tôi sẽ cần tới một giải pháp khác, nhưng tôi đã băng qua chiếc cầu Trợ Ức vào thời điểm đó. Hành xử cuối cùng của tôi, trước khi từ bỏ Trợ Ức, là chuyển hết tất cả những quan sát của nó vào các không gian trống trong bộ nhớ vừa nới rộng của mình. Các sự kiện nay vẫn chưa thật giống như những gì từng xảy đến với tôi, nhưng chúng ngày một êm đẹp hơn theo từng lần hồi tưởng. Chúng đổi thay và dịu đi, và những điểm nhấn lại tỏ hơn đôi chút. Tôi nghĩ chúng ngày càng kém chính xác hơn sau mỗi lần nhớ lại, nhưng như Zima đã bảo, có lẽ đó mới chính là đúng đắn.
Giờ đây tôi đã rõ vì sao ông ấy nói cùng tôi. Chẳng phải ở cái tài biên tiểu sử của tôi đâu. Mà đó là khao khát của ông ấy muốn giúp một ai đó vượt ra khỏi bản thân, trước khi ông thực hiện điều tương tự.
Rốt cuộc tôi cũng đã tìm ra cách để viết câu chuyện về ông, và tôi bán nó cho tờ báo cũ, tờ Thời sự Hỏa tinh. Trở lại hành tinh xưa cũ này lần nữa, nhất là khi người ta đã đẩy nó vào một quỹ đạo ấm áp hơn, thật lý thú.
Khi ấy cũng đã lâu lắm rồi. Nhưng tôi vẫn chưa xong mọi sự với Zima, dẫu như vậy có vẻ lạ lùng làm sao.
Cứ mỗi vài thập kỷ, tôi lại nhảy lên một chiếc tàu phá sấm tới Murjek, bước xuống những con đường của giả lập Venice trắng ngần, đón một chiếc tàu vận chuyển đến hòn đảo và tham gia cùng một nhúm những người xem miệt mài đang lác đác xung quanh các bệ khán. Những con người tới đó, giống như tôi, hẳn cũng còn cảm nhận rằng người nghệ sĩ ấy vẫn còn chút gì đó chưa mang hết ra… một ngạc nhiên sau cuối. Họ đọc bài báo tôi viết, hầu hết bọn họ, để biết cái hình nhân đang chậm rãi bơi qua lại trong hồ có ý nghĩa là gì… nhưng cũng chẳng bu đông bu đỏ đến đó. Các bệ khán luôn luôn dội vang một ít tiếng vọng và buồn bã, kể cả vào một ngày đẹp trời. Nhưng tôi chưa từng thấy chúng hoàn toàn vắng vẻ, thực tế mà tôi cho là một thứ chúc thư nào đó. Một vài người sẽ hiểu. Hầu hết thì không bao giờ.
Nhưng đó mới chính là nghệ thuật.
k.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất