“Tôi luôn tin rằng đích đến của cuộc đời mình sẽ là sự tự do.
Một ngôi nhà nhỏ, với thảm xanh trải dài và một bầu trời rộng lớn”
Tôi thích ngắm bầu trời, thích những cánh chim chao lượn và tôi say mê cả vẻ đẹp của những tầng mây. Đã bao giờ bạn nhìn thấy một bầu trời rộng lớn, trong veo và xanh ngắt, một nơi không có sự chen ngang khó chịu của những ngôi nhà thành thị chán ngắt. Nơi tôi sống, một nhà nhỏ thấp chỏm, phía sau một khu chung cư cũ kĩ, chung quanh là những ngôi nhà cao tầng mọc san sát một cách vô trật tự, chẳng mấy gì đẹp đẽ. Dẫu vậy, đôi khi tôi vẫn thích trèo mình lên mái nhà, nằm dưới ngọn gió mát rượi, giơ cánh tay hướng lên bầu trời rộng lớn — Giá như con người có thể bay được như những cánh chim kia, chẳng phải khi đó mới thật tự do làm sao!
Dạo gần đây, tôi có đọc lại một bộ manga vô cùng nổi tiếng của tác giả Hajime IsayamaAttack on Titan. Và tôi tìm thấy một sự đồng cảm sâu sắc với nhân vật chính Eren, một con người nhỏ bé, sinh ra và lớn lên bên trong những bức tường thành. Bức tường trong truyện, thứ bảo vệ con người khỏi những mối hiểm họa từ Titan, để cho họ có thể tồn tại và phát triển. Nhưng đối với Eren, cũng như với tôi, đó còn là thứ xiềng xích, trói buộc tự do của bản thân mình — “Bên kia những bức tường, nước rực cháy, vùng đất băng giá, những đồng cát đầy tuyết,...bất cứ ai nhìn thấy được những điều đó, sẽ là người tự do nhất trên đời này”

Đọc thêm:

Tự do là gì?

Tôi tin là mỗi người sẽ có cho mình những khái niệm khác nhau về tự do, riêng với Eren, tôi nghĩ tự do của cậu là được bước ra ngoài để được khám phá thế giới kia, đặt chân đến những vùng đất kỳ lạ, gặp những con người thân thiện, lên đường thực hiện những chuyến phiêu lưu, hành trình kiếm tìm một kho tàng nào đó. Nghe quen nhỉ, Pirates of the CaribbeanThe lord of the RingsHarry Potter,... và phải chăng chúng ta cũng đã từng mong mỏi một sự tự do như vậy?
Tôi nghĩ mình chưa từng đọc qua bộ manga nào xây dựng có chiều sâu như Attack on Titan, nơi mà không hề có phản diện nào cả, chỉ có những con người nhỏ bé với những chọn lựa của riêng mình. Càng về những chapter cuối cùng, càng lộ ra câu chuyện riêng của mỗi nhân vật, lý do mà họ sẵn sàng thực hiện những hành động của mình. Không chỉ đơn giản như mô típ phản diện chính căm ghét và trả thù nhân loại hay muốn giành lấy một quyền lực tuyệt đối, họ chỉ là những con người bình thường với tình yêu, và rồi chính tình yêu đó lại chính là khởi nguồn những hành động tội lỗi sau này.
Để rồi liệu Eren có đạt được cái tự do mà bản thân mong đợi, và chúng ta, những con người của thế giới hiện đại, liệu có cơ hội nào để sở hữu một thứ tự do như vậy? Hãy cùng tìm hiểu qua câu chuyện của 4 nhân vật mà tôi xem là chiếc chìa khóa cho câu trả lời: Eren, Reiner, Gabi và Falco.
*Phần tiếp theo đây có thể sẽ spoiler cốt truyện của Attack on Titan đến thời điểm hiện tại (chap 135) nên mọi người cân nhắc khi đọc nhé!

Eren — Tự do và hận thù.

Eren sinh ra và lớn lên ở một gia đình bình thường như bao gia đình khác, ngay từ khi sinh ra, phía trước cậu đã luôn là một bức tường u ám, từ đó nảy sinh trong cậu là một khao khát mãnh liệt được ra khỏi bức tường kia, nơi sẽ có vô vàn những cơ hội, vô vàn những cuộc phiêu lưu. Tôi nghĩ đó cũng chỉ là một mơ ước bình thường như bao đứa trẻ khác, điều khiến cậu trở thành nhân vật chính có lẽ chính là vì cha của cậu, Grisha Yaeger, một con người đến từ bên ngoài những bức tường.
Bánh xe số phận bắt đầu xoay chuyến ở chính cái ngày mà Eren thấy mẹ bị Titan ăn thịt ngay trước mắt của mình, từ đó thù hận đã được sinh ra. Cậu mặc định chính bọn Titan là thứ đã cướp đi những điều quan trọng, gia đình, bạn bè, cha mẹ và cả mục tiêu của đời mình – tự do. Chính vì thế mà cậu căm thù, tự nhủ sẽ giết hết bọn chúng để giành lại tất cả, chỉ cần giết hết Titan, Eren sẽ có tự do, có phải vậy chăng?

Đọc thêm:

Càng về sau, Eren càng khám phá ra được nhiều sức mạnh mà cha cậu đã để lại, Titan tiến công và Titan thủy tổ, đi kèm với đó là trách nhiệm giải phóng nhân loại bên trong những bức tường, hay nói đúng hơn là chủng tộc Eldian, để tìm đến tự do thực sự. Đọc tới đây chẳng hiểu sao tôi thấy khá giống với hình ảnh dân tộc Do Thái, nếu ví khả năng hóa Titan của dân Eldian với trí thông minh của người Do Thái, phải chăng đây là lý do mà họ bị kỳ thị, bị áp bức suốt một thời kỳ lịch sử, vì con người sợ mối đe dọa tiềm tàng từ sức mạnh của họ? Để rồi Eren thất vọng nhận ra phía bên kia những bức tường không phải một thế giới rộng lớn đầy kỳ bí, không phải là những dòng sông băng, những mảnh đất nham thạch nóng chảy. Bên kia những bức tường là biển cả, bên kia biển cả là kẻ thù, những kẻ khinh miệt chúng tộc của cậu, xem chủng tộc ấy là những con quái vật ghê tởm. 
“Chỉ cần giết hết những kẻ thù ở phía bên kia đại dương, liệu đó có phải là tự do?”

Titan tiến công – khả năng nhìn thấy tương lai có phải là ý chí của tự do?

Đến những chương cuối này, tác giả đã đem đến một cú plot twist căng cực, khả năng của Titan tiến công có thể nhìn thấy được những ký ức của những người sở hữu tiếp theo, nói cách khác nó có thể thấy được tương lai. Tuy nhiên điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào những gì mà người ở tương lai muốn người ở quá khứ thấy được. Giả sử bạn có thể gửi về một thông điệp cho quá khứ của mình, bạn sẽ gửi điều gì? Kết quả xổ số,... tất nhiên sẽ là những thứ có lợi nhất cho bản thân mình, nhưng nếu vậy chẳng phải bạn đang vô ý từ bỏ hết tất cả những cơ hội, những khả năng còn lại để đi theo con đường của số phận hay sao? Liệu đó có còn là tự do hay chỉ là đi theo một sự sắp đặt của chúa trời?
Tôi nghĩ giây phút mà Eren cầm tay Historia, khi cậu nhận được những kí ức của Eren trong tương lai, cũng chính là lúc mà cậu đánh mất tự do của bản thân mình. Cậu không còn là người tự đưa ra những quyết định cho hành động nữa, thay vào đó là sự tuân theo số phận, tuân theo những thông điệp của tương lai. Để rồi chọn con đường diệt chủng, con đường của Thanos, số phận đã như vậy thì cố gắng tìm cách khác để làm gì?
Eren: sống bên trong những bức tường; được sự yêu thương từ gia đình, người thân; khát khao tự do; thù hận; thấy được tương lai và rồi cuối cùng là chọn con đường diệt chủng; tước đi tự do của nhân loại để đổi lấy một sự tự do giả dối của bản thân mình.

Reiner — Tự do và danh dự.

Reiner, Titan thiết giáp, đã để thua Eren rất nhiều lần trong những cuộc chiến về sau, thế nhưng cậu ta vẫn được tác giả ưu ái giữ một vị trí là đối trọng với Eren trên cán cân của nhân vật. Tại sao lại như vậy nhỉ?
Nếu Eren khát khao được khám phá thế giới, thì Reiner, một người sống bên ngoài những bức tường khát khao điều gì? Tôi nghĩ đó là được công nhận, được vinh danh. Những bức tường của Reiner không phải làm từ gạch đá, nó là bức tường tinh thần tạo nên tự  sự khinh miệt của những người khác dành cho dòng máu Eldian đang chảy trong cậu, nó còn là sự thiếu hụt tình thương của gia đình. Tôi nghĩ đó cũng là lý do cậu mong muốn trở thành Titan thiết giáp, chọn lựa việc tiếp tục tiến lên để phá hủy thành Maria, tiếp tục tận diệt người Eldian trong những bức tường, cố gắng cướp lấy sức mạnh của Titan thủy tổ. Đó không phải là vì giải cứu thế giới, mà là vì muốn có cho mình một danh dự, một sự nể trọng của người khác, một niềm tự hào của gia đình – trở thành một người Marley danh dự.
Để rồi cuối cùng Reiner nhận lại được điều gì? Mất đi những người đồng đội, sống trong hàng ngũ kẻ thù, kết bạn với họ để rồi phản bội lại chính bạn bè của mình, cuối cùng là một sự dằn vặt, một sự tội lỗi, đến nổi chỉ cậu còn muốn tự sát để kết thúc bản thân mình.
Reiner: sống bên ngoài bức tường; chịu sự khinh miệt, thiếu thốn tình cảm gia đình; khát khao danh dự và sự công nhận; gây nên sự thảm kịch cho Eldian để rồi cuối cùng phải sống trong sự dằn vặt và tội lỗi của bản thân mình.

Gabi — Một Reiner được sự tha thứ.

Về phần sau của truyện, tác giả đã xây dựng thêm 2 nhân vật mới, GabiFalco, tưởng chừng như không không quan trọng, nhưng tôi nghĩ rằng đây mới chính là câu trả lời của tự do mà chúng ta đang tìm kiếm.
Đến với Gabi, một cô bé người Eldian xuất thân từ Marley - đất nước bên ngoài bức tường. Có thể coi cô bé là sự trộn lẫn hoàn hảo giữa Eren và Reiner, Gabi chiến đấu với mong muốn có được sự công nhận và danh dự, cô bé nhận được sự tình thương của gia đình (mặc dù tôi thấy nó hơi giả tạo), sự yêu quý của những người lính Marley, sẵn sàng bảo vệ cho cô khi Eren phát động cuộc tấn công. Để rồi cô nảy sinh lòng thù hận khi những người mình yêu quý bị giết chết, cô cố gắng trả thù, giết chết Sasha và những người khác.
Nguồn Google
Cứ tưởng sẽ lại rơi vào một vòng lặp giết và bị giết, nhưng không, điều khiến cho Gabi không bị dính vào vết xe để của 2 người tiền nhiệm, đó là cô đã được bác Blouse (cha của Sasha) tha thứ cho những tội lỗi của mình.
“Là người lớn, chúng ta có trách nhiệm gánh vác tội lỗi và thù hận của những người trong quá khứ”
Đó là khi cô nhận ra ý nghĩa của cuộc sống, nhận ra tình yêu người Eldian, cũng như Marley, họ cũng chỉ là con người nhỏ bé với niềm tin khát khao được sống, yêu và được yêu. Gabi đã không còn chiến đấu vì thù hận cá nhân, vì những chiến công lừng lẫy, cô chiến đấu để bảo vệ những người mà mình yêu thương.
Câu trả lời của Reiner: thứ mà cậu không có để vượt qua được thù hận, những tội lỗi và dằn vặt, chính là sự tha thứ —  Tha thứ cho người khác cũng như tha thứ cho chính bản thân mình.

Falco — Tự do và tình yêu.

Tôi nghĩ Falco là câu trả lời của Eren, cậu là một Eren với một câu chuyện khác. Ngay cả cái tên Falco gần giống với “falcon” là chim ưng, và cả dạng Titan có thể bay của cậu nữa, đây cũng là một ngụ ý của tác giả chăng. Quay lại cảnh mở đầu, Falco nằm đó giữa chiến trường khốc liệt, không một chút sợ hãi, cậu giơ cánh tay hướng lên bầu trời về phía cánh chim ưng đang chao lượn, mong muốn nó hãy bay thật xa, bay thật xa khỏi nơi nguy hiểm này — Thật tự do.
Tác giả đã xây dựng nhân vật Falco gắn với tình yêu con người, không chỉ là người đồng đội mà còn với những người ở bên kia chuyến tuyến. Cậu không hề kỳ thị dòng máu Eldian của mình, không hề có mong muốn trả thù khi bạn bè mình bị sát hại, vậy cậu chiến đấu vì điều gì? 
Tôi nghĩ Falco chiến đấu vì tình yêu, tình yêu với Gabi, cậu muốn kế thừa Titan thiết giáp để Gabi có thể sống thật lâu, thật hạnh phúc, cậu luôn là người đi theo và bảo vệ cho Gabi, không chỉ là lao người ra che chắn, cậu còn ngăn cô sát hại những con người vô tội. Suy cho cùng thì tất cả những hành động mà Falco đã làm cho đến giờ đều mà vì người khác, tôi thực sự mong tác giả sẽ khai thác thêm về nhân vật này, chớ để vậy cảm giác có hơi “con nhà người ta” quá nhỉ!
Nếu nói Eren vì thù hận mà chọn đi theo con đường tàn phá thế giới, thì Falco đã quá may mắn khi người mà cậu yêu thường, Gabi, vẫn còn bên cạnh mình. Tôi tự hỏi nếu Falco đánh mất Gabi, liệu cậu có sẵn sàng để tha thứ hay không?

Kết.

Tóm lại, nghe nói chỉ còn tầm 3-4 chapter nữa thôi là series này sẽ kết thúc, quả thật tôi chưa từng nghĩ mình sẽ dành thời gian để viết về một bộ Manga, nhưng Attack on Titan thực sự sâu sắc hơn vẻ bên ngoài của nó rất nhiều.
Nó là một bức tranh phản ánh xã hội, thực trạng phân biệt chủng tộc và chiến tranh. Tôi không nghĩ một đứa trẻ nào sinh ra lại mong muốn chiến tranh, chỉ có những người lớn sẵn sàng tiêm vào đầu chúng những điều xấu xa ấy.
Bên cạnh đó về tự do, có phải quá ngạo mạn khi chúng ta mong mỏi một sự tự do của chúa trời. Con người sau cùng vẫn chỉ là những sinh vật nhỏ bé, chịu sự chi phối của quy luật tự nhiên và xã hội loài người. Dù cố gắng cách mấy cũng sẽ không bao giờ thoát được cái guồng của cuộc đời...
“Có lẽ chỉ có cái chết mới là lối thoát duy nhất cho những ai tìm kiếm sự tự do vĩnh cửu”

Chaos,

Đọc thêm: