Khi bài viết này lên (và bài rất dài), cũng là lúc Tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc đang nằm ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tôi viết bài này, không phải để kể cho các bạn ngày đó giờ đó ta đuổi quân Thanh, hay ngày đó giờ đó Hưng Đạo Vương đuổi giặc Nguyên Mông. Những chuyện ấy sách đã nói đủ. Bài viết này là để các bạn có một lượng kiến thức hệ thống từ lịch sử đi đến hiện đại, về gã hàng xóm béo mập của chúng ta. Qua đó để nhận thức rõ tình hình hôm nay, rằng Tàu Hải Dương địa chất 8 hôm nay hay HD981 cách đây 5 năm, cũng sẽ phải quy về cùng một bản chất, về lẽ sống còn của dân tộc Việt với nền văn minh Trung Hoa vĩ đại này. Vâng, tuy rằng đáng ghét nhưng vĩ đại.
Văn minh Trung Hoa? Bạn nghĩ gì về nó? Văn minh Trung Hoa, cùng với Ai Cập, Babylon, Hy Lạp...hay những kỳ bí ở Nam Mỹ xa xôi, chính là một trong những nền văn minh cổ xưa nhất, là cái nôi của văn minh nhân loại. Nhưng, văn minh Trung Hoa hơn các nền văn minh kia ở một điểm cực kỳ đặc biệt: văn minh Trung Hoa là nền văn minh cổ xưa duy nhất không bị ngắt quãng trên thế giới. Lưu ý “Không hề ngắt quãng”. Từ thuở ban sơ, khi chữ viết được sáng tạo và xuất hiện thì cùng với lửa, chữ viết đã trở thành một trong hai phát minh quan trọng nhất lịch sử loài người. Chữ viết chính là sứ giả chở văn hóa, văn minh, và di truyền lại cho hậu thế. Hơn 5000 năm trở về trước, đã có 4 loại chữ của loài người được xuất hiện, đó là chữ Sumer cổ tượng hình của những người Babylon, gắn liền với nền văn minh Lưỡng Hà, cái nôi của Iran, Iraq hôm nay. Thứ hai là chữ Ai Cập cổ của người Ai Cập, với những ký hiệu cổ tượng hình mà ta bắt gặp trong các tấm phù điêu. Thứ ba là chữ Ấn Độ cổ của người Ấn Độ, gắn liền với văn hóa Harappa, một thành thị giàu có được mệnh danh là “Mahattan của thời đại đồng thau”. Và cuối cùng, chính là chữ Hán của người Trung Quốc.
3000 năm sau khi chữ Sumer cổ tượng hình được xuất hiện, chúng bị thay thế và biến mất, chỉ còn trên những tấm đất sét được khai quật. Năm 525 TCN , Ba Tư chinh phục AI Cập và sau đó tiêu diệt văn hóa, lịch sử, tôn giáo lẫn chữ viết của quốc gia này. Chữ Ấn Độ cổ hay chữ viết con dấu biến mất cùng lúc với đô thị Harappa, đến giờ vẫn chưa hề được dịch ra, trở thành bí ẩn lớn nhất của nhân loại. Chỉ có duy nhất chữ Hán của người Trung Quốc vẫn tồn tại suốt hơn 5000 năm qua, và được các thế hệ sau trau dồi, làm đẹp hơn, và gọn gàng hơn. Từ những hình vẽ đầu tiên trên vách đá, đi dần đến chữ Hán đơn sơ trên Giáp cốt văn, kim văn, rồi Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất 6 nước thì yêu cầu Lý Tư cho ra tiểu triện, rồi đến Lệ thư thời Hán, sau là Khải thư. Lần cuối cùng chữ Hán được giản lược lại là năm 1986. Lịch sử phát triển của chữ Hán diễn ra không ngừng ở mọi tầng lớp của người dân, tất cả đều đi theo nguyên tắc: giản lược hóa. Vì những ý nghĩa thâm tàng qua các ký hiệu mà nghệ thuật thư pháp cũng hình thành. Sự tồn tại của chữ Hán cổ chính là thứ vũ khí quyết định cho nền văn minh chưa bao giờ ngắt quãng của đất nước Trung Hoa. Kẻ sau đọc được văn thư của người đi trước, biết rõ người đi trước. Nghìn năm sau vẫn hiểu được kẻ tiền nhân kia nói gì.
Lịch sử trở thành mạch máu chảy trong 5000 năm dân tộc Trung Hoa. Vào năm 1962, khi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đang mắc kẹt trong thế trận tranh chấp giữa hai nước bên đỉnh Himalaya. Mao Trạch Đông đã viện dẫn câu chuyện 1.300 năm trước vào giai đoạn nhà Đường, Trung Quốc đã từng cử binh đến Ấn Độ để chống lại một kẻ nổi loạn. Sau khi TQ can thiệp, hòa bình lập lại, bang giao hai nước tốt đẹp trong nhiều thế kỷ. Năm 2013, trong một bài phát biểu ở tỉnh Hà Bắc, Chủ tịch Tập Cận Bình nói: "Đảng ta được sự ủng hộ to lớn, rộng rãi nhất của đông đảo quần chúng nhân dân Trung Quốc. Hiện không có một lực lượng chính trị nào ở Trung Quốc có thể thay thế được ĐCSTQ, nhưng nếu không giải quyết tốt vấn đề tác phong của đảng thì thời khắc thảm kịch Bá Vương biệt Cơ sẽ đến với chúng ta!"
Việt Nam chúng ta đến giờ lịch sử vẫn nằm trong khung kính, với người hàn lâm thì tầm chương trích cú, với học sinh thì học thuộc lòng, với giáo dục thì đó là môn học, với điện ảnh thì tránh né, với báo chí thì hời hợt, với người lớn thì nhớ nhớ quên quên. Nhưng nền văn minh của Trung Quốc với sự liên tục, đơn nhất và lâu dài đã được tồn tại chính nhờ lịch sử xuyên suốt, lấy bài học của các triều đại đi trước để thành một pho từ điển sống “đối nhân xử thế” trong các đổi thay của xã hội, trở thành một trong những lý do cho sự tồn tại và giàu mạnh của quốc gia này.
Chính vì sự đơn nhất đó mà lịch sử hình thành và phát triển của Trung Quốc rất rõ ràng. Các di chỉ khảo cổ về người nguyên thủy của họ cũng là nhiều nhất thế giới. Từ hơn 2 triệu năm về trước, những người cổ đại đầu tiên đã xuất hiện trên lãnh thổ Trung Quốc. Sau đó là các câu chuyện về Hoàng Đế, Viêm Đế (bạn lưu ý cái tên này lại) - những người kết nối các bộ lạc bên 2 con sông Hoàng Hà và Trường Giang để bước đầu hình thành nên nền văn minh Hoa Hạ. Rồi đến những Nghiêu, Thuấn, Vũ, và sự hình thành của ba triều đại Hạ, Thương, Chu - những nhà nước đầu tiên của Trung Quốc vào khoảng năm 2070 TCN. Sau đó là thời Xuân Thu – Chiến Quốc, rồi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, rồi Hán Sở tranh hùng, Tam Quốc diễn nghĩa...sau đó là Tống, Nguyên, Minh, Thanh mà ta đã biết rõ. Các phát minh cũng là những sự kế thừa và dạy dỗ lại cho nhau, thời Chiến Quốc tìm ra la bàn, thời Hán tìm ra giấy, thời Đường phát minh ra thuốc súng, mực in và được thời Tống phát triển lên một nấc thang mới. Có nghĩa rằng, với sự phong phú trong di chỉ, trong tài liệu, trong văn hóa, trong phát minh, cùng sự đồng nhất kế thừa, giản lược trong chữ viết. Người Trung Hoa đã luôn rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, và rất độc lập.
Vậy còn Việt Nam thì sao? Việt Nam rất hỗn độn trong giai đoạn thuở hồng hoang đó. Đến tận bây giờ chúng ta vẫn còn tranh luận về “2000 năm hay 4000 năm”, “Vua Hùng thọ bao nhiêu tuổi”, “Thục Phán là người dân tộc nào?” hay “Triệu Đà là tổ hay là giặc?” Đó là những câu hỏi mà tôi sẽ cố gắng lần mở một cách gợi hỏi hôm nay. Không phải khẳng định, mà để tư duy và để phát triển.
Đầu tiên, hãy đi tìm từ trong huyền sử. Có một điều mà chúng ta đã được dạy, và nhà nước đã công nhận đó là về truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân, thủy tổ của dân tộc Việt. Chúng ta nghe về mẹ Âu Cơ sinh được 100 con, 50 xuống biển, 50 lên non (gốc gác của từ “đồng bào”). Vậy thì Âu Cơ là ai? Lạc Long Quân là ai? Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương, bà Âu Cơ là con của Đế Lai (Lĩnh Nam Chích Quái ghi là thiếp, ở đây người viết đi theo dữ liệu Toàn Thư, Ngoại Kỷ, Quyển 1 của Ngô Sĩ Liên). Vậy Kinh Dương Vương là ai? Đế Lai là ai? Kinh Dương Vương là con của Đế Minh, còn Đế Lai là con của Đế Nghi. Đế Minh là ai? Đế Nghi là ai? Đế Minh là cha của Đế Nghi và là cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông bên Trung Quốc (các bạn lăn chuột lên trên, và đọc thấy tôi đã lưu ý các bạn về cái tên Viêm Đế). Đế Nghi là anh của Kinh Dương Vương, cùng là con của Đế Minh. Từ cái phả hệ đó mà suy ra được 2 điểm:
- Âu Cơ phải gọi Lạc Long Quân bằng chú xưng cháu.
- Thủy tổ của người Việt có mối quan hệ uyên nguyên trong gốc gác với “Tam Hoàng” của Trung Quốc, mà cụ thể đó là Viêm Đế, tức Thần Nông.
Trong huyền sử có chép câu sau “cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua Kinh Dương Vương.” Lưu ý mấy chữ “tuần du phương Nam”, rõ ràng bên ngoài là huyền sử, nhưng bên trong có thể là vấn đề di cư, di dân, và điểm di cư đó chính là Hồ Động Đình, phía nam của con sông Trường Giang, nơi được coi thủy tổ của người Việt.

Tuy nhiên gần đây lại xuất hiện thông tin về một nghiên cứu gen của GS Nguyễn Thanh Liêm đó là “Đã giải mã được bộ gen người Việt, gốc gác từ châu Phi và độc lập với người Hán”. Trong khi huyền sử nói rõ chúng ta di cư từ phía sông Dương Tử, không phải từ Châu Phi. Vậy nên hiểu sao cho đúng đây? Thực tế cả nhân loại, chứ không phải mỗi Việt Nam đều đi từ Châu Phi cách đây 2,5 triệu năm. Khoảng 2 triệu năm trước, một số người cổ đại đã rời bỏ quê hương Đông Phi để bắt đầu cuộc di cư của mình và chọn Bắc Phi, Châu Âu, và Châu Á để định cư. Con người ở Châu Âu và Tây Á là Homo Neanderthalensis. Một nhóm khác đi về phía Đông Á là Homo Erectus. Và trên đảo Java ở Indonesia thì có Homo soloensis. Tuy nhiên cuối cùng vì nhiều lý do trong vấn đề tiến hóa, đột biến di truyền, mà chỉ còn Sapiens tồn tại, rồi chủng loại này đi khắp thế giới, và nói như Noah Harari – thiên tài nghiên cứu lịch sử người Do Thái trong cuốn “Lược sử loài người” thì ”Homo sapiens chinh phục toàn cầu”. Tất cả chúng ta đều thuộc về Homo sapiens – loài sapiens (tinh khôn) của chi Homo (người). 45.000 năm về trước, khi Sapiens sống ở quần đảo Indonesia, họ trở thành cộng đồng chuyên đi biển đầu tiên. Những con thuyền giữa biển đưa họ đi khắp Thái Bình Dương, và đi đến Việt Nam. Phần nào lý giải cho việc gen của người Việt Nam giống với gen của người Thái Lan, Indonesia. Thế còn huyền sử và mối quan hệ với Trung Quốc? Sapiens ở Đông Á, mà cụ thể là tại Trung Quốc ở hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử đã vượt trội hơn hẳn những bầy Sapiens khác. Bên con sông Hoàng Hà, họ thiết lập một dân tộc riêng, văn minh hơn và có lẽ ngạo mạn hơn, gọi là dân tộc Hán. Họ đẩy những người không thích ứng kịp về phía Nam con sông Dương Tử. Và gặp cả những người Sapiens khác đi từ Indonesia ngược trở lên. Những bộ lạc nhỏ lẻ, những văn minh nhỏ lẻ, những chủng tộc nhỏ lẻ, họ là dân tộc Việt. Sự vượt trội của văn minh Hoa Hạ đến từ cuộc cách mạng nông nghiệp, sự thuần hóa thiên nhiên, rồi từ đó sinh ra chữ viết, định hình nên gốc gác xuất xứ rõ ràng của người Trung Hoa. Người Việt đã không được may mắn như vậy, nhưng sức sống của người Việt lại mạnh mẽ nhất. Cả nhân loại có cùng một gốc Đông Phi cả, nhưng địa lý và thiên nhiên đã dần dần thay đổi chủng tộc, màu da, tính cách, hình thể của con người.
Bây giờ rời khoa học để quay lại về những câu chuyện huyền sử.
Từ sông Trường Giang (tức Dương Tử) trở lên Bắc, gọi là nước Xích Thần do Đế Nghi quản. Từ hồ Động Đình trở về Nam, gọi là nước Xích Quỷ do Kinh Dương Vương quản. Sử chép: “Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải….”Nước Xích Quỷ rộng lớn với hơn 2.900.000km2 đó có hơn 100 bộ lạc lớn nhỏ, họ chính là Bách Việt. Huyền sử chúng ta có câu chuyện “Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm trứng trăm con.” Phải chăng cũng là Bách Việt? Trong những bộ lạc của Bách Việt ấy có Lạc Việt, với người được coi là con của Âu Cơ – Lạc Long Quân: Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt quốc hiệu Văn Lang.
Đến đây, chúng ta rời khỏi huyền sử, cởi ra tấm áo khoác kỳ bí của những truyền thuyết và câu chuyện của Âu Cơ, Lạc Long Quân, Tam Hoàng, Ngũ Đế. Ta có thể tư duy và mường tượng ra một giả thiết với hình thể cơ bản như sau: bên cạnh các nền văn minh Ai Cập, văn minh Lưỡng Hà, văn minh Ấn Độ, văn minh Trung Quốc đã ra đời, và là cái nôi đầu tiên của vùng Đông Á. Bắt đầu từ hai con sông Trường Giang và Hoàng Hà, mà đặc biệt là Hoàng Hà. Đó là trung tâm của người Trung Hoa, với văn minh Hoa Hạ. Nhưng phía Nam của sông Trường Giang xa xôi hơn đã có một nhóm người khác di cư đến sinh sống bên hồ Động Đình, gọi là tộc Việt. Những người Việt đây có truyền thuyết riêng, văn minh riêng, dẫu không được rực rỡ như Trung Nguyên, nhưng cũng có bản sắc của riêng họ, và theo cách nào đó, họ tạo nên câu chuyện liên quan đến con cháu Thần Nông để “hợp thức hóa” cho sự tồn tại song hành cùng người Hán, tạo nên cột mốc 4000 năm tính từ thuở ban sơ của các dân tộc Việt lần đầu xuất hiện. Họ tạo nên câu chuyện về Âu Cơ – Lạc Long Quân để nói về các mối liên chi của các bộ lạc Việt chống lại sự xâm lăng của nền văn minh Hoa Hạ như hổ đói. Khi Trung Nguyên hùng mạnh lên, tính cách bành trướng bắt đầu phát triển, dân số tăng cao, họ cũng đi dần xuống Nam, và họ gặp người Việt ở nơi đó. Cuộc chiến xảy ra, những người Việt thất thế dần, nước Sở - quốc gia nắm hai tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam cũng bị sáp nhập vào Trung Nguyên sau khi để thua Tần Thủy Hoàng và nước Tần trong cuộc chiến 6 nước. Cả một vùng lãnh thổ rộng lớn Xích Quỷ của người Bách Việt thuở hồng hoang dần dần mất về tay người Hán hoặc bị đồng hóa về tay người Hán. Chỉ có hai dân tộc duy nhất thoát khỏi vòng kiềm hãm đó, hai dân tộc Việt duy nhất không bị Hán hóa, hai dân tộc Việt vỗ ngực xưng tên với bản sắc của riêng mình. Mặc dù đã bị đuổi khỏi phía Nam sông Dương Tử, nhưng có một con sông khác đã ôm lấy họ, bảo vệ những người Việt xa xưa đó và từ đó họ xây dựng một nền văn minh cho riêng mình. Tên con sông ấy chính là sông Hồng. Quốc gia ấy sống kiêu hãnh và lập nên một nhà nước của riêng mình. Quốc gia đó tồn tại suốt hàng ngàn năm bên cạnh nền văn minh có tính chất đồng hóa khủng khiếp đó. Quốc gia đó vừa chiến đấu anh hùng, vừa xây dựng, vừa hấp thu văn minh, lại vừa giữ gìn văn hóa của riêng họ. Quốc gia đó chính là Việt Nam.
Hai dân tộc Việt thoát khỏi sự bành trướng của người Hán trong cuộc chiến ngày đó, một là Âu Việt - tổ tiên của người Tày - Nùng, hai là Lạc Việt là tổ tiên của người Kinh (Kinh kì đất cũ, để phân biệt với người Thượng khi chạy đến nơi ở mới). Một ngày, tại Âu Việt nổi bật lên một nhân vật kiệt xuất với tham vọng lớn cho sự hình thành một quốc gia. Người này đã tấn công Lạc Việt của vua Hùng. Sáp nhập hai tộc Việt lại với nhau, lấy từ “Lạc” trong “Lạc Việt”, lấy từ “Âu” trong “Âu Việt”, đặt tên nước là Âu Lạc. Ông chính là Thục Phán An Dương Vương. Thục Phán xây dựng Cổ Loa Thành. Rùa vàng, gà trắng là những linh vật có ý nghĩa biểu tượng trong dân tộc Tày, đều xuất hiện trong các câu chuyện xây Cổ Loa. Những người con gái Tày khi đi nương để lại dấu cho chàng trai cũng đánh dấu chỉ đường, bằng cách rắc lông ngỗng bứt ra từ chiếc áo trên mình. “Mỵ Châu” là “Mẻ Châu” trong tiếng dân tộc nghĩa là “Bà chúa lớn”. Đó là những bằng chứng về gốc gác của An Dương Vương.
Tuy nhiên, vào giai đoạn đấy, bên phương Bắc có biến động lớn, đó là sự sụp đổ của nhà Tần vào năm 210 TCN. Nhân cơ hội đó, một vị huyện lệnh tại Long Xuyên, Quảng Đông có tên là Triệu Đà bắt đầu mưu nghiệp lớn khi được kế vị vị trí cai trị quận Nam Hải. Ông quyết định độc lập với Trung Nguyên, giết hết những quan lại nhà Tần, đưa gót ngựa tới bên bờ Sông Hồng, đánh bại An Dương Vương và sáp nhập Âu Lac vào trong Nam Hải, rồi mở rộng sang phía quận Quế Lâm, tạo nên một vùng đất rộng lớn bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây và vùng Bắc Bộ Việt Nam ngày nay. Triệu Đà chính thức lập nên nhà nước Nam Việt, lấy Phiên Ngung (nay là thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) làm kinh đô, xưng là Nam Việt Vũ Vương. Vậy là, một quốc gia của người Việt đã được xuất hiện trở lại, nhưng lần này căng thẳng hơn và cũng nhiều điều phải lo toan hơn. Nam Việt không chỉ có người Việt, mà còn có người Trung Nguyên, bản thân Triệu Đà cũng là người Hán nhưng ông đi theo văn hóa Việt và trọng dụng người Việt, trong đó có thừa tướng Lữ Gia – người Thanh Hóa. Chuyện về Lữ Gia là người thừa tướng già đã chống lại nhà Hán trong những năm cuối đời để bảo vệ nền độc lập của Nam Việt không bị nội thuộc vào Trung Quốc.
“Lữ Gia chống Hán lưu sử tích; Lịch sử ngàn xương mãi khắc ghi”.
Vậy trường hợp Triệu Đà nên đánh giá thế nào cho thật hợp lý? Cho đến bây giờ vẫn đi giữa 2 luồng. Với một bên xem Triệu Đà là tổ nước ta, trong đó có sử gia Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên, chép lại trong Toàn Thư như sau: “Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là "lão phu", mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy..." Hay trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi có câu "Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nên độc lập / Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương." Hoặc trong lời trăn trối của Hưng Đạo Vương với vua Trần Anh Tông: "Ngày xưa Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã (vườn không nhà trống), đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời.”
Tuy nhiên, trong dòng chảy phong kiến đó thì Ngô Thì Sĩ đã phản đối Triệu Đà ở "Việt Sử Tiêu Án" như sau: "Nước ta bị ngoại thuộc vào nước Tàu từ đời Hán đến đời Đường, truy nguyên thủ họa cho Triệu Đà thì còn ai nữa?... Đến việc xướng ra cơ nghiệp Đế vương trước tiên, tán tụng Triệu Đà có công to, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử chép như thế, Ngô Sĩ Liên theo cách chép hẹp hòi ấy, không biết thay đổi... Qua hàng ngàn năm mà không ai cải chính lại, vì thế mà tôi phải biện bạch kỹ càng." Và đến những năm 1960 thì các sử gia quyết định gạch tên Triệu Đà và tính chính thống của Nam Việt ra khỏi sử nước ta.
Tôi đã từng có dịp trao đổi với cố giáo sư Phan Huy Lê quanh câu chuyện này. Được giáo sư trả lời như sau: “Nếu như Âu Lạc của An Dương Vương là một kinh đô thành quách thật sự, và Cổ Loa đã được dựng đô tại Đông Anh, thì hành động của Triệu Đà là hành động xâm lược vào một nước độc lập. Và quả thực khi khai quật về Cổ Loa đã cho thấy đây là một nhà nước đúng nghĩa của An Dương Vương. Từ đó mà nói, nếu ở góc nhìn này đánh giá Triệu Đà là giặc cũng không sai.” Tuy nhiên giáo sư cũng nhấn mạnh rằng sự tồn tại của Triệu Đà song song với sự tồn tại của triều đình nhà Hán hùng mạnh. Đối mặt với điều đó, Triệu Đà đã thực hiện một chính sách ngoại giao mà sau này các đời Đinh, Lý, Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn của Việt Nam đều học tập và làm theo trong mối bang giao với Trung Quốc: “nội đế ngoại vương” (bên trong xưng đế nhưng đối với nhà Hán thì xưng vương). Có nghĩa là độc lập và hùng cứ hai phương, nhưng ngoại giao thì khôn khéo ẩn mình. Đó chính là bài học ngoại giao đầu tiên của nước ta với Trung Hoa. Triệu Đà đã để lại cho người Việt một bài học lớn, bài học đầu đời về sự tồn tại cạnh nền văn minh Trung Hoa, và tư tưởng độc lập của người Việt với người Hán .Tóm lại, vấn đề Triệu Đà là thuộc về vấn đề chính trị trong từng thời kỳ. Và bạn, sẽ có một góc nhìn cá nhân cho riêng nhân vật này. Còn tôi, chắc nhiều người cũng đã biết rõ về quan điểm.
Có lẽ đến đây những câu hỏi tôi đặt ra ở đầu bài, thì các bạn đã được lần giở một cách đầy đủ, những hỗn mang của thời kỳ hồng hoang phần nào được giải đáp. Nhưng dẫu sao chăng nữa, trong sự tìm hiểu hạn hẹp của bản thân, cũng với lối tư duy theo kiểu logic của một kỹ sư xây dựng chứ không phải của một nhà nghiên cứu, nên tôi luôn có góc nhìn khác so với thông thường. Do đó, tôi sẽ không dám tự nhận mình đúng toàn bộ. Nhưng đây sẽ là một điều tốt để cho các bạn tập vén màn lịch sử và tập đi tìm hiểu. Hôm nay. đất nước ta còn có người Mường, người Tày, người Mông, người Hoa, người Khơ Me.... Một quá trình dài tạo nên hai chữ “Đồng bào”. Do đó phải hiểu lịch sử, hiểu sự di cư, hiểu nước Việt hình thành còn từ các dân tộc khác không chỉ có người Kinh. Còn nếu như người Kinh có sự tương đồng với người Hán, thì khủng khiếp lắm hay sao? Người Nhật Bản nhận mình là con cháu thái dương thần nữ, nhưng họ cũng nói rõ trước khi băng tan, lục địa còn dính liền nhau, có khi tổ tiên người Nhật lại là người Trung Quốc di cư. Và còn đó là những người Siberi, các tộc người ở những đảo khác tạo nên người Nhật hôm nay. Tâm lý của Việt Nam không muốn giống Tàu, thì lại càng giống Tàu lai căng. Càng trưng ra những thứ lố bịch, lại càng cho thấy ta khiếp nhược. Càng nói điều giả dối và dạy những tư liệu hỗn mang, càng cho thấy chúng ta lo sợ những cái không đáng.
4000 năm, người Việt là người Việt, và người Hán là người Hán. Chúng ta có sự kiêu hãnh của chúng ta.
Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn và thể hiện quan điểm của cá nhân Dũng Phan!