Sau khi các bạn đã đọc xong phần 1phần 2 của tôi, cũng là lúc các bạn đã đi được hơn một nửa chặng đường dài lịch sử trong mối quan hệ VN-TQ. Phần nào đó, các bạn cũng hiểu được mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam-Trung Quốc kéo dài từ thuở hồng hoang đến ngày Ngô Quyền chấm dứt giai đoạn Bắc Thuộc. Tôi muốn kể lịch sử theo kiểu đưa tất cả chúng ta cùng đi vào trong một câu chuyện, để cùng đặt câu hỏi và để có những chiêm nghiệm về những dữ kiện đã qua. Tôi tin phần nào các kiến thức trong bài viết của tôi có thể giúp ích được cho các bạn ở một sự hình dung có tính bình dân nhất về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc từ thời sơ khai đến nay.
Phần 1 của bài viết được nói về những ngày đầu lập nước, về sự xuất hiện của tộc Việt, sự tách biệt với dân tộc Hán. Phần 2 của bài viết bàn về câu chuyện liên quan đến 1000 năm Bắc Thuộc. Và giờ, chúng ta sẽ đến với phần 3 của bài viết, thuộc về giai đoạn độc lập tự chủ của đất nước, đây là một thời kỳ quân chủ kéo dài từ Ngô Quyền xưng vương, đến khi Pháp đặt nền bảo hộ ở Việt Nam, và kéo cô gái Việt Nam dịu hiền nhưng cũng đầy manh động ấy ra khỏi anh chàng béo phương Bắc.
Câu chuyện được nói tới trong phần 3 vì vậy sẽ là chuyện về ngoại giao VN-TQ trong gần 1000 năm đó. Tôi sẽ không kể cho các bạn nghe về chuyện Trần Hưng Đạo 3 lần chiến thắng Nguyên Mông hay Quang Trung đại phá Quân Thanh. Cái đó đã có nhiều người kể. Tôi sẽ chỉ kể về các câu chuyện liên quan đến ngoại giao như đúng tiêu đề bài viết: VIỆT NAM – TRUNG QUỐC, UYÊN NGUYÊN 4000 NĂM.
Trung Nguyên, là bộ mặt trung tâm của nền văn minh Hoa Hạ, là cái nôi của văn hóa Hán. Từ Trung Nguyên là trung tâm nếu ta trải bản đồ thời nhà Tống cách đây khoảng 900 năm ra. Chọn lấy nhà Tống làm trung tâm. Phía trên là Bắc, chính là Đại Liêu. Bên trái chếch hướng Tây Bắc, có nước Tây Hạ, còn phía Tây Nam chính là nước Thổ Phồn. Bên dưới là Nam, chính là Đại Lý, và Đại Việt (hay An Nam theo cách gọi của các triều đại Trung Quốc đời trước). Đó là 5 nước có biên giới với nhà Tống (màu xám) trên bản đồ mà ta được nhìn.
Có 6 đất nước trên bản đồ ấy. Nhưng giờ chỉ còn đúng 2 quốc gia tồn tại với lịch sử của chính mình đó là Trung Quốc và Việt Nam. Câu hỏi đặt ra: Tây Hạ ở đâu? Thổ Phồn ở đâu? Đại Lý ở đâu? Đại Liêu ở nơi đâu rồi?
Xin trả lời: Tây Hạ hiện chính là Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ (gọi tắt là Ninh Hạ), là một khu tự trị của người Hồi của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hôm nay, cùng một phần diện tích thuộc về nước Mông Cổ. Thổ Phồn chính là vương quốc từng nắm giữ Tây Tạng, tức là một phần diện tích của Trung Quốc, Nepal, Ấn Độ, Pakistan bây giờ. Đại Lý chính là tỉnh Vân Nam, Quý Châu mà ta đang được biết và đang đi du lịch. Đại Liêu chính là một phần lớn phía bắc của nước Trung Quốc bây giờ, ví dụ như Bắc Kinh hôm nay chính là kinh đô Nam Kinh của Đại Liêu ngày xưa đấy.
Còn Đại Việt chúng ta, đã không bị Trung Nguyên nuốt mất thì chớ, lại còn đi ngược xuống phía Nam gia tăng lãnh thổ, và thành nước Việt Nam hôm nay của chúng ta. Tôi xin nhấn mạnh duy nhất Việt Nam ở đây là để các bạn hiểu, để những người có lương tri với dân tộc này hiểu ta đã xứng đáng với tổ tiên chưa? Bởi chỉ cần cái sự tồn tại của quốc gia Việt Nam này bên cạnh 3/6 nước ngày đó bị Trung Nguyên “hấp thụ” cả, thì đấy đã là một giá trị cao ngất ngưởng rồi.
Vậy vì sao Việt Nam có thể làm được những điều vĩ đại như thế trong cả mấy nghìn năm (mà không có được lợi thế địa lý như Hàn Quốc, Nhật Bản). Điều này được lý giải ở 4 điểm:.
1. Chính sách ngoại giao khôn khéo.
2. Tính dân tộc cao vời vợi.
3. Tính chiến đấu của người Việt.
4. Tính anh hùng của những người anh hùng được xuất hiện lúc dân tộc nguy nan nhất.
Chính sách ngoại giao khôn khéo lại được luận giải ở 3 điểm nhỏ sau. Thứ nhất, đó là việc áp dụng bài học mà Triệu Đà để lại (tôi đã kể ở phần 1). Đấy là Triệu Đà đã thực hiện một chính sách ngoại giao được gọi bằng 4 chữ: “nội đế ngoại vương”. Nghĩa là bên trong xưng đế nhưng đối với Phương Bắc thì xưng vương. Điều này mang ý nghĩa đối nội lẫn đối ngoại rất cao và rất tinh tế. Về đối nội, việc xưng đế cho thấy tinh thần tự chủ của quốc gia, khẳng định đây là hai nước độc lập và hai hoàng đế hùng cứ hai phương. Nhưng đối ngoại lại là sự vỗ về nước lớn, tạo một sự khôn khéo ẩn mình. Sau này các đời Đinh, Lý, Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn của Việt Nam đều học tập và làm theo chủ trương “nội đế ngoại vương” trong mối bang giao với Trung Quốc. Họa may chỉ có vua Lê Thánh Tông là ngạo nghễ được hơn một chút trong các bức thư trả lời với phía Trung Hoa. Có lẽ cũng chỉ có dưới thời Hồng Đức thì phía Trung Hoa mới “lên án và cực lực phản đối” chứ chẳng làm được gì.
Sự khôn khéo thứ hai trong ngoại giao của cha ông ta đấy là việc cứ sau một lần đuổi quân phương Bắc ra khỏi bờ cõi là lại một lần ... xin lỗi. Lại thêm một lần đưa sứ thần qua nói chuyện, vừa bày tỏ chính khí của quốc gia, lại vừa vuốt ve thiên triều. Câu chuyện nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là việc “Cống người vàng” thế mạng cho cái chết của tướng nhà Minh là Liễu Thăng đấy. Vì sao phải xin lỗi? Vấn đề là ở chỗ quốc lực của hai quốc gia rất chênh lệch. Sự chênh lệch này sẽ dẫn đến việc chúng ta bị bỏ xa trong thời bình, mà ở đó chuyện phát triển kinh tế mới là trọng điểm. Đây là điều mà lịch sử đã đi qua, đã diễn ra, nhưng chẳng hiểu sao vấn đề tuyên truyền của thế kỷ 20, 21 lại sai hướng đến như vậy. Lịch sử chỉ gọi đó là “tính nhân đạo, khoan dung của ông cha”, mà lại không nhấn mạnh đến vấn đề “tồn tại” bắt buộc phải vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất nắm vững bài học tiền nhân này, nên sau khi lấy được chính quyền từ Pháp, Nhật năm 1945, ông đã đi thăm Pháp năm 1946. Thứ nữa là vấn đề bang giao, hoạt động kinh tế của hai nước. Trung Quốc không cần Việt Nam thì họ có thể sống tốt, nhưng Việt Nam mà không có mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc thì ắt sẽ khá đảo điên. Các bạn có biết lâu lâu trên mạng lại mọc ra mấy chuyện như “cứu lợn”, “cứu dưa” hay “cứu chuối” không? Vì sao phải cứu? Vì thương lái Trung Quốc không chịu mua nữa, vì cửa khẩu đã đóng và không cho nhập khẩu nữa. Cái chuyện sát sạt dính tới túi tiền các bạn như vậy mới giúp các bạn hiểu ra, chứ không phải các ngôn từ đao to búa lớn. Chính các yếu tố có tính kinh tế như vậy nên nếu Việt Nam, ông cha Việt Nam mà đoạn tuyệt với Trung Quốc hay với các nước lớn trên thế giới sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng cung-cầu ở trong nước. Cho nên hôm nay Việt Nam có biệt danh “chuyên gia đi dây”, phần nào đó là rút kinh nghiệm từ các bài học cũ, và cải tiến từ bài học thời phong kiến.

Sự khôn khéo thứ ba trong vấn đề ngoại giao với Trung Quốc đó là câu chuyện liên quan đến vấn đề đăng cơ. Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim có kể về việc vua Lê Thái Tổ sau khi đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, mà phải sai sứ sang cầu phong bên Tàu, nhưng mà nhà Minh không chịu, bắt phải tìm con cháu nhà Trần để lập nên làm vua. Sứ nhà Minh đi về hai ba lần, sau vua Thái Tổ phải bắt các quan viên và phụ lão trong nước làm tờ khai rằng người nhà Trần chẳng còn ai nữa. Đến lúc đó nhà Minh mới chịu, và nhà Lê mới danh chính ngôn thuận được. Rồi sau đó là câu chuyện mà Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh “đua” nhau trong việc giành sắc phong và tỷ ấn quốc vương từ phía Càn Long trong cuộc nội chiến ở thế kỷ XVIII. Hay các câu chuyện Lê Chiếu Thống, Trần Thiêm Bình, ...đẩy các triều đại vào thế "Phải thắng để được công nhận", tất cả đều có yếu tố Trung Hoa ở trong ấy. Bản thân cá nhân tôi luôn đặt câu hỏi về trường hợp của Tôn Thất Thuyết và phong trào Cần Vương của ông? Giả sử nếu sự thật cách Tôn Thất Thuyết kéo vua Hàm Nghi đi, để có cớ hành quân cùng nhau tiến về phía Bắc, là Trung Hoa, để làm bàn đạp chống Pháp, liệu có đúng? Rõ ràng với góc nhìn hiện đại bây giờ, nếu các sĩ phu nho học coi “chống Pháp” chỉ là tuyên ngôn, còn “phương tiện” lại là Trung Hoa thì không thể coi đây một tấm gương để dạy? Và nếu là tấm gương, phải chăng ta đang bất công với những trường hợp ta gọi là tội đồ khác? Đương nhiên đây là câu hỏi mở để các bạn suy ngẫm. Nhưng những ví dụ ấy như nói lên mối quan hệ uyên nguyên đầy phức tạp giữa hai dân tộc này.
Vấn đề ngoại giao đến đây các bạn đã hiểu. Nhưng chưa đủ cho sự vững bền độc lập. Dẫu bạn khôn khéo đến bao nhiêu, mà kẻ ấy muốn “thịt” bạn thì bạn cũng phải đấu thôi. Và Việt Nam, con người Việt Nam đã mang yếu tố “tinh thần dân tộc” cao vời vợi đủ để đặt vấn đề dân tộc lên cao nhất.
Trần Bình Trọng khi bị quân Nguyên – Mông bắt đã khảng khái nói rằng “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” ấy là một ví dụ. Nhưng câu chuyện kinh điển nhất về tính dân tộc của người Việt, cá nhân tôi thiết nghĩ nằm ở 2 câu chuyện thuộc về thời chiến tranh Việt Nam 1954-1975. Khi Henry Kissinger kể lại “Tôi đã tiếp xúc với Phạm Văn Đồng trong suy nghĩ ông ta là một người cộng sản. Nhưng không biết rằng ông  đang đối thoại với tư cách là người dân tộc.” Chủ tịch Hồ Chí Minh bị Quốc tế cộng sản đánh giá là người dân tộc chủ nghĩa cao hơn tính cộng sản quốc tế. Trong khi Phạm Xuân Ẩn khi được hỏi về việc “Nếu hiện trạng 2 miền được giữ nguyên, thì liệu Nam Việt Nam có như Hàn Quốc và Bắc Việt Nam như Triều Tiên.” Phạm Xuân Ẩn đã trả lời “Không, vì người Việt Nam không nhẫn tâm được như người Hàn Quốc.” Nếu người Trung Quốc tự hào với khái niệm “người Hán”, “văn minh Hoa Hạ” thì người Việt Nam lại tự hào với khái niệm “người Việt”, “văn minh Sông Hồng”. Các yếu tố độc lập đó đã giúp VN đứng hiên ngang với TQ. Dẫu ở bên ngoài nhìn vào thấy văn minh, văn hóa, của 2 quốc gia có khá nhiều nhiều điểm tương đồng. Đó gọi là "hòa nhập mà không hòa tan."
Dân tộc tính chính là một linh hồn đẹp nằm yên trong trái tim của người Việt.
Tính chiến đấu của người Việt thì sao đây? Tôi nhớ trong một cái stt cách đây khá lâu của fanpage comcom, có một câu hỏi khá thú vị là “Kể tên các nước chưa từng đánh nhau với Việt Nam”. Đến khi đó mới lộ ra là Việt Nam đánh với gần hết tất cả thế giới từ Mỹ, Pháp, đến Tây Ban Nha, thậm chí Hà Lan, New Zealand cũng thịt nốt. Họa may có mấy nước ở Châu Phi là Việt Nam chưa đụng tới. Nói vậy để biết, Việt Nam thuộc diện là quốc gia khá là “giỏi chiến đấu”. Sau này thời bình, vì tinh hoa phát tiết không hết nên hay “áp dụng” ở các vụ va chạm giao thông trên đường.
Cuối cùng, đó là tính anh hùng của những người anh hùng được xuất hiện rất đúng lúc. Cụ Phan Bội Châu xếp hai người gọi là “tổ trung hưng của dân tộc”, đó là Ngô Quyền và Lê Lợi. Để nói lên vị trí cực cao và cực quan trọng của hai con người này trong vận mệnh của nước Việt.  Một người cứu nước Việt khỏi 1000 năm Bắc Thuộc, và người thứ hai cứu Việt Nam khỏi ách đô hộ của nhà Minh tiêu diệt gần hết văn minh từng có của Đại Việt. Bản thân tôi luôn gọi Quang Trung hoàng đế là “người do lịch sử Việt Nam sinh ra”, bởi lẽ trong giai đoạn điêu tàn và chia cắt ấy cần 1 nhân vật siêu quần như kiểu Quang Trung để san dọn mặt bằng lãnh thổ chữ S. Hay cá biệt hơn cả là trường hợp của Trần Hưng Đạo. Như mở đầu câu chuyện, nhắc đến các nước như Đại Liêu, Đại Lý, Tây Hạ...thì các quốc gia này đều bị Mông Cổ tiêu diệt. Nhưng Đại Việt vẫn sống hiên ngang, ấy là nhờ sự xuất hiện đúng lúc của Trần Hưng Đạo và một loạt nhân tài thuộc thế hệ thứ hai của vương triều nhà Trần như Trần Nhật Duât, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư....họ là những nhân tài xuất hiện cùng thời điểm, và đoàn kết cùng nhau sát cánh, bên dưới sự thống lĩnh của ngọn đuốc sáng nhất là Hưng Đạo Đại Vương, qua đó giúp dân tộc thoát khỏi họa mất nước. Con người như Hưng Đạo Vương chính là người mà Đại Liêu, Đại Lý không có, nhưng Đại Việt lại may mắn có.
Sau này, dù có nhiều điều trong thời điểm hiện đại thật sự mất niềm tin. Tôi đã nghĩ rất nhiều và luôn tin vào sự chiến thắng cuối cùng của đất nước ta. Chính là bởi đối chiếu lịch sử và nhận thấy “hồn thiêng núi sông” luôn ở bên và bảo vệ quốc gia này. Vấn đề ở chỗ, tiền nhân luôn ở bên, quan trọng chúng ta phải là những người có lòng.
Lời kết:
Tôi đã nói câu nói này rất nhiều, và xin nói thêm lần nữa, nói cho đến khi nào những người đọc nhớ mãi, đó là câu nói của giáo sư Cao Huy Thuần.
“Tôi định nghĩa thế nào đây về tôi? Tôi là ai? Dân tộc tôi là ai? Là gì? Là thế nào? Nếu không định nghĩa được bằng khẳng định, thôi thì ta tạm định nghĩa bằng phủ định: Tôi không phải như thế này, tôi đáng lẽ phải là thế khác. Dân tộc tôi xứng đáng hơn thế này. Dân tộc tôi chưa xứng đáng với tổ tiên.”
Dân tộc ta bốn nghìn năm tồn tại ở cạnh nền văn minh sẵn sàng nuốt chửng chúng ta. Vậy mà bao nhiêu cuộc tấn công, bao nhiêu lần đồng hóa, bao nhiêu lần bắc thuộc, tổ tiên ta vẫn hiên ngang đứng trên bản đồ này. Chúng ta đã xứng đáng với tổ tiên chưa?
(Hết phần 3)
Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn và thể hiện quan điểm của cá nhân Dũng Phan!