Trong phần 1 của bài viết, chúng ta đã kết thúc bằng cách lý giải về sự hình thành của nước Việt thuở hồng hoang, và kết thúc bằng câu chuyện liên quan đến Triệu Đà. Vậy thì 1000 năm Bắc Thuộc trong lịch sử mà ta đang chép nên hiểu thế nào cho đúng đây? Và trong 1000 năm đó, đã có những sự kiện uyên nguyên gì giữa hai nước? Lý do tại sao chúng ta vẫn có thể đứng dậy vươn vai thành một quốc gia riêng? Bài viết hôm nay sẽ trả lời cho câu hỏi đó.
Cho đến tận bây giờ, chúng ta đã được đóng đinh trong sử sách về giai đoạn 1000 năm Bắc Thuộc. Thời đại này bắt đầu từ lúc Triệu Đà mất nước hay từ lúc Triệu Đà lấy được Âu Lạc, thì tùy vào góc nhìn cho nhân vật Triệu Đà chính thống hay không chính thống (tôi cũng đã nói rất rõ ở phần 1). Còn vấn đề “Bắc thuộc 1000 năm” thì coi như đã thành một “tiền đề” trong các tài liệu Sử học Việt Nam. Tuy nhiên cũng có một vài ý kiến lẻ tẻ đưa ra, liệu có thật tồn tại cái gọi là 1000 năm Bắc Thuộc hay không? Tôi cũng xin nói rõ chỗ này ra để anh em rộng đường dư luận. Một trong những người ủng hộ cho thuyết “Không tồn tại cái gọi là 1000 năm Bắc Thuộc” chính là thiền sư Lê Mạnh Thát với loạt bài “những phát hiện lịch sử gây chấn động” được đăng cách đây 11 năm trên báo Thanh Niên. Trong loạt bài ấy, dựa trên nền tảng là cuốn “Lục Độ Tập Kinh”, thiền sư Lê Mạnh Thát đã đưa ra các minh chứng để đề nghị loại bỏ hai triều đại An Dương Vương và Triệu Đà ra khỏi lịch sử. Cụ thể: “Triều đại An Dương Vương là không có thật”. “Không những không có chuyện Triệu Đà đánh An Dương Vương (vì làm gì có An Dương Vương mà đánh!) mà nước ta cũng không bao giờ bị Triệu Đà chiếm”. Thậm chí ông xác định thời đại Hùng Vương tồn tại cho đến năm 43” và rằng: “Nhà Hán “đoạt khống” đất đai nước ta. Không có cái gọi là thời kỳ “Bắc thuộc lần thứ nhất”. Phải loại phần đó ra khỏi lịch sử”…Bạn hoàn toàn có thể tìm đọc lại loạt bài này chỉ bằng một động tác google. Nhưng trước đó, bạn cứ đọc xong bài của tôi rồi lội ngược vấn đề kia sau.
Ngược lại, nếu chiếu theo ý của nhiều người khác, thì việc cứ nói và viết liên tục về “1000 năm Bắc Thuộc” lại chẳng khác gì đi khoe cái thân phận nô lệ của dân tộc trong lịch sử cả, là viết theo bọn sử gia phương Bắc?
Vậy hiểu thế nào cho đúng? Tài liệu mà Thiền sư Lê Mạnh Thát sử dụng là một bộ kinh, còn các sử gia lại sử dụng là một bộ sách. Chúng ta không nên theo kiểu vì tôi đọc cuốn này, anh đọc cuốn kia mà phủ nhận nhau một cách sạch trơn. Khi mà lịch sử vốn đã mang trong mình nó rất nhiều nghĩa vụ liên quan đến chính trị, và luôn vận động theo góc nhìn của thời đại. Tuyệt đối tránh ở vào tình cảnh“anh và tôi đứng hai đầu nhìn vào một con số, tôi thấy số 6, còn anh thấy số 9”. Quan điểm của tôi thì luôn đi một con đường ở giữa, với sự khẳng định có sự tồn tại của An Dương Vương, của Triệu Đà như đã nói ở phần 1. Và khẳng định có sự tồn tại của cái gọi là “Bắc thuộc lần thứ nhất”. Nhưng “Bắc thuộc” thế nào, đó lại là một vấn đề mà trước nay chúng ta chưa hề đi sâu. Để giải đáp điều này, tôi xin đi lớp lang:
Có lẽ tất cả các bạn đều biết về một giai đoạn được gọi là Xuân Thu – Chiến Quốc ở bên Trung Hoa. Một thời đại không chỉ là cuộc chiến của các nước, mà thời đại đó còn được miêu tả là “Bách gia tranh minh”, tức văn hóa thức tỉnh và trăm nhà đua tiếng. Cụm từ “Bách gia chư tử” được hình thành nói về những tư tưởng triết học thời cổ đại của Trung Quốc sinh ra trong giai đoạn ấy, đó chính là Nho gia, Mặc gia, Đạo gia, Pháp gia, Âm Dương gia, Danh gia, Binh gia và Tạp gia, đã góp phần tạo nên hệ tư tưởng cho cả nền văn minh Trung Hoa. Những nhà tư tưởng đó có lẽ chúng ta đều đã biết, đấy là Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Hàn Phi, Trang Tử, Trâu Diễn, Huệ Thi và Tôn Vũ. Sự vĩ đại và ảnh hưởng của họ còn đến tận hôm nay, và được tôn thờ ở nhiều nơi. Chẳng hạn Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội có tượng thờ Khổng Tử tại Điện Đại Thành.
Điều tôi muốn nói với bạn ở đây vẫn là liên quan đến sợi chỉ đỏ của loạt bài này: uyên nguyên 4000 năm Trung Quốc – Việt Nam. Tôi nói cái giai đoạn “Bách gia tranh minh” ấy là để đặt câu hỏi: lúc ấy Việt Nam đang ở đâu? Thời đại “Bách gia chư tử” đó được diễn ra từ những năm 600 TCN đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc vào năm 221 TCN (Ví dụ Khổng Tử sinh năm 551 TCN và mất năm 479 TCN). Có nghĩa, khi Khổng Tử lập nên Nho Gia, thì nước Việt ta vẫn đang trong thời đại Vua Hùng và nước Văn Lang. Câu hỏi tiếp theo: Vậy thời đại Vua Hùng ấy chúng ta có hệ tư tưởng triết học lớn nào? Có “Bách gia tranh minh” nhà nhà đua tiếng hay không? Hay những gì chúng ta có trong tay chỉ là câu chuyện “Sự tích Bánh Chưng Bánh Giày”, hoặc “Sơn Tinh Thủy Tinh” với “Hùng Vương thứ 18 có một người con gái tên là Mị Nương, người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu..” Hãy nhìn vào sự thật trần trụi rằng, khi mà Trung Nguyên đang “tranh minh”, thì phía Nam vẫn đang “tranh tối tranh sáng”. Xin lỗi những người giàu tính dân tộc, thực tế là trước và sau thế kỷ V TCN đó thì chỉ có nền chính trị dân chủ của thành bang Hy Lạp cổ đại mới sản sinh ra được những bậc thầy tư tưởng ngang với thời Xuân Thu – Chiến Quốc mà thôi. Các nhà sử học trên thế giới đều nhận định rằng, những triết gia phương Đông như Khổng Tử, Hàn Phi Tử...cùng với những triết gia Phương Tây như Socrates, Platon, Aristotle...đã cùng nhau “Lập nên những tấm bia lớn sừng sững cho nền văn minh nhân loại.” (Ở đây, tôi không nhắc đến Ấn Độ, Ba Tư hay Ả Rập).
Vậy thì, đứng cạnh một nền văn minh vĩ đại và phát triển như thế, trong khi Việt Nam ta đang trong thuở hồng hoang, thì liệu ta có thể thoát nổi móng vuốt khổng lồ ấy? Câu trả lời là không thể ! Không phải tư liệu, không phải dã sử hay chính sử. Việc này liên quan đến tính logic trong sự phát triển của loài người. Bạn còn nhớ lời cảnh báo của thiên tài vật lý Stephen Hawking về việc nhân loại cứ thích đi tìm người ngoài hành tinh chứ?
Stephen Hawking đã nói thế này:“Hãy ngừng việc tiếp cận người ngoài hành tinh lại trước khi quá muộn. Nếu họ yếu hơn chúng ta, họ sẽ tránh mặt. Nhưng nếu họ mạnh hơn chúng ta, thì họ xem chúng ta chẳng hơn gì lũ vi khuẩn." Hawking tin rằng, nếu người ngoài hành tinh ghé thăm Trái Đất ta thì kết quả cũng giống như khi Columbus đặt chân lên châu Mỹ, người Trái Đất sẽ thành nô lệ của người ngoài hành tinh. Vâng ! Đến đây có lẽ bạn đã hiểu ra tính logic của vấn đề. Để sang bên những trang sách, những luận điểm kiểu sử gia, chỉ có tính khả dĩ đúng là ở lại. Việt Nam thời kỳ hồng hoang đó cũng như người dân da đỏ sống tại Châu Mỹ, còn người Trung Nguyên để mắt đến phương Nam thì giống thực dân phương Tây với vũ khí và nền văn minh vượt trội bước vào. Và vì có sự chênh lệch về văn minh đó (đã được chứng minh trong lịch sử), nên việc Bắc Thuộc lần thứ nhất là điều chắc chắn phải xảy ra. Vấn đề chỉ là ở mức độ nào mà thôi. Khủng khiếp như miêu tả? Hay là thực tế vẫn dễ chịu hơn nhiều. Đây chính là điều quan trọng nhất của bài viết, cần hiểu thế nào cho đúng về 1000 năm Bắc Thuộc ấy:
Có 4 điểm tôi lưu ý ở đây:
1. Vị trí địa lý của Việt Nam cách quá xa Trung Nguyên. Vào thời điểm cách đây 2500-3000 năm thì chính quyền trung ương Trung Quốc chưa vươn tay đến Việt Nam theo kiểu xâm lược, vì Trung Nguyên giai đoạn ấy phải đối diện với bao nhiêu lo toan.
2. Suy nghĩ của người Trung Quốc là suy nghĩ “thiên hạ”. Thiên hạ ở đây là gì? Là người. Ở đâu có người, thì ở đó là đất của Hoàng đế Trung Quốc hết. Và vì thế họ có thói quen nhận vơ các vùng đất chưa từng đặt chân tới. Họ vẽ bản đồ với họ là trung tâm. Đừng nói Việt Nam, các sứ thần La Mã đến tận nơi còn phải nghe câu “đất đai trong thiên hạ đều là của hoàng đế”.
3. Trong một số tài liệu như Hậu Hán Thư thì miêu tả vùng đất của chúng ta man di, mọi rợ, giọng điệu rất coi thường không coi đó là một quốc gia. Nếu không coi là quốc gia, thì làm gì có cái gọi là “Bắc thuộc”.
4. Vào năm 1407, khi nhà Hồ thất bại và nước ta rơi vào tay nhà Minh, thì nhà Minh đã đốt hết sách vở của chúng ta. Tài liệu mà Ngô Sĩ Liên sử dụng để viết “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” tham khảo rất nhiều từ tài liệu bên Trung Quốc. Và “Toàn thư” đến hôm nay dẫu cho bị đánh giá là khá nhiều sai sót. Đương nhiên đây vẫn là bộ “Quốc sử” giá trị nhất, đáng để tham khảo đầu tiên của người đọc sử.
Và cuối cùng, đó là câu chuyện liên quan đến những “chính khách” thời kỳ này. Hôm nay, tôi xin kể cho các bạn nghe về họ qua các tài liệu sử học mà tôi tìm được. Mong sao hậu thế đời sau đọc lại, rút tỉa ra những bài học, và không bị đóng đinh rằng giai đoạn đó ai cũng là Tô Định, Mã Viện…, mà còn có những Lữ Gia, Sĩ Nhiếp, Tích Quang và Nhâm Diên.
1. Lữ Gia:
Tên của ông không lạ với… người đi đường. Bởi lẽ đó là cái tên được đặt cho những cung đường trung tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh hay thành phố Đà Lạt. Thậm chí ở Thành phố Hồ Chí Minh còn có Cư xá Lữ Gia, trường THCS Lữ Gia. Nhưng Lữ Gia là vị thừa tướng ba đời của vương quốc Nam Việt, một vương quốc do Triệu Đà lập ra, và vẫn còn tranh cãi trong giới Sử Học về tính chính thống của vương quốc này. Vậy vì sao lại có sự đồng nhất đến như thế về con người của Lữ Gia? Thứ nhất là bởi ở nhân phẩm của ông, người đã cố gắng mọi cách cho đến tận khi chết để ngăn chặn việc quốc gia bị sát nhập vào đế quốc Hán. Theo như “Sử Ký” chép lại thì: “Ông được lòng người hơn Quốc Vương.” Thứ hai bởi vì ông cũng là người con đất Việt, ông sinh ra ở một huyện thuộc quận Cửu Chân, thuộc vùng Thanh-Nghệ ngày nay.
Năm 113 TCN, sau khi Triệu Minh Vương băng hà, nhà Hán sai An Quốc Thiếu Quý qua Nam Việt dụ vua mới là Triệu Ai Vương và Cù Thái Hậu qua chầu. Vốn Thái Hậu là người Hàm Đan. Xưa kia từng tư thông với sứ giả An Quốc Thiếu Quý. Giờ hai bên gặp lại nhau, lại tiếp tục tư thông. Sự dâm loạn khiến dân trong nước đều biết cả. Cù Thái Hậu thấy thế làm sợ, mới cùng sứ giả An Quốc Thiếu Quý dụ dỗ Triệu Ai Vương dâng Nam Việt cho nhà Hán. Hành động bán nước ấy khiến thừa tướng Lữ Gia tức giận, có ý chống lại. Cù Thái Hậu và Triệu Ai Vương mới tổ chức tiệc rượu, định hại chết Lữ Gia nhưng bất thành. Lữ Gia về nhà, cáo ốm, âm thầm tổ chức lực lượng.
Lúc này, ở bên Trung Quốc thì Hán Vũ Đế đã nhận được tin từ Nam Việt. Hán Vũ Đế cho quân kéo qua Nam Việt. Lữ Gia liền hành động trước. Đầu tiên ông phó cáo cho thiên hạ về tội lỗi của Thái Hậu, sau đó đem quân giết cả Triệu Ai Vương, Cù Thái Hậu, lẫn sứ giả An Quốc Thiếu Quý. Tiếp đó, ông đưa Triệu Kiến Đức là con trai của Triệu Minh Vương, với mẹ là người Việt lên ngôi vua, xưng là Triệu Dương Vương. Dẹp xong nội loạn, Lữ Gia tiến ra Phiên Ngung diệt ngoại xâm. Tướng Hán là Hàn Thiên Thu theo lệnh của Hán Vũ Đế vào Nam Việt. Lữ Gia dàn quân và chém được Hàn Thiên Thu.
Hán Vũ Đế nghe tin Thiên Thu bị giết, tức giận mới sai một kiện tướng là Lộ Bác Đức qua đánh. Lộ Bác Đức dùng hỏa công, khiến Lữ Gia thua trận phải chạy ra ngoài biển. Lộ Bác Đức dụ những hàng tướng, rồi cho họ đi bắt và giết Lữ Gia. Vị thừa tướng già nua của nước Nam Việt chết đi, nhưng tinh thần bất khuất của ông trở thành tấm gương cho lớp hậu thế đời sau trong các cuộc chiến đấu bảo vệ bờ cõi trước giặc phương Bắc.
“Lữ Gia chống Hán lưu sử tích; Lịch sử ngàn xương mãi khắc ghi”.
2. Tích Quang và Nhâm Diên:
Hai vị thái thú này đều là người Trung Quốc. Tích Quang là người Hán Trung, làm thái thú quận Giao Chỉ (khu vực Bắc Bộ ngày này). Thời gian cai trị bắt đầu từ giai đoạn Hán Bình Đế bên Trung Quốc, tức là từ năm thứ 1. Về sau Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán. Tích Quang không phục, đóng biên ải chống cự. Cũng theo đó mà những sĩ phu trung thành nhà Hán chống Vương Mãng cũng theo xuống Giao Chỉ, góp phần truyền bá văn minh Trung Hoa lên vùng đất này. Còn Diên Quang là người huyện Uyển, Nam Dương, làm thái thú quận Cửu Chân (khu vực Thanh-Nghệ-Tĩnh ngày này) vào thời Hán Quang Vũ Đế, đầu niên hiệu Kiến Vũ bên Trung Quốc. Theo một số tài liệu còn để lại thì giai đoạn ông làm thái thú quận Cửu Chân chỉ kéo dài 4 năm từ khoảng năm 29 đến năm 33.
Tích Quang dạy dỗ dân di, phổ biến ngôn ngữ, và một phần kỹ thuật canh tác Trung Hoa ở vùng Giao Chỉ. Trong khi Nhâm Diên theo như Hậu Hán Thư chép lại thì “dạy dân khai khẩn”, ngoài ra còn sắp xếp lại các phong tục theo đúng lễ nghĩa, được nhân dân Cửu Chân quý trọng. Các đạo Khổng, Mạnh du nhập vào Việt Nam cũng bắt đầu từ những vị thái thú này, và có thể còn là những kiến trúc Việt-Hán. Hậu Hán Thư nhận định về họ bằng những dòng: “Phong tục Hoa Hạ nằm ở Lĩnh Nam, đều bắt đầu từ hai viên quận thú này vậy.”
Có thể nói rằng, nếu như Lữ Gia để lại bài học về một tấm gương chống giặc ngoại xâm còn lưu truyền, thì Tích Quang – thái thú quận Giao Chỉ, và Nhâm Diên – thái thú quận Cửu Chân được ghi nhận là những người “dạy dân lễ nghĩa.” Ở đây, việc nhắc đến những thái thú như Tích Quang hay Nhâm Diên trong trầm tích lịch sử của giai đoạn 1000 năm Bắc Thuộc này cũng chính là một cách để hiểu lịch sử trong giai đoạn này. Hậu thế đời sau ít khi được nghe Tích Quang hay Nhâm Diên, nhưng đọc về họ, nghiên cứu về họ cũng là một cách nắm được mối quan hệ uyên nguyên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Qua đó có các đối sách phù hợp với Trung Quốc trong thời đại toàn cầu hóa ngày hôm nay.
3. Sĩ Nhiếp:
Nếu như Lữ Gia là người Việt, Tích Quang, Nhâm Diên là người Hán, thì Sĩ Nhiếp là người Việt gốc Hán. Gia tộc ông trung thành với nhà Hán nên sau khi Vương Mãng tiếm quyền, đã chạy xuống phương Nam. Đến đời của Sĩ Nhiếp là đời thứ 6 sinh sống tại Việt Nam. Sĩ Nhiếp được cha cho đi du học ở kinh sư, rồi đậu hiếu liêm. Sau đó được bổ làm Thượng thư lang, vì việc công bị bãi chức. Sau khi hết tang cha, lại được xét cử Mậu tài, phong làm Vu lệnh, cuối cùng là làm thái thú quận Giao Chỉ trong giai đoạn phức tạp mà cũng nổi tiếng đặc sắc nhất của Trung Hoa: thời đại Tam Quốc. Chuyện về ông được chép trong Tam Quốc Chí của Trần Thọ. Trong Ngô Thư quyển về ‘Lưu Do, Thái Sử Từ, Sĩ Nhiếp” có lời đánh giá về ông: “Nhiếp khí lượng khoan hậu, khiêm tốn với kẻ sĩ, sĩ nhân Trung Quốc đến lánh nạn có đến hàng trăm.” Thư của Viên Huy gửi đến Tuân Úc thì có đoạn: “Sĩ phủ quân ở quận Giao Chỉ đã uyên bác về học vấn, lại thấu hiểu việc chính trị, ở giữa thời đại loạn, giữ vẹn một quận, hơn hai mươi năm bờ cõi vô sự, dân không mất nghiệp, bọn khách trọ ở đó, đều được nhờ mông ân che chở, dẫu Đậu Dung giữ đất Hà Tây, sao đã hơn được?”
Dẫu thiên hạ tang loạn, nhưng Sĩ Nhiếp vẫn biết cách trị vì yên ổn. Ở nơi xa vạn dặm, uy quyền tôn quý không ai hơn được. Ngoài ra, ông cũng tỏ rõ là một chính khách biết thời thế, nhờ ngoại giao khéo léo nên rất được Tôn Quyền – người đứng đầu nước Ngô thời Tam Quốc phân tranh, liên tục ân sủng. Hậu thế chỉ biết được tài của vị chính khách thời Bắc Thuộc này nếu nhìn vào sự bình yên của Giao Chỉ so với sự đẫm máu cảnh hàng triệu người chết, mất nhà cửa của thời kỳ Tam Quốc phân tranh. Sử gia đời sau như Ngô Sĩ Liên cực kỳ tôn sùng ông. Sĩ Nhiếp quản quận hơn bốn chục năm, năm 226 thì mất, thọ 90 tuổi. Con của Sĩ Nhiếp là Sĩ Huy tiếc rằng lại không giữ được bình yên cho Giao Chỉ. Bởi thiếu sự khéo léo, gây ra một trường đầu rơi máu chảy. Sau này Giao Chỉ rối loạn, Bà Triệu khởi nghĩa đánh quân Ngô, cũng chỉ bởi cái tang loạn đó mà ra cả.
//
Từ những câu chuyện về các vị chính khách trên, cũng như từ 4 điểm lập luận mà tôi chỉ ra về vấn đề Trung Nguyên nhìn về phương Nam, thì tôi xin kết luận như sau: 1000 năm Bắc Thuộc là có nhưng không phải ở quy mô lớn, thực tế “1000 năm Bắc thuộc” nhưng thuộc mà không thuộc. 1000 năm Bắc Thuộc có nhưng không có gì phải xấu hổ để tránh né, phủ nhận. Bởi vì 1000 năm Bắc Thuộc đó không phải là “nô lệ giặc Tàu” như câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà chính là một chặng đường “chuyển tiếp” cần có để sinh ra một nước Việt Nam. Đấy là thời điểm mà bản thân dân tộc Việt cũng hấp thụ được những tinh hoa về kỹ nghệ, văn hóa, chữ viết, tôn giáo từ một trong những cái nôi văn minh nhân loại, qua đó từ từ hình thành một nhà nước ưu việt hơn những Văn Lang, Âu Lạc trước đó, sinh ra một lớp trí thức anh hùng mới không quên nòi giống Việt để đứng ra độc lập tự chủ với phương Bắc. Và bước ngoặt đến khi một vị anh hùng xuất hiện mà như Phan Bội Châu đã gọi “Tổ trung hưng của dân tộc”, đó là Tiền Ngô Vương Ngô Quyền, với chiến thắng trên sông Bạch Đằng, ngài chấm dứt hoàn toàn cụm từ “Bắc Thuộc lần thứ nhất”.
Tại sao tôi có thể khẳng định “Bắc Thuộc lần thứ nhất” là có, nhưng không nặng về tính nô lệ như “Bắc thuộc thời Minh” hay suy nghĩ “xâm lăng”. Và càng khác hẳn cái cách “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn” mà ta đang đóng đinh sẽ như vậy? Vấn đề là hoàn cảnh của thời đại. Thời kỳ Bắc Thuộc 1000 năm, vốn dĩ ở vào một giai đoạn hồng hoang sương khói, nước Việt Nam ta thời điểm ấy mang tính bộ lạc cao hơn tính nhà nước. Suy nghĩ của phương Bắc về phương Nam thuần túy là vấn đề di dân, khai khẩn là chủ yếu, các thái thú đến cai trị giống như một ông vua con để mở rộng lãnh thổ của hoàng đế. Trong khi đó, ở lần Bắc Thuộc mà giặc Minh xâm lược nước ta, thì Đại Việt ta đã là một đất nước hoàn chỉnh, anh hùng, đẹp đẽ, với nền văn minh cơ bản và triều đình đâu ra đó. Đại Việt ta đã có trong tay Binh Thư Yếu Lược, Đại Việt Sử Ký , đã có Hình Thư, Hình Luật, đã có tấm gương Hưng Đạo Vương 3 lần đuổi quân Nguyên Mông, đã có Lý Thường Kiệt vả lệch mõm quân Tống xâm lược, đã có Lê Đại Hành đánh đông dẹp bắc. Cho nên suy nghĩ của phương Bắc với lần xâm lăng này sẽ khác. Đẩy mạnh về đồng hóa, mạnh về tiêu diệt, mạnh về diệt chủng. 20 năm mà giặc Minh xâm lược, tội ác chất chồng. Nguyễn Trãi viết trong “Bình Ngô Đại Cáo” với những ngôn từ đầy căm phẫn “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội/Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.” Nhưng ở phía ngược lại, “Chiếu dời đô”của Lý Thái Tổ lại có câu “Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi…” Cao Vương mà Lý Thái Tổ nhắc đến trong Chiếu Dời Đô chính là Cao Biền – tiết độ sứ nhà Đường cai quản ở Việt Nam. Thái độ của người Việt với người Hán ở 2 giai đoạn này rõ ràng là hoàn toàn khác nhau. Tức vấn đề "Bắc Thuộc" khác nhau rất nhiều về tính chất.
Tuy nhiên cũng xin nói rõ, tôi vốn là kỹ sư xây dựng nên không có được nhiều tài liệu nghiên cứu, lại thiên về tính logic của quy luật phát triển chứ không chuyên trích câu cú. Bởi vậy thật sự không dám nhận mình đúng toàn bộ. Chỉ mong bài viết này giúp cho các bạn thêm nhiều kiến thức, tìm tòi nghiên cứu, và qua đó đi tới chân lý, có được nhiều bài học cho thế giới toàn cầu hóa hôm nay.
Đi đến phần cuối của bài viết:
Một trong những lý do mà nhiều người đã cố gắng giải đáp và cũng đã nói nhiều lần, “1000 năm mà nước Việt vẫn tách ra được khỏi Trung Nguyên”. Có lẽ đọc phần trên các bạn đã hiểu được nhiều rồi. Vấn đề “hòa nhập mà không hòa tan”, “hấp thụ văn minh và truyền bá ngược lại văn hóa Việt” (thực tế chúng ta đã có ý thức dân tộc từ trước khi phương Bắc vào). Cũng như hoàn cảnh chuyển tiếp văn minh chứ không phải ở hoàn cảnh “Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”. Đó chính là điều quan trọng nhất. Ngoài ra còn một vũ khí đặc biệt đó chính là việc cha ông ta giữ được tiếng nói của người Việt. Trong thư của vua Tống dụ Lê Hoàn có một câu rất đáng chú ý sau: “dân khanh nói líu lo như chim”. Thực tế dù bị ép học chữ Hán, nhưng ta đã đọc chữ Hán bằng tiếng Việt, và qua đó giữ được tiếng nói của dân tộc trong giai đoạn bị cưỡng bức học và dùng chữ Hán. Cũng trong hơn 1000 năm ấy, người Việt chưa bao giờ quên đi tổ tiên của mình. Bên trong lũy tre làng vẫn kể cho nhau nghe về ngày đầu của người Việt, bên ngoài vẫn giữ được phong tục nhai trầu. Và những con người như Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Thúc Loan, Lý Nam Đế...đều không quên nhắc nhở con em một ngày phải biết đứng dậy lấy lại đất nước cho người Việt khi điều kiện đủ chín muồi. Mọi thứ cuối cũng đã đến, khi tầng lớp tinh hoa sinh ra, và dòng họ Khúc đặt nền móng với cuộc “binh biến nhung”, rồi Ngô Quyền chiến thắng trên sông Bạch Đằng, và Đinh Bộ Lĩnh thống nhất Sông Hồng về một mối, để nước Việt xuất hiện trở lại, kiêu hãnh hơn, ưu việt hơn, và bền vững hơn cho đến ngày hôm nay.
Từ đó mà nói:
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Hết phần 2)
//
Đến đây, dòng chảy 4000 năm ấy thì các bạn đã đi được 3/4 chặng được rồi. Có thể còn nhiều lấn cấn, nhưng theo cách nào đó, các đám mây mù mờ cũng lần lượt được vén ra để các bạn đi tìm cho mình chân lý. Lịch sử không chỉ trong khung kính, lịch sử là bài học của tiền nhân, khi tôi viết bài này là vì ngoài khơi Biển Đông đang dậy sóng.
Hẹn các bạn phần 3 của bài viết trong thời gian tới. Tôi sẽ kể về 1000 năm tiếp theo, 1000 năm ngoại giao dựng nước và giữ nước.
Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn và thể hiện quan điểm của cá nhân Dũng Phan!