VIỆT NAM – TRUNG QUỐC, UYÊN NGUYÊN 4000 NĂM ( P4)
CHUYỆN CHIẾN TRANH GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC Chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc là một trong những cuộc chiến tranh có truyền...
CHUYỆN CHIẾN TRANH GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC
Chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc là một trong những cuộc chiến tranh có truyền thống và lâu đời nhất lịch sử nhân loại. Hầu như ở mỗi thời, mỗi triều đại, mỗi thế kỷ đều có ít nhất một cuộc chiến lớn nhỏ giữa hai quốc gia này.
Ngay từ thuở lập quốc chúng ta đã phải chiến đấu với gã hàng xóm béo này. Tạm bỏ qua câu chuyện huyền sử Thánh Gióng đánh giặc Ân, thì được ghi nhận đầu tiên trong chính sử có lẽ là trường hợp Thục Phán dùng chiến tranh du kích để chống lại tướng Đồ Thư của Tần Thủy Hoàng (khoảng năm 214 TCN), rồi sau đó cũng là Thục Phán (giờ đã là An Dương Vương) chống lại vó ngựa cũng xuôi từ phía Bắc xuống của Triệu Đà (tạm bỏ qua về vấn đề Triệu Đà là thuộc về Nam hay Bắc). Kế đó, họ Triệu cũng phải đối phó với những lần nhòm ngó của nhà Hán, cho đến khi hoàn toàn diệt vong khi Hán Vũ Đế sai Lộ Bác Đức qua đánh Triệu Dương Vương và thừa tướng Lữ Gia. Trong giai đoạn 1000 năm Bắc Thuộc, ta có Bà Trưng đánh nhau với nhà Hán, Bà Triệu đánh nhau với nhà Ngô, Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục thì chiến đấu với nhà Lương, Lý Phật Tử thì đối chọi với nhà Tùy, Mai Thúc Loan thì đánh nhau với nhà Đường, cho đến người quan trọng nhất, ông tổ trung hưng nước Việt là Ngô Quyền lại đánh nhau với Nam Hán để mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài.
Đinh Tiên Hoàng “tạm thời nghỉ ngơi”, thì Lê Hoàn lại đánh nhau với nhà Tống lần thứ nhất. Qua thời nhà Lý thì Lý Thường Kiệt phải “cân” với nhà Tống lần thứ hai. Nhà Lý xong thì đến nhà Trần, nhà Trần khổ nhất mà cũng oanh liệt nhất, đánh nhau với Mông-Nguyên cả thảy 3 lần. Tiếp đó nhà Hồ đánh nhau với nhà Minh, thua đứt đuôi con nòng nọc nhưng may được Lê Lợi gỡ lại vốn. Nhà Lê vừa xong thì đến nhà Tây Sơn lại bụp nhau với quân Thanh. Sang đến thời hiện đại thì Lê Duẩn và Đặng Tiểu Bình cũng làm một trận “trầy vi tróc vảy” ở biên giới năm 1979. Tính sơ sơ cũng gần 20 chục trận lớn, chưa kể các trận nhỏ lẻ tẻ.
Có nghĩa là gì? Xuyên suốt triều đại, xuyên suốt lịch sử, từ hồng hoang đến trung đại, cận đại, hiện đại, thì Trung Quốc và Việt Nam đều có can qua. Đây là lý do mà chúng ta sẽ không bao giờ được lơ là. Nhưng điều kỳ lạ ở đây không như Israel và Palestine, không như Đông Âu và Tây Âu, càng không như Tây Âu và Trung Đông mà sự khác biệt về tôn giáo, sắc tộc, kinh tế là nguyên nhân chính cho xung đột, thì Việt Nam và Trung Quốc lại rất tương đồng về chính trị, văn hóa, tư tưởng. Về chính trị, hai nước áp dụng chính trị quân chủ chuyên chế. Về tư tưởng, hai nước đều theo giáo điều Khổng Mạnh, tin tưởng vào Phật-Lão-Đạo. Về văn hóa, thuộc nhóm các nước Đồng Văn, sử dụng nền tảng Hán Tự, các sáng tác Hán Văn, thi họa kể cả kiến trúc đều khá tương đồng.
Vậy vì sao binh lửa?
Gần đây tôi được tặng bộ “Minh thực lục” – Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỷ XIV-XVII. Nếu nói về cảm nhận, thì rất thú vị, nhưng thú vị một cách mệt mỏi. Vì là dịch lại các tấu chương qua lại của Việt Nam - Trung Quốc thời Minh, Hồ, Lê dưới góc nhìn sử gia Trung Quốc. Nên sự mệt mỏi được hình thành ở cái cách sử gia Trung Quốc viết với cái phong cách kẻ cả, tự cao tự đại của thiên triều dành cho các nước xung quanh. Gọi các nước khác là “Di địch”, “Những nước Nam di nhỏ bé ở phương Nam” hay “giặc, cướp”. Còn tự nhận là “Phụng mệnh trời” “lo cho con dân” ..v..v. Họ đánh các nước khác cũng vì con em thiên hạ, và bị thua chạy về cũng vì con em thiên hạ.
Nhưng cũng nhờ đứng ở lăng kính "Bên này-Bên kia" mà tôi có thể nhìn được bức tranh tổng quát như sau:
1) Về cơ bản, suy nghĩ đầu tiên của người Trung Quốc với mảnh đất phương Nam luôn là “Đáng lẽ nó là của mình”. An Nam, Giao Chỉ đều là những địa danh mà họ sử dụng như một cách ẩn dụ của cái thời kỳ Bắc Thuộc xa xưa. Do đó mới hiểu được nỗ lực lớn lao của vua Gia Long khi đòi cho được chữ Việt Nam trong tấu chương phía nhà Thanh (ban đầu ngài đòi Nam Việt).
2) Thứ hai, suy nghĩ của Trung Quốc là suy nghĩ thiên hạ. Khi đánh Việt Nam, đó là "bình định" theo kiểu "vết dầu loang" của lịch sử văn minh Hoa Hạ. Các trường hợp của Trần Thiêm Bình với lá cờ "phù Trần diệt Hồ" chỉ là cái cớ danh chính ngôn thuận của "thiên tử" để mở rộng lãnh thổ .
3) Trung Quốc động binh đó là động binh vì chính trị. Ví dụ trường hợp của Vương An Thạch - Lý Thường Kiệt năm 1075, hay Đặng Tiểu Bình - Lê Duẩn năm 1979.
Vậy suy nghĩ phía Đại Việt là gì? Đấy là sự bảo vệ tính vẹn toàn của lãnh thổ. Và đó chính tiên quyết khác biệt giữa hai quốc gia này. Cũng là nguyên nhân của khói lửa binh đao hàng thế kỷ mà phần thắng luôn nghiêng về Việt Nam. Hôm qua, hôm nay hay mai cũng thế.
Vì sao tôi tự tin như thế? Chúng ta tiếp tục soi vào trong Minh Thực Lục.
Trung Quốc gọi các nước khu vực Đông Nam Á là Man di. Và các nước như Bột Nê (Brunei), Chiêm Thành, An Nam, Lão Qua (Lào)…đều lần lượt cống nạp cho phía Trung Quốc, đồng thời xem Trung Quốc như chỗ dựa trong mỗi lần can qua (hoặc các văn thư qua lại có thể chỉ là tính ngoại giao tô hồng).
Trung Quốc lấy được An Nam thì biến thành quận huyện, gọi là Giao Chỉ. Thua phải rút quân về thì đổ tại thời tiết, khí hậu, hay không muốn dân khổ. Để dẫn dắt câu chuyện cụ thể hơn. Tôi xin trích lại một đoạn trong Minh thực lục, về chiếu phong vương cho Lê Lợi năm 1431 của Minh Tuyên Tông:
“Trẫm thống ngự thiên hạ, thuận theo lòng người mà trị nước, hải nội, hải ngoại đều cư xử chung một lòng nhân.” (Tâm thế của Trung Quốc là chịu mệnh trời, quản cả thiên hạ. Chắc cũng là lý do sau này hay thích đòi lật đổ thằng Mỹ).
“An Nam các ngươi bị bọn Lê Quý Ly soán ngôi giết chúa, tàn hại một cõi” (Nói về chuyện Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần).
“Thái Tông hoàng đế bèn mang quân hỏi tội” (lấy danh nghĩa “phù Trần diệt Hồ” để cướp nước)
“Muốn khôi phục họ Trần nhưng tìm con cháu khắp nơi không gặp” (Sau này Lê Lợi dùng “gậy ông đập lưng ông” đúng chiêu này).
“Bèn thuận theo ý đám đông mà lập quận huyện” (Vâng, là thuận ý đám đông thôi chứ có muốn cai trị Đại Việt đâu).
“Vào tháng 10 năm Tuyên Đức thứ hai có Trần Cảo tự xưng cháu nội của Vương An Nam xưa từ Lão Qua trở về , cùng đầu mục Lê Lợi xin lập Cảo kế tục nhà Trần, lời lẽ thành khẩn (“Tuyên Đức” thì bạn đừng quên câu thơ Nguyễn Trãi viết “Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng” để thấy ý chí của ông cha. Và khúc sau hiểu được nghệ thuật ngoại giao của Lê Lợi.)
Vừa quay gót thì báo cáo Cảo chết, sau đó thì đầu mục, kỳ lão dâng thư bảo con cháu họ Trần chết hết rồi, xin cho Lê Lợi làm An Nam Quốc Vương (đây đều là kịch bản của Lê Lợi). Sau thì bởi vì “Trẫm ngưỡng lên trên noi gương tiên đế, ngó xuống dưới thương xót dân tình bèn rút các chức quan cai trị” (thực tế là bị đuổi chạy về nước). Ảo tưởng sức mạnh kể cả khi đã hết thời, đây cũng là lý do họ bị Mãn Thanh đập vỡ mặt.
Qua tấu chương trên, bạn có thể phần nào hiểu được về suy nghĩ cai trị của Trung Hoa, tính cách của Trung Hoa. Và lý giải cho việc vì sao họ đánh Việt Nam cũng như vì sao thua Việt Nam. Một bên là chiến đấu cho một lớp vỏ ngoài tham vọng, với một lòng trung đặt ở quân chủ, hay các mục đích chính trị, còn bên kia là chủ nghĩa yêu nước. Bên kia vì suy nghĩ thiên hạ mà đi theo chủ nghĩa trung quân, còn bên kia là trung Nghĩa với Non sông, với đồng bào, đồng loại.
Để nhấn mạnh thêm điều này, tôi xin trích dẫn thêm trong cuốn sách “The Problem of China” của tác gia triết học nổi tiếng Bertrand Russell viết từ những năm 20 thế kỷ trước có nhận xét sau: “Sự tồn tại của đế quốc Trung Hoa có thể duy trì mãi đến hôm nay, không phải do kỹ năng quân sự mà do lãnh thổ và tài nguyên. Trong đại đa số thời kỳ, Trung Hoa thể hiện sự yếu đuối trước chiến tranh”. Ngoài ra ông cũng nói thêm “Các nước láng giềng phía Bắc ở vùng đất cằn cỗi đánh bại được họ, nhưng văn minh thấp hơn nên bị họ hấp thụ ngược lại.” Thật vậy, lịch sử đã chứng minh dân tộc Trung Hoa chỉ giỏi nội chiến, Tào Tháo đánh Lưu Bị, Lưu Bang đánh Hạng Vũ. Còn dân tộc Trung Hoa đứng trước ngoại xâm chỉ là kẻ yếu nhớt. Đế quốc Trung Hoa bị Nhật Bản, Mãn Thanh, Đại Kim, Mông Cổ đánh cho bầm dập dù đó chỉ là các quốc gia nhỏ bé với nền văn minh thua kém. Tuy vậy sau đó lại bị chính người Hán đồng hóa (trừ Nhật Bản).
“Tô Tem Sói” của Khương Nhung đã giải thích việc này dựa trên tính văn minh của bộ lạc. Văn minh Hoa Hạ là phát triển các môn nghệ thuật, những phát minh lớn, là trồng trọt, chăn nuôi, trong khi các bộ tộc du mục là săn bắn. Những người săn bắn thì khát máu hơn, và sức chiến đấu cao hơn dân tộc hái lượm. Bù lại, dân tộc hái lượm có nền văn minh cao hơn. Ông viết "Sự bạc nhược của nước Kim, diệt vong của Nam Tống, thắng lợi của kỵ binh Mông Cổ không liên quan gì đến sức sản xuất cao hay thấp, mà liên quan trực tiếp tới sự tồn tại của dân tộc nông canh và tính cách dân tộc mà họ quyết định." Nói cụ thể "Nông canh phát huy tác dụng to lớn mềm hoá tính cách dân tộc." Còn "Săn bắn, đấu vật, cưỡi ngựa bắn cung, đem theo tinh thần du mục dũng cảm kiên cường tràn xuống Hoa Hạ."
Lý do đánh nhau hơn thua nằm ở cái sĩ khí. Lý do đồng hóa nằm ở dân số và văn minh.
"Một dân tộc dù dũng mãnh đến mấy, nhưng một khi sa vào thế giới ruộng đồng mênh mông của dân tộc Hoa Hạ, đèo lên cổ tinh thần Nho gia, qua vài thế hệ là sói tính bị thoái hoá. Do đồng ruộng Hoa Hạ lớn nhất thế giới, nên sức mạnh mềm hoá của nó cũng lón nhất thế giới." (Trích "Tô tem sói")
Sĩ khí lên trận đi vào nước khác, người Hán suy nghĩ nhiều quá, tính toán nhiều quá, mà tính toán nhiều thì có nhiều cái để mất, cuối cùng sợ ngược sợ xuôi, lên trận chưa nói gì về bảo vệ đất nước đã lo nghĩ về bảo vệ tài sản gia đình. Trong khi các quốc gia nhỏ hơn thì chiến đấu trong thế không còn gì để mất. Họ chiến đấu là vì miếng ăn, vì tính mạng.
Ở đây, tôi có thể nói với tất cả những người đang đọc bài viết này, lẫn tất cả người dân trên thế giới lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc, nếu như họ có thể đọc được bài này từ phía một người Việt Nam: Trung Quốc đánh đấm rất tệ. Lịch sử không hề nói dối, đế quốc Trung Hoa chỉ vĩ đại về văn hóa, kinh tế, công nông thương, chứ quân sự thì chỉ mạnh trên lý thuyết. Đội quân của Trung Quốc hiện đại thậm chí còn tệ hơn vì hơn 1 triệu quân họ đang có thì toàn là … con một cả. Chết mất một em thì gia tộc bị tuyệt tử, tuyệt tôn. Chém gió trên mạng thì giỏi, chứ độ liều thì không có. Còn bố mẹ cũng không cho chính phủ đem đứa con của mình ném vào tử địa.
Quay lại chuyện Việt Nam. Vậy có bao giờ bạn suy nghĩ ở phía ngược lại, Việt Nam đánh Trung Quốc?
3 năm trước, đã có lúc tôi từng nghĩ rằng Quang Trung nếu đánh thì sẽ lấy được Lưỡng Quảng, hoặc ít nhất cũng được một Quảng. Nhưng giờ đây chín chắn hơn nhìn lại, đấy là điều không thể. Không phải vì tôi không tin Quang Trung. Quang Trung Nguyễn Huệ khảng khái, gan dạ, tham vọng, là người có tính cách dữ dội. Một người cương cường hiếu thắng, một chiến thần càn quét một dải đất từ Gia Định ra Thăng Long như Quang Trung là không có tiền lệ của lịch sử dân tộc. Tôi cũng không phải vì hãi hùng trước sức mạnh của Trung Quốc (như phân tích ở trên về khả năng kháng cự của người Hán). Vấn đề nằm ở chỗ thiên thời, địa lợi, nhân hòa của Việt Nam đánh Trung Quốc thật sự là không hề tồn tại.
Hưng và suy của Trung Nguyên so với Phương Bắc (Hung Nô, Nữ Chân, Mông Cổ) rất khác so với hưng và suy của Trung Nguyên so với Phương Nam (Đại Việt). Khi Trung Nguyên mạnh thì Phương Bắc lại yếu, khi Trung Nguyên yếu thì Phương Bắc lại mạnh. Thường các thời kỳ Minh mạt, Tống mạt đều chịu những sự xâm lấn cực lớn từ phương Bắc. Trong khi Việt Nam và Trung Nguyên thì lại gần như tương đồng. Trung Nguyên suy thì Việt Nam suy. Trung Nguyên mạnh thì Việt Nam cũng mạnh theo. Thậm chí cái mạnh này lại rất đồng đều. Trong lịch sử Trung Hoa nếu nói về đánh trận và mở rộng lãnh thổ đương nhiên không đâu qua được hai triều đại Nguyên và Thanh, nhưng nhà Nguyên lại gặp đúng ngay Trần Hưng Đạo, còn nhà Thanh lại gặp phải Quang Trung hoàng đế. Có thể nói đấy là một điều may mắn đặc biệt cho dân tộc. Và ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng không thể làm khó được Trung Quốc. Vì kể cả khi ta có một thiên tài quân sự với lối hành quân thần tốc, chiến đấu hiện đại như Quang Trung, thì đối diện với Quang Trung lại chính là Càn Long – một trong những vị hoàng đế xuất sắc nhất lịch sử Trung Quốc. Trong khi ở phương Bắc, đối diện với Hoàng Thái Cực chỉ là Sùng Trinh – một trong những hoàng đế ngu xuẩn, hồ đồ nhất lịch sử Trung Quốc. Đại Việt có thể sẽ không tạo nên một trường oanh liệt như Thành Cát Tư Hãn, Hoàng Thái Cực. Bù lại chúng ta giữ nguyên được tính vẹn toàn của nền văn minh sông Hồng. Và chúng ta vẫn vỗ ngực được đây là nước Việt Nam, chứ không phải là “Khu tự trị” hay “Dân tộc Việt thiểu số” (điều mà Mông Cổ hay Mãn Thanh giờ phải đối diện).
Giấc mộng Lưỡng Quảng là giấc mộng đẹp, nhưng chỉ là “hoa trong nước, trăng trong gương”, còn giữ vững được dải đất tươi đẹp này trước sức đồng hóa phương Bắc mới chính là phúc đức của dân tộc này.
Nên nhớ, Minh bị diệt vong không phải vì Mãn Thanh mạnh mà vì chính nhà Minh tự diệt vong trước. Thật ra Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Hoàng Thái Cực, Đa Nhĩ Cổn đều không nghĩ có thể lấy được thiên hạ Đại Minh. Họ đánh chỉ vì những nỗi nhục theo kiểu của một bộ lạc chậm tiến, vì vải vóc, miếng ăn. Vấn đề là Đại Minh quá ngu theo cách tự hủy dần dần. Dưới thời Thần Tông thì vơ vét, đánh thuế khốc liệt khiến cư dân của quốc gia giàu có nhất thế giới thời điểm ấy trở nên điêu tàn, dưới thời Hy Tông thì tin dùng thái giám Ngụy Trung Hiền khiến trung thần bị giết, đất nước khánh kiệt, còn dưới thời Sùng Trinh thì kiêu ngạo tự đại, hồ đồ, dốt nát, lại mắc bệnh sĩ diện. 3 kẻ hôn quân lại đối diện với 3 nhân tài lớn nhất 400 năm sau Thành Cát Tư Hãn bên phía Vạn Lý Trường Thành là Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Hoàng Thái Cực, Đa Nhĩ Cổn thì cớ sao mà không bại?
Anh hùng bất khuất, anh hùng bản sắc nhất của thời kỳ Minh mạt để đấu với 3 nhân tài ghê gớm kia chỉ có thể là Viên Sùng Hoán, cũng là người duy nhất 3 lần chận đứng được bước tiến của Nỗ Nhĩ Cáp Xích và Hoàng Thái Cực. Vậy mà Sùng Trinh vì sợ hãi trước cái chí khí anh hùng kia, cố tình mắc mưu phản gián của Hoàng Thái Cực đã giết chết Viên Sùng Hoán khiến cho tiếng oan dậy đất, toàn quân phẫn chí, bỏ về theo tặc khấu. Sau này chính những người ấy đã gia nhập đội quân Lý Tự Thành rồi đánh thẳng vào Bắc Kinh, khiến Sùng Trinh treo cổ tự tử. Lý Tự Thành là người Hán, nhưng lại để quân đội cướp bóc vô số trong thành Bắc Kinh khiến cư dân oán thán. Nhân phẩm cũng tồi tệ, biết Ngô Tam Quế đang giữ Sơn Hải Quan mà vẫn lấy luôn người thiếp Trần Viên Viên, giết cha Ngô Tam Quế khiến Ngô Tam Quế bất mãn mở cửa quan để quân Mãn Thanh tràn vào và có được giang sơn gấm vóc của Trung Hoa. Và hình ảnh Ngô Tam Quế cũng là cho thấy cái tính vị kỷ của người Trung Quốc.
Khi bộ tộc Nữ Chân lập nên được Đại Thanh, chính vẽ ra một bộ mặt khác của Trung Quốc. Một bộ mặt ngu muội với những kẻ hủ nho ngu trung theo tư tưởng Khổng Mạnh. Nhiều người Hán vẫn luôn mồm “Phản Thanh phục Minh” nói bao lời cao đẹp, viết thơ viết văn ra vẻ bi ai. Nhưng chẳng làm nên được tích sự gì. Kim Dung đã sử dụng Lộc Đỉnh Ký để mỉa mai những chuyện này và làm nổi bật lên một Khang Hy hoàng đế, đã đứng cao hơn tất thảy những kẻ ấy về tầm vóc lẫn trí tuệ, suy nghĩ cho dân cho nước. Bây giờ hãy nhìn xuống đi, dưới thời Thanh, lãnh thổ Trung Quốc vượt trội so với Hán, Đường, Tống, Minh. Đế quốc Đại Thanh đã đem về cho người Hán những Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương, Thanh Hải, Hắc Long Giang, và cả Đài Loan. Nhắc bạn để thấy cái hưng thịnh cũng tương đồng nhau, thời nhà Nguyễn, lãnh thổ Việt Nam cũng là lớn nhất lịch sử, hơn xa các thời kỳ Đinh, Lý, Trần, Lê. Tiếp tục, so với những người Mãn như Khang Hy, Ung Chính, Càn Long thì những người Hán như Sùng Trinh, Thiên Khải chỉ là đồ bất tài vô dụng, tầm thường, ngu dốt. Cái trung nghĩa dành cho quân chủ của nhiều người Hán chính là lý do họ bị bại trận trước những cái trung nghĩa cho đất nước.
Tuy nhiên, điều hay ho đặc biệt của Trung Quốc là họ luôn biết soi tấm gương mình ở trong lịch sử. Đảng Cộng Sản Trung Quốc sau này xét lại lịch sử vẫn luôn coi Mãn Thanh là một phần của lịch sử nước họ, xem là niềm tự hào chứ không hề kỳ thị, hay chê bai là đồ yếu đuối làm mất nước. Và Tôn Trung Sơn dù là thầy của Tưởng Giới Thạch thì vẫn được xây dựng là một nhân cách lớn, một người đã khai phá Trung Hoa đi đến văn minh và dân chủ.
Trung Quốc là sự kế thừa di sản lịch sử theo cách nghĩ về hai chữ “thiên hạ” và “đại cuộc”.
Còn Việt Nam là sự kế thừa di sản lịch sử theo tình yêu quê hương đất nước, bảo vệ bờ cõi.
Lời kết:
Sự khác biệt cơ bản ấy đã tạo nên 2 góc nhìn lịch sử khác hẳn nhau. Cũng là nguyên nhân đấu tranh giữa hai bên khác nhau. Và đưa đến kết cuộc khác nhau với chiến thắng dành cho bên đặt lòng trung nghĩa về phía nhân dân, về phía non sông, chứ không phải vì vua hay vì chúa.
Cái hay ho đặc biệt của Trung Quốc với góc nhìn lịch sử thì ta nên học để làm đẹp thêm phần trung nghĩa non sông ta đang có. Không chỉ để phóng khoáng hơn mà còn vì không lãng quên đi các bậc tiền nhân có công với đất nước. Còn cái dở mù quáng của Trung Quốc thì ta nên tránh, để giữ mãi trung nghĩa non sông của người Việt ta.
Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn và thể hiện quan điểm của cá nhân Dũng Phan!
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất