💠 DISCLAIMER: Đọc những điều dưới đây, xin đừng hiểu nhầm là tôi đã thực hiện được tất cả những điều này khi ở độ tuổi 18 đôi mươi nhé. Đây thực sự là những bài học giản đơn, là công thức để có một cuộc sống ít hoang mang, khủng hoảng về sau (nói theo kiểu đơn giản "khổ trước sướng sau" ấy, tuổi trẻ lao động vất vả và có định hướng thì sau 30 sẽ hái trái ngọt, còn thì ngược lại), mà chính bản thân đi qua rồi tôi mới cảm nhận được. Hi vọng là hữu ích cho bạn.

1.Tiếp xúc thế giới tiếng Anh sớm nhất có thể (English is a must):

Tôi là dân học tiếng Nhật, nên rất ngại học tiếng Anh, cứ nghĩ biết tiếng Nhật là đủ, đến tận sau này trình giao tiếp tiếng Anh của tôi sau khi ra trường và đi làm nhiêu năm vẫn chỉ quẩn quanh "hello", "how are you" (nói ra thật xấu hổ +_+).Với cả người Nhật đa số cũng dở tiếng Anh, nên càng giỏi tiếng Nhật bao nhiêu thì tôi lại càng có lý do để lười học tiếng Anh. Thực sự mà nói, tôi cho rằng đây là thiếu sót lớn nhất của tuổi trẻ. Do đó, lời khuyên chân thành cho các bạn ngại học giao tiếp tiếng Anh như tôi hồi xưa là rất mong các bạn đừng vấp phải sai lầm này. Hãy dành thời gian đọc tin tức, đọc báo, đọc sách bằng tiếng Anh, gặp người bản xứ. Nêú có điều kiện thì khi ra trường nên thi Ielts (vì phí thi cũng đắt, và giá trị bằng cũng chỉ 2 năm). Đối với tôi, dù đã qua tuổi 30 mới thi Ielts, tôi vẫn rất mừng vì muộn còn hơn không.

2. Sơ cua thêm 1 vài kỹ năng, sở thích khác ngoài chuyên môn chính (diversify your hobbies):

Đây lại là 1 sai lầm tiếp theo của tôi thời đi học Đại học và thậm chí cả khi đã ra trường. Thời điểm tôi học cách đây hơn chục năm, tiếng Nhật khá là hot, vì vậy ra trường xin việc rất dễ, công thêm bản tính thụ động, chủ quan, ít quan sát, tôi đã không cố gắng tận dùng thời gian rảnh để học thêm các kỹ năng có ích, giờ nghĩ lại thực sự tiếc khoảng thời gian đó. Hơn nữa, hồi đó tôi bị tư duy "một nghề cho chín còn hơn chín nghề" ảnh hưởng nặng, nên không có suy nghĩ ngó ngang, ngó dọc, học hỏi kỹ năng mới...Cho nên là, khuyên chân thành các bạn trẻ là đừng đi vô vết xe đổ này, hãy dành thời gian tìm ra những sở thích của bản thân, hoặc học hỏi kỹ năng mới, không nhất thiết trực tiếp liên quan công việc, sự nghiệp vì sẽ rất dễ gây áp lực. Bất kỹ sở thích, kỹ năng nào cũng đáng được trân trọng, và nếu bạn làm đủ giỏi, đủ tốt thì nó sẽ rất hữu ích cho cuộc sống mưu sinh của bạn sau này...
Đây là anh chàng bác sĩ kiêm Youtuber triệu view người Anh gốc Pakistan Ali Abdaal. Đây là 1 anh chàng rất thú vị, biết coding & web từ năm 11-12 tuổi, trong thời gian học Đại học ngành Y thì lại start up. Sau khi ra trường thì lại chuyển qua mở Youtube và trở thành một trong những content creator cực kỳ thành công...

3. Đặt mục tiêu thu nhập ở các mốc tuổi cụ thể (set income goal):

Lại là một sai lầm trong chuỗi sai lầm của tôi khi mới ra trường suy nghĩ rằng "đi làm lấy kinh nghiệm", hoặc nghĩ đơn giản là "mức sống của mình có bao nhiêu đây, thu nhập chừng này là đủ". Nói chung là tôi không có 1 chút ý thức nào về việc định giá giá trị bản thân khi tham gia phỏng vấn tuyển dụng, lương đủ sống là gật (+_+).
Vì vậy, thực sự là, để có một cuộc sống tài chính ổn định từ sau 30, tôi nghĩ việc cấp thiết là bạn cần lên kế hoạch: ví dụ thu nhập mới ra trường là x, sau 3 năm là y, sau 5 năm đi làm là z… Nếu job 1 chưa đáp ứng được mục tiêu thì làm thêm job 2, cứ vậy mà tiến tới. Thay vì ngồi 1 chỗ chờ đến năm 30 sẽ có được mức lương trên trời rớt xuống thì năm 22 hãy đặt mục tiêu cho từng mốc. Nếu không thì đến năm 30t, khi cơ hội chuyển việc ít đi khi bản thân bạn không phải nằm trong những ngành hot (IT chẳng hạn), bạn sẽ cảm nhận được việc không tranh thủ vươn tới công việc thu nhập cao khi tuổi còn trẻ thực sự là 1 sai lầm đến thế nào...

4. Tìm hiểu đầu tư sớm nhất có thể (Invest sooner rather than later):

Năm 2020 là 1 năm chìm sâu của chứng khoán, lên ngôi của vàng. 2021 lại là 1 năm bật dậy của chứng khoán, vàng bão hòa... Nếu có quan sát diển biến thị trường thì bạn sẽ cảm nhận được việc đầu tư chứng khoán hay các kênh còn lại giống như cái đồ thị hình sin, có lên rồi có xuống, giống cuộc đời có thăng có trầm vậy. Hiểu được quy luật đó sẽ giúp bạn bớt sợ hãi trước việc đầu tư. Vì cái bạn cần là tham gia đầu tư từ sớm và có tầm nhìn TRUNG-DÀI HẠN. Trước khi biết đến đầu tư, tôi luôn có suy nghĩ theo kiểu cổ hủ là "đầu tư chỉ dành cho người nhiều tiền", "mình dở con số, biết gì mà đi đầu tư..." Chính vì những tư duy sai lầm này mà tôi đã bỏ qua việc tìm kiếm các kênh đầu tư. Mà đã đi làm thuê, sống không quá tiết kiệm, lại còn không chịu đầu tư thì bạn biết tương lai tài chính của bạn sao rồi đấy. Đầu tư bao nhiêu thực sự không quan trọng nữa, quan trọng là đầu tư sớm và kỷ luật để tận dụng Quy luật Lãi suất kép(*) .

5. Tìm cách đi nước ngoài trải nghiệm 1-3 năm

Nếu bạn đang độ tuổi 20s, nên tìm cách đi nước ngoài trải nghiệm 1-3 năm, nếu free được thì quá tốt. Nếu năng lực không xuất sắc để tìm đường đi miễn phí được thì cố gắng tiết kiệm 100tr bỏ tiền túi mà đi. Cố gắng làm 1 vòng Châu Á, đi để biết mình là ai, ở đâu và nên sống như thế nào. Tất nhiên sau 30t hoặc bất kỳ độ tuổi nào thì vẫn đi được cả thôi. Tuy nhiên, sau 30t thông thường đã lập gia đình và gánh thêm nhiều trách nhiệm, tâm thế của bạn sẽ không đủ thảnh thơi và tràn trề sinh lực như tuổi 20.
6. Tìm kiếm mentor
Ở độ tuổi 20, thực sự rất khó để biết được mình là ai, mình muốn gì trong cuộc đời này. Chính vì không có mục tiêu rõ ràng nên rất dễ dàng lạc lối, sau một thời gian thì mất định hướng, dần dần trở nên tự ti, luẩn quẩn giữa dòng đời. Vì vậy, sớm tìm ra cho mình 1 người mentor đủ yêu thương, đủ khôn ngoan để hướng dẫn trong cuộc sống là việc rất quan trọng (mặc dù không dễ dàng gì). Mentor nên là mẫu người mà bạn đang muốn hướng đến, hoặc chí ít là nên là người đi trước trong lĩnh vực của bạn. Có như vậy thì họ mới đủ kiến thức để hiểu ngành nghề, lĩnh vực bạn đang học tập và làm việc, để có thể đưa ra tư vấn cho bạn sát thực hơn. Ví dụ, bạn đang học ngoại ngữ thì chí ít mentor của bạn nên là người bản xứ hoặc là người biết ngoại ngữ. Chứ bạn tìm kiếm đến những mentor làm giàu trong các lĩnh vực bán buôn, bán sỉ lẻ... thì khả năng bạn bị lạc lối theo định hướng của họ là rất cao, nhất là khi mentor lại chính là người có tiếng nói trong gia đình.
(Nói về việc tìm kiếm mentor, về cơ bản, tìm kiếm mentor sẽ đòi hỏi kỹ năng network. Mà kỹ năng network thì nói thật, ngay cả những người đã đi làm lâu năm cũng chưa chắc giỏi đâu nếu họ thuộc type thích an phận, ngại giao tiếp, do đó nếu bạn còn là sinh viên và cảm thấy bản thân kém network hoặc chưa tìm ra được thì okay nha, đừng lấy làm buồn)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết đến đây. Đây là những trải nghiệm cá nhân, có thể phù hợp với bạn hoặc không. Bạn đã có những bài học nào từ tuổi 20s? Có thể chia sẻ ở mục Comment để tương tác nhé.
Ký tên: Thelateboomer89