unsplash.jpg

Vào một ngày tháng 3 đầy gió cách đây 5 năm, tôi giữ chặt tay mẹ mình bước vào một nhà thờ ở Maplewood, New Jersey để tiễn đưa người anh trai về với thế giới bên kia. Ban nhạc Bagpipes đang chơi bản Amazig Grace. Tôi nhớ mình đã đã rất lo sợ rằng bố và mẹ tôi sẽ sụp đổ, còn tôi sẽ làm hỏng bét bài phát biểu cảm ơn đến những ai đã đến viếng anh mình.
Nhà thờ chật kín người. Bốn đứa con gái của anh tôi lúc này trông rất vô hồn; tất cả mọi người đều đổ dồn ánh mắt vào chúng. Ai cũng có thể cảm nhận được nỗi đau mất mát và sự sợ hãi của chị dâu tôi ngay lúc này. Khi tôi đứng trên bục phát biểu và nhìn thấy bên dưới là hàng trăm người và tất cả họ có lẽ đều quen biết với anh trai tôi, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé trước cuộc đời mà anh trai mình đã từng sống. Anh ấy đã sống được cuộc sống mà anh ấy muốn: mở một công ty kiến trúc ở New York, nuôi dạy bốn cô con gái nên người, trò chuyện cùng những người hàng xóm ở sân vườn và cả những người lạ mặt khi đi chợ, và đã tham dự khoảng hai triệu bữa tiệc sinh nhật của những đứa trẻ.
Khi nhìn thấy cộng đồng của của anh trai mình, tôi nhận thức sâu sắc được rằng tôi không hề có một cộng đồng như vậy của riêng tôi. Tôi có bạn bè và có một gia đình để yêu thương. Nhưng như Annie Dillard từng viết ‘cách chúng ta sử dụng một ngày cũng chính là cách chúng ta đang sử dụng cuộc đời của chính mình’ (1). Tôi đã dành những ngày tháng cuộc đời để không ngừng trở nên giỏi hơn: tôi làm việc liên tục không ngừng và cố gắng làm được nhiều nhất có thể trong giới hạn 24 giờ một ngày. Tôi không biết làm gì hơn là cạnh tranh, học hỏi để nâng cấp bản thân và cuối cùng là có được những gì tôi mong muốn.
Rõ ràng một điều khi người ta già đi, người ta càng có nhiều cách nhìn nhận cuộc sống. Năm ngoái, trong lúc chiêm nghiệm lại công việc của mình trong một năm qua, Bill Gates đã nói rằng khi còn là một thanh niên trong độ tuổi 20, ông ấy đã bị nuốt chửng bởi việc làm sao để biến Microsoft thành một ‘gã khổng lồ’ trong lĩng vực máy tính cá nhân. Còn bây giờ, ông ấy tập trung vào những người xung quanh mình ‘Tôi đã dành đủ thời gian cho gia đình mình chưa? Tôi đã học được nhiều điều mới mẻ không? Tôi đã có thêm nhiều người bạn không và tôi đã làm cho tình bạn sẵn có của mình thêm sâu sắc chưa? Khi tôi 25 tuổi khi nghe những câu hỏi này chắc chắn tôi sẽ thấy rất buồn cười, nhưng tôi ở thời điểm hiện tại thấy chúng rất có ý nghĩa với mình’.
Trước khi anh trai tôi (Robbie) đổ bệnh, nếu bạn hỏi tôi rằng cộng đồng có quan trọng không, tôi sẽ trả lời ‘có’, nhưng tôi không thật sự nghĩ nhiều về nó và cũng không dành nhiều thời gian để tìm hiểu về nó.
Nhưng sau nhiều đêm trong phòng cấp cứu và những lần ở lại bệnh viện dài ngày và nhìn thấy những đứa cháu gái từng ngày mất đi người bố của mình, tôi bắt đầu mường tượng về cộng đồng. Đó là những người đã xuất hiện tại bệnh viện trước khi họ được yêu cầu và làm những việc mà trước đó họ không có thời gian để làm. Những người hàng xóm sau khi đón bọn trẻ con từ trường về nhà thì đến bệnh viện. Những người bạn đã ở lại. Những người đã nấu bữa trưa cho bốn đứa con gái trong nhiều tháng liền vì ba mẹ chúng không thể nấu được.
Và đó chính là cộng đồng. Và tôi bắt đầu nhận ra cộng đồng là tập hợp những lựa chọn nhỏ bé và những hành động đơn giản mỗi ngày như là: sử dụng ngày thứ 7 rảnh rỗi để làm gì, làm gì khi người bạn hàng xóm ngã bệnh, làm sao để có thời gian cho những người mà mình yêu thương khi mình quá bận rộn, hiểu được người khác và cảm thấy mình được hiểu, đầu tư vào một nơi cụ thể nào đó thay vì tất cả mọi nơi (2). Các cộng đồng được xây dựng như những khối lego - từng khối một được đặt lên nhau. Chỉ có thể là như vậy, không có cách làm nào khác nhanh hơn.
Khi Robbie qua đời, tôi muốn mình làm việc ít lại và sống có ý nghĩa hơn. Sống có ý nghĩa hơn bằng cách kết nối nhiều hơn – không chỉ kết nối với gia đình và bạn bè mà cả với những người xung quanh mình, những người mà sẽ đứng ra bảo vệ người thân của tôi khi tôi không còn trên đời nữa.

Điều gì đang xảy ra với cộng đồng?

Nhờ Facebook và Instagram, nhiều người trong chúng ta vẫn giữ được liên lạc về mặt danh nghĩa với những người bạn thời trung học và những đồng nghiệp cũ xa xưa. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, các cộng đồng đang bị thu hẹp lại. Từ năm 1985 đến năm 2009, vòng tròn kết nối trung bình của một người Mỹ — được xác định bằng số người bạn tâm giao mà họ cảm thấy rằng họ đang có — đã giảm hơn một phần ba. Chúng ta có thể có hàng trăm người bạn trên Instagram, nhưng bằng chứng cho thấy những kết nối đó không phải là thứ cung cấp cho chúng ta phương thức xã hội mà chúng ta cần, cái chúng ta cần là sự tương tác giữa con người với nhau. Khi chúng ta càng trở nên 'kết nối' hơn trên mạng xã hội, chúng ta dường như  đánh mất các mối quan hệ ngoài đời thật - không trò chuyện với một người bạn cũ, không mời được người bạn hàng xóm sang nhà để uống cà phê hoặc chỉ đơn giản là là những hành động thường ngày như nói chuyện với ai đó trên đường đến tàu điện, mua một ly cà phê từ một tiệm mà bạn biết tên người nhân viên pha chế. Tất cả những điều kể trên có thể giúp xoa dịu nhu cầu xã hội của chúng ta.
Julianne Holt-Lunstad, giáo sư tâm lý học tại Đại học Brigham Young cho biết: 'Con người cần những người khác để tồn tại. Bất kể giới tính, quốc gia hay nguồn gốc văn hoá, tuổi tác hay điều kiện kinh tế, kết nối xã hội là rất quan trọng đối với sự phát triển, sức khỏe và sự tồn tại của con người'.
Năm 2010, Holt-Lunstad đã công bố nghiên cứu cho thấy những người có kết nối xã hội yếu hơn có nguy cơ chết sớm cao hơn 50% so với những người có những kết nối mẽ hơn. Bà cho biết việc bị ngắt kết nối xã hội có thể gây nguy hiểm tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày và có khả năng chết sớm hơn ảnh hưởng của ô nhiễm không khí hoặc việc không vận động thể chất.
Bạn có thể có bạn bè và gia đình nhưng vẫn cảm thấy thiếu kết nối cộng đồng. John Cacioppo (qua đời năm ngoái) đã đi tiên phong trong lĩnh vực khoa học thần kinh xã hội và dành hơn hai thập kỷ để nghiên cứu về sự cô đơn. Ông đã giải thích sự cô đơn có thể bị hiểu nhầm như thế nào - liên quan đến sự cô lập xã hội, trầm cảm, hướng nội và kỹ năng xã hội kém, trong khi thực tế sự cô đơn không được phân loại theo thu nhập hoặc giai cấp, chủng tộc hoặc giới tính. Nó ở khắp mọi nơi. Thật vậy, bất cứ ai sống trong một thành phố lớn đều biết điều này là đúng: bạn có thể có 100 người bạn và cảm thấy cô đơn. Như Matthew Brashears, người thực hiện nghiên cứu mạng xã hội tại Đại học Nam Carolina, đã nói: “Vấn đề không phải là“ bạn có bị cô lập/một mình hay không. Câu hỏi đặt ra là bạn có đang gặp phải tình trạng trống rỗng và thiếu sự hỗ trợ của mọi người không?
Đối với cả người trẻ và người già, người giàu và người nghèo, câu trả lời dường như là “có”. Khi BBC thực hiện một cuộc khảo sát gần đây về sự cô đơn đối với 55.000 người về các mối quan hệ của họ, kết quả khảo sát cho thấy những người trưởng thành trong độ tuổi từ 16 đến 24 là những người cô đơn nhất, với 40% trả lời rằng họ cảm thấy cô đơn “thường xuyên” hoặc “rất thường xuyên”. Trong khi đó, chỉ 27% những người trên 75 tuổi có phản ứng tương tự.
Vấn đề này cũng ảnh hưởng lên các nền văn hoá khác nhau. Khi quỹ Kaiser Family khảo sát các quốc gia phát triển trên tờ the Economist vào năm 2018, tổ chức này nhận thấy rằng 9% người trưởng thành ở Nhật Bản, 22% ở Mỹ và 23% ở Anh luôn hoặc thường xuyên cảm thấy cô đơn, thiếu bạn đồng hành, cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bị cô lập. Mọi người khao khát cảm giác thân thuộc. Tuy nhiên, chúng ta tập trung vào việc làm thế nào để trông đẹp hơn, tập thể dục hiệu quả và làm việc hiệu quả, và thường bỏ qua việc thực hiện các bước cần thiết để xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội.

Lựa chọn hạnh phúc

Các lựa chọn đều để lại hậu quả. Anh trai tôi và vợ anh ấy đã chuyển từ Upper West Side, New York đến vùng ngoại ô ở New Jersey ngay trước khi đứa con thứ hai trong số bốn đứa con gái của họ chào đời. Tôi cảm thấy thương hại họ vì quãng đường từ nhà họ đến công ty, các trung tâm mua sắm nhỏ trên đường, ngày qua ngày cứ giống nhau đến lạnh người.
Anh trai tôi, khi đó là kiến trúc sư của một công ty tên tuổi, đã nhìn thấy những gì tôi đang thấy. ‘Em nghĩ ở đây chán phát ngán phải vậy không? Không hề đâu nhé!'. Anh trai tôi sẽ nói như thế khi tôi chuẩn bị lên tàu đi từ thành phố đến chỗ của anh vào cuối tuần. Anh ấy khen lấy khen để vì ở đây không gian rộng rãi, có khoảng sân rộng cho bọn trẻ chạy nhảy, có thể đặt được tấm bạt lò xo mà chúng có thể nhảy lên, những chiếc xe đẩy có thể để bên ngoài. Mọi người ghé qua nhà nhau để trò chuyện hoặc đưa chở con cái họ đến để chơi cùng nhau. Anh trai tôi có hàng xóm láng giềng; họ biết tên những đứa trẻ của nhau và những điều kỳ lạ mà mỗi đứa đều sợ (nhện; thạch; đi chân trần). Cứ hết buổi tiệc sinh nhật nhàm chán này lại đến một cái khác, nhưng anh ấy đã ăn mừng tất cả cùng bọn trẻ một cách vui vẻ.
Tôi thích phóng ra khỏi xe lửa chạt đến Đại lộ Maplewood, đặc biệt là vào những ngày mùa thu với những chiếc lá đỏ và vàng ở khắp mọi nơi, hoặc vào mùa đông, khi tuyết chưa tan ra thành màu đen nhão nhoẹt. Nhưng nhìn chung, toàn bộ đều không hấp dẫn được tôi. Chồng tôi và các con của tôi đang ở thành phố New York. Chúng tôi đưa con đến các buổi ký tặng sách của Mo Willems, các buổi hòa nhạc của Laurie Berkner, và cùng nhau khám phá con đường High Line. Chúng tôi đã rất hạnh phúc khi có được một cuộc sống bận rộn, chào đón một và sau đó là hai đứa con rồi cùng nhau xây dựng một mái ấm.
Nhưng những lần đi dạo trên High Line, xung quanh là những người đang chạy bộ vào buổi sáng sớm, những thương nhân và chủ ngân hàng bóng bẩy, những nhà tư vấn, diễn viên và những tín đồ thời trang, tôi khao khát sự bình dị. Đâu rồi những con người phờ phạc vì thiếu ngủ trong chiếc quẩn nỉ chứ không phải chiếc quần bó sát hiệu Lululemon trị giá 100 đô la? Đâu rồi những con người mệt mỏi đến nổi không thể chải tóc và có cảm giác rằng mình đang thất bại trên mọi mặt trận? Tất cả những gì tôi có thể thấy là con người đang cố gắng để giỏi hơn. Tôi chắc chắn rằng nhiều người muốn vượt ra khỏi giới hạn của bản thân. Nhưng hầu hết mọi người có vẻ như đều đang bận rộn để trở thành một người chơi giỏi trong một một trò chơi quan trọng của cuộc đời họ.
Tôi cảm thấy cô đơn mặc dù ở thời điểm đó tôi không hiểu tại sao. Chuyện này không thể được — tôi có bạn bè, tôi có con cái, tôi không có thời gian rảnh. Làm sao tôi có thể cô đơn được chứ?
Nhà nghiên cứu về sự cô đơn Cacioppo nhận thấy rằng nhiều điều chúng ta nghĩ sẽ giúp ích chúng ta — cải thiện kỹ năng xã hội hoặc tăng mức độ tương tác xã hội — trên thực tế là không. Điều giúp ích cho những người cô đơn là giáo dục họ về cơ chế làm việc tự động của não bộ, nó khiến chúng ta rút lui vào chế độ tự bảo vệ và cảnh giác cao độ trước các mối đe dọa xã hội. Điều này tự nhiên khiến mọi người ít tham gia vào xã hội hơn và cảm thấy cô đơn hơn, tạo ra một vòng luẩn quẩn. Ông nhận thấy rằng để học cách kết nối đòi hỏi việc xây dựng lại một số cơ vật lý nhất định, bao gồm việc học hoặc học lại các tín hiệu xã hội, bao gồm giọng nói, giao tiếp bằng mắt và tư thế.
Thật sự cần thiết rằng chúng ta phải cho đi để được nhận lại, như Cacioppo giải thích trên tờ Guardian. Cacioppo nói: ‘Chúng ta cần sự bảo vệ qua lại. Nếu bạn chỉ nhận được sự hỗ trợ và bảo vệ từ những người khác, điều này không thỏa mãn cảm giác thuộc về (belonging) sâu thẳm bên trong bạn."
Ý tưởng này được củng cố bởi nghiên cứu của Julia M. Rohrer, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Max Plank, người đã nghiên cứu một nhóm lớn người Đức, những người nói rằng họ cam kết cố gắng trở nên hạnh phúc hơn. Điểm thú vị là một vài người trong số họ theo đuổi các mục tiêu cải thiện bản thân như kiếm một công việc mới hoặc kiếm nhiều tiền hơn, trong khi những người khác cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè và gia đình. Một năm sau, cô nhận thấy những người tập trung vào việc kết nối nhiều hơn với những người khác sẽ hạnh phúc hơn những người theo đuổi sự hoàn thiện bản thân. ‘Kết quả của chúng tôi chứng minh rằng không phải tất cả các mục tiêu theo đuổi hạnh phúc đều thành công như nhau và chứng minh tầm quan trọng to lớn của các mối quan hệ xã hội đối với hạnh phúc của con người’ - nhóm của cô viết trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Psychological Science.
Điều khiến chúng ta hạnh phúc nhất trong cuộc đời chính là người khác. Và những người khác thường là đối tượng đầu tiên lọt khỏi danh sách ưu tiên của chúng ta.

Nhìn thấy là tin tưởng

Vào những  đêm giá rét ở New York, tôi đã ngủ trên chiếc cũi nhỏ với anh trai mình. Lúc này, anh ta đã có khối u nặng 30 pound và để ngăn chặn sự tấn công không ngừng của căn bệnh ung thư, các bác sĩ đã cắt đi chân của anh ta ở hông, nơi tập trung các khối u.
Anh ấy phản đối cuộc phẫu thuật này. Đúng lúc khi tin rằng mình ấy sẽ bình phục và có thể chạy như lúc trước, bác sĩ của anh đã nói rằng anh ấy không thể sống sót nếu không cắt bỏ căn bệnh ung thư theo đúng nghĩa đen.
"Em có nghĩ anh nên làm điều đó không?" anh ấy đã hỏi tôi một cách tuyệt vọng vào một đêm nọ khi gọi điện thoại cho tôi. Tôi an ủi anh ấy rằng mọi chuyện sẽ ổn mặc dù tôi không chắc như vậy. ‘Tại sao mọi chuyện lại đến nước này?’ – tôi tự hỏi.  Sau đó, tôi gọi cho anh ấy để nói cho anh biết về các bộ phận giả trên cơ thể rất hiện đại điện được sử dụng ngày nay. Tôi có thể nghe thấy sự gục ngã trong giọng nói của anh: “Đó sẽ không phải là anh nữa".
Tôi đã bay đến New York cho đợt phẫu thuật đó. Khi tôi đến, anh ấy đang được chăm sóc đặc biệt và đang rất đau đớn. Mỗi khi y tá thay băng cho anh, anh sẽ khóc và năn nỉ họ dừng lại. Điều này đang thực sự đang xảy ra ra với một người đàn ông chưa bao giờ thừa nhận nỗi đau trước đây, một gấu bố vĩ đại có thể bế hai đứa trẻ nặng 40 pound xuống bãi biển trong một ngày nắng nóng gay gắt.
Anh ấy sẽ kêu tôi ra ngoài khi y tá đến chăm sóc vết thương. Tôi nhớ mình đã nghe theo và ngồi ngay bên ngoài cửa phòng, tựa đầu vào một cái bàn bàn, đau lòng khi nhìn thấy anh không còn chân và xung quanh là rất nhiều ống dẫn và máy móc. Một trong những y tá  đến ngồi xổm bên cạnh tôi, nắm lấy tay tôi, nhìn tôi và nói: ‘Anh ấy thật may mắn khi có em’.
‘Tại sao lại như vậy?’ - Tôi nức nở và biết rằng đây là một câu hỏi kỳ lạ dành cho một người cả ngày chứng kiến nỗi đau của người khác. ‘Tôi không biết’ - anh y tá trả lời một cách thật lòng và ôm chặt lấy tôi.
Vào một đêm muộn, khoảng 10 giờ tối, một người bạn đến thăm. Cô ấy mang cho tôi một phần ăn. Chúng tôi nói về công ty khởi nghiệp của cô và cô ấy cũng có có đề cập đến việc mẹ cô ấy đã qua đời. ‘Tôi đã nghĩ mọi thứ sẽ không bao giờ trở lại bình thường nữa. Nhưng cuối cùng thì mọi thứ khá ổn, dù không còn bình thường nữa’ – cô ấy nói. Khi cô ấy ra về, biến mất vào màn đêm buốt giá, tôi mới có thể thở lại được.
Anh y tá. Người bạn của mình. Họ đã cho tôi thứ mà Facebook hay Instagram không thể.

Xây dựng cuộc sống

Chúng tôi đã chuyển đến London giữa lúc anh tôi đang trong cơn bạo bệnh. Tôi cảm thấy lạc lõng, dễ bị tổn thương và cáu bẳn. Tôi rất tức giận với một nửa bạn bè của mình vì đã không hiểu được cái địa ngục trần gian mà chúng tôi đang phải cố gắng sống sót bước qua.
Nhưng sau tất cả những nỗi đau, qua thời gian, tôi dùng những gì tôi học được từ người anh trai mình và bắt đầu vun đắp những gì tôi cần. Khi tôi trở về London sau đám tang của anh, tôi đã dựa dẫm vào một người bạn. Tôi rút vào gia đình của mình. Tôi bắt đầu chơi piano, và ở người thầy dạy piano của mình, tôi nhìn thấy một tâm hồn nhẹ nhàng với những ưu tiên rõ ràng đến mức tôi bắt đầu sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong đời mình. Sức mạnh của sự yên tĩnh. Phần thưởng của việc học. Sức mạnh của âm nhạc và sự cô độc. Nỗi đau của tôi bắt đầu hiện rõ, nhưng không quá ồ ạt.
Chúng tôi chuyển đến một ngôi nhà mới, và tôi làm quen với những người hàng xóm. Tôi đã hành hành động như thể chúng tôi sẽ ở đây mãi mãi, mặc dù tôi không biết chúng tôi sẽ ở đó bao lâu. Tôi không thể cứ luôn nhìn về phía trước tìm kiếm một nơi mới để đến, một công công việc mới hoặc một dự án mới.
Vào một buổi chiều thứ bảy, khi đang ở nhà của mẹ chồng ở một vùng quê để tổ chức sinh nhật cho các con gái của mình, tôi nhận được một cuộc gọi từ biên tập viên của tờ New York Times, anh ấy cần một câu chuyện để đăng bài. Tôi đã phải rời bữa tiệc để viết nó. Vài tháng sau, tôi rời toà soạn Times. Tôi không muốn bỏ lỡ một bữa tiệc sinh nhật nào nữa.
Theo thời gian, chúng tôi đã tìm thấy cộng đồng của mình. Vào sinh nhật lần thứ 10 của con gái tôi, chúng tôi đã ăn tối tại một quán cà phê Ý của ba người anh em nọ trên một con đường gần nhà. Gianluca chào đón chúng tôi bằng những cái ôm. Chúng tôi chia sẻ bữa ăn cùng nhau.
Giáng sinh năm ngoái, chúng tôi chuyển về nhà sau một thời gian nhà cần sửa sang. Căn nhà thì bừa bộn, giáng sinh thì lại đang đến gần còn tôi thì có rất việc tại công ty cần phải làm cho xong. Tôi cần tiền để mua qua cho đại gia đình của mình. Với khói bụi và sự hỗn loạn, tôi thực sự không thể thở được. Cuối cùng tôi phải nhập viện vì bị loét bao tử.
Khi tôi  xuất viện lúc 6 giờ sáng, một người bạn đã đến đón tôi. Cô ấy ghé ngang một hiệu thuốc 24 giờ để mua thuốc cho tôi, chở tôi về nhà cô, cho tôi ăn và đặt tôi lên giường. Tối hôm sau, tôi về nhà, nhưng không tài nào ngủ lại được. Vào giữa đêm, tôi đến nhà một người bạn khác. Cô ấy cũng đặt tôi lên giường. Buổi sáng hôm sau, cô ấy mang cho tôi một chén canh. ‘Mày nấu canh này khi nào đây?’ - tôi hỏi. ‘Tao nấu hôm qua, biết đâu mày sẽ cần’ - cô ấy trả lời.
Vài tuần sau, tôi từ New York bay về thì thấy chồng tôi đang trên giường với cơn sốt dữ dội và không  thấy các con. "Các con đâu rồi?" - tôi hỏi. ‘Ngủ tại nhà Sam và Kate’ - anh nói. Nhà của Sam và Kate chỉ cách nhà chúng tôi vài căn.
Tôi đã từng nghĩ rằng cộng đồng chỉ đơn giản là có những người bạn mang đến món mì lasagna khi buồn và mang đến rượu sâm panh khi vui. Giúp bạn đón con khi bạn bận. Nhưng giờ tôi nghĩ cộng đồng cũng là một dạng bảo hiểm chống lại sự tàn nhẫn của cuộc sống; hay một loại miễn dịch chống lại sự mất mát, nỗi thất vọng và cơn thịnh nộ. Cộng đồng của tôi sẽ ở đây cho gia đình tôi nếu tôi không thể. Và nếu tôi chết, những đứa con của tôi sẽ được bảo vệ bởi những người biết và yêu thương chúng, kể cả những người kỳ quặc nhất.
Để cho cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn, tôi đã làm cho mỗi ngày  của mình trở nên ý nghĩa hơn. Các con của tôi được dạy ở trường rằng khi nói ra vấn đề của mình thì vấn đề đã được giảm đi một nửa (3). Các cộng đồng cũng làm điều tương tư. Tôi đã đến những vùng ngoại ô mà mình từng nghĩ chúng vô hôn, và hóa ra chúng không hề vô hồn chút nào.
Warren Buffett, một người bạn của Gates, nói rằng thước đo thành công của ông nằm ở một câu hỏi: ‘Những người bạn quan tâm có yêu bạn lại không?’
Gates viết: ‘Tôi nghĩ đó chính là thước đo của sự thành công mà bạn sẽ nhận ra trong tương lai’.
Tôi đồng ý với cả hai. Hãy tiếp tục kết nối với mọi người, và  rồi bạn sẽ tìm thấy một cộng đồng cho riêng mình.
___
(1): nguyên văn ‘how we spend our days is, of course, how we spend our lives’
(2): nguyên văn ‘investing in somewhere instead of trying to be everywhere’
(3): nguyên văn ‘a problem shared is a problem halved’
___