Đầu tiên xin chúc mừng các bạn trẻ 2000, những đứa trẻ luôn bị gắn với cái mác “trẻ trâu 2k" đã đặt chân tới dấu mốc tuổi 20. Cũng xin chia buồn vì các bạn đang sắp sửa phải chạm mặt với tên hung thần “khủng hoảng tuổi 20”.
Đây là mình, 20 tuổi, không chắc có thể giải cứu các bạn khỏi "Khủng hoảng tuổi 20" nhưng mình có thể cùng các bạn vượt qua khủng hoảng đó
Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ “khủng hoảng tuổi 20” xuất hiện. Những đứa trẻ thì luôn sợ phải lớn lên, bởi chẳng còn được bảo bọc trong vòng tay cha mẹ, những mộng mơ tuổi teen phải đem cất lại trong chiếc hộp ký ức. Chưa kể khi phải liên tục chịu áp lực của trường học, việc làm, các mối quan hệ,... đáng nói hơn là các áp lực này có “hiệu ứng cánh bướm", chỉ một cú ngã có thể khiến bạn rơi xuống vực sâu. 
Theo nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Tâm thần học quốc tế, các nhà khoa học phát hiện con người dễ có cảm giác cô đơn nhất ở 3 giai đoạn trong cuộc đời: Cuối độ tuổi 20, giữa độ tuổi 50 và cuối độ tuổi 80. Tại sao con số 20 lại vào danh sách này? Sỡ dĩ thời điểm này bạn buộc chấp nhận buông bỏ, đánh đổi nhiều thứ, chẳng một chọn lựa nào mà không phải đánh đổi. Ở Hàn Quốc, khủng hoảng tuổi 20 còn trầm trọng hơn khi “Cứ 5 người Hàn Quốc cố gắng tự làm hại (self-harm) hoặc tự sát, sẽ có một người nằm ở độ tuổi 20”.  

Đọc thêm:

Công nhận rằng tuổi 20 thật sự đáng sợ, nhưng không phải rất nhiều người đã vượt qua độ tuổi đó một cách an toàn, không quá nhiều xây xước sao. Khủng hoảng tuổi 20 sẽ êm dịu hơn nếu các bạn bỏ túi cho mình những bí quyết sau:

1. Chuyện nhỏ, thật ra chuyện nhỏ hơn bạn nghĩ

Tuổi 20 có thể là lúc các bạn phạm nhiều sai lầm, gặp nhiều thứ chán nản nhất. Đổ vỡ đầu tiên là trường học, “tôi là ai, tôi không thuộc về nơi này". Thứ hai là áp lực thành công sớm, khi xung quanh mọi người đều đã góp mặt lên bầu trời tinh tú và bạn bắt đầu lo sợ. Rồi bước vào đời, bạn sai nhiều, cái này làm không tốt, cái kia thì bị chê lên chê xuống, bạn chẳng thấy mình có ích gì với cuộc sống này. Những điều đó nom rất đỗi đáng sợ đúng không? Nhưng thật ra chuyện nhỏ hơn bạn nghĩ. 
Thật ra chuyện nhỏ hơn bạn nghĩ!
Thật ra trái ngành không hoàn toàn trái ngang đâu. Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, hiện nay, có khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành, nếu bạn cũng nghĩ mình trái ngành, thì bạn chẳng cô đơn đâu. Còn những gì bạn đang học tập, “thu nhập” đều đáng giá cả. 
Tôi có quen người chị, học Ngoại thương song bây giờ đang đầu quân cho một tòa soạn, những năm tháng học kinh tế đã cho chị có cái nhìn sâu sắc và bức tranh toàn cảnh cho các mẩu tin kinh tế, từ đó đem lại bài viết chất lượng nhất. Bằng tốt nghiệp khoa Hoá của trường Đại học Bách Khoa không giúp Nguyễn Hải Ninh vận hành thành công chuỗi cà phê The Coffee House nhưng những kiến thức đó tạo ra khác biệt cho những hạt cà phê và kỹ thuật pha chế của thương hiệu này.

Đọc thêm:

Áp lực thành công sớm, nỗi sợ thất bại, tất cả đều là chuyện nhỏ nếu ta nhìn nó với một lăng kính khác: mỗi chúng ta ai cũng đều có những thời điểm riêng. Nên nhớ Obama nghỉ hưu ở tuổi 55 còn Donald Trump đắc cử tổng thống vào năm 70 tuổi. Đừng mãi nhìn lên trên rồi so sánh với họ. Thay vào đó hãy cố gắng cho mình mỗi ngày, làm điều mình thích, yêu bản thân nhiều hơn, tự tin hơn, rồi một ngày bạn cũng sẽ được góp mặt trên bầu trời tinh tú thôi. 
Vậy đó thật ra những điều tưởng chừng rất đáng sợ hoá ra nhỏ bé thế thôi, cách nhìn thay đổi tất cả. Tạm gác nỗi sợ, những sai lầm chúng ta mắc phải sang một bên đi mà hãy cố gắng từng chút từng chút một, nhìn nhận sai lầm một cách nghiêm túc rồi rút ra bài học. Đến một ngày nào đó chúng ta sẽ làm được những “chuyện lớn” hơn thôi.

2. “Đại dịch cô đơn”, “ANASGAPESIS” - cũng chỉ là chuyện nhỏ thôi! 

Nếu Millennials (thế hệ Y) là thế hệ cô đơn nhất thì thế hệ Z cũng chễm trệ đứng thứ nhì. Một cuộc khảo sát mới do công ty bảo hiểm Mỹ Cigna thực hiện cho thấy trong giới trẻ Thế hệ Z còn đơn độc hơn cả người già sống trong viện dưỡng lão. “Đại dịch cô đơn” bùng phát vì nhiều lý do: mạng xã hội, internet, thiết bị công nghệ, triệu chứng lười giao tiếp... 
Sẽ chẳng có bác sĩ nào có thể chống lại “đại dịch cô đơn" này hiệu quả hơn chúng ta.  Trước hết bạn hãy đặt chiếc điện thoại xuống, thế giới của chúng ta không phải nằm trong màn hình chưa đến 5 inch đó, còn nhiều thứ hay ho bên ngoài kia lắm. Tìm kiếm một sở thích mới, đi một vài nơi, về nhà quây quần bên gia đình, hẹn đám bạn gặp mặt… suy cho cùng chúng ta cô đơn vì chúng ta quá lười để bước ra thế giới mà thôi. 
Câu chuyện cô đơn giữa thành phố rộng lớn này, đâu phải chuyện của riêng ai
“ANASGAPESIS" là cảm xúc yêu thương không còn gì, dù từng bên nhau những ngày tươi đẹp, hay chính là dư vị của thất tình. Bỗng một ngày, một người từng rất vui vẻ bên bạn nói lời chia xa, rằng chẳng còn cảm xúc gì sau ngần ấy thời gian, đó chính là “ANASGAPESIS". Sau lời chia tay đó là? Cảm thấy trống rỗng như trái tim đã bị ai đánh cắp, tâm trí thì luôn để đâu đâu, tâm trạng thì càng thêm sầu thảm nhờ mấy câu quotes trên mấy fanpage tình yêu, thất tình, đọc những dòng đó nước mắt chỉ muốn trực trào thôi. Nhưng tin mình đi rồi bạn sẽ ổn thôi. Mình còn từng nghĩ rằng hormone oxytocin (hormone tình yêu) mình đã ngưng tiết ra sau khi chia tay. 

Đọc thêm:

Và rồi mình nhớ ra rằng “Đời còn dài, thế giới tới đến 7 tỉ người mà", còn rất nhiều điều tốt đẹp ở xung quanh, thay vì giam mình bởi đau thương thì hãy bước ra ngoài ánh sáng. Hãy thả nỗi buồn cho gió cuốn bay đi, tiến về những điều tốt đẹp phía trước vì chúng ta xứng đáng. Nếu không có hormone oxytocin, vẫn còn 3 hormone hạnh phúc khác: hormone dopamine (giải phóng khi chúng ta hoàn thành một mục tiêu nào đó), Endorphin (giải phóng trong quá trình thực hiện các hoạt động tập luyện), Serotonin (được kích hoạt khi con người nhận được lời khen, sự công nhận), cơ thể chúng ta hoàn toàn có thể tiết ra hormone này một-cách-có-chủ-đích. 
Cuối cùng mình nhận ra rằng, thay vì buồn phiền cho những thứ đã cũ, những sai lầm đã qua, những điều không như ý thì tại sao ta không đứng lên, cố gắng vì tương lai, vì vài điều phi thường nhỏ bé. Đợi cho đến khi nào, đời nhanh như chớp mắt, đợi cho đến khi nào mà không phải hôm nay.
Tuổi 20 không có gì đáng sợ mà, đúng không?