VICTIM BLAMING – TÂM LÝ ĐỔ LỖI CHO NẠN NHÂN VÀ HỆ QUẢ
Victim blaming is a phenomenon in which victims of crimes or tragedies are held accountable for what happened to them. Victim blaming...
Victim blaming is a phenomenon in which victims of crimes or tragedies are held accountable for what happened to them. Victim blaming allows people to believe that such events could never happen to them. Blaming the victim is known to occur in rape and sexual assault cases, where the victim of the crime is often accused of inviting the attack due to her clothing or behavior
"Victim blaming (hay còn gọi là tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân) là một hiện tượng mà nạn nhân của hành vi phạm tội hay bi kịch phải chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra với họ. Victim blaming cho phép người ta tin rằng những sự việc như vậy sẽ không đến với họ bởi vì họ có thể lường trước được. Victim blaming dễ dàng nhận thấy trong các vụ hiếp dâm hay tấn công tình dục, nạn nhân của các hành vi phạm tội đó thường bị chỉ trích rằng họ bị tấn công bởi bộ đồ mà mình đang mặc hay là cách ứng xử”. – Đó là lời trích của Wikipedia và một số nghiên cứu về tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân.
Vào những năm 1960, nhà tâm lý học xã hội, tiến sĩ Melvin Lerner thực hiện một chuỗi thí nghiệm nổi tiếng. Ông phát hiện ra khi những người tham gia thí nghiệm chứng kiến một người khác bị giật điện mà không thể làm gì để ngăn cản thì họ bắt đầu xúc phạm nạn nhân. Khi sự bất công và độ tàn nhẫn càng tăng thì sự xúc phạm càng nặng nề. Những nghiên cứu sau đó tìm thấy hiện tượng tương tự xảy ra khi họ xem xét nạn nhân của các tai nạn xe cộ, cưỡng bức, bạo hành gia đình, bệnh tật và nghèo khó. Nghiên cứu được thực hiện bởi tiến sĩ Ronnie Janoff- Bulman đề xuất ý kiến rằng đôi lúc ngay cả nạn nhân cũng tự hạ thấp bản thân họ, rằng chính những hành vi của bản thân là nguyên nhân dẫn đến sự đau đớn, bất hạnh mà họ gặp phải, chứ không phải là tính cách thường ngày của họ, để cho những sự kiện tiêu cực trông có vẻ như có thể điều khiển được, và do đó, có thể tránh được trong tương lai.
Có thể thấy tư duy hay tâm lý Victim blaming đã dần đi vào tiềm thức của mỗi người, nó dần lấy đi sự công bằng cho chính họ, làm cho nạn nhân trở nên đau xót vì nỗi bất hạnh của mình lại do chính mình gây ra, và hơn hết không một ai đồng cảm và thấu hiểu được nổi bất hạnh đó. Điều đáng buồn là tâm lý tai hại này diễn ra một các phổ biến trong tư duy của đại đa số người Việt.
Chúng ta quá quen với việc nạn nhân bị đổ lỗi khi chính họ là người chịu tổn thất trong sự việc từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Từ chuyện nhỏ ví như anh A bị tai nạn, nhiều người sẽ tặc lưỡi rằng: “Ai bảo đi xe không cẩn thận”, dù rằng anh A đi xe rất chắc và việc té xe là do người gây tai nạn đi ẩu. Chị B bị chồng đánh đập thường xuyên, nhưng chị vì con, vì được dạy dỗ là phải giữ gìn gia đình, vì chị sợ gia đình sẽ phải chịu những sự đàm tiếu của người ngoài. Nhưng thứ mà chị B phải nghe từ người ngoài là: “Ai bảo ngu nên mới bị nó đánh”, “Biết chồng tính nóng thì nhịn đi, còn nói nhiều bị đánh là phải”. Liệu rằng đây có phải là một câu mà người với người nên nói với nhau? Tại sao chị B phải bị chỉ trích trong khi chị là người bị đánh?
Thậm chí, Victim blaming được sử dụng như một câu từ người xưa truyền lại : “Không có lửa làm sao có khói” và rồi người ta mặc nhiên cho rằng người bị hại luôn là người sai, nếu họ không làm gì sai thì sẽ không có những điều xấu đến với họ, và họ tự tin mà nói rằng: “Nếu là tôi thì chẳng bao giờ có mấy chuyện đó xảy ra”.
Vào tháng 09/2019, ứng dụng Be đã gây tranh cãi khi đưa thông báo, cụ thể, hãng đặt xe này cho rằng nếu hành khách ngồi sau xe máy beBike ăn mặc "mát mẻ" hoặc ôm sát thì có thể làm tài xế "mất tập trung". Do vậy để không "ảnh hưởng đến sự an toàn của cả chuyến đi", be khuyến cáo những vị khách này nên sử dụng thêm áo khoác, váy phủ chân, hoặc cân nhắc đặt 1 chiếc beCar thay vì xe máy. Đây là một biểu hiện của tâm lý Victim blaming, lẽ nào sự an toàn của chuyến đi phụ thuộc vào việc khách hàng nữ mặc váy ôm sát hay không? Tài xế mất tập trung, ảnh hưởng đến sự an toàn của khách hàng là do khách hàng mặc váy ngắn? Người ta bỏ tiền ra và họ phải chịu trách nhiệm trong sự bất cẩn thiếu tập trung của người khác? Điều này thật sự quá vô lý. Chúng ta phải luôn nhớ rằng, hành vi phạm tội của một người được cấu thành dựa trên hành vi của người đó, từ ý thức chủ quan của người đó, yếu tố khách quan có thể được xem xét nhưng không phải là cái cớ để vịn vào, để thực hiện hành vi phạm tội của mình.
Tôi đặc biệt quan ngại với đại đa số người Việt, hành vi nhẫn tâm, đổ lỗi cho một cô gái bị hiếp dâm, rằng người ta trước tiên sẽ quan tâm nạn nhân mặc cái gì hôm đó và đổ lỗi vì họ ăn mặc hở hang nên mới kích thích kẻ phạm tội. Người ta dễ dàng tuôn ra những câu nói ác ý: “Ăn mặc thế mà bảo sao không bị hiếp.” “Đó, ăn mặc sexy cho cố vô rồi bị hiếp.” Kể cả khi cô gái ấy không ăn mặc sexy, người ta cũng sẽ bảo, “Đường vắng tại sao không bảo ai đưa về. Con gái con đứa đi đêm hôm mà ỷ y quá.” “Nó đẹp quá mà nên mới bị hiếp.” Và rồi nạn nhân phải chịu thêm những tổn thương về tinh thần chứ không đơn thuần là thể xác. Nói đến đây, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ cho những người phát ngôn, cho dù không được đi học đàng hoàng, không có hiểu biết nhưng đạo đức và cách cư xử đúng đắn thì tôi tin rằng mỗi người cần phải có để mà sống đúng với cuộc đời mình. Phải đặt tình huống rằng nếu như người con gái bị xâm hại tình dục đó là con bạn/em gái bạn hay bất cứ một người nào thân thiết với bạn, thậm chí là bạn thì bạn có chịu được những lời nói đó không?
Tôi xin dẫn chiếu một vụ việc gần đây nhất, “Hiếp dâm người yêu của bạn” của đối tượng Bùi Văn Tấn (SN 1989; trú tại phường Tiền Phong, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình). Bên cạnh một số bình luận lên án hành vi sai trái của Bùi Văn Tấn, hàng đống bình luận chỉ trích về nạn nhân – cô gái bị hiếp dâm. Tôi xin phép dẫn một số comment điển hình.
Tôi thực sự không hiểu, không kể những người không được đào tạo ở trường học đến những người xuất thân thậm chí từ những trường danh tiếng như FTU cũng có hành vi chỉ trích nạn nhân. Thậm chí, cùng là đàn bà con gái nhưng vẫn có rất nhiều bình luận từ nữ giới chỉ trích nạn nhân. Lẽ nào những người này cho rằng cãi nhau với người yêu thì không được đi chơi với người khác giới? Lẽ nào có người yêu là không được đi chơi với người khác giới? Lẽ nào không được tin tưởng ai và luôn có tâm lý dè chừng? Lẽ nào phải mang vũ khí dù đi đến bất kỳ nơi nào? Và nếu, nữ giới – với cơ thể yếu đuối không thể chống trả được, không đem đủ vũ khí phòng thân thì việc bị tấn công tình dục là do lỗi của họ? Tôi tự đặt ra câu hỏi cho đại bộ phận nêu trên rằng: “Liệu bạn có chắc là bạn sẽ chẳng bao giờ rơi vào trường hợp đó không?
Ví như việc anh A quen chị B, trong khi đang có mối quan hệ tình cảm với chị B, anh A lại qua lại với cô C nào đó. Khi chị B phát hiện, anh A liền đổ lỗi rằng, “là vì em không quan tâm anh, là vì em không có những thứ anh cần”?????? Liệu rằng đây có phải là câu trả lời hợp lý, anh có hành vi sai trái, suy đồi đạo đức là do anh chứ sao lại do người con gái tội nghiệp kia?
Tôi biết rằng có câu: “Tiên trách kỉ hậu trách nhân”, tuy nhiên câu này chỉ được áp dụng với bản thân người đó, để họ nói với chính bản thân họ rằng phải nghiêm khắc với chính mình. Cũng bởi tôi biết rằng chỉ mình mới thay đổi chính mình và cá nhân chúng ta chỉ có đủ sức và khả năng thay đổi chính bản thân mình, chúng ta không thay đổi được người khác. “You can’t change people around you”. Nhưng không vì thế mà mọi việc không tốt đến với mình thì mọi người có quyền đổ lỗi là do ta không tốt, do ta không biết lường trước mọi việc.
Hằng năm, Việt Nam luôn nói rằng đề cao bình đẳng giới, có những ngày cho phụ nữ, tuy nhiên, về tư duy và dân trí vẫn thấp, vẫn không tách bạch, không nhận biết đâu là đúng đâu là sai.
Hậu quả của victim blaming
Việc cứ giữ khư khư ý nghĩ rằng, người này gặp nạn bởi vì lỗi của họ là đang dung túng cho hành vi phạm pháp của kẻ phạm tội, hay nói cách khác đại đa số đang bảo vệ cho kẻ phạm tội. Suy nghĩ đó tạo điều kiện thuận lợi cho những người muốn phạm tội thực hiện âm mưu của mình. Họ biết bằng tội ác của họ sẽ được bảo vệ và bỏ qua. Họ chắc rằng mình sẽ không phải chịu trách nhiệm vì theo như tâm lý đám đông thì không hẳn là mỗi mình có lỗi mà :).
Bên cạnh đó, nó dần áp đặt lên những người yếu thế rằng họ xứng đáng bị hành hạ, chà đạp, tổn thương như vậy, bởi chính họ là người đã tạo ra cơ hội để manh nha, hình thành nên sai lầm của người khác. Quan trọng hơn hết, người ta sẽ không dám đi tố giác tội phạm khi họ là nạn nhân của vụ hiếp dâm vì họ sợ sẽ bị xã hội lên án về nhân phẩm của mình.
Kết
Đổ lỗi cho nạn nhân không giúp gì cho nạn nhân cả mà nó gây thêm tổn thương gấp bội và làm cho người với người không thể có được tình yêu thương, đồng cảm, thấu hiểu. Người nào cũng sợ hãi và rút vào trong mặt nạ của mình để trốn hằng ngày, nhất là khi bản thân gặp tai họa, sự cố. Xã hội vô cảm. Con người xa nhau. Gia đình không thể gắn kết. Các mối quan hệ trở nên hời hợt, giả tạo.
Tôi chỉ mong xã hội này hãy thay đổi và chậm lại suy nghĩ một chút trước khi nói ra lời đổ lỗi cho nạn nhân bởi cho dù nạn nhân là ai, nạn nhân làm gì thì cũng không có ai đáng là thủ phạm của chính họ cả. Hãy mang thử đôi giày của người khác để suy nghĩ thấu đáo, đồng cảm hơn, đừng vì nói vui mà ảnh hưởng đến cả cuộc đời của người khác.
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất