Nếu như trong những thế kỷ trước khi chưa có internet, nguồn thông tin mới là cực kỳ hữu hạn. Nếu bạn muốn biết khu phố xung quanh bạn có chuyện gì đang xảy ra, tốt nhất là bạn nên kiên nhẫn đợi số báo của tuần tới, hoặc muốn nhanh hơn thì hãy chịu khó đi một vòng hỏi những người hàng xóm tốt bụng xung quanh (và nhớ bỏ ra một khoản tiền để mua báo hoặc thiết đãi hàng xóm nhé). Thế nhưng hiện nay với internet tốc độ cao, chỉ 1 cú click chuột bạn đã có tất cả những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất ở khắp mọi nơi và quan trọng nhất là tất cả hầu như đều MIỄN PHÍ. Vậy nên vấn đề bây giờ không còn là thiếu cái để đọc mà là đọc cái gì mới quan trọng khi mà sự minh mẫn, thời gian, sự chú ý của mỗi người là hữu hạn trong ngày.

1. Giá trị của thông tin là không bằng nhau

Ngày xưa, để sở hữu được những tin tức mới nhất, bạn phải bỏ ra một khoản tiền để mua báo, và khoản tiền đó được trả công cho những người sẵn sàng bỏ công đi thu thập thông tin thay cho bạn. Nhưng với sự cạnh tranh khốc liệt của những trang báo như ngày nay, chi phí sản xuất của một bài báo đã giảm đáng kể, và gần như không còn thu tiền như ngày xưa. Để đổi lại được những điều này thì các trang báo đã phải chạy rất nhiều quảng cáo để thu lại tiền từ các nhà tài trợ, và đây là khoản thu nhập chủ yếu để họ trang trải chi phí hoạt động. Nếu ngày xưa các tờ báo chỉ tập trung vào việc sản xuất thông tin chất lượng để thu hút nhiều độc giả và thu được nhiều tiền từ việc bán báo hơn, thì ngày nay chất lượng thông tin không còn là yếu tố hàng đầu mà là có bao nhiêu lượt click quảng cáo. Thế nên càng nhiều người xem thì trang web càng kiếm được nhiều tiền.
Vậy phương trình lợi nhuận đã thay đổi từ 
CHẤT LƯỢNG THÔNG TIN = DOANH THU sang SỐ LƯỢT XEM = DOANH THU
Chất lượng thông tin từng là yếu tố chính để có doanh thu giờ đã chuyển sang yếu tố phụ (dĩ nhiên là nếu thông tin mà chất lượng = 0 thì không ai đọc). Giờ đây không những bạn không phải trả tiền để được đọc news mà còn là được mời chào để đọc bằng những đường link hấp dẫn kèm theo những title giật gân và gây tò mò, để rồi khi bạn click vào và đọc trong 2 phút thì không còn gì đọng lại trong đầu. Dấu hiệu nhận biết một title kiểu như thế thường chứa đựng những keywords: “rúng động”, “nhất thời đại”, “cực sốc”, “gây bão”, “đến khó tin” ... (Lần sau nếu gặp tiêu đề như vầy thì bạn nên biết làm gì rồi).

Đọc thêm:

Thông tin giá trị thấp (shallow information)
Một thông tin có giá trị thấp là loại thông tin: (a) không liên quan trực tiếp đến đời sống của bạn, (b) không có giá trị bền vững qua thời gian, (c) được tiếp thị đến với bạn và dễ dàng tiêu hóa trong vài phút. Có thể thấy news có gần như đủ 3 yếu tố trên. Một phép thử đơn giản để bạn có thể biết tin tức mà bạn đọc hàng ngày có giá trị hay không là thử trả lời một vài câu hỏi sau: Mình có nhớ những sự kiện gì xảy ra 1 tuần, 2 tuần trước? 1 năm sau mình có còn quan tâm đến mấy thứ này? Nếu bây giờ bắt mình trả tiền mua báo như hồi xưa để được đọc thì mình có dám bỏ tiền ra không? Những thứ đang đọc có giúp cuộc đời mình tốt lên không? Nếu như là 4 câu trả lời KHÔNG thì tin tức bạn đọc gần như vô giá trị.
Một trong những thủ thuật hay để bỏ đọc tin tức theo gợi ý của Nassim Nicholas Taleb (tác giả cuốn Thiên Nga Đen) là: thay vì đọc số báo hiện tại, hãy thử đọc lại số báo của tuần trước, bạn sẽ thấy thông tin bạn đọc nó nhanh lỗi thời và chán như thế nào, mà thông tin chỉ có độ bền 1 tuần thì tùy bạn chọn có nên đọc hay không.
Thông tin giá trị cao (high value information)
Ngược lại với thông tin giá trị thấp, thông tin giá trị cao thường có đặc điểm: (a) thời gian xuất bản chậm, biên tập kỹ lưỡng, (b) phải bỏ tiền để mua được, (c) có giá trị theo thời gian. Một trong những ứng cử viên tốt là sách hoặc các article trên các trang tốt như Pocket, Medium, Spiderum … Đặc điểm của loại thông tin này là tác giả phải dành rất nhiều tâm huyết, thậm chí hàng năm trời để nghiên cứu và xin được giấy phép xuất bản, trải qua một quá trình biên tập kỹ lưỡng. Có nhiều đầu sách đã đứng vững qua hàng chục năm vẫn giữ được giá trị trong thời đại ngày nay. Đọc những thông tin như thế thì 10 năm sau vẫn không sợ bị lỗi thời (so với 1 tuần của news). Sách và các article này là một trong những phương tiện duy nhất mà bạn có thể nhảy vào tâm trí của tác giả trong giây lát, khám phá một vòng rồi quay ra mang theo góc nhìn của bạn (khi bạn đang đọc những dòng này là đang ngồi trong đầu của mình đấy).

Đọc thêm:

2. Thang đo mức độ giá trị của thông tin

Sau khi đọc xong phần trên thì bạn biết nên tự làm gì với mỗi loại thông tin rồi. Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao biết được thông tin nào có giá trị cao, và cao đến đâu? Phía trên mình đã chỉ ra một vài điểm để phát hiện những thông tin giá trị thấp (những keywords gây tò mò), thì sau đây mình cũng liệt kê một vài thang đo mà mình hay dùng để đánh giá. Bạn cũng cần lưu ý rằng thông tin có giá trị khác nhau đối với mỗi người, do vậy một cuốn sách mình thấy hay chưa chắc đã là hay với bạn. Bạn phải tự xây dựng lấy một thang đo cho riêng mình.
Thang đo condensed quality source:
Tốc độ đọc: một bài báo, sách khiến bạn phải giảm tốc độ đọc lại đến mức tối đa để hiểu ý tưởng của tác giả là một chỉ báo về mức độ dày đặc của thông tin, được nén lại trong câu chữ và bạn phải giải mã để có được thông tin giá trị chứ không thể đọc lướt như news.  (P/s: cần phân biệt rõ giữa việc tác giả cố tình dùng từ dao to búa lớn làm giảm tốc độ đọc hay là do ý tưởng của tác giả quá sâu sắc đến độ bạn phải đọc 2 3 lần mới hiếu hết)Số highlight/trang: những ý tưởng quá hay khiến bạn không thể không take note hoặc highlight (thường là những wow moment). Nhiều khi có cuốn sách mình đọc xong chẳng highlight lấy một chữ, nhưng có những cuốn khiến mình giữa đêm bật dậy take note chi chít (những khoảnh khắc này không nhiều nhưng mà có thể khiến cuộc đời thay đổi rất lớn đấy).Giá trị đọc lại: nếu cuốn nào mà mỗi lần đọc lại bạn càng hiểu được nhiều hơn và càng thấy thu hút hơn, cảm giác thông thái và não nhiều nếp nhăn hơn thì thuộc nhóm này.
Bảng so sánh 

News
Sách, article
Mức độ/chất lượng thông tin
Thấp
Cao
Thời gian/Chi phí sản xuất
Xuất bản nhanh (mỗi ngày), nhiều và liên tục, chi phí sản xuất rẻ.
Xuất bản chậm, biên tập kỹ lưỡng, chi phí sản xuất cao.
Độ bền theo thời gian
Rất thấp
Từ trung bình đến rất cao tùy loại sách (do tác giả đầu tư nhiều năm nghiên cứu, độc giả sàng lọc và bình chọn)
Độ tiêu cực/Tích cực (tính tổng thể)
Nhiều tiêu cực hơn tích cực (thông tin tiêu cực dễ thu hút hơn)
Thông tin tích cực

3. Mình đã ngừng đọc news như thế nào

Điều đầu tiên bạn cần biết đối thủ của bạn là ai. Những người muốn bạn đọc tin tức của họ rất là nhiều và họ tranh giành sự chú ý của bạn từng phút. Bằng cách chạy thật nhiều quảng cáo customize theo sở thích của bạn, khiến cho những tiêu đề đầy hấp dẫn và tò mò cứ lởn vởn trong mắt bạn và có khả năng rất cao trong một phút không tự chủ được bạn lỡ click vào và khi nhìn lại đồng hồ thì 1 tiếng quý báu đã trôi qua. 
Một ví dụ về yếu tố kích hoạt khi xuất hiện liên tục trước mặt bạn thì mạnh như thế nào:
Khi news không xuất hiện trước mặt bạn:
Nếu bạn muốn mở news ra đọc bạn cần những quyết định sau: Có nên dừng công việc hiện tại lại để giải lao không? (Xác suất: 50% có, 50% không). Nếu dừng công việc lại, nên chợp mắt một chút hay đọc gì đó (xác suất 50% cho mỗi quyết định). Nên đọc sách hay news nhỉ? (50% cho đọc sách, 50% đọc news). Xác suất bạn mở news lên đọc là: 50% x 50% x 50% = 12,5% (ở đây mình ví dụ chỉ có 3 steps trong suy nghĩ của bạn).
Khi news xuất hiện gợi ý lòng vòng trước mặt bạn và khiến bạn tò mò:
Lúc này bạn có 2 quyết định: có nên click hay không? (50% có, 50% không). Xác suất bạn click vào và sau đó bị cuốn trôi trong dòng tin tức là: 50% >> 12,5%.

Đọc thêm:

Các tờ báo mạng họ sử dụng các thuật toán gợi ý theo sở thích, hiểu rõ tin tức mà bạn muốn xem, và bạn biết kết quả là đại đa số phần đông dân chúng thua cuộc thảm hại trong cuộc chiến chống lại sự xao nhãng như thế nào rồi đấy. Họ sử dụng công cụ tối thượng để chiếm lấy sự tập trung của bạn, đó là CÔNG NGHỆ VÀ THUẬT TOÁN.
Vậy nếu như chúng ta tay không đánh giặc thì chắc chắn đánh không lại rồi. Nhưng may mắn thay CÔNG NGHỆ cũng là đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến này. Chúng ta cần cắt được yếu tố kích hoạt thì xác suất chúng ta tự mở news lên thấp hơn rất nhiều (đặc biệt là sau khi bạn đọc xong bài viết này nữa).
Những nơi mà mình dễ đọc news nhất là laptop và smartphone, do vậy mình sẽ sử dụng công cụ hỗ trợ ở cả 2 nền tảng này. Với laptop, mình sử dụng trình duyệt Chrome, ứng dụng hỗ trợ mình sử dụng là extension StayFocused.
Mình set thời gian block out là từ 8am đến 9pm để bảo vệ sự tập trung của mình. Và mỗi khi mình đang làm việc hoặc cần tra cứu trên google lại xuất hiện đâu đó những link mời chào mình vào và mình trong một phút yếu lòng đã click vào thì thông báo sẽ như vầy.
Mình sẽ không thể vào trang web đó được, và chỉ có một cách để vào được là mình xóa trình duyệt Chrome đi cài lại Firefox chẳng hạn. Mà dĩ nhiên là không đời nào mình chịu xóa nguyên cả cái trình duyệt chỉ để đọc một mẫu tin cỏn con.
Trên Smartphone mình dùng hđh Android (bạn nào dùng iOS thì comment cho mình biết app các bạn sử dụng nhé), ứng dụng mình sử dụng là BlockSites. Ứng dụng này có thể block cả sites hoặc các app khác trên điện thoại.
Khi hàng rào lý trí của bạn mất phòng thủ, thì còn 1 hàng rào công nghệ hỗ trợ.
Khi hàng rào lý trí của bạn mất phòng thủ, thì còn 1 hàng rào công nghệ hỗ trợ. Do vậy xác suất mà bạn bị news đánh cắp sự tập trung là rất thấp (trừ khi bạn cho phép).
Ngoài ra với ví dụ về yếu tố kích hoạt như trên, chúng ta có thể thay đổi thói quen đọc news bằng đọc sách hoặc những trang thông tin hữu ích. Bạn hãy cài những app đọc sách như Kindle, Pocket, Medium và xếp chúng ngay màn hình Homescreen. Để khi mở đt lên bạn có nhiều khả năng đọc những thứ bổ ích hơn.
Pocket là một ứng dụng rất hay mà mình dùng để lưu những bài viết hữu ích vào và đọc nó sau, Pocket có cả trên Chrome, Android, iOS và có thể sync giữa các thiết bị rất dễ dàng.
Khi bạn có một list những thứ cần đọc được sắp xếp ngăn nắp và tập trung vào một nơi duy nhất (mình rất ngại mỗi lần đọc phải search lại google ra trang web ban đầu), bạn sẽ có động lực để finish danh sách đó hơn rất nhiều.
Lời kết
Nếu như chúng ta thường dành rất nhiều thời gian để đi chợ chọn đồ ngon, bổ dưỡng để bồi bổ cho cơ thể, thì mảnh vườn tâm trí cũng cần được nạp những thông tin tích cực và chọn lọc kỹ lưỡng như thế (nếu ngày nào bạn cũng nạp junk food vào não thì body khỏe mạnh cũng chẳng để làm gì ngoài tốn tài nguyên thiên nhiên). Thời gian thì là hữu hạn mà thứ cần đọc thì quá nhiều, vậy hãy chọn đọc những gì thật sự có giá trị và hữu ích. ^^
(bài viết dựa trên kinh nghiệm bỏ news 1 năm của mình, và mình cảm thấy cả mức độ hạnh phúc và kiến thức đều tốt hơn ^_^ )