VĂNG TỤC LÀ THẲNG THẮN?
Vấn đề này vốn dĩ đã được nhắc đi nhắc lại suốt nhiều năm nay, và vẫn được bỏ ngỏ. Thực vậy, hiện trạng người trẻ văng tục không còn...

Vấn đề này vốn dĩ đã được nhắc đi nhắc lại suốt nhiều năm nay, và vẫn được bỏ ngỏ. Thực vậy, hiện trạng người trẻ văng tục không còn quá xa lạ. Chính bản thân mình đôi khi vẫn nói vui vài câu văng tục với bạn bè. Nhưng bên cạnh đó, việc sử dụng các từ ngữ thô tục ở nơi công cộng có thể khiến người khác đánh giá tiêu cực về bạn. Hơn nữa, văng tục quá nhiều không thực sự thể hiện sự “thẳng thắn” mà nhiều người trẻ thường lầm tưởng. Hành động chửi thề, văng tục cho thấy trình độ tri thức và thậm chí liên quan tới tư tưởng và quan điểm sai lệch của người sử dụng.
THẲNG THẮN LÀ GÌ?
Theo định nghĩa tiếng Việt, thẳng thắn có nghĩa là “ngay thẳng, không thiên lệch, không quanh co hay né tránh” trong một mối quan hệ. Thẳng thắn cũng là một tính từ chỉ tính cách cho thấy cá nhân đó không hành động quanh co mà thường hay nói vào trọng tâm vấn đề. Vậy, thẳng thắn có phải là việc người trẻ văng tục khắp mọi nơi rồi cho rằng đó là việc thể hiện”con người thật” không giả dối hay không?
Chắc chắn là KHÔNG rồi. Thẳng thắn chưa bao giờ đi chung với việc phun ra những từ ngữ tục tĩu. Nó là từ dùng để chỉ tâm tính con người, không phải thuộc về hành động. Thẳng thắn là khi bạn sẵng sàng chỉ ra cái sai và cái đúng, nói trực tiếp tới trọng tâm vấn đề mà không quanh co. Còn việc văng tục khắp mọi nơi rồi hả hê vì điều đó? – Nó gọi là sự vô học.
CÁI TÔI VÀ VỊ THẾ BẢN THÂN
Đối với mình thì không phải ai văng tục cũng là kẻ vô học, nhưng người có tri thức sẽ luôn giữ lịch sự mọi lúc. Thật vậy, trên bàn nhậu chén anh chén chú, bạn hoàn toàn có thể phun ra vài lời tục tĩu, vài câu chuyện đùa 18+. Nhưng tại nơi công cộng (như ở một buổi hội thảo, nơi có người nghiêm túc hoặc mạng xã hội…vâng, mạng xã hội cũng là một dạng “nơi công cộng” đó) thì rất hiếm khi những người này văng tục. Họ luôn giữ sự điềm tĩnh và lịch sự. Và điều trên lại được các bạn trẻ “bẻ cong” thành sự giả tạo, thảo mai.
Mình cho rằng việc nhầm lẫn giữa văng tục là thẳng thắn và lịch sự là giả tạo bắt nguồn từ cái tôi và vị thế bản thân của những người trẻ. Họ tự ti nhưng lại có cái tôi quá lớn. Lớn đến độ họ muốn bung xòe ra cho tất cả thấy. Thế nhưng với hành động “thể hiện bản thân” như vậy, vô hình trung họ lại để cả xã hội ảo nhìn rõ được sự tự ti và thiếu chín chắn của mình.
Vì sao việc “thể hiện bản thân thông qua văng tục” lại cho thấy sự tự ti? Thực vậy, một người có tự tin vào bản thân sẽ không thể hiện mình dưới dạng ăn to nói lớn. Họ thường có xu hướng trầm tĩnh lại và nói nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng, lý lẽ hơn là việc gân cổ lên và phun ra hàng loạt những từ ngữ tục tĩu.
Trong một lần thảo luận với chị bạn mới quen – một thạc sĩ, giáo viên và là nhà vận động đang tìm kiếm các giá trị nhân sinh trong xã hội, mình đã được chị ấy “khai sáng” về các phân bậc dân trí trong xã hội như sau: Hãy tưởng tượng rằng mỗi xã hội đều có một cái cây phân thành 4 nhánh, mỗi nhánh mang một màu sắc khác nhau từ dưới lên trên: Tím, Đỏ, Cam, và Xanh.
Ở bậc dưới cùng màu Tím tượng trưng cho tầng lớp lao động, họ không có tiếng nói, thiếu nhận thức, hỗn loạn và dễ dẫn dắt. Những người ở phân bậc này chiếm phần lớn dân số và thường xuyên bị dắt mũi bởi nhiều luồng thông tin thực hư lẫn lộn với nhau.
Ở bậc tiếp theo của cây dân trí, có màu Đỏ. Đây tượng trưng cho những người bắt đầu có ý muốn khẳng định bản thân. Tuy nhiên họ vẫn chưa biết mình là ai, mình cần gì và mình đang đứng ở đâu. Vì thế họ trở nên bối rối và lựa chọn cảm xúc mạnh mẽ nhất để thể hiện: sự tức giận. Chửi bới và chỉ trích là vũ khí của họ. Họ hóa thân thành Chí Phèo ở mọi lúc và nghĩ rằng điều này sẽ giúp họ hiểu hơn về bản thân mình. Họ thường xuyên nêu lên quan điểm, dù nó có sai đi chăng nữa. Và những quan điểm này thường phiến diện, một chiều. Cũng như việc chưa thực sự thoát khỏi phân bậc Tím, những người ở mức Đỏ vẫn thường bị dắt mũi và xuất hiện những phản ứng gay gắt hơn.
Bậc kế tiếp màu Cam, thể hiện cho những người bắt đầu có ý thức về bản thân và vị thế của mình. Họ biết mình đang đứng ở đâu và trầm lặng lại. Họ yêu thích nguồn tri thức mới và thường xuyên tìm hiểu về nó hơn là đi theo xu hướng. Họ bắt đầu quan tâm đến học thuật. Họ nêu quan điểm của mình một cách bình tĩnh và nhã nhặn. Những người ở phân bậc Cam thường có chí tiến thủ và tinh thần cầu thị.
Cuối cùng, những người ở bậc Xanh thường là nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư có ý thức cao về bản thân. Họ tìm kiếm đến sự tinh hoa tri thức và chính họ cũng là tinh hoa tri thức. Họ đặt ra các vấn đề và phương pháp giải quyết ở tầm vĩ mô, thể hiện sự nghiên cứu sâu rộng của mình thông qua đó. Họ thường có xu hướng tách biệt khỏi xã hội, lặng lẽ làm công việc của mình. Bởi lẽ khi bước đến phân bậc này, họ đã nhận thức rõ về bản thân mình và hiểu được mình cần – nên làm gì. Vì thế, các tác động của xã hội cùng nhiều luồng thông tin không mấy ảnh hưởng đến họ. Họ chỉ muốn hoàn thành công việc của mình mà thôi.
Và mình cũng đồng ý với chị ấy rằng, nếu phân bậc của những xã hội nước ngoài nằm ở mức Đỏ và Cam, thì xã hội Việt Nam rơi vào mức Tím và Đỏ là phần nhiều. Tất cả những phản ứng của xã hội đến với các vấn đề được đưa ra đã chứng minh tất cả. Và những bạn trẻ – người luôn tôn sùng chủ nghĩa văng tục là thẳng thắn, thực chất đang nằm mấp mé ở phân bậc Tím và Đỏ.
Mình cho rằng, chính vì sự tự ti và hoang mang trước câu hỏi “Mình là ai?” đã khiến cho ngày càng nhiều các người trẻ cảm thấy cần phải chọn lấy một cách thể hiện, để khẳng định bản thân mình. Và họ đã chọn cách thể hiện tiêu cực nhất, với cảm xúc dữ dội nhất.
TRƯỞNG THÀNH ĐI CÙNG ĐIỀM TĨNH
Thực sự mà nói thì cây dân trí vốn dĩ cũng tương tự như quá trình phát triển của một con người, khác ở chỗ nó chỉ về một bộ mặt tổng quan vĩ mô hơn. Việc các bạn trẻ gào thét đòi khẳng định bản thân và văng tục để thể hiện sự thẳng thắn cũng nằm trong quá trình phát triển nhân cách và trưởng thành. Chính bản thân mình cũng có một thời gian luôn chửi bới, chê bai mọi thứ (nhưng may mắn làm sao, mình không văng tục mấy) trước khi ý thức được bản thân mình là ai và mình cần gì. Tuy nhiên, nếu trạng thái văng tục kéo dài thì nó sẽ trở thành một vấn đề lớn.
Mình rất may mắn khi có thể tiếp xúc được với nhiều người thuộc giới trí thức. Bạn bè của mình có người làm nghiên cứu, có người chuyên sâu học thuật, có người là nhà hoạt động xã hội…rất nhiều người như thế và mỗi lần trò chuyện với họ, mình lại hiểu ra thêm nhiều điều mới mà chẳng cần phải tự thân trải nghiệm. Bên cạnh đó, mình nhận ra rằng những người càng đi sâu vào nghiên cứu học thuật, họ càng có xu hướng tách mình và ứng xử rất điềm tĩnh, phân tích vấn đề vô cùng sâu sắc. Ngược lại, ở những người có thời kì nổi loạn kéo dài, mọi thứ dường như đều bị trượt sâu xuống hố đen không đáy.
Việc bạn văng tục để thể hiện mình, không sao cả vì đó chỉ là một quãng đường trên quá trình trưởng thành của bạn. Nó có thể kéo dài 1-2 năm trước khi bạn nhận thức được điều đó là sai lầm. Nhưng nếu điều đó kéo dài quá lâu, nghĩa là bạn đang chững lại và bị thụt lùi so với những gì bạn mong muốn đạt được. Bên cạnh đó, việc bạn thường xuyên sử dụng cảm xúc tiêu cực và sự tức giận cũng sẽ làm cho lí trí của bạn bị bào mòn theo năm tháng. Bạn sẽ không thể phân biệt được đâu là điều đúng, đâu là vấn đề mà bạn cần lên tiếng. Và vô hình trung, những lần chửi bới của bạn sẽ thường rơi vào các vấn đề nhỏ nhặt và quá đỗi bình thường.
SỰ VÔ HỌC ĐƯỢC ĐỀ CAO TRONG XÃ HỘI ẢO
Đáng tiếc, với tình hình phát triển mạng xã hội như ngày nay thì các phong trào thể hiện cảm xúc tức giận lại được cổ súy. Điều này cực kì nguy hiểm với người thực hiện các hành vi văng tục lẫn những người cổ súy và bị ảnh hưởng. Nó tạo ra một thế hệ vô học và ngắn não, luôn có ý kiến phiến diện với mọi thứ mà không hề biết cách suy xét, phân tích để phát triển.
Nguy hiểm hơn khi thế giới ảo ngày nay càng có nhiều các lứa thế hệ trẻ và cực trẻ tham gia. Sự ảnh hưởng của cảm xúc tiêu cực quá sớm khiến cho những đứa trẻ dần trở nên khó bảo, đần độn đi và không thể phát triển tư duy, trưởng thành theo con đường đúng đắn. Hãy nhìn vào sự việc gần đây nhất về dự án nghiên cứu thay đổi bảng chữ cái tiếng Việt. Hàng trăm ngàn người lên tiếng nhưng được mấy người đưa ra các quan điểm tập trung vào vấn đề thực sự? Họ gào thét, chửi bới, chế ảnh cáo phó…của vị PGS-TS và lăng mạ ông chỉ vì một nghiên cứu khó có thể trở thành hiện thực. Họ thể hiện sự tức giận của mình lên một đối tượng cụ thể chứ không phải là vấn đề do đối tượng đó gây ra, và thể hiện bằng những hành vi vô học.
Hãy tưởng tượng tới một thế hệ như thế trong tương lai, những đứa trẻ 10-12 tuổi gân cổ lên chửi rủa những người có thể sanh ra cả cha chú mình. Hãy tưởng tượng đến lúc người ta bắt đầu câu chuyện bằng lời chào “Đ*t m* mày” và thể hiện quan điểm với những từ “thằng l*n đó nói như bu*i”. Hãy nghĩ đến một xã hội như thế, và bạn cảm thấy nó có tốt đẹp hơn không?

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Review của anh Siêu
mình thấy văng tục chỉ nên dùng khi bộc lộ cảm xúc ức chế, ví dụ như đang quẹt kem đánh răng thì rớt bàn chải vào bồn cầu
mình thấy mấy người đang giận dữ hay đang tranh cãi mà bắt đầu văng tục là biết người đó sắp thua rồi, vì lý lẽ để phản bác đã hết, người ta phải dùng biện pháp cuối cùng để cản trở đối phương về mặt tâm lý. Trong một nhóm người văng tục quá nhiều, bạn cứ tĩnh tâm nói năng nhẹ nhàng thì bạn sẽ tỏa sáng.
cám ơn bài viết của bạn 


- Báo cáo

Khánh Lữ
Mình cũng có ý nghĩ giống bạn. Đa phần mình chữi tục toàn là để bộc lộ ức chế về một sự cố hay là một vấn đề nào đó mà tác nhân chính là mình, và những câu chữi đó hoàn toàn không hướng đến ý đã kích người khác. Kiểu như vừa bước ra đường đạp phải cục shit thì "Đê mờ nó! Cái *beep* con chó nào ị mất dạy thế này?"
Việc chữi tục nhằm công kích người khác không giúp ích được gì cho việc giải quyết vấn đề cần được giải quyết cả. Cho nên hiện giờ mình thấy người nào văng tục về một vấn đề cần giải quyết một cách điềm tĩnh thì mình chỉ cười phì, chả buồn mà chỉnh họ làm gì, kẻo lại bị chữi sấp mặt. 


- Báo cáo

sanyschan
Mình thì cho là chúng ta nên nhắc nhở các bạn ấy trong 3 lần. Nguyên tắc của mình là quá tam ba bận, nhắc 3 lần mà không sửa đổi thì buông
Có khi mình nhắc họ lại nghe thì sao, hoặc ít nhất về sau cũng sẽ có suy nghĩ lại. Vì nếu chúng ta cứ im lặng để mặc họ, thì họ sẽ tự động mặc định hành vi của họ là bình thường và đúng đắn mất 


- Báo cáo

Phuong
Câu "Đê mờ nó! Cái *beep* con chó nào ị mất dạy thế này?" là kiểu chửi thề á. Còn chửi bậy là dùng mấy từ như phụ khoa, đòi quan hệ với mẫu thân người đôi diện aka đê mờ để xúc phạm người khác. Nhiều người không phân biệt được 2 cái này, nên họ mới coi dùng những từ đó là thể hiện bản thân cool ngầu, thẳng tính.
- Báo cáo

sanyschan
Mình cũng cho rằng nên như vậy, hơn nữa việc bạn văng tục ở đâu với ai cũng là điều cần lưu ý. Khi đang đứng trong môi trường bình dân, nhiều người văng tục tương đương hoặc với bạn bè thân thiết thì bạn cứ xả vô tư. Nhưng tại các địa điểm cần lịch sự thì nên biết phân biệt, để ý mà giữ kẽ
Rất nhiều bạn trẻ hay bỏ qua các yếu tố này mà vô tư xả phụ khoa khắp nơi, rất là ô nhiễm không khí luôn
Bên cạnh đó, mình cho rằng văng tục và suy nghĩ văng tục = sống thực với bản thân là một quá trình trưởng thành. Vì mình cũng đã từng trải qua giai đoạn này, tâm lý cũng tương tự và lấy việc văng tục trong mọi vấn đề để thấy mình...tự tin hơn, chân thật hơn. Nên mình nghĩ là nếu nó đã là một quá trình bắt buộc, cũng không cần phải lên án nhiều quá làm gì. Tuy nhiên một vài năm gần đây mình quan sát những bạn trẻ tuổi hơn mình đang trong giai đoạn đó, thì phát hiện ra giai đoạn văng tục để thể hiện bản thân của mấy bạn kéo dài khá lâu. Có những bạn cứ như thế trong 3-4 năm liền (mà trong lứa của mình, với trên dưới tầm chục bạn đồng lứa mình quen thì giai đoạn này chỉ kéo dài max 2 năm thôi)
Mình nghĩ nếu kéo dài như vậy thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới tư tưởng và quan điểm sau này của các bạn ấy luôn 




- Báo cáo

Review của anh Siêu
ừm hứm, upvote cho bạn nè 

- Báo cáo

Review của anh Siêu
ừm hứm, upvote cho bạn nè 

- Báo cáo

Anthony
Tôi thấy bài viết của bạn lập luận đầy lỏng lẻo và phiến diện. Ví dụ bạn đưa ra nhận định, "văng tục" là sản phẩm của "tự ti" và là muốn thể hiện bản thân, nhưng chưa thể đưa ra dẫn chứng để chứng minh luận điểm trên một cách khoa học. Làm thế nào "tự ti" (suy nghĩ) lại dẫn đến "văng tục" (hành động)? (cá nhân tôi thấy đầy người tự ti và họ...không nói gì cả), Mặt khác, tại sao không phải "văng tục" là sản phẩm của yếu tố khác như môi trường chẳng hạn? Tôi có thời gian cũng văng tục các kiểu và tôi nhận ra là do môi trường tôi sống, sinh hoạt lúc đó toàn người văng tục (cụ thể là nhà tôi ở trọ). Khi thay đổi môi trường (đi lên giảng đường) thì tôi lại không văng tục nữa.
Sau đấy bạn lại nhầm lẫn và đánh đồng khái niệm "văng tục" và "chê bai" trong ví dụ về PTS-GS ngôn ngữ, khiến tôi đọc chẳng rõ được luận điểm của bạn ở đây là gì. Bạn đang nói đến "văng tục" hay "chê bai" hay cả hai?
Tôi thấy dẫn chứng bạn đưa ra có các PGS-TS, giới tri thức học thuật (những người bạn được "may mắn" quen biết) nhưng đáng buồn thay tôi thấy bài việt của bạn đầy sự phán xét và áp đặt cá nhân với tâm thế kì thị "văng tục" và "người văng tục" chứ không hề mang tính trung dung của khoa học.
Bạn làm tôi nhớ đến bài viết này trong spiderum https://spiderum.com/bai-dang/Thuong-dang-859
- Báo cáo

sanyschan
Mình đâu có viết bài này với tâm thế khoa học, và mình cũng không hề nhầm lẫn giữa văng tục và chê bai luôn
Sự tương quan giữa tự ti và văng tục nếu bạn để ý thì nó khá là mật thiết với nhau, dĩ nhiên ở đây mình không nói đến người tự ti do chấn thương tâm lý, mà đang nói đến sự tự ti về vị thế bản thân và tự ti khi không biết "mình là ai" hơn nha
Bài này viết dựa trên quan sát của mình, có nhiều người hay văng tục mà mình quan sát qua một thời gian khá lâu (từ 6 tháng đến 3 năm) mới phát hiện ra, cũng có một bài viết phân tích tâm lý về sự tự ti nhưng mình lại quên mất nguồn, nên mình viết lại các quan điểm của mình như sau:
Việc văng tục, chửi bới ở giới trẻ thường xuất hiện bởi 2 lý do: Thể hiện mình vì nhầm lẫn giữa văng tục là thẳng thắn và tự ti từ bên trong về vị thế của mình. Việc thể hiện mình do nhầm lẫn giữa thẳng thắn và vô học thì mình nghĩ chắc bạn đã hiểu rồi. Về phần lý do tự ti từ bên trong là mình rút ra từ chính bản thân và quan sát một số người khác trải qua các giai đoạn tương tự. Một ví dụ văng tục do hiểu nhầm và tự ti bạn có thể xem ở đây: https://www.wattpad.com/story/107751579-thùng-rác. Mình không muốn đưa nó vào bài làm dẫn chứng vì cho rằng cũng không nên đưa trực tiếp danh tính người được làm dẫn chứng như vậy.
Sự tự ti này bắt đầu khi các bạn trẻ cảm thấy chới với và không xác định được vị thế của mình, từ đó họ cố gắng tim kiếm và bấu víu vào bất kỳ hành vi ứng xử nào được ủng hộ và có thể thể hiện bản thân. Văng tục là một trong những cách đó. Không giống như đa số các biểu hiện của sự tự ti, người thường xuyên văng tục bởi bất kể vấn đề nào lựa chọn cách hành xử như vậy để che lấp sự hoang mang của họ. Bằng cách chửi bới với những từ ngữ phụ khoa, họ cảm thấy mình thể hiện rõ nét hơn bản chất con người và nhìn rõ được hơn chỗ đứng của bản thân. Mình không hề nói tới việc chê bai mà chỉ hướng thẳng tới cách người trẻ chêm quá nhiều từ phụ khoa khi nói đến một vấn đề, bất kể lớn nhỏ. Nên chuyện bạn kêu là mình nhầm lẫn giữa văng tục với chê bai là hổng có đâu
Việc văng tục do nóng tính, môi trường...mà bạn nói hoàn toàn không phải là cái ý mình đang nhắc đến trong bài. Nên có lẽ bạn có phần hiểu sai bài viết một chút. Mình không hướng tới chỉ trích các bạn văng tục khi ức chế, nói chuyện với bạn bè (là cái yếu tố môi trường bạn nhắc phía trên đó) mà nói tới những người văng tục ở khắp mọi nơi, nhất là những chỗ mà họ được ủng hộ nhiệt liệt (như trên MXH chẳng hạn). Tất nhiên khi đứng trước những người có biểu hiện vị thế cao hơn, họ sẽ im miệng và trở về con người tự ti của mình
Vì thế ngay từ đầu, bạn đã xác định sai đối tượng mình đang nói đến trong bài viết. Cho nên mình nghĩ là mới xảy ra chuyện bạn nhận định nguyên nhân mình nêu ra là không chính xác
Hy vọng là phần trả lời này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về quan điểm của mình 






- Báo cáo

Anthony
Chà có lẽ đúng là mình ko hiểu đúng ý bạn rồi, vậy nên cũng xiu góp ý bạn, chọn cách vào đề hợp lí hơn, có thể bắt đầu bằng việc phân loại các kiểu "văng tục" chẳng hạn và xác định rõ kiểu nào bạn muốn nói đến. Chứ thực sự là đọc phần mở của bạn rất khó để đi đúng hướng khi bạn vừa đề cập đến "văng tục cho vui" lại đề cập đến "từ ngữ thô tục ở nơi công công" làm cho người đọc (là mình) không xác định được đúng vấn đề bạn đề cập đến là gì.
- Báo cáo

sanyschan
Mình cũng đang cố gắng viết cho rõ ràng hơn ^^ chắc vốn từ chưa được phong phú nên cách sử dụng còn hạn hẹp

- Báo cáo

Kim Chi
Mình thấy những người thích văng tục kiểu đó thường thì những câu chuyện của họ gần như vô nghĩa vì chỉ xoay quanh bờ cờ lờ xờ tờ. Do vậy phản ứng của mình là lờ đi coi như không nghe thấy gì, cũng không cần "eo ôi kinh thế" hay tỏ ra bức xúc gì cả. Mình chỉ thấy buồn cười và thương cho họ thôi.
- Báo cáo

sanyschan
Thì đúng quả thật là cũng tội nghiệp, với thế giới quan hạn hẹp thì họ sẽ tự tiệt đường tiếp xúc với tri thức thôi hà. Nhưng mình cho rằng trong trường hợp đó nếu mối quan hệ đôi bên không quá xấu, mình sẽ nhắc nhở từ 1 đến 3 lần để họ nhận ra rằng không phải ai cũng đồng tình với hành vi như vậy 

- Báo cáo
northdious
Bài viết này đúng cái lúc mình vừa mới tìm hiểu ra cái từ rất thông dùng ở miền Bắc là từ ĐÉO nghĩa là gì.
- Báo cáo

Hồ Tiểu Giang
Đồng ý với điểm của bạn, văng tục càng k thể hiện là ngầu, là cách bộc lộ cảm xúc, tất cả chỉ là ngụy biện.

- Báo cáo