Em và Trịnh: Xem Phim, Nghĩ Chuyện Xưa
Xem phim, nghe nhạc và nghĩ đến những phận người của xã hội Việt Nam thời trước.
Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim, bạn đọc vui lòng cân nhắc trước khi đọc.
Mình đi coi phim "Em và Trịnh" sau khi đọc được khá nhiều nhận xét chỉ trích về phim, một chuyện xảy ra khá thường xuyên với phim có yếu tố lịch sử của Việt Nam được chiếu rạp. Mình đi coi với nhóm bạn chủ yếu để giải trí, xem phim này có gì mà mọi người bàn tán nhiều như thế.
Bài viết này là tổng kết những suy nghĩ hiện lên trong đầu mình sau khi xem bộ phim. Những suy nghĩ này, không phải tất cả đều xoay quanh các nhân vật trong phim, nó còn là về những sự kiện đã xảy ra trong xã hội Việt Nam thời đó, và hậu quả của chúng mà ta còn thấy được bây giờ.
Tại sao lại là Em và Trịnh?
Đây là bài viết đầu tiên của mình với cảm hứng đến từ một bộ phim, và mình chọn phim Em và Trịnh. Vậy tại sao lại là phim này chứ không phải các phim khác? Có hai yếu tố chính:
1. Mình nghe nhạc Trịnh, hứng thú với nhạc Trịnh từ nhỏ và cảm thấy rất vui khi thấy những bản nhạc mình yêu thích cũng được chia sẻ đến cho hàng nghìn người Việt khác. Mình nghe hồi nhỏ chủ yếu qua bố mình, bố mình cuối tuần ở nhà hay mở nhạc Trịnh nghe và nói về ông Trịnh Công Sơn, nên mình được nghe nhiều dù hồi đó không hiểu gì hết.
2. Phim gợi lại cảm hứng viết về lịch sử cho một người thích sử như mình. Đây là bộ phim hiếm hoi lấy bối cảnh cuộc sống ở miền Nam xưa nhưng không bị định hướng là phim chính trị, tuyên truyền. Mình thấy phim có điểm hay ở chỗ là tuy cuộc đời nhân vật Trịnh Công Sơn trong phim bị hư cấu nhiều, nhưng cuộc sống của người miền Nam xưa lại được tả khá thật, dù không đúng 100%.
Đối với mình, mình không coi phim điện ảnh để hiểu sâu về một ai đó hay sự kiện đó, phim điện ảnh chỉ giúp gợi lên cảm hứng cho mình để tìm hiểu sâu hơn về chủ đề đó. Do đó mình không thấy khó chịu lắm về các hư cấu xoay quanh nhật vật trong phim bởi vì nếu mình muốn tìm hiểu về Trịnh Công Sơn hay Khánh Ly, Dao Ánh, mình tự tìm tài liệu đọc.
Mình muốn nhắc lại rằng bài viết này không phải là một bài đánh giá phim và không hoàn toàn xoay quanh các nhân vật, tình tiết trong phim. Bộ phim này viết về những suy nghĩ của mình về xã hội Việt Nam thời chiến nói chung, miền Nam lẫn miền Bắc.
Chuyện sinh viên biểu tình
Ở ngay gần đầu phim chúng ta thấy được cảnh sinh viên biểu tình rầm rộ chống lại chính quyền độc tài quân sự. Chính quyền độc tài quân sự ở đây là chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm, được dựng lên từ năm 1955 dưới sự hậu thuẫn của chính phủ Mỹ. Sau nhiều năm cầm quyền với chế độ gia đình trị, ông Diệm dần mất đi sự uy tín trước dân chúng và càng khiến nhiều người chống lại ông, và rất nhiều số đó đã chọn đi theo phe cộng sản.
Sinh viên trí thức miền Nam xưa cũng rất nhạy cảm với chính trị và, giống như sinh viên Hồng Kông hiện nay, đã liên tục xuống đường biểu tình. Các cuộc biểu tình cũng rất được những người Cộng sản ủng hộ bởi vì nó làm rối loạn xã hội miền Nam và giúp giảm thiểu tinh thần chiến đấu của xã hội miền Nam.
Trong cuộc biểu tình rất lớn ngày 25/08/1963, đã có đến 5000 sinh viên xuống đường biểu tình trước công viên Diên Hồng ở trước cổng chính chợ Bến Thành (Sài Gòn). Cuộc biểu tình này do Ủy ban chỉ đạo Học sinh liên trường chỉ đạo, nhằm chống lại quy định "thiết quân luật" của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Đoàn người biểu tình sau đó đã xung đột với cảnh sát khiến cảnh sát nổ súng làm chết một số người và nhiều người bị thương. Một trong số đó là nữ sinh Quách Thị Trang.
Ngay sau Cuộc đảo chính 1963 tại Nam Việt Nam lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, người dân Sài Gòn đã bắt đầu gọi nơi đây là "Bùng binh Quách Thị Trang" để tôn vinh chị thay cho tên gọi chính thức là "Công trường Diên Hồng". Sau 1975, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận Quách Thị Trang là liệt sĩ và nơi chị đã hy sinh cũng được chính thức mang tên quảng trường Quách Thị Trang. Vì lý do thì công tuyến đường sắt tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên, cho nên quảng trường đã bị phá bỏ.
Sau năm 1963, sinh viên miền Nam cũng liên tục tổ chức biểu tình chống chiến tranh, chống lại các sự áp bức của chính quyền. Các cuộc biểu tình này đều là biểu tình quy mô lớn, có tổ chức, và cũng thường được sử ủng hộ của nhiều người đi theo quân Cộng sản.
Về chuyện sinh viên miền Nam biểu tình hồi trước năm 1975, Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đăng bài:
Mặt khác, để thực hiện có hiệu quả chính sách “quân sự hóa học đường” chính quyền Sài Gòn đã chủ trương “tách chính trị ra khỏi học đường”. Mục đích của chính sách này là tách rời học sinh, sinh viên ra khỏi đời sống hiện tại của xã hội, là “che mắt, bịt tai” lớp người trí thức, tạo cho họ đầu óc cầu an tự kỷ, buông xuôi, vô trách nhiệm với vận mệnh lịch sử. Đồng thời, chính sách trên nhằm phủ nhận vai trò chính trị của học sinh, sinh viên và âm mưu dập tắt ngọn lửa đấu tranh của họ. Mặc cho sinh viên sục sôi phản đối chương trình quân sự học đường, chính quyền Sài Gòn vẫn tiếp tục thi hành. Tình trạng o ép mà chính quyền Sài Gòn tạo ra đối với sinh viên đã làm dấy lên những phong trào phản đối.
Sau năm 1975, thái độ của chính quyền với việc biểu tình của sinh viên đã thay đổi hẳn.
Theo pháp luật Việt Nam hiện tại, quyền biểu tình của sinh viên không chỉ bị giới hạn bởi các quy định áp dụng chung cho toàn xã hội như Nghị định 38/2005/NĐ-CP hay Thông tư 09/2005/TT-BCA, mà còn bị giới hạn bởi các quy định dành riêng cho sinh viên, học sinh. Có thể kể đến là Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Thông tư 10 kể trên quy định về Quy chế công tác học sinh, sinh viên tại các trường đại học hệ chính quy. Văn bản này giới hạn quyền biểu tình bằng cách đặt ra mức kỷ luật từ khiển trách tới buộc thôi học, giao cho cơ quan chức năng xử lý khi sinh viên biểu tình. Mục 23 của Thông tư 10, khi tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái pháp luật từ lần thứ ba trở lên, sinh viên có thể bị đình chỉ học, buộc thôi học, và có thể giao cho cơ quan chức năng xử lý. Mục 22 của phần phụ lục nêu trên tỏ ra nặng nề hơn với hành vi lôi kéo, kích động biểu tình, viết truyền đơn, áp phích khi chỉ cần sinh viên làm lần đầu là bị đình chỉ học có thời hạn và bị đuổi học nếu làm lần 2.
Thực tế thì không phải sinh viên nào cũng biết rõ về sự tồn tại của Thông tư 10 và các quy định của nó. Tuy vậy, nhiều sinh viên vẫn biết rằng họ sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu tham gia biểu tình. Nhiều sinh viên dù không tìm hiểu về luật cũng đều nghĩ rằng họ sẽ bị kỷ luật, đuổi học, phạt hành chính và thậm chí là ngồi tù nếu tham gia biểu tình.
Tuy vậy vẫn có nhiều sinh viên chấp nhận rủi ro để đi biểu tình nói lên chính kiến của mình. Các cuộc biểu tình gần đây ở Việt Nam như biểu tình phản đối Formosa, Luật đặc khu, Luật An ninh mạng, phản đối chặt cây ở Hà Nội hầu hết đều mang tính tự phát và không do một nhóm cụ thể nào kêu gọi. Cũng không có một nhóm hội nào của sinh viên đứng ra kêu gọi hay lãnh đạo những cuộc biểu tình này. Một số sinh viên đã tham gia các cuộc biểu tình kể trên, nhưng thường không phải ai cũng kể câu chuyện của mình.
Ngoài ra do nhận thấy sự nguy hiểm của việc một lượng lớn sinh viên trí thức tập trung có tổ chức dưới một mái trường, chính quyền sau này đã thực hiện chia tách các trường đại học lớn thành đại học nhỏ với mục đích "chia để trị". Đây là cách mà Stalin áp dụng cho các đại học ở Liên Xô và Đông Âu.
Ví dụ sau năm 1975, trường Đại học lớn nhất miền Nam là Viện Đại học Sài Gòn bị giải tán, các khoa của trường bị chia tách thành các đại học nhỏ. Như trường Văn khoa và trường Khoa học sau 1975 bị sáp nhập lại thành Đại học Tổng Hợp, sau đó lại tách ra, Văn khoa đổi tên thành ĐH Khoa học xã hội nhân văn, Khoa học đổi tên thành ĐH Khoa học Tự nhiên.
Đó là lý do trong khi đại học ở các nước phương Tây đa số đều là đại học tổng hợp với nhiều khoa ngành khác nhau, trải dài từ quản trị kinh doanh, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, trường kỹ sư cho đến nghệ thuật, thì ở Việt Nam lại có các trường đào tạo đơn ngành, đơn lĩnh vực: ví dụ Đại học Ngoại thương chỉ thiên về kinh doanh, Đại học Bách khoa thì gần như tập trung vào kỹ thuật, Đại học Khoa học tự nhiên không dạy về kinh tế hay kinh doanh.
Sau ngày Liên Xô sụp đổ, nước Nga chọn đi theo mô hình đại học đa lĩnh vực như Âu - Mỹ, chính phủ Việt Nam cũng bắt chước theo và thành lập mô hình "đại học mẹ - đại học con", như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập ngày 06/02/1996. Đây là như là biện pháp "chữa cháy" khi thấy việc chia nhỏ đại học ngoài việc phục vụ cho mục đích chính trị thì không giúp ích gì được cho mục đích giáo dục.
Mô hình này vẫn tồn tại đến ngày nay và Việt Nam là quốc gia duy nhất áp dụng mô hình "lai" này, nó là hệ quả của những quyết định chính trị trong quá khứ và hầu như không thể sửa.
Chuyện đi dạy, đi hát
Trong phim chúng ta thấy Trịnh Công Sơn đi từ Huế lên B'Lao, Bảo Lộc để dạy học, sau đó bỏ việc để về Huế, rồi lại từ Huế vào Sài Gòn để đi hát. Ông cùng Khánh Ly tổ chức hát ở Quán Văn, rồi cũng đi nhiều nơi trong miền Nam gặp gỡ giao lưu với mọi người để ca hát.
Đối với người ở thế kỷ 21 sống trong hòa bình như chúng ta thì điều đó không có gì xa lạ, tuy nhiên với xã hội ở miền Bắc cùng thời kỳ thì đó là chuyện không tưởng.
Thứ nhất dưới chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc thời kỳ chiến tranh, không có thị trường lao động tự do, tức một người không thể cứ học xong và rồi muốn chọn vào nơi nào làm thì làm. Chính phủ kiểm soát toàn bộ thị trường lao động, và người lao động làm việc mà chế độ cho phép họ làm. Một người lao động muốn làm việc ở xí nghiệp nào, địa phương nào thì đều phải được nhà nước cho phép. Nếu muốn đổi công ty hay nơi làm, tất cả chỉ có một cách là xin cấp trên. Đây là nguồn gốc của cơ chế "xin-cho" mà bạn hay đọc trên báo chí. Kết quả của việc xin thành công hay không đều phụ thuộc vào rất nhiều vào độ thân thiết của mối quan hệ giữa người xin và người cấp phép.
Ngoài ra một người đã được đưa vào biên chế, tức có vị trí làm nhất định, thì không được phép nghỉ tự do mà phải được phép mới được nghỉ. Thường người đó chỉ chuyển từ việc này sang việc khác, chứ không có vụ tự dưng bỏ việc rồi đi làm việc gì tùy ý.
Chính cơ chế kiểm soát chặt thị trường lao động này mà ở các nước xã hội chủ nghĩa không ai có tình trạng thất nghiệp, ai cũng được nhà nước phân làm một công việc nào đó.
Việc đi lại cũng bị hạn chế nghiêm trọng ở miền Bắc. Các chính sách như sổ hộ khẩu, đăng ký tạm trú và đăng ký thường trú được lập ra để kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của từng cá nhân. Trừ bộ đội được đi lại qua nhiều địa phương nhằm phục vụ cho mục đích quân sự, thường các cá nhân không thể tự do đi lại giữa các tỉnh. Tất cả việc đi lại đều phải khai báo, xin phép, ví dụ như thăm nhà, đi học đại học, đi khám bệnh.
Xã hội thời này vận hành theo hướng "người dân chỉ được làm những thứ nhà nước cho phép". Do đó tất cả mọi việc đều phải được xin phép, khi chính quyền địa phương muốn chặn một hành động gì đó của người dân, câu hỏi đầu tiên luôn là: "Ai cho phép anh/chị làm cái này?"
Ví dụ ở dưới đây là đơn người dân viết xin phép mổ lợn. Từ những năm 1960, hộ dân nào nuôi lợn cũng phải đăng ký với chính quyền, mỗi năm phải nuôi đủ theo chỉ tiêu đã quy định, lợn phải bán cho Nhà nước với giá thấp. Chỉ có cơ sở chăn nuôi và cửa hàng thực phẩm Nhà nước mới được phép giết mổ lợn và bán phân phối cho cán bộ, công nhân viên.
Nhà nào nuôi được nhiều lợn hơn chỉ tiêu, muốn làm thịt ăn Tết thì phải xin phép chính quyền, nộp thuế, ai không xin phép sẽ bị tịch thu thịt lợn và phạt nặng.
Hoặc là đơn xin phép vận chuyển. Một người dân phải viết đơn cam đoan rằng tủ đồ anh đang chuyển là anh "trao tặng" chứ không phải là "mua bán". Lý do là vì dưới mô hình xã hội chủ nghĩa, người dân không được phép mua bán tự do với nhau (kể cả bán sức lao động).
Nhà nước quản lý hàng hoá và phân phối theo kế hoạch, kể từ hạt lúa, mét vải, cái kim sợi chỉ, quyển sách vở học trò, chiếc xe đạp, điếu thuốc ʟá, cái bát ăn cơm, con gà con lợn… Ai tự vận chuyển, bán những thứ do mình sản xuất được hoặc mua đều vi phạm luật của nhà nước, bị tịch thu hàng và phạt nặng.
Tất nhiên miền Nam thời chiến không phải là hoàn toàn tự do trong mọi thứ, chiến tranh cũng khiến chính phủ đặt ra nhiều chính sách hạn chế tự do cá nhân như thiết quân luật, công an có thể bắt người không có lý do để kiểm tra đột xuất. Tuy vậy về nền tảng chính trị bị ảnh hưởng bởi Pháp và Mỹ cho nên nền tảng hệ thống xã hội vẫn khá cởi mở, ta có thể thấy cô Bích Diễm có thể chọn học đại học ở Sài Gòn hoặc đi du học một cách thoải mái.
Sau năm 1975 thì cách quản lý "người dân chỉ được làm những gì nhà nước cho phép" được áp dụng lên cả miền Bắc lẫn miền Nam. Sau này nhà nước mới bãi bỏ hệ thống quản lý kiểu này trong một đợt canh tân gọi là "Đổi mới" vào năm 1986. Khi đó chính phủ đổi qua cách quản lý "người dân được phép làm những gì nhà nước không cấm" và xã hội dần dần được mở cửa hơn, dù quá trình này diễn ra khá chậm, ví dụ phải đến gần đây chính phủ mới đồng ý bỏ sổ hộ khẩu giấy, hoặc tư duy "xin việc" vẫn còn hằn sâu trong tâm trí người dân.
Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn
Nội dung của bộ phim xoay quanh chuyện Michiko đến Việt Nam tìm hiểu về Trịnh Công Sơn và nhạc phản chiến của ông. Mình nghĩ rằng ông Trịnh Công Sơn không hẳn viết nhạc phản chiến trực tiếp mà những bản nhạc của ông mô tả sự đau đớn của con người, nói về thân phận nhỏ bé của con người phải chống chọi với những biến cố lớn lao mà họ không kiểm soát được.
Các bài hát liên quan đến chiến tranh được nhắc đến trong phim gồm có "Đại bác ru đêm", "Huyền thoại mẹ" đều chỉ là những bài "nhẹ đô" mà Trịnh Công Sơn sáng tác. Ông viết những bài với những ca từ nặng nề hơn như bài "Bài ca dành cho những xác người" được sáng tác năm 1968 sau khi ông chứng kiến sự tàn khốc của phố phường sau trận đánh Mậu Thân.
Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co.
Xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa
Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu
Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày
Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai
Đường đi tới, dù chông gai
Thì quanh đây đã có người
Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây
Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này
Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai
Những bài hát của ông thường tạo ra sự xót xa, thương tiếc cho những người đã qua đời vì chiến tranh, điều đó khiến nhiều người phe Việt Nam Cộng Hòa gọi ông là "ủy mị, yếu đuối". Phía cộng sản miền Nam thì không quan tâm tới nhạc của ông vì nó không thể hiện lập trường chính trị, còn chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì không chấp nhận góc nhìn "nội chiến" mà ông thể hiện qua nhiều bài hát, cũng như việc ông thương xót những người mà họ coi là tay sai cấp cao của "ngụy quân, ngụy quyền". Ví dụ ông viết bài "Cho một người vừa nằm xuống" để thương tiếc cho chuẩn tướng không quân Lưu Kim Cương của Việt Nam Cộng Hòa, tử trận khi đang chỉ huy phòng thủ sân bay Tân Sơn Nhất năm 1968. Lời bài hát thể hiện sự xót xa cho phận người:
"Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
Đã vui chơi trong cuộc đời này
Đã bay cao trong vòm trời này
Người nằm xuống, không bạn bè, không có ai
Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời
Ru anh ngủ, mùa mưa tới
Trong nghĩa trang này có loài chim thôi"
Sau năm 1975, ông cũng như nhiều người nghệ sĩ miền Nam khác bắt đầu được đưa vào diện đánh giá để xem có tư tưởng phản động hay không. Ông Nguyễn Đắc Xuân ghi chép lại rằng có nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra để quyết định xem Trịnh Công Sơn có nên bị xử hay không:
"Tội" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là ông đã làm nhạc phản chiến một cách chung chung, không phân biệt được chiến tranh xâm lược và chiến tranh giải phóng dân tộc trong bài "Gia tài của mẹ" với câu Hai mươi năm nội chiến từng ngày.
Thậm chí ông còn làm nhạc ca ngợi địch trong bài "Cho một người nằm xuống" thương tiếc đại tá không quân Sài Gòn Lưu Kim Cương tử trận – người đã từng cưu mang ông.
Nhiều người phát biểu biện hộ cho Trịnh Công Sơn: "Đúng là Trịnh Công Sơn đã làm nhiều bản nhạc phản chiến, anh được mệnh danh là người làm nhạc phản chiến số 1 thời ấy giống như Bob Dylan, Joan Baez ở bên Mỹ. Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tự do, anh theo đuổi chủ nghĩa nhân bản chung chung khác chúng ta. Nhưng anh làm nhạc trong vùng tạm chiếm, người nghe nhạc phản chiến của anh là lính Cộng hòa. Rất nhiều lính của Thiệu đã bỏ ngũ vì nghe bản nhạc Người con gái da vàng của anh.
Chẳng có người lính cách mạng nào bỏ ngũ vì nghe nhạc của Trịnh Công Sơn cả. Cũng như ngày xưa bên Trung Quốc, Trương Lương thổi sáo đâu phải để cho quân mình buông kiếm! Đâu phải tự dưng chính quyền Thiệu ra lệnh tịch thu những bài hát của Sơn". Và chính xấp tài liệu đăng lệnh của cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cấm phổ biến nhạc Trịnh Công Sơn, lệnh cấm mang số 33 ngày 8.2.1969, đã có sức thuyết phục lớn đối với những người tham dự tọa đàm. Sau cuộc tọa đàm, Trịnh Công Sơn phải viết kiểm điểm. Hồi ấy, những bản kiểm điểm nói không đúng vấn đề thường phải viết lại. Trịnh Công Sơn chưa quen lối sinh hoạt này nên rất chán chường...
"Có lẽ nỗi thất vọng nhất của ông trong thời gian đầu sau năm 1975 là nhạc của ông cũng bị cấm phổ biến y như trước. Sau đó qua thập niên 1980 ông mới viết nhạc lại nhưng chỉ gửi ra phát hành ở hải ngoại và các bài này do ca sĩ Khánh Ly thể hiện là chủ yếu.
Phải mãi sau này chính phủ mới thay đổi tư duy kiểm soát và cho phép ông sáng tác nhạc lại, nhưng các bản nhạc của ông phải trải qua rất nhiều khâu kiểm duyệt gắt gao thì mới được phát hành ra thị trường.
Chuyện xưa, chuyện nay
Bộ phim Em và Trịnh có thể không hay về mặt nội dung và mô tả không chính xác về cuộc đời của những nhân vật được nhắc đến trong phim, nhưng mình nghĩ nó là một cơ hội hiếm có để cho khán giả hiện đại có được một góc nhìn về cuộc sống ở miền Nam xưa, và mình muốn viết ra những sự khác biệt giữa xã hội Nam, Bắc thời đó như giúp hoàn thiện phần còn thiếu về bức tranh cuộc sống của hai miền.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất