Vừa rồi đọc bài "Tư Duy Sáng Suốt Thì Hiếm, Nhưng Lòng Can Đảm Thì Còn Hiếm Hơn Thiên Tài" của Huskywannafly, mình thấy rất cảm xúc nên quyết định viết bài này, nói ra điều mình đang ấp ủ (cũng đang thực hiện). Mong muốn là được có thêm nhiều người biết đến nó.

Thực tế đã và đang diễn ra

Hơn 10 năm trước, mình tốt nghiệp xong đại học (liên thông nhé) và trải qua quãng thời gian thất nghiệp. Người ta ai cũng nghĩ học đại học xong thất nghiệp là bình thường. Cá nhân mình coi đó là không bình thường. Đó là thất bại của việc giáo dục, đào tạo con người. Trước hết cá nhân mình có lỗi trong việc đó, bởi đã không cố gắng, ko chăm chỉ, ko có định hướng hay ước mơ. Nhưng song hành với đó là lỗi trong hệ thống giáo dục. Lỗi nó nằm ở:
- Việc dạy quá lý thuyết, không có nhiều điều kiện thực hành. Dẫu rằng hệ đại học là 1 hệ đòi hỏi sự chủ động và tự học, nhưng nó không cho sinh viên có "cơ hội" tiếp cận thực tế. Nếu có thì quá ít và không đến lượt, thường chỉ dành cho những ai xuất sắc nhất, tỷ lệ tầm 1/600.
- Các kỹ năng mềm không đủ đáp ứng. Những ai đã lăn lộn trường đời đều nói kỹ năng mềm là thứ rất quan trọng giúp họ tồn tại và phát triển. Ra trường đời, cái người ta (hay tôi) học thêm chủ yếu là các kỹ năng mềm. Những thứ không có sách vở nào dạy, không người thầy nào dạy. Đến khi vững vàng 1 vài kỹ năng mềm thì tôi thấy cuộc đời dễ thở hơn nhiều. Tôi tự hỏi tại sao khi còn là sv, tôi không được học những thứ này?
- Không có định hướng. Nếu như học cấp 3, chúng ta kỳ vọng việc vào 1 trường đại học nào đó, học trường đó xong thì tương lai sẽ thế này thế kia, nhờ đó chúng ta nỗ lực. Thế nhưng hỏi hầu hết sinh viên, chẳng ai còn giữ cái định hướng đó nữa. 3-4 hay thậm chí 5 năm học đã khiến họ thay đổi nhiều. Thay đổi nhiều nhất chính là họ không còn định hướng nữa, gần như phải làm lại từ đầu (ở đây tôi nói tới đám đông, không phải cụ thể từng cá nhân, là những gì tôi đã nhìn thấy, đã trải qua). Tức là sự kết nối, sự liên kết đã mất. Như vậy 3 năm cấp 3 gần như phí hoài, nó biến mất ngay sau khi cánh cửa đại học mở ra. Đúng ra nó phải nối tiếp và phát triển chứ nhỉ?
Sau hơn 10 năm, tôi nhìn lại và thấy mọi thứ vẫn thế. Thậm chí ngày nay, tôi gặp nhiều bạn trẻ tốt nghiệp từ nhiều trường top cao hơn trường tôi trước kia, thì họ cũng chẳng khác gì tôi khi đó. Nhiều bạn còn tạm gác tấm bằng tốt nghiệp sang 1 bên để tìm tới những công việc khác chẳng liên quan gì tới nó. Vậy những năm đại học há chẳng quá phí hoài hay sao? Tìm việc làm khó khăn đến vậy ư?
Nhìn sang các kênh tuyển dụng, gặp gỡ những nhà tuyển dụng, tham khảo  công tác xét tuyển, tôi thấy cũng có vô vàn vấn đề khác. Vị trí cần nhân sự chất lượng rất nhiều, nhưng ứng viên đáp ứng yêu cầu thì ít. Người ta nói "tỷ lệ thất nghiệp ở vn 0%" cũng chẳng sai, nếu là người tuyển dụng bạn sẽ hiểu. Người ta nói "tỷ lệ thất nghiệp ở vn rất cao" cũng chẳng sai, nếu là người vừa tốt nghiệp đại học bạn sẽ hiểu. Không có sự kết nối. Khả năng kết nối kém. Ai làm việc của người đó. Sinh viên học và xác định mục tiêu kiểu sinh viên. Người tuyển dụng tuyển theo kiểu của họ. Trường học dạy theo kiểu của họ (chuẩn từ Bộ GD). Và kết quả là vậy đó, thứ mà 10 năm qua tôi hàng ngày chứng kiến. Ai cũng có lý đúng cả. Vậy sai ở chỗ nào?

Ước mơ của tôi

Ước mơ của tôi là chấm dứt được cái thực trạng kia. Viễn cảnh của nó là:
- Từ cấp 3, học sinh đã được dạy 1 số kỹ năng phục vụ cho việc tự học, kỹ năng mềm ở mức cơ bản (lý thuyết). Kết hợp với đó là định hướng phát triển nâng cao trong từng trường đại học. Tức là trường đại học không chỉ cung cấp tấm bằng, mà còn cung cấp cơ hội phát triển kỹ năng mềm phù hợp. Thậm chí là cơ hội làm việc đúng ngành nghề được học là rất cao, rất rõ ràng.
- Vào đại học, sinh viên sẽ phát triển cả 3 hướng: kỹ năng mềm ở mức nâng cao (mức mà đáp ứng yêu câu công việc ngay), được tạo ra các sản phẩm mẫu phục vụ cho công việc (mà tôi gọi là công cụ làm việc) theo sự sáng tạo của chính họ. Họ sẽ được trải nghiệm các công việc cụ thể, và họ sẽ thấy các kiến thức, kỹ năng đang học sẽ áp dụng như thế nào, họ còn yếu ở đâu... để mà luyện tiếp, học tiếp cho thành thạo. Họ nghiên cứu các dự án đã triển khai (dự án đã thành công hoặc thất bại) để tìm nguyên nhân, lý do, và cách làm khác nếu họ sẽ làm. Đấy mới là thứ tôi mong muốn khi còn là sinh viên. Nó như việc "Sống thử" tiền hôn nhân vậy. Phải thử mới biết. Và những hậu quả từ việc Sống thử sẽ được kiểm soát, được hỗ trợ để họ có thể tiếp tục hoặc chủ động tìm hướng khác nếu thấy không hợp. Để làm được điều này, bản thân các trường đại học phải theo sát được nhu cầu của doanh nghiệp, các giảng viên sẽ là người nghiên cứu, đề xuất ra các nội dung chương trình cho phù hợp dựa trên trình độ, kiến thức của họ. Đó là các "sáng kiến kinh nghiệm", các "công trình khoa học" mà chính họ sáng tạo ra, chính họ phát triển và thực nghiệm.
- Phương pháp học: để giảng viên có thể làm được các công trình nghiên cứu, sáng tạo kia thì họ cần thời gian, cần khoảng trống. Để làm được điều đó thì họ phải được giảm thời gian đứng lớp, giảm thời gian tiếp xúc trực tiếp với sinh viên. Họ cần thời gian làm việc, tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp. Chính họ phải làm việc như 1 "sinh viên xuất sắc" vừa ra trường, từ đó dạy lại cho những sinh viên đi sau. Để được như vậy, thì công nghệ phải đủ mạnh để hỗ trợ. Học online là 1 giải pháp hay để hỗ trợ cho giảng viên. Nhưng để học onnline được tốt thì sinh viên cần được trang bị kỹ năng tự học từ trước đó rồi (ở cấp 3). Có như thế mới không bị đứt quãng trong tư duy và thời  gian. Học và thi đều online, tự động, kể cả khâu ra trường. Trường học sẽ là nơi để sinh viên ghi danh trên đó. Các công ty đều có thể vào các website của trường đại học để lấy CV học  viên, tự tìm những ứng viên phù hợp. Công nghệ của trường đại học chính là kênh kết nối với nhà tuyển dụng. Chương trình đào tạo chính là sản phẩm mà doanh nghiệp cần, muốn. Nó được xây dựng và chuẩn hóa từ chính những giảng viên, những người đã ở trình độ "Sau đại học", dày dặn kinh nghiệm thực tế.
Ở viễn cảnh ấy, sinh viên ra trường có thể tự xác định mức lương cho mình. Họ hoàn toàn biết được lương 2k $ thì đòi hỏi những gì, cần kỹ năng gì, biết sử dụng công cụ gì, áp lực công việc ra sao... để mà cố gắng trong những năm còn được học. Học phí và thời gian, công sức họ bỏ ra xứng đáng với những thứ như vậy, chứ không phải chỉ mỗi tấm bằng. Đó là 1 sự đầu tư để lấy kinh nghiệm - thứ mà các nhà tuyển dụng đều yêu cầu, chứ không phải để lấy tấm bằng - thứ mà các nhà tuyển dụng cho là phải có. Người ta học thật, thi thật, làm thật, và tranh nhau nhân tài là có thật.
---
Nếu không ai làm thì tôi sẽ làm. Tôi làm vì tương lai con cái tôi. Tôi sẽ làm 1 người giảng viên như cái mà tôi đang ước mơ, để từng bước biến ước mơ thành hiện thực.
20/01/2020