Don’t f*** with cats: Giới hạn nào cho công lý mạng?
Khi cuộc truy tìm công lý nằm trong thế giới số, nơi không có giới hạn nào được đặt ra, khi một thang đo tiêu chuẩn không còn ý nghĩa, chúng ta có nên đấu tranh vì một thứ gọi là công lý mạng nữa hay không?
Khi cuộc truy tìm công lý nằm trong thế giới số, nơi không có giới hạn nào được đặt ra, khi một thang đo tiêu chuẩn không còn ý nghĩa, chúng ta có nên đấu tranh vì một thứ gọi là công lý mạng nữa hay không?
Mong ước truy tìm công lý không phải chỉ mới xuất hiện gần đây. Làm sao để có được công lý? Câu hỏi ấy được lưu truyền từ kinh sách, tiểu thuyết đến những giáo lý, luật lệ để công chúng giải quyết nhau nơi pháp trường. Nhưng trong cái thế giới được bao trọn bởi cái ô “công nghệ số”, ta cần làm gì để trở thành người truy tìm công lý chân chính, mà không phải Don Quixote chiến đấu với cối xay gió.
Từ vụ truy sát kẻ thù ác đến nỗi sợ về phân cực cảm giác
Với những ai chưa xem bộ phim “Don’t fuck with cat”, đây là phim tài liệu ngắn dựa trên câu chuyện có thật về một nhóm người đi truy lùng kẻ thù sau khi hắn phát tán những video quay lại chính bản thân tự tay sát hại những chú mèo con. Tuy nhiên, chính sự đoàn kết ấy lại vô tình dẫn đến vụ tự sát của một người trong hội, người đã tự xưng mình là chủ của những clip trên mạng. Sau khi mọi chuyện vỡ lở, anh ta thậm chí không phải là hung thủ mà chỉ đang trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn của căn bệnh trầm cảm. Cuối phim thậm chí còn hứa hẹn 1 cái chết đau lòng hơn nữa.
''Trial by social media" hay Kết án trên mạng xã hội là việc quy kết tội danh cho những người tình nghi được thực hiện bởi một hay nhiều nhóm người tự phát trên mạng xã hội mà không theo lệnh của tòa án hay viện kiểm sát.
Khi không có phương tiện truyền thông nào có thể so bì với mạng xã hội về tốc độ lan truyền, chúng ta đôi khi chưa thể hình dùng hết sức mạnh mà chính những tài khoản Facebook hay Twitter mang lại. Dù mạng xã hội mang đến hiệu quả “khổng lồ” cho việc lan truyền thông tin, nhưng với trường hợp kết án, liệu sức ảnh hưởng đó có đang bị lung lay? Nếu các tòa án sử dụng kĩ thuật, quy trình pháp lý nghiêm ngặt để kiểm định bằng chứng thì mạng xã hội bỏ qua hoặc không bị ép buộc tuân thủ những quy tắc đó. Điều này cộng hưởng với tốc độ lan truyền của mạng xã hội và mong muốn "tìm kiếm công lý" sẽ dẫn đến những cáo buộc sai lầm hoặc thiếu cơ sở, gây tổn hại thật với những con người vô tội, mở đường cho sự tùy tiện của quyền lực đám đông. Mẩu tin kêu gọi chữ ký cộng đồng xử phạt bị cáo đối với người dùng mạng chỉ là 5 phút dừng lại, nhưng đối với kẻ phạm tội, đó có thể là án tù 20 năm cho một người trộm bánh mì hay án giảm 3 năm cho kẻ hiếp dâm.
Bộ phim tài liệu Don’t fuck with cat đâu đó cũng có điểm tương đồng với sự kiện xảy ra ngày 13/7 vừa qua. Một cô gái bế mèo đi khám bệnh trong thời điểm dịch Covid và bị giữ lại ở chốt kiểm sát. Cô bé bị đăng clip lên mạng và cuối cùng thì chú mèo đã chết. Bản thân sự kiện đã có những xung đột lợi ích liên quan đến những giá trị rất riêng như câu chuyện Chó quyền/ Mèo quyền, hay quyền chấp thuận để được đăng hình ảnh lên mạng xã hội, và bao quát hơn cả: Quy định giãn cách bảo vệ cộng đồng trong đại dịch Covid-19. Nhưng chúng ta hãy tạm gác lại việc xét xem công lý nằm về phe cô gái hay anh cảnh sát. Cùng thử quan sát những dòng bình luận bên dưới video được đăng tải
Một bên thì ra sức truy tìm cả tài khoản cá nhân của vị cảnh sát và vợ con anh để xúc phạm. Anh bị gọi là "không có tính người" "Thái độ nói chuyện như một gã lưu manh đầu đường xó chợ" "Đồ cầm thú, không biết thương yêu động vật"
Ở phía bên kia thì cũng có nhiều comment rất nặng nề nhắm vào hai bạn trẻ, đặc biệt là liên quan đến việc các bạn dành tình cảm cho mèo. Họ gọi những người đứng về phía bạn nữ là "mèo quyền", "rảnh rỗi". Và một trong comment gây sốc nhất là:
"Một con mèo chết thì cả cộng đồng mạng lên tiếng, một người chết vì COVID-19" thì chỉ là con số thống kê."
Vậy Mạng xã hội có khiến chúng ta bị cực đoan hoá?
Một đặc điểm của không gian mạng là nó lan tỏa cảm xúc rất nhanh chóng. Khi online, ta phần nào đó buông mình vào không gian và thời gian của một chiều thực tại khác. Chỉ mất vài giây thôi là hình ảnh, chữ viết, âm thanh sẽ tóm lấy sự chú ý của người dùng và hàng loạt cảm xúc hỉ nộ ái ố kéo đến. Như với sự kiện “cô gái bế mèo” là cảm giác muốn bảo vệ, bênh vực cho phe yếu khi phe mạnh (anh cảnh sát) liên tục chất vấn. Cảm nhận về công lý nhờ vậy mà cũng được khơi gợi lên nhanh chóng và rộng rãi với tất cả mọi người.
Mạng xã hội trao quyền cho người dùng bày tỏ quan điểm và cảm xúc của mình nhưng lại hạn chế rất lớn trong việc khiến ta suy xét kĩ lưỡng về những cảm xúc đó. Và điều đó dễ dàng đưa chúng ta đến những cuộc tranh cãi mà lằn ranh của công lý luôn mờ ảo ẩn hiện. Việc đăng video lên để cho dân mạng biết rõ sự tình cũng giống như hình thành 1 toà án online nhưng chính những hình ảnh mang tính thiên vị có đang khiến họ trở thành những thẩm phán không minh mẫn hay không?
Một vòng lặp của những thiên kiến xác nhận kéo ta ngày càng gần với những người "cùng phe" và xa khỏi những người "khác phe" - một hiện tượng có tên gọi là "phân cực cảm giác" hay affective polarization. Sự phân cực này khiến ta ngày càng quan tâm bảo vệ "danh tính" cộng đồng mình hơn là bàn luận công bằng. Trong một nghiên cứu về hiện tượng affective polarization trong một cộng đồng chính trị trên mạng ở Israel, hai tác giả Tal Orian Harel và Jessica Katz Jameson đã cho thấy các các biểu hiện của việc phân cực này.
Ở mức đầu tiên, những người bị phân cực bắt đầu nhìn nhận phe đối phương như hiểm họa.
Cấp độ thứ hai, họ bắt đầu làm sai lệch quan điểm của phe còn lại, gán cho họ những niềm tin cực đoan mà những người này không hề có, cốt là để tô vẽ nên một bù nhìn để cùng nhau tấn công.
Mức độ cuối cùng là khi họ đóng cứng nhóm của mình lại, tìm đủ mọi cách để gạt những người phe khác ra ngoài.
Vậy là cảm quan công lý lại kết thúc bằng việc chia phe cãi nhau với mục đích bảo vệ phe mình thay vì đi tìm một câu trả lời cho những vấn đề chung cấp thiết.
Trong sự kiện “bế mèo” thì thay về bàn luận về quy định của nghị định 16 hay quy định về quyền cá nhân, cộng đồng mạng vô tình rơi vào cuộc đấu giữa "mèo quyền" và "mạng người". Một bên bắt đầu gán cho phe đối diện những quan điểm như "coi mèo hơn mạng sống bố mẹ", hay "tôn sùng đội mèo lên bàn thờ". Và ngược lại, bên ủng hộ mèo cũng bắt đầu gán cho bên kia những tính từ như "vô cảm" "vô nhân tính".
Mạng là 1 khởi đầu tốt cho cảm giác về công lý, nhưng để đi xa với công lý mạng là một chuyện hoàn toàn khác.
Làm thế nào để thực sự truy tìm công lý mạng?
Nói xa xôi ví dụ tây ta cũng đủ rồi, mình cho rằng nếu thực sự muốn truy tìm công lý mạng thì việc nhận biết ảnh hưởng của không gian mạng và ý thức về cách hành xử văn minh nên nằm trong tâm trí của chúng ta mỗi lần đưa tay ấn nút nguồn. Thậm chí, cái ý thức ấy cần phải chiếm một vị trí quan trọng trong tâm trí chúng ta.
Những manh mối nào là đủ giúp ta không xa rời sợi dây công lý ấy?
Thử tham khảo triết lý của Socrates - nhà triết gia nổi tiếng thời Hy lạp cổ đại. Một ngày nọ, ông gặp một người quen trên đường.
Người này nói với Socrates:
- Ông có biết tôi mới nghe chuyện gì về bạn ông không?
- Chờ chút. Trước khi kể, cho tôi hỏi 3 câu đã. 3 câu này tôi gọi là 3 bộ lọc.
Câu thứ nhất: Anh có chắc chắn những gì mình sắp nói là sự thật?
- Không chắc. Tôi cũng chỉ nghe người khác kể lại…
“Vậy là anh không chắc”, Socrates nói.
- Câu thứ 2: những gì anh sắp nói về bạn tôi có phải là những điều tốt đẹp về anh ấy?
“Không, ngược lại là đằng khác.” - Người đàn ông trả lời.
- Vậy là anh sắp nói xấu về bạn tôi nhưng không chắc điều mình sắp nói là sự thật đúng không?
- Giờ tôi hỏi câu thứ 3: Những gì anh sắp nói có giúp ích gì cho tôi không?
“Thật ra là không.” - Người đàn ông trả lời.
Socrates nghe xong bảo: “Nếu những gì anh sắp nói anh không chắc là Sự thật, không phải là điều hay ho tốt đẹp, mà lại chẳng giúp gì cho tôi, vậy anh nói làm chi?”
Câu chuyện trên của Socrates dạy chúng ta sử dụng 3 bộ lọc khi tiếp nhật thông tin hoặc muốn nói điều gì đó, nói về người khác. 3 bộ lọc này được gọi là The Triple Filter Test - Công cụ trắc nghiệm 3 bộ lọc: Sự thật (Truth) - Tốt đẹp (Goodness) - Có Ích (Usefulness).
Với mỗi thông tin khi nghe hoặc muốn nói ra, mình cần tự hỏi:
1. Điều người đó nói có phải là Sự Thật không? Họ là người chứng kiến hay chỉ nghe kể lại?
2. Điều đó có ích cho những người liên quan không?
3. Điều đó có phải là điều tốt đẹp cho cả người nói lẫn người nghe không?
Hãy có những cách riêng cho mình để làm chủ công nghệ, đừng để không gian mạng biến chúng ta thành con rối của hiệu ứng đám đông.
Dự án hợp tác cùng Vỡ lòng công nghệ, đón nghe chi tiết số đầu tiên của chúng mình tại đây nha!
Mình chủ yếu định hướng bản thân cũng như phong cách viết xung quanh những vấn đề xã hội cũng như cung cấp một góc nhìn tích cực (hơi hướng chữa lành) về chúng.
Nếu bạn thấy hứng thú về mình hay cuộc sống muôn màu của mình, hãy đồng hành cùng mình qua IG @anhthu14920 nữa nha
Sending you love and light
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất