Hôm nay tôi nhận được tin nhắn của 1 bạn trẻ chuẩn bị bước vào năm nhất đại học, đúng vào ngành của tôi, kiểm toán NEU. Ngoài câu hỏi về ACCA mà tôi sẽ chia sẻ trong 1 post khác, tôi rất thích câu hỏi tiếp theo của bạn ấy và cả đoạn hỏi thêm phía sau:
"Ngoài việc học trên trường thì ngay từ năm nhất em nên trau dồi thêm kỹ năng hay chứng chỉ gì ạ. Đặc biệt là về Tin học văn phòng, anh có thể giới thiệu cho em các khoá học hay trung tâm, phương pháp học ko?
Trước hết em mới suy nghĩ về 2 câu hỏi trên, em rất hân hạnh nếu được anh giải đáp và chia sẻ thêm bất kì điều gì về nghề kế kiểm và hành trang chuẩn bị vào nghề."
Thực ra nếu xét kỹ đây cũng là 1 câu hỏi dạng How-to thông thường, nhưng tôi có cảm nhận 1 sự quyết tâm, ham học hỏi ở đó. Xin chia sẻ một số điều mà tôi cũng vừa viết cho bạn ấy, như sau (nhân tiện tôi sẽ bổ sung thêm phần ở trong ngoặc sau mỗi ý để giải thích thêm):
Về năm nhất (cho đến năm 4), anh nghĩ em có thể sắp xếp được mấy thứ sau thì tốt
1. Đừng nghĩ đi học ĐH là nhàn. Em cứ tập thói quen như 1 người đi làm, 1 tuần làm việc 40 tiếng trở lên. Sau này em đi ra trường đỡ phải quen với tần suất làm việc này
(đi làm rồi mới thấy làm việc cỡ 40h/tuần là bình thường, còn với nghề làm kiểm toán thì cỡ 50-55h là điều ai cũng gặp, kể cả là làm intern. Tất nhiên mình không cổ vũ cho việc làm việc quá vất vả và ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, nhưng rõ ràng là ở ngoài đời nó thế. Nhiều bạn học trong trường cũng nhàn, trừ trường Học viện tài chính học siêu nặng, nên đi làm ko quen với cái áp lực từ việc phải làm việc nhiều -> dễ bỏ cuộc)
2. Học tốt những môn ở trường, học rộng vào ấy. Kinh tế học, tài chính tiền tệ, xác suất thống kê, văn hóa doanh nghiệp, luật...Cái gì cũng quan trọng. Học để hiểu, điểm số là cái theo sau. Đừng học vì điểm (nhưng cũng đừng để học tài tử xong điểm kém)
(Cái này thì càng đi làm về sau mình mới thấy ngấm. Gần đây khi mình chuyển sang làm tài chính rồi dính dáng 1 tí vận hành thì thấy cái gì cũng cần phải học, chứ không phải là đi làm kiểm toán thì chỉ học mỗi kế toán và kiểm toán thôi. Nếu không hiểu được tài chính, tiền tệ, khó mà đánh giá được 1 model tài chính của khách hàng đưa ra, mà cái đó thì nó ảnh hưởng đến một vài phần hành trong 1 báo cáo tài chính. Hoặc đơn giản hơn, đọc 1 hợp đồng mà không hiểu thì sao biết khách hàng ghi nhận đúng hay sai)

3. Học thêm. Giỏi tiếng Anh là bắt buộc. Tiếp theo là học các kỹ năng văn phòng như word, excel, powerpoint. Tuy nhiên học mà ko hành thì hơi phí. Tốt nhất là nhờ các mối quan hệ cho em làm quen vs môi trường văn phòng, làm kể cả ko công để lấy kinh nghiệm.
(Bây giờ trên mạng chắc là tràn đầy khóa học văn phòng, đặc biệt là excel. Hồi đó mãi đến năm thứ 4 mình mới biết đến excel. Nhưng có 1 vấn đề là nếu học mà không thực hành được thì rất nhanh quên. Bản thân mình cũng thế thôi. Đôi khi mình cần phải dùng 1 hàm để xử lý 1 công thức, nhưng cả vài năm sau ko dùng, thì đến lúc dùng lại quên. Nhưng với những hàm cơ bản thì mình quá quen rồi nên kể cả không dùng thì vẫn nhớ. Vì thế mà các bạn phải kiếm được chỗ nào để có thể được thực hành lâu dài. Nếu bạn có người quen, hãy nhờ giới thiệu, kể cả không công. Rất nhiều phòng ban cần những bạn thực tập sinh để xử lý những tác vụ đơn giản bằng excel, hay soạn văn bản. Mình nghĩ sẽ không ai từ chối một người cầu tiến, cẩn thận và muốn làm cả)

4. Đi làm. Kiếm được đồng tiền đầu tiên (sorry em nếu em đã làm được việc này rồi). Đi làm em sẽ rèn được đủ loại kỹ năng, và ngoài ra thi thoảng còn rèn được cả áp lực, đôi khi bị chửi. Ko sao, sau này đi làm bị sếp mắng là bth.
(Với những ai chưa kiếm được đồng tiền nào thì chắc chắn là phải làm được điều này trong Đại học. Mình nhớ đồng tiền đầu tiên mình kiếm được là đi dạy thêm, và sau đó bỏ tiền đó ra để học ACCA vì k dám xin tiền bố mẹ. Đi làm thì được nhiều kỹ năng, cái đó nhiều người nói rồi. Mình muốn nói về việc đi làm thì rèn được cả việc bị nghe chửi :D. Cũng đúng thôi, chẳng ai bỏ tiền ra mà ko kỳ vọng người làm thuê cho họ phải làm được việc. Mà bạn thì mới ra đời, còn lóng ngóng, bị áp lực hoặc đôi khi bị mắng cho là rất bình thường. Có thế mới tiến bộ lên được.)
5. Mở rộng mối quan hệ. Tìm được sư phụ để kèm cặp thì tuyệt vời. Không thì bạn bè cùng chí hướng
6. Đọc sách.
7. Tập thể dục, duy trì sức khỏe và lối sống khoa học.
(5,6,7 khó viết quá vì nó là điều bình thường, không chỉ cho sinh viên đại học mà cả học sinh cấp 3, và cả người đi làm).

Nghe thì nhiều việc, nhưng nếu em sắp xếp, biết ưu tiên công việc và cố gắng thì em sẽ tiến xa. 
4 năm này phân biệt giữa thủ khoa đầu vào, với người đỗ vớt, xem ai có được sự chuẩn bị tốt nhất khi ra trường.
4 năm này phân biệt giữa thủ khoa đầu vào, với người đỗ vớt, xem ai có được sự chuẩn bị tốt nhất khi ra trường.