Mình đang ở Silicone Valley (Thung lũng bóng bưởi Si-li-côn), chuyển đến đây đã được gần 3 năm. Thung lũng Si-li-côn có tên khác là Vùng Vịnh (Bay Area) nằm ở phía bắc ở bang California - bờ Tây nước Mỹ. Khu vực này chỉ thung lũng tập trung nhiều công ty công nghệ và startup nổi tiếng thế giới. Khu vực này không có ranh giới rõ ràng nhưng thường được cho là vùng lãnh thổ từ San Francisco tới San Jose. Đó là hai thành phố lớn như cái bánh sandwich, ở giữa cái bánh có nhân thịt là các công ty công nghệ lớn. Các công ty công nghệ có tiền, lâu đời hơn và có tên tuổi (Google, Facebook, Apple, đại học Stanford) thường đặt đại bản doanh ở đây, còn startup thì thường chọn chính thành phố San Francisco. Chỗ mình sống là chỗ giữa, cách San Francisco chừng một tiếng và San Jose chừng nửa tiếng đi xe để tiện việc lái Ta-xi. Ở giữa thì dân cư đường xá thưa hơn một chút, không đến nỗi dày đặc như San Francisco. Ở ta vẫn đậu được xe ngoài đường miễn phí, đi lại không có gì khó khăn, về bề ngoài rất giống một khu ngoại ô (suburban) bình thường ở Mỹ. Trước khi tới đây sống, mình đã từng sống khoảng 10 năm ở trung Mỹ (midwest), và một thời gian chừng một năm ở bờ Đông nước Mỹ. Mình xin được dành buổi TED talk này để nói về những cảm nhận về cuộc sống ở đây, tại sao Thung lũng Si-li-côn là nơi rất khác mọi nơi khác mọi nơi khác ở Mỹ.
Motherfucking Silicon Valley, baby!
Motherfucking Silicon Valley, baby!
Trước tiên là về những mặt tích cực. Thời tiết ở đây rất kỳ lạ -- khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ thì khoảng 8 tháng một năm sẽ có cảm giác như mùa thu ở Hà Nội, còn 4 tháng còn lại sẽ lạnh hơn mùa đông của Hà Nội một chút xíu, thường không có tuyết. Thời tiết khô, không ẩm, mưa rất ít chỉ đếm được trên đầu ngón tay số lần mưa một năm. Cây cối ra hoa nở lộc rất nhiều, đi bộ trên đường lúc nào cũng có hoa có quả, nhìn lên trời thường xanh ngắt không một gợn mây. Nếu muốn tuyết thì dân tình đi lên chỗ khác cách đó ba bốn tiếng lái xe để nghỉ mát, trượt tuyết vào ngày cuối tuần. Nếu muốn ra biển thì lái xe dưới một tiếng là tới - ai làm ở Google có thể đạp xe ra biển, ai làm ở Facebook nếu đúng chỗ có thể nhìn thấy biển qua cửa sổ. Nước biển ở đây rất lạnh nên thường người ta chỉ lướt sóng khi mặc đồ kín chứ thường người ta không đi tắm biển. Muốn đi lên rừng, leo núi thì thiên nhiên cũng ưu đãi và cũng chỉ mất 30 phút để tới rất nhiều đường mòn để đi leo cuối tuần.
Người sống ở đây có đủ các loại sắc dân, có một số lượng người Á nhiều một cách bất ngờ (Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam) do rất nhiều người làm kỹ sư, nghiên cứu. Vì thế, đồ ăn thức uống rất đa dạng về số lượng và chất lượng tương đối tốt so với bất cứ nơi nào khác ở Mỹ, đặc biệt nếu ai có thời gian mà khám phá San Francisco. Có một điểm đặc biệt cho người Việt, San Jose (Đọc là San Hô-sê) tập trung rất nhiều người Việt, nên bạn có thể kiếm được rất nhiều món Việt. Những món này do chính người Việt làm cho khẩu vị người Việt nên nhiều món giống hệt như mình ăn ở Việt Nam, chứ không bị Mỹ hóa. Vợ chồng mình là người miền Bắc, nhưng chưa bao giờ có chuyện mình bị phân biệt đối xử từ những người miền Nam di cư tới đây, là điều làm mình rất vui và nể phục những người Việt ở đây. Một nơi ưa thích của cả hai bọn mình là một chỗ ăn uống công cộng kiểu hawker ở San Jose, tới đó mà gọi món bò né thì ngon hết xảy. Điều đáng buồn là San Jose gần đây đã vắng bóng anh Đan Trường và bộ sưu tập xe Tét-la của bố con anh.
Chỗ này có đồ ăn rất ngon và pháo nổ năm mới
Chỗ này có đồ ăn rất ngon và pháo nổ năm mới
Những người làm việc ở khu vực này có một số lượng lớn là làm về công nghệ, kỹ thuật. Từ đó, dân trí ở đây cũng rất cao, cuộc sống hàng ngày dễ chịu. Văn hóa ở đây cũng là văn hóa trọng dụng nhân tài: Việc trở nên giàu có hoặc rất giàu có chỉ nhờ vào tài năng không có gì lạ. Chính vì thế, người giàu và giỏi không chỉ có đông mà còn làm gương được cho phong cách sống ở đây. Nhiều người thành công vì thế mà có cuộc sống không hào nhoáng khoe khoang, mà phóng khoáng, giản dị, tự do tự tại. Mình tin việc giản dị đó là một điều rất đặc biệt ở thung lũng Silicon mà những nơi khác không có. Người giàu ở đây không hề chụp ảnh khoe hàng hiệu, đồ Gucci, túi xách Hermes, xe Tét-la. Những người khoe đó là người nghèo ở Silicon Valley - người giàu thật sẽ chỉ nói về cuộc sống giản dị trong biệt thự ở cạnh Stanford và những thú vui tao nhã như lái máy bay thuyền riêng. Còn nếu giàu nữa thì người ta không đo về tài sản mà so đo về việc ai để râu xồm xoàm, có cách ăn mặc, sống giống người vô gia cư hơn - ví dụ Jack Dorsey là một người cực-cực kỳ giàu. Nếu giàu kinh khủng hơn thì người ta sẽ hoàn toàn không so bì về hình thức, mà thi nhau xem ai đóng góp cho tương lai nhân loại bằng cách bay vào không gian trong tàu con thoi hình cái dương vật đầu tiên.
Tóm lại, mỗi người đều có một giấc mơ riêng và tất cả các giấc mơ đều liên quan đến việc bạn có bao nhiêu tiền. Ai làm việc gì mà tốt thì sẽ được chiêu mời đãi ngộ ở nhiều công ty. Nếu ai muốn làm quản lý cũng có nhiều cửa cho họ. Nhiều người làm quản lý đi lên từ kỹ sư, nên biết công việc, có cảm thông với những người kỹ sư khác. Cá nhân mình chưa thấy ai kêu ca về việc người dốt làm quản lý, bị đè đầu cưỡi cổ bởi người không biết gì nhưng có ông ngoại biết. Về mặt công việc, công việc kỹ thuật thường nhanh, nhiều, và đa dạng. Cảm giác làm việc như là đi trước thời đại 10 năm, giữa rất nhiều người rất giỏi.
Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Điều đầu tiên là sự đơn điệu về thời tiết. Mỗi ngày thức dậy ở Silicon Valley mình đều tự hỏi mình đang ở trong Groundhog day hay không vì ngày nào cũng giống ngày nào. Đi ra đường mỗi ngày, thay vì bạn luôn gặp người bán bảo hiểm như Groundhog day thì bạn sẽ luôn gặp một nhân viên của Facebook trong bộ quần bò. Thay vì gặp những người giáo viên, thợ sửa xe, người bồi bàn -- tóm lại là những người không biết mình làm gì, mất chí hướng trong cuộc sống; thì mỗi ngày tất cả những người bạn gặp là những người rất có chí hướng đang làm việc cho startup kỳ nhông sắp IPO hoặc được Google mua lại. Mọi người đều làm ở tech, business, hoặc là project manager. Người ở Silicone Valley luôn muốn bơm tất cả các thứ, trong đó họ đặc biệt thích bơm tiền và blockchain để giải quyết tất cả các vấn đề của đời sống xã hội. Tuy thế, tiền dường như không bao giờ là đủ, để thuê được một túp lều tranh ở đây phải trả với giá khoảng hai trái tim vàng một tháng. Nó là vùng cố gắng làm ngoại ô nhưng cuộc sống lại xa nhất với một giấc mơ ngoại ô của người Mỹ.
$5000 USD/month electricity not included
$5000 USD/month electricity not included
Sống ở đây, bạn sẽ không có một ngày buồn chán. Tới sở làm, bạn sẽ liên tục nghe thấy công việc về chuyện exploit cái chương trình này, growth hack cái startup kia, hoặc làm cách nào để đưa Machine Learning vào thiết bị IoT của mình. Mọi thứ đều phải là số liệu, tính toán, phải có kế hoạch cụ thể. Mỗi người đều bận rộn với công việc của mình, với những thú vui và sở thích đa dạng phong phú của mình: Đầu tư, lập trình, leo núi, bơi thuyền, đạp xe, trượt tuyết, và ngủ. Như đã nói, người cuối cùng làm nghệ thuật ở Silicon Valley là anh Bo, cuối cùng đã không chịu nổi, phải dứt áo ra đi. Nhiều người làm việc với ý nghĩ tích cóp thật nhanh và thật nhiều, thậm chí sống trong xe tải, để mong có một ngày tích cóp đủ tiền, về hưu non, và rời khỏi nơi này. Cuộc sống ở đây bận rộn, ai cũng phải nhìn vào đồng hồ luôn luôn vì sợ muộn việc này việc khác. Khi nói chuyện, người ta luôn rất tự hào về việc mình làm, nhưng hỏi là việc gì thì người ta không nói được vì NDA (Non Disclosure Agreement - Điều luật bịt mồm của các công ty). Con người làm việc như những cái máy để hy vọng tạo ra được những cái máy làm việc giống con người. Bạn có thể là người làm mạng xã hội kết nối hàng tỉ người, ở giữa thành phố mà mình cảm thấy rất cô độc. Bạn có thể làm ra một cryptocurrency đáng giá hàng tỷ đô la giữa một thành phố luôn làm mình cảm thấy thiếu thốn nghèo đói. Con bạn sẽ sinh ra ở một nơi mà tỷ lệ trẻ tự tử cao nhất nước Mỹ. Đó là cái giá bạn phải trả cho giấc mơ Mỹ đã biến thành hiện thực của mình.
Còn nhiều việc khác, nhưng hy vọng những nét chấm phá này giúp bạn du lịch qua màn ảnh nhỏ được về cuộc sống và công việc ở đây. Trong khi Việt Nam chúng ta đang hy vọng gồng mình lên kỷ nguyên 4.0. Một nơi đã với tới được thiên đường 4.0 chính là nơi đây, nhưng đó là thiên đường hay địa ngục thì nó tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi người. Với riêng mình, có lẽ nó là sự hòa trộn của cả hai, vấn đề là cái gì mình chịu được, cái gì thì không. Cuối cùng mình xin cảm ơn các bạn đã lắng nghe TED talk của mình.