Đọc lại một số bài bình luận văn chương từng viết, tôi thấy chán bản thân lắm. Cái lỗi dễ thấy nhất là, trước những khoảng trống về hành trạng của nhà văn cũng như về bối cảnh lịch sử thời nhà văn sống, tôi đã lấp đầy bằng những ấn tượng không rõ nguồn cơn hoặc các kiến thức lõm bõm chắp nhặt đây đó, rồi từ cái cụ thể không đáng tin cậy đó tôi lại trừu tượng hóa thành những nhận định khái quát.
Như vậy thì sai lắm.
Nhưng dường như tính chất của cái công việc này là vậy: cứ mỗi lần đọc thêm được một tài liệu mới, mình lại phải điều chỉnh lại nhìn nhận của mình. Có người nói công việc nghiên cứu với họ là vô số thời điểm của sự nhận ra, lại sai đường, rồi muốn vứt đi mọi thứ, bỏ hết quay lưng. Nó không phải là một liên tục êm đềm của thành tựu nối tiếp thành tựu, mà thậm chí chẳng có gì liên quan đến thành tựu. Một vài thứ có thể tìm ra đâu có là gì so với tổng lượng những mất mát vào bao con đường sai, bao nhiêu cái bẫy, vô biên sự đánh lừa. Với họ, nó là một công việc đặc biệt buồn tẻ: thu thập một đống thứ, xem chúng, để rốt cuộc nhận ra về cơ bản sẽ vứt đi hết, chẳng dùng để làm gì. Tôi rất dè dặt khi tự gọi bản thân là nhà nghiên cứu, tôi nghĩ tôi chỉ là một thằng blogger thích tìm hiểu và viết về cái đề tài mà mình tìm hiểu. Nhưng nghe những lời đó, tôi thấy đúng lắm.
công việc nghiên cứu là gì, nếu không phải là tổng cộng của vô số thời điểm, những thời điểm không hề được đặc trưng bằng sự tìm thấy mà bằng sự không tìm thấy.
On trouve quand on cherche. Quand on cherche, on trouve quelque chose. Khi người ta tìm có thể không tìm ra cái định tìm, nhưng nhất định tìm ra cái gì đó, một cái khác với dự định.
Công việc kiếm sống của tôi không có liên quan gì đến văn học văn chương ráo trọi. Hơn nữa, ở cái thời sách giáo khoa đã không dạy những nhà văn nhà thơ lớn, mà học trò còn tưởng bà Xuân Quỳnh là ông Xuân Quỳnh, thì cái việc đọc và bình văn chương Việt Nam thời chiến hay thời tiền chiến nó là một cái mà nói như Xuân Tóc Đỏ là “chẳng được nước mẹ gì”. Thế nhưng, nếu tôi không đọc nữa, không viết blog nữa, không đến thăm những trang văn, những bài hát, những cảnh phim, rồi như muốn tìm kiếm một thứ gì đó mà chính mình cũng chẳng rõ là thứ gì, tự dưng tôi thấy đời tôi vô nghĩa lắm. 
Đọc thêm:
Tôi cũng có một công việc kiếm tiền, một gia đình để săn sóc, nhưng tất cả cái hiện thực đó với tôi chỉ như việc phải ăn để sống, phải tắm để sạch. Không có những suy nghĩ về văn chương, về phim ảnh hết sức vô dụng đó, tôi thấy đời mình cứ thõng thượt trôi đi trong một kiếp người nhỏ bé giữa cái mênh mông vô cùng tận của vũ trụ.
Theo lẽ thường, nhiều người vẫn tin rằng cuối thời cấp ba, phải quyết định mình nên gắn cuộc đời mình với một cái nghề nghiệp gì. Ừ thì tôi cũng đã làm như vậy, cũng trăn trở nhiều, cũng thử tới lui. Tuy thích văn, nhưng trong số những quyết định học tập và làm việc của tôi chưa bao giờ có gì dính dáng đến văn học. Vậy mà giờ đây, sau mười năm, rốt cuộc cái mà tôi dành nhiều thời gian rảnh nhất để làm là đọc về văn học Việt Nam và viết blog. Rất có thể, mình chẳng lựa chọn nó đâu, mà nó là một thứ rớt lại sau cùng sau khi mình đã cầm lên đặt xuống rất nhiều lựa chọn.
Dạo gần đây, khi tìm hiểu kỹ hơn về Nguyên Hồng, tôi mới nhớ là ngay từ lớp bảy tôi đã đọc Bỉ vỏ, trong một cái bản in sách khổ nhỏ, cái loại cầm gọn trong lòng bàn tay. Đó cũng là lúc tôi đọc Anh phải sống, Nửa chừng xuân, Gió đầu mùa, Số đỏ, Chí Phèo và Vang bóng một thời. Rồi tự dưng tôi thích học văn lắm. Tôi nằm nghe chị mình ngồi cố học thuộc cuốn giảng văn, cái thời mà sách giáo khoa hãy còn học Mùa lạc của Nguyễn Khải, Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, hay Các vị la hán chùa Tây Phương của Huy Cận, có những câu những đoạn mà tôi thích và tôi nhớ. Nhờ môn văn mà tôi mới không bị học lực kém, vì tôi dở Toán Lý Hóa lắm.
Ấy thế mà tôi lại đậu đại học khối A, nhưng sau khi rời đại học, rồi đi làm vài năm. Tự dưng về sau, chẳng ai bảo, thời gian rảnh tôi lại đọc văn. Và càng đọc tôi càng thấy biết bao nhiêu gương mặt không được đưa vào chương trình sách giáo khoa trong khi chính họ mới làm nên cái lịch sử đích thực của văn học Việt Nam. Cứ thế tôi tìm lại văn chương như một sở thích, một thói quen, không vì một lẽ gì. Những gì tôi làm rốt cuộc chẳng để làm gì cả, không mang lại tiền bạc, cũng chưa chắc có người cùng quan tâm, vậy mà tôi vẫn làm. Có khi đó là một kiểu duyên nợ.
Đọc thêm: