Thế hệ chạy deadline
Không biết từ bao giờ, tôi thấy chính bản thân mình và những bạn bè xung quanh mình cũng luôn miệng kêu bận và đang ngập ngụa trong deadline. Dường như người trẻ bây giờ là thế hệ “đắm chìm trong deadline”, kêu than về deadline.
Không biết từ bao giờ, tôi thấy chính bản thân mình và những bạn bè xung quanh mình cũng luôn miệng kêu bận và đang ngập ngụa trong deadline. Dường như người trẻ bây giờ là thế hệ “đắm chìm trong deadline”, kêu than về deadline. Và hình như, chính người trẻ cũng dần áp lực về hai chữ “deadline’ đó. Họ là những người vừa bước đến tuổi trưởng thành, đặc trưng của một gen Z năng động, multitask. Họ đến trường đại học và đi học mỗi ngày, tham gia các câu lạc bộ và hoạt động sinh viên, có một công việc làm thêm để có thu nhập, cuối tuần thi thoảng cũng rảnh để đi gặp bạn bè. Và họ luôn kêu bận, họ stress vì deadline ngập đầu đến nỗi không có thời gian để thở.
“Khi cả thế giới đang chuyển mình theo công nghệ, khi nhân viên đòi cắt giảm giờ làm và tăng thêm ngày nghỉ, và thực tế hơn cả, khi chúng ta chẳng cần phải quá bận tâm cho một bữa trưa vì mọi thứ có thể giao sẵn hết, tại sao người ta vẫn kêu rằng không có thời gian và quá bận rộn?”. Đó là một trích đoạn trong một bài viết của tờ Financial Times
Nếu hỏi người trẻ hiện nay có thật sự bận rộn hay không? Thành thật là có: người trẻ bận. Người trẻ hiện nay năng động, nhiệt huyết, tiếp xúc với công việc và nhiều thông tin, mạng lưới kết giao rộng khắp, lớn lên cùng với sự phát triển của Internet. Cũng chính vì những ưu điểm và lợi thế đó, có biết bao nhiêu kỳ vọng và yêu cầu đặt ra đối với thế hệ này. Không ngẫu nhiên có hàng trăm số liệu thống kê về những ca trầm cảm của gen Z.
Thật kỳ quặc vì xã hội này tôn vinh sự bận rộn như một kim chỉ nam và con đường chắc chắn đưa người trẻ đến với vinh quang và thành công. Người trẻ, dù chưa hoàn toàn chắc chắn về con đường đó, nhưng họ cũng đi theo những gì xã hội cho là đúng, lựa chọn ngập ngụa trong deadline và công việc. Hoặc tỏ ra mình bận rộn. Nhung sự bận rộn ấy liệu có đúng đắn?
Tôi gặp 2 kiểu kêu bận. Một kiểu một đặc điểm khác nhau, nhưng tất cả đều là nỗi đau của người trẻ hiện nay.
Kiểu 1 là bận thật.
Rất bận. Khi cuộc sống trở nên vội vã, hối hả, khi bạn bè đồng trang lứa đang đạt được những thành tựu nhất định, họ cũng chạy theo không ngừng nghỉ, hối hả. Người trẻ dành cả sáng để đi làm, chiều để đi học, tối để làm công việc freelancer, để làm bài tập, đêm để chạy các cuộc thi giải case, bất kỳ lúc nào thời gian rảnh họ đều bật podcast để nạp thêm các kiến thức chuyên ngành, các kiến thức kỹ năng sống. Song song với nó, họ vẫn tham gia các câu lạc bộ, các tổ chức thanh niên, tổ chức phi chính phủ. Cuối tuần vẫn dành thời gian để gìn giữ các mối quan hệ bè bạn, gặp gỡ mentor. Nói chung là trông rất đáng ngưỡng mộ, GPA vẫn cao, học giỏi, xây dựng sự nghiệp từ khi còn sớm, có một lượng thu nhập nhất định ngay từ khi còn là một sinh viên.
Nhưng cái đánh đổi cho sự bận rộn bạt mạng đó thực sự rất lớn, mà đôi khi ta đang không nhận ra, đó chính là sức khỏe. Trên mạng có lẽ bạn thấy rất nhiều câu trêu nhau về đau cột sống “Cột sống em ổn không?”, cách nói lái đi khá hay từ một bài hát. Ta trêu nhau và share nó như một insight hay ho của người trẻ, nhưng với tôi đó là một thứ lo ngại. Các cụ ngày xưa vẫn bảo “Mười bảy bẻ gẫy sừng trâu”, nhưng chúng ta mới đôi mươi đã đau cột sống, mỏi lưng, đau vai vì ngồi trước máy tính chạy deadline quá nhiều. Vậy thì có thực sự tốt đẹp? Việc làm việc quá độ khiến sinh hoạt cá nhân trở nên thiếu qua học, ăn uống qua loa, ngủ nghỉ không đúng giờ. Tác hại là sức khỏe giảm sút ngay từ khi còn trẻ. Bạn bè của tôi không những đau cột sống, mà còn thiếu ngủ, cơ thể không đủ năng lượng. Sau đó là sự bí bách trong thần kinh, căng thẳng, stress, chất lượng và năng suất công việc đi xuống. Ngay như chính tôi của năm trước, vì thiếu chăm lo cho bản thân, chìm vào xử lý deadline, thức khuya liên tục, tôi kiệt sức, trào ngược dạ dày, thiếu máu độ 2. Sự sụt giảm sức khỏe thể xác cũng khiến sức khỏe tinh thần của tôi giảm sút, thường xuyên chìm trong stress, căng thẳng tột độ, cảm thấy mất ý nghĩa sống. Và sự ảnh hưởng của nó khá dài lâu, mãi cho đến mãi sau này sức khỏe của tôi mới ổn định được.
Có một hiện tượng trong tâm lý học, là “continuous partial attention", hiện tượng để chỉ những việc cùng xảy ra trong cùng lúc nhưng không có cái nào được thực hiện hiệu quả. Hơn nữa, bộ não của chúng ta vốn không được thiết kế để làm cùng lúc nhiều việc mà được thiết kế để tập trung vào một thứ tại một thời điểm nhất định. Nhà nghiên cứu thần kinh học Earl Miller đã chỉ rằng con người không thể làm nhiều việc cùng một lúc, họ chỉ đang chuyển từ công việc này sang công việc khác một cách đột ngột. Và chính việc chuyển đột ngột ấy gây nên những thói quen xấu cho não bộ. Não bộ của chúng ta bị chi phối bởi một lượng dopamine, nó sinh ra từ “những dấu tích hoàn thành”. Có nghĩa là nếu như có rất nhiều công việc nhỏ, và bạn hoàn thành một trong số đó, hào hứng tích nó lên cột hoàn thành sẽ khiến não bộ cảm thấy kích thích, từ đó khuyến khích chúng ta quen với việc chuyển đổi đột ngột giữa các việc khác nhau vì chúng tạo cho con người cảm giác hài lòng thích thú.
Khi bạn làm nhiều việc cùng lúc cũng gây những hậu quả xấu cho não bộ. Giảm hiệu quả và linh hoạt là điều đầu tiên. Khi chúng ta giải quyết quá nhiều vấn đề, não bộ sẽ đòi hỏi bổ sung oxy và các chất dinh dưỡng nhất định. Nếu bạn làm việc quá sức, các chất dinh dưỡng không đủ cung cấp sẽ làm hoạt động của não trở nên kém linh hoạt. Điểm thứ hai là giảm sút tinh thần làm việc. Khi bạn làm nhiều việc cùng lúc sẽ khiến não bộ sinh ra một loại hormone gây căng thẳng và áp lực, khiến não quá tải, khó tập trung, chán nản vì quá nhiều việc không thể hoàn thành đúng deadline hay vắt kiệt sức khi phải chạy deadline. Ngược lại, nếu bạn chỉ tập trung cho một công việc, hoàn thành nó một cách tốt nhất, có thể cho bạn một vị trí tốt, cảm thấy bản thân xuất sắc hơn vì đã làm tốt, và có thể cung cấp nhiều năng lượng làm việc hơn.
Nếu như việc gì của bạn cũng đang dở dang, công việc còn nhiều trở ngại, thường xuyên không hoàn thành đúng hạn, việc học không đáp ứng được, thi thố thì không ổn. Không những thế có những dấu hiệu sa sút về mặt sức khỏe thì phải dừng ngay sự bận rộn độc hại này ngay lập tức. Dành thời gian cân nhắc từng hạng mục mà mình quan tâm, bỏ bớt những thứ mình cảm thấy không có ích/không hợp lý/không thực sự khiến bạn vui, tập trung vào những công việc mà bạn thấy quan trọng, bạn thấy có ích. Sắp xếp và cân bằng lại cuộc sống. Bạn không thể 24/24 giờ ngồi ôm lấy chiếc máy tính mà bỏ qua nhiều điều thú vị khác của cuộc sống được. Như việc xem một bộ phim vào cuối tuần, tưới cây, ăn đúng bữa ngủ đủ giấc, uống nhiều nước hay nấu một món ăn thật ngon thưởng cho bản thân. Hãy làm vừa đủ, dừng và nghỉ ngơi đúng lúc, tập trung vào chất lượng hơn là số lượng.
Còn kiểu thứ hai là kiểu giả vờ bận.
Khi bạn bè xung quanh chạy như vũ bão, họ lặng thinh và loay hoay trong đống hỗn độn, không biết mình thực sự phải làm gì, hoang mang về chính khả năng của bản thân mình. Nên khi bạn bè hỏi han, hoặc khi có một chút việc và hơi bận rộn một chút, họ đã bắt đầu kêu than như một cách để khẳng định với bạn bè rằng mình cũng bận rộn. Họ giả vờ cho sự bận rộn. Họ chẳng làm gì cả, cả ngày chỉ ăn rồi đi ngủ, cuộc đời nhàm chán vô vị, ước gì được bận như người khác. Họ lướt Facebook hàng ngày và ghen tị với những gì những người xung quanh thể hiện trên mạng xã hội. Sau đó nhìn vào bản thân mình và thấy mình như một kẻ thất bại trước những hối hả ở bên cạnh. Dường như cả thế giới đang tiến lên phía trước, chỉ có mình họ dậm chân tại chỗ, ngồi thảnh thơi trong sự khó chịu, nhưng lại chẳng biết làm thế nào để bắt đầu cho đúng. Thế nên, khi ai hỏi han, họ cũng giả vờ bận rộn. Và người khác lại tin vào điều đó.
Thỉnh thoảng tôi thấy bạn bè đến sát ngày cuối cùng, hạn nộp rồi bắt đầu mới làm bài tập, dù có thể hoàn thành trước đó cả tháng trời. Đêm đó bắt đầu lên mạng xã hội đăng status trên Facebook hay story trên Instagram kêu than về việc chạy deadline. Hay một người tôi quen, đi làm thường khá rảnh, đa phần đến công ty để xem phim, nhưng thi thoảng bận rộn và khiến họ bắt đầu kêu than. Dường như kêu than về deadline như một cách để họ chứng minh họ thật tốt, họ có ích, họ quan trọng. Người ngoài nhìn vào trông thật năng suất và có vẻ như ngôi trường này học nặng lắm hay công ty này nhiều việc lắm. Nhưng thực tế ra chỉ cần sắp xếp thời gian, mọi việc quả thực không bận đến thế. Hóa ra không sắp xếp công việc để dồn vào một lần cũng là bận rộn.
Trên đời có những sự bận rộn trở nên buồn cười đến vậy.
Thực chất, ta than vãn hàng ngày rằng mình đang bận chỉ là đang cố lấp đi những chênh vênh và hoang mang của tuổi trẻ. Ta vốn không bận rộn, ta chỉ bận lòng. Thể xác thì rảnh, nhưng con tim ta thì bận hàng ngày. Sự bận rộn hoang hoải trong tim ấy đối khi còn đáng sợ và mệt mỏi hơn cả sự bận rộn bên ngoài thể xác. Và đôi khi, sự bận lòng ấy không kéo người ta lên, mà nhấn chìm con người vào những khoảnh khắc buồn, khiến họ chẳng thể làm được việc gì nữa. Chẳng vậy mới sinh ra Peer - pressure (Áp lực đồng trang lứa) rồi Quarter-life Crisis (Khủng hoảng nửa phần tư cuộc đời), Khủng hoảng tuổi 20,.. Có những người không vượt qua được những vấn đề tâm lý hiện sinh mà rơi vào chứng trầm cảm.
Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy bắt đầu từ từ, ngay ở trong những chuyện nhỏ nhất. Hành dành thời gian tìm ra những thứ mình muốn học, muốn trau dồi, mình hứng thú tìm hiểu để khiến mình bận rộn thêm. Tự đặt ra “deadline” cho bản thân, tự rèn bản thân vào kỷ luật, nhắc nhở chính mình hàng ngày để làm những việc có ý nghĩa hơn, phát triển bản thân nhiều hơn mà không để thời gian trôi qua lãng phí. Bạn có thể học một thứ tiếng mới, học một nhạc cụ mới, học một bộ môn mới mà từ lâu đã muốn học. Nếu có thể hãy xin làm thêm, mua vài cuốn sách mới về chủ đề mà mình quan tâm. Vào Facebook, tìm mục sự kiện để thấy những sự kiện phù hợp với mình, sau đó ra ngoài tham gia các workshop, apply vào các chương trình hoạt động hay ho. Chỉ cần làm từ những điều nhỏ, bạn nhất định sẽ đạt được những thay đổi nhất định.
Một thế hệ chạy deadline, liệu có thực sự tốt đẹp?
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất