Người Việt Nam nghĩ về tuổi tác rất nhiều.
Điều này có lẽ xuất phát từ quan điểm văn hóa phương Đông với những cột mốc nhất định mà xã hội mong muốn mỗi cá nhân sẽ đạt được. 18 tuổi học xong cấp 3. 22 tuổi tốt nghiệp, đi làm. 25 tuổi lập gia đình. 30 tuổi phải thăng cấp quản lý. Danh sách “deadline” cứ thế mà dài thêm.
Giới phụ huynh suy tư về tuổi tác nhiều hơn cả. Trong khi phương Tây mong muốn con cái sớm tự lập và “chỉ cần sống hạnh phúc là đủ”, thì cha mẹ Á Đông lại bám vào những mục tiêu tuổi tác dễ hiểu, cụ thể và dễ đo lường hơn để xét mức độ thành công trong việc nuôi dạy con. Con tôi từng tuổi này vẫn chưa có chồng. Con tôi sắp 30 vẫn chưa mua được nhà riêng. Con nhà hàng xóm mới ra trường thu nhập đã hơn chục triệu. Con nhà anh/chị thì sao rồi?
Nhiều khi tôi còn nghĩ, một phần lí do có lẽ cũng xuất phát từ cách xưng hô của chính ngôn ngữ tiếng Việt chúng ta.
Người phương Tây không hỏi tuổi nhau khi lần đầu gặp gỡ, thậm chí đó bị coi là chủ đề cấm kỵ (taboo). Nhưng thử nghĩ, nếu họ không chỉ gọi “you” và “I” chung chung mà có đầy đủ bộ từ vựng xưng hô cho các độ tuổi khác nhau như tiếng Việt của ta (“chị”, “em”, “anh” “cô”, “cháu”, v.v.), liệu việc hỏi tuổi có còn bị cho là khiếm nhã không?
Do đặc điểm cách xưng hô này của người Việt, trong đa số trường hợp, việc hỏi tuổi là cần thiết để cuộc hội thọai có thể tiếp diễn. Bởi vậy nên những câu nói có thể đã khá quen thuộc với chúng ta như “Mình là Mai, 27 tuổi cho tiện xưng hô nhé”, sẽ chẳng bao giờ được nghe thấy từ những người nước ngoài.
Và bạn có bao giờ để ý không? Nếu sếp của bạn bảo “Em làm ngay cái này cho chị” thì nghe rất bình thường. Nhưng đổi lại, nếu đó là “Chị làm cái này cho em nhé”, lời yêu cầu đến từ người sếp nhỏ tuổi hơn, bạn sẽ cảm thấy chột dạ và hơi nhột, dạ dày giật nhẹ một cách vô thức. “Nhỏ tuổi hơn mình mà đòi làm sếp mình sao?” – những người quen thói ghen tức thầm nghĩ. “Còn trẻ thế đã được làm sếp, trong khi mình vẫn lẹt đẹt nơi đây” – những người tự ti sẽ bảo mình như thế.
Photo by&nbsp;<a href="https://www.pexels.com/@yankrukov?utm_content=attributionCopyText&amp;utm_medium=referral&amp;utm_source=pexels">Yan Krukov</a>&nbsp;from&nbsp;<a href="https://www.pexels.com/photo/businessman-man-person-people-7640420/?utm_content=attributionCopyText&amp;utm_medium=referral&amp;utm_source=pexels">Pexels</a>
Photo by Yan Krukov from Pexels
Trong mục hỏi đáp trên website của Deepak Chopra – tỷ phú và tác giả best-selling người Mỹ - từng có câu hỏi về tuổi tác thế này.
“Làm sao để tôi ngừng suy nghĩ liên tục về việc mình đang “già” đi?
Tôi 34 tuổi và là một sinh viên năm cuối. Tôi so sánh bản thân với 20 bạn cùng lớp mỗi ngày, nghĩ rằng họ sẽ thành công biết bao khi ở độ tuổi của tôi. Tôi cũng so sánh mình với những người cùng tuổi nhưng có đến 13 năm kinh nghiệm làm việc và tự trách bản thân rằng đáng lẽ mình đã nên học đại học sớm hơn 10 năm. Tôi cố ám ảnh mình với những suy nghĩ tích cực nhưng những so sánh trên vẫn khiến tôi cảm thấy bản thân thật yếu đuối. Làm cách nào tôi có thể ngừng suy nghĩ rằng mình QUÁ GIÀ để làm việc này việc kia?”
Deepak trả lời:
“Học đại học và bắt đầu sự nghiệp sau tuổi 30 không phải là vấn đề quá to tát. Hành trình trở thành một con người chín chắn và phát triển toàn diện không phải là một cuộc đua hay dự án bị giới hạn bởi thời gian – bạn đâu phải là môt vận động viên Olympic chỉ được phép thi đấu dưới một độ tuổi nhất định đâu!
Điều quan trọng nhất đó là bạn đã quyết định bây giờ là thời điểm mà BẠN cần lấy bằng đại học. Bạn đang sống cuộc sống của mình một cách có ý thức và đó là điều quan trọng về lâu dài. Có thể đa số sinh viên trong lớp bạn đến trường vì họ không biết phải làm gì khác, hoặc vì áp lực từ cha mẹ. Khi họ đạt tới tuổi 34 và khám phá ra rằng họ cũng không hạnh phúc với cuộc sống, họ có thể ganh tỵ với bạn đấy.
Khi bạn so sánh bản thân với người khác, bạn đang mặc định những điều về cuộc sống của họ mà bạn không thể biết hết được, trong khi lại suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống của chính mình. Hãy đơn giản là đưa ra những lựa chọn phù hợp với nhu cầu và mục đích của bản thân thay vì so sánh với người khác. Cuộc sống này là của bạn, chứ không phải của bất kì ai.”
Câu trả lời của Deepak làm tôi vỡ lẽ.
Cuộc đua tuổi tác mà chúng ta chạy theo liệu có bao giờ dừng lại? Chúng ta cắm đầu chạy theo các “mục tiêu” ảo của các cột mốc độ tuổi mà xã hội quẳng lên người, để rồi nhận ra trên thực tế không có mục tiêu nào cả!
Thời còn là sinh viên du học, tôi có anh bạn thân học cùng trường, tuy lớn hơn 3 tuổi nhưng lại học sau tôi một năm. 10 năm sau, tức là vừa mấy tháng trước, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và được nhận vào làm giảng viên tại một trường đại học Hà Lan.
Một bạn khác người bản xứ vào đại học khi đã 23 tuổi, thời gian trước đó từng làm thêm nhiều nghề khác nhau để trải nghiệm cuộc sống. Sau này, bạn bỏ dở chương trình học ở trường kinh doanh để du lịch nhiều nơi trên thế giới, rốt cuộc tìm thấy đam mê nơi biển cả và giờ đây đang nghiên cứu hải dương học tại Iceland.  
Việc phải học cùng đàn em trong khi bạn bè mình đã tốt nghiệp và đi làm rủng rỉnh tiền có lẽ cũng mang lại chút mủi lòng cho họ. Nhưng tôi không nghĩ họ quá buồn, vì họ luôn nhìn về tương lai và biết rõ mình đang làm gì. Giờ đây khi nhiều năm đã trôi qua, đâu ai còn so đo chuyện năm đó họ đã lớn tuổi mà vẫn học đại học, và liệu ai còn có thể khẳng định họ kém cỏi hơn so với bạn bè cùng tuổi thời đó?
Diễn giả nổi tiếng Simon Sinek trong cuốn The Infinite Game (Trò chơi vô cực) của ông có viết rằng tất cả mọi thứ xung quanh ta đều là trò chơi không hồi kết. Kể cả cuộc sống. Nếu chơi để chiến thắng thì sẽ không bao giờ đạt được mục đích. Hôm nay chúng ta có vẻ thắng thế, nhưng chắc gì ngày mai vẫn vậy?
Thế nên, thay vì điên cuồng ganh đua với người khác, hãy chơi theo cách để chúng ta được ở lại cuộc chơi lâu nhất có thể, được phát triển bản thân theo cách mình muốn và tận hưởng từng khoảnh khắc một cách có ý thức nhất trong trò chơi cuộc đời mình.
Tôi lại nhớ đến câu nói của nữ diễn viên Mỹ Helen Hayes.
“Tuổi tác chả quan trọng, trừ khi bạn là một miếng phô mai”.
Halen Hayes