ảnh không liên quan lắm. dùng cho có thumbnail đẹp thôi
ảnh không liên quan lắm. dùng cho có thumbnail đẹp thôi
Gần đây mình mới ngộ ra một điều, là mỗi khi stress, thay vì đi mua sắm linh tinh (và tốn thêm tiền) thì mình có thể dọn nhà để giảm thiểu áp lực. Coi như là một công đôi việc, vừa đỡ stress, vừa tút tát lại chỗ ở vậy.
Trước hết, thì việc dọn dẹp đem lại cho mình cảm giác khoan khoái thoải mái hơn so với trước khi dọn dẹp, và theo mình đây là nguyên do:

1. Mình cảm giác mình đang làm chủ không gian sống của mình

Mỗi khi bị stress, mình thường thấy bản thân vô lực, vô tri và vô năng (hoặc có thể theo chiều ngược lại, đây là nguyên do khiến mình bị stress và stress chỉ khuếch đại cảm giác này lên thôi). Chính việc dọn dẹp, tức là được quyền ra quyết định thứ này ở đâu, thứ kia ở chỗ nọ, làm bước nào trước, bước nào sau đã tạo cho mình cảm giác "được làm chủ". Mình được chủ động quyết định mọi thứ, vừa là người lên kế hoạch, người thẩm định, người triển khai và kiêm luôn người đánh giá. Cả quá trình dọn dẹp là một quá trình rất "mình", miễn sao mình không xâm phạm vào đồ dùng riêng của bạn cùng phòng.

2. Đầu óc mình bị phân tán khi dọn dẹp

Khi dọn dẹp, mình hoàn toàn chú trọng vào đầu việc mình đang làm: rửa bát thì cọ cho kỹ từ trong ra ngoài này, rửa xong thì tráng bằng nước nóng già rồi úp vào rổ sao cho bát thoáng nhất có thể để nó nhanh khô; gấp quần áo thì phải lôi hết đồ đang xếp chồng xếp đống trong tủ ra trước, xem cái nào còn mặc được, cái nào không, rồi phân loại, rồi xem là loại nào để ở ngăn nào, loại nào treo, loại nào gấp, rồi treo thì sẽ treo theo màu hay theo mục đích sử dụng bla bla; dọn nhà tắm thì nên bắt đầu từ đâu trước, có nên để một lúc cho các loại chất tẩy rửa "ngấm" rồi mới kỳ cọ không, tại sao cái gương mãi không cọ sạch,...
Nói tóm lại thì, lúc dọn dẹp, những suy nghĩ tiêu cực trong đầu mình bị choán chỗ bởi một tỉ thứ khác, và khác ở chỗ nó không làm mình thấy khó chịu nữa. Lúc đó mọi suy nghĩ như thể trượt qua đầu vậy: "xoay, cọ, xoay, cọ, xoay, cọ, thả bát vào chậu nước sạch", "giũ áo, gấp tay áo, gấp ngang, gấp dọc, xếp lên chồng quần áo". Những suy nghĩ này nó mang tính quy trình, khá là trống rỗng và xong là xong luôn, chứ không như mấy cái thứ stress kia, nghĩ xong rồi nó lại vòng vòng trong đầu mình như cái đu quay vậy.

3. Dọn dẹp xong, mình có cảm giác "thành tựu"

Ừ thì cái này rõ ràng rồi. Nếu như trước khi dọn, cái tủ quần áo đang lanh tanh bành, thì sau khi dọn, nếp nào ra nếp đấy, màu sắc chuyển đổi rất vừa mắt. Hay như nhà tắm, nhìn chỗ nào cũng sáng choang. Cái cảm giác khi dọn dẹp xong, đó là bạn đã tạo ra một sự thay đổi gì đó có ý nghĩa, dù rằng nó nhỏ xíu.

4. Hoá ra mấy đống bừa bộn có thể làm tâm trạng bạn xấu đi

Trước đó mình cứ nghĩ là kệ đồ đạc ở đó, bừa thì bừa nhưng mình biết đồ nào ở đâu là được. Nhưng hoá ra, sau khi dọn dẹp, mình cảm thấy mọi thứ như được tiếp thêm năng lượng và thay đổi diện mạo (thì dọn xong thay đổi là đúng rồi còn gì?)
Mình nhớ là có đọc ở đâu đó, đồ đạc không có trật tự có khả năng gây ra thêm stress, nhưng hồi đó mình cứ tưởng là mình miễn nhiễm cơ, hoá ra là không phải. Thực sự là đồ đạc bừa bộn có thể gây ra thêm stress. Ví dụ như khi bạn muốn tìm thứ gì đó, thay vì nhìn cái ra luôn (khi đồ đạc được xếp gọn gàng) thì bạn phải mất một lúc để định hình cái mớ này là gì, mớ kia là gì rồi mới tìm ra nó, rõ ràng là sẽ thấy khó chịu hơn rồi ha.

5. Dọn dẹp giúp mình đỡ tốn tiền

Vì trong quá trình dọn dẹp, mình vô tình tìm thấy những món đồ tưởng chừng đã mất, hay những món đồ có thể sử dụng được mà trước đó mình quên mất là mình từng có nó.
Tối hôm dọn đồ, mình đã vô tình tìm thấy chiếc kéo mà mình tưởng là mất từ năm ngoái rồi cơ. (Nhưng trớ trêu thay, cũng cùng ngày hôm đó, mình đã làm một hiệp retailing therapy vào buổi chiều và mua một cái kéo mới :<). Nhưng bù lại, mình cũng tìm ra mấy trang phục mà mình có thể sử dụng, nên coi như là đỡ bị lỗ so với một cái kéo ha.
______________
Bên cạnh đó thì mình cũng rút ra một số điều cần lưu ý khi dọn dẹp

1. Bạn nên ở một mình khi dọn dẹp

Mình ở trọ cùng một bạn nữa, nhưng mình đã chọn lúc bạn ấy không ở nhà để dọn dẹp. Lý do là vì khi chỉ có một mình mình, việc dọn dẹp sẽ là khoảng thời gian chất lượng của-riêng-mình-mình. Không phải là do bạn ấy sẽ làm mình khó chịu hay gì, mà đơn giản chỉ là lúc dọn dẹp, ở một mình sẽ cho mình cơ hội đưa ra mọi quyết định và sử dụng tối đa khoảng không gian cần thiết mà không cần lo sẽ làm phiền người khác.
Nếu dọn dẹp vì sạch sẽ và sự hoà hợp của cả phòng, thì nên làm nhiều mình. Nhưng nếu dọn dẹp để giảm stress thì chỉ nên làm một mình thôi. Như vậy thì bạn sẽ có sự yên tĩnh bất cứ khi nào bạn cần, không cần phải đáp lại đóng góp của ai về kế hoạch dọn dẹp của bạn, và cũng không lo việc dọn dẹp của bạn sẽ làm người khác thấy bất tiện.

2. Dọn dẹp = sẽ có nhiều thứ phải ra đi

Điều mình phát hiện sau khi dọn dẹp là mình có thói quen lưu cữu tích trữ quá là nhiều thứ. Thường thường thì mình hay để đồ này đồ kia lại với suy nghĩ "thôi, sau này biết đâu cần đến" nên đồ đạc của mình có những thứ cứ nằm mãi ở cái vị trí "sau này có khi cần" đến hàng năm trời. Lần dọn dẹp vừa rồi, mình đã quyết định vứt bỏ hoặc cho đi những thứ mà thực sự chưa hề được đụng đến trong nhiều năm để giải phóng không gian cũng như giảm tải lượng đồ.
Mà mình cũng nghĩ việc loại bỏ (bao gồm vứt bỏ và cho đi) những thứ lưu cữu đó chính là một phép hình tượng hoá cho việc trút đi bớt những lo âu trong lòng.
Và lời khuyên của mình là, hãy chuẩn bị nhiều thùng và túi để đựng những thứ "rác" hoặc "đồ đem tặng" đó nhé.

3. Hãy dọn dẹp trong khả năng của mình

Dọn dẹp theo kiểu này là một dạng liệu pháp tâm lý, chứ không phải biện pháp rèn luyện thân thể và gia tăng sức chiu đựng. Vì vậy, hãy chọn những công việc dọn dẹp nhẹ nhàng, ít yêu cầu vận động mạnh và không quá tốn thời gian. Nếu bạn chọn một đầu việc quá nặng, hoặc khó hoàn thành, thì khả năng cao là bạn hoặc là sẽ mệt bở hơi tai, hoặc là stress thêm nặng.
Bài học đau đớn của mình là khi mình cố sức lau sạch cái gương bị đóng cặn canxi, và thất bại. Thực sự rất là mệt về cả thể chất (cái tay chà chà rã rời) và tinh thần luôn ("tại sao mãi không được?" T_T)

4. Hãy dọn dẹp có kế hoạch (dù nó sơ sài)

Trước khi dọn dẹp, hãy phác thảo ra trong đầu một vài đầu việc mình sẽ làm hôm nay, và xếp chúng vào theo thứ tự trước sau nào đó. Rồi khi vào đầu việc lớn thì các bạn chia ra thành đầu việc nhỏ và lại sắp xếp, không nhất thiết phải xếp theo kiểu xong hết một cục việc lớn này mới chuyển sang cục việc lớn khác đâu.
Ví dụ, hôm đó mình định lôi hết bát ra rửa, dọn nhà tắm và xếp lại tủ đồ, thì mình xếp trình tự việc lớn là rửa bát, xếp tủ đồ rồi dọn nhà tắm. Rửa bát sớm rồi cho ra ngoài hong để sớm khô, tí đi ngủ thì kịp xếp lên giá. Xếp tủ đồ thì sẽ nóng (nhưng bật điều hoà thì không sao) nhưng dọn nhà tắm thì sẽ khả năng cao bị ướt và toát mồ hôi (vì trong đó không có điều hoà) nên sẽ xếp đồ rồi mới dọn nhà tắm. Nhưng mình có chia thêm một đầu việc nhỏ hơi lộn xộn, là sau khi rửa bát thì sẽ đổ dung dịch tẩy rửa vào nhà tắm rồi đóng cửa lại rồi mới đi gấp đồ (để cho nó "ngấm"?).
Và theo mình thì cũng nên xếp những việc mà bản thân dự cảm là khó xong xuống cuối, để xác định tinh thần là không làm được thì bỏ luôn cho khoẻ, tránh để lên đầu rồi cứ lì lợm mãi không xong, vừa tốn thời gian, đẩy việc khác xuống muộn hơn rồi còn thêm ức chế.

5. Dọn xong rồi thì đừng phá

Sau khi dọn dẹp, hãy học cách để đồ đạc đúng chỗ, hoặc tạo thêm những nguyên tắc để mọi thứ duy trì được tình trạng ngăn nắp hơn. Như thế thì lần dọn dẹp tới sẽ nhẹ nhàng và "enjoyable" hơn, và bản thân cũng có thể né được việc stress thêm do đồ đạc bừa bộn.
______________
Trên đây là những trải nghiệm dọn dẹp để xả stress của mình. Thực ra trước đó mình hay áp dụng retail therapy (đi mua sắm cho bớt buồn) nhưng mà cách này sẽ tốn tiền, mất công đi lại, và trời mưa còn không đi được nữa, nên có lẽ cleaning therapy sẽ là lựa chọn thay thế hoàn hảo hơn nhiều (với mình).