Vài điều về tác giả Mario Puzo

Mario Puzo sinh ngày 15 tháng 10 năm 1920 trong một gia đình người Ý nhập cư sống ở khu "Hell's Kitchen", thành phố New York. Trong thời kì tại ngũ sau Chiến tranh thế giới II, ông theo học Cao đăng thành phố New York theo diện ưu đãi của chính phủ dành cho quân nhân, đồng thời là một cây bút tự do. Trong giai đoạn này, ông đã viết hai tiểu thuyết đầu tiên, The Dark Arena (1955)The Fortunate Pilgrim (1964).
Tác giả Mario Puzo
Tác giả Mario Puzo
Tác phẩm của ông được giới phê bình đánh giá cao nhưng không thành công về mặt thương mại, vì vậy ông đã quyết tâm viết một tác phẩm thuộc hàng "ăn khách". The Godfather (1969) là một thành công vang dội. Ông đã hợp tác với đạo diễn Francis Ford Coppola xây dựng kịch bản cho loạt phim Godfather gồm ba phần và giành giải Oscar cho hai phần đầu là The Godfather (1972) và The Godfather , Part II (1974).
Ông tiếp tục cho ra đời nhiều tiểu thuyết thành công, bao gồm Fools Die (1978), The Sicilian (1984), The Fourth K (1991) The Last Don (1996).
Mario Puzo qua đời ngày 2 tháng 7 năm 1999. Tiểu thuyết cuối cùng của ông, Omerta, xuất bản năm 2000.

Chân dung rõ nét về bức tranh thế giới ngầm Mỹ đương thời

Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố Già là sự gặp gỡ giữa một bên là ý chí kiên cường và nền tảng gia đình chặt chẽ theo truyền thống Mafia xứ Sicily với một bên là xã hội Mỹ nhập nhằng đen trắng, mảnh đất màu mẽ cho những cơ hội làm ăn bất chính hứa hẹn những món lợi kếch xù. Trong thế giới ấy, hình tượng Bố Già được Mario Puzo dày công khắc họa, gọt dũa đã trở thành bức chân dung bất hủ trong lòng người đọc.
Tiểu thuyết xoay quanh cuộc chiến giữa các thế lực mafia thống trị thế giới ngầm nước Mỹ lúc bấy giờ; bằng lối hành văn và giọng điệu thu hút, từng câu chữ như lôi cuốn người đọc cùng hòa mình vào bối cảnh của thế giới ngầm với những mưu mô, thủ đoạn hiểm ác. Nổi bật lên là khí chất ngút ngàn của những người đàn ông xuất chúng, từ bố già Corleone cho tới cậu con trai út Michael. Bên cạnh những pha hành động gay cấn, tình tiết bất ngờ và không khí kình địch đến nghẹt thở, Bố Già còn đan xen trong đó những giá trị nhân văn cốt lõi về gia đình, bạn bè, tình thân và tình yêu thông qua các câu chuyện của từng nhân vật được miêu tả tài tình dưới ngòi bút lão luyện bậc thầy của tác giả.

Những giá trị nền tảng gia đình cốt lõi

Ở Bố Già, ta được chứng kiến những giá trị cốt lõi về lẽ sống, về tình cảm gia đình được lồng ghép, đan xen xuyên suốt trong các tình tiết của bộ truyện.
Ta được chứng kiến một Vito Corleone sẵn sàng làm tất cả vì gia đình, vì người thân. Một ông trùm sẵn sàng lấy uy tín của bản thân mình ra để cam đoan giúp đỡ những người thân cận. Một ông trùm sẵn sàng làm mọi thứ để nâng tầm vị thế của gia đình dù có phải dùng lời nói hay nhờ cậy tới tiếng nói của súng đạn. Một ông trùm đã tự tay gây dựng nên cơ đồ từ con số không, một ông trùm mồ côi cha mẹ từ nhỏ vốn phải bôn ba nơi xứ người cố gắng làm mọi thứ để gia đình của mình được ấm no, sum vầy.
Vito Corleone, một tay quán xuyến cơ ngơi, một tay ôm trọn gia đình nhỏ của mình. Một Vito trầm lặng, không bao giờ bàn chuyện công việc trong bữa ăn. Ông đặt ra nguyên tắc đó vì ông biết, gia đình là điều quan trọng nhất, gia đình luôn là sự ưu tiên đối với ông. Người đàn ông còn gì mong hơn thế, ban ngày chăm lo vun vén cho sự nghiệp, tối về có bữa cơm gia đình sum vầy. Thử hỏi, ta còn mong gì hơn được thế .. Cũng ở đây, ta được chứng kiến câu nói bất hủ của ông trùm về trách nhiệm của người đàn ông đối với gia đình mình:
Tạm dịch: Một người đàn ông không dành thời gian cho gia đình mình không bao giờ trở thành một người đàn ông thực thụ.
Tạm dịch: Một người đàn ông không dành thời gian cho gia đình mình không bao giờ trở thành một người đàn ông thực thụ.
Michael Corleone, con trai út của bố già vốn không hề muốn nhúng tay vào công việc của gia đình nhưng khi phải tận mắt chứng kiến cha của mình - người mà anh vẫn luôn một mực kính trọng lãnh đạn của kẻ thù ác, anh đã chấp nhận đánh đổi tương lai sáng lạn của mình để thay ông trùm điều hành gia đình. Và chính quyết định đó của Michael đã trở thành một trong những màn chuyển biến tâm lý nhân vật xuất sắc nhất trong thế giới văn chương. Michael có thể bỏ chạy như cách người anh trai thứ Fredo đã làm, có thể nổi nóng bốc đồng như anh trai cả Sonny; nhưng anh đã chấp nhận đánh đổi những dự định, hoài bão ấp ủ cùng cả tình yêu của mình - Kay vì gia đình, vì niềm kính trọng vô bờ cho người cha Vito Corleone, và vì trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình.

Phong thái của những kẻ xuất chúng

Có một điều mà tôi rất nể phục ở những người đàn ông như bố già, đó là sự điềm tĩnh. Sự điềm tĩnh đến lạnh lùng, sự bình tĩnh tới độ thản nhiên khi đứng trước mặt kẻ thù, đứng trước những gian nan hiểm nguy kề cận.
Phong thái của một ông trùm, toát ra từ lời nói cho tới cử chỉ, mọi thứ đều tỏa ra khí chất ngút ngàn, uy phong bệ vệ tượng trưng cho quyền lực tối cao mà những kẻ đối diện phải ngước nhìn bằng con mắt nể vì. Làm sao chúng ta quên được cách mà ông trùm Vito thản nhiên, điềm đạm yêu cầu họp mặt ngũ đại gia đình giới mafia dù trước đó con trai cả Sonny đã gục ngã dưới mũi súng kẻ thù, trên người chi chít những lỗ.
Đau đớn chứ, phận làm cha sao không đau đớn cho được, ông chỉ biết lẳng lặng mà nuốt nỗi cay đắng đó vào trong; trên tất cả, ông còn một gia đình cần ông gánh vác qua cơn giông bão, ông còn mối tư thù phải trả bằng mọi giá. Đứng trước tình thế đó, có thể bình tĩnh và lý trí tới độ đáng sợ như vậy, quả là xuất chúng. Những người đàn ông như vậy, họ không được sinh ra xuất chúng hơn người, cách họ sống và làm việc mới làm họ trở nên xuất chúng.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Thủy thủ giỏi không trưởng thành từ biển lặng. Muốn biết bản lĩnh của người đàn ông, hãy nhìn vào cách họ đối mặt với khó khăn. Nhìn cách họ đối diện sự thật, điềm tĩnh suy tính bước đi tiếp theo, đó mới là khí chất của người đàn ông xuất chúng hơn người.
Vito Corleone không phải người đàn ông xuất chúng duy nhất của tiểu thuyết này. Bên cạnh bố già, một người khác cũng hội tụ đầy đủ các yếu tố của một người đàn ông thực thụ - con trai út Michael.
Cái vẻ mặt của bố già mới - Michael Corleone khi đứng trước mặt ông em rể để chất vấn hắn về cái chết của người anh cả Sonny đủ để khiến hắn phải run lên vì sợ hãi, tới chính độ người thân cận với Michael như Tom Hagen cũng phải rợn tóc gáy. Đứng trước kẻ phản bội, Michael đưa cái nhìn lạnh tanh về phía hắn, sự điềm đạm trong lời nói cử chỉ khiến hắn tưởng mình vẫn còn một đường sống. Tuy nhiên, không có sau đó nữa. Michael lạnh lùng tàn nhẫn, không để tình cảm cá nhân xen vào công chuyện làm ăn. Đối với anh, kẻ phản bội là kẻ phản bội, và cái giá của phản bội chỉ có thể là cái chết.

Hành trình biến thành kẻ ác của Michael Corleone

Michael Corleone biến thành kẻ ác không vì anh ta tham gia vào công việc làm ăn của gia đình mình. Thứ làm anh ta thay đổi là hiện thực tàn khốc, một bên là nguyên tắc bản thân một bên là tình cảm gia đình . Đứng trước mặt là người cha mình hằng kính trọng đang lâm vào nguy kịch, đứng trước việc người vợ mình yêu thương phải chết vì mối thù hằn cá nhân, mọi thứ trong anh đã thay đổi.
Những ngày tháng trú nạn tại Sicily đã mở ra trước con mắt của Michael nhiều điều. Tại đây, Michael dần hiểu được bản chất và cách mà bộ máy mafia vận hành, cách mà nó ảnh hưởng và gây lũng đoạn tới đời sống. Tại đây, anh đã trải qua những ngày tháng tươi đẹp nhất của đời mình và trúng tiếng sét ái tình với Appolonnia - người vợ đầu tiên của anh. Cũng chính tại miền đất máu Sicily, Michael tận mắt chứng kiến sự ra đi của Appolonia. Michael
Michael Corleone (trái) và Vito Corleone (phải)
Michael Corleone (trái) và Vito Corleone (phải)
Có người nói, Michael không được nể trọng như cách mà cha anh - Don Vito đã từng. Bởi cách làm việc của Michael lạnh lùng quá, tàn nhẫn quá, họ sợ hãi anh thay vì nể trọng. Cho dù thế nào, cả hai cha con họ đều tỏa ra khí chất của một đấng nam nhi, một trụ cột vững chắc cho gia đình và những người thân yêu có thể dựa dẫm và gửi gắm niềm tin khi lâm vào gian khó. Một người gây dựng nên cơ ngơi đồ sộ, một người dang tay chống đỡ gồng gánh gia đình khi hiểm nguy hoạn nạn ập tới. Michael Corleone hay Vito Corleone, đều xứng đáng được cánh mày râu gật gù nể trọng vì những phẩm chất đáng quý đó.

Về sự ra đời của cái tên sách Bố già: Dịch giả Ngọc Thứ Lang qua lời giới thiệu của nhà sách Đông A

Ngọc Thứ Lang tên thật là Nguyễn Ngọc Tú, biệt danh là Công tử Bắc Kỳ, vào Sài Gòn lập nghiệp khoảng năm 1950. Ngọc Thứ Lang là dịch giả của thời kì trước năm 1975, đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm nhưng có lẽ Bố Già là một dấu son trong sự nghiệp của ông.
Năm 1969, tác phẩm The Godfather của Mario Puzo được xuất bản ở Mỹ. Năm 1970, tại miền Nam Việt Nam, nhật báo Chính luận đã đăng nó dưới dạng tiểu thuyết nhiều kỳ với tựa đề Cha đỡ đầu do nhà Văn Trịnh Tấu dịch từ bản tiếng Pháp, nhưng vì lối hành văn không hấp dẫn người đọc nên bị ngừng đăng giữa chừng.
Bố Già bản dịch của Ngọc Thứ Lang
Bố Già bản dịch của Ngọc Thứ Lang
Tới năm 1972, bản dịch Bố Già của Ngọc Thứ Lang chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh ra mắt và đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều độc giả. Nếu như The Godfather của Mario Puzo khi vừa xuất bản đã nằm trong danh sách sách bán chạy nhất suốt 67 tuần, thì Bố Già của Ngọc Thứ Lang cũng “làm mưa làm gió” ở Sài Gòn suốt những năm 70 của thế kỉ trước.
Bản thân cái tên Bố Già cũng là một sáng tạo vô tiền khoáng hậu của Ngọc Thứ Lang. Các dịch giả khác đã dịch The Godfather thành Cha đỡ đầu, Cha Thánh hay Cha Chúa nhưng không có tên nào ấn tượng như cái tên Ngọc Thứ Lang chọn cho bản dịch của mình. Một số dịch giả sau này khi chuyển ngữ The Godfather cũng học tập Ngọc Thứ Lang và lấy tựa đề Bố Già cho bản dịch. Ngọc Thứ Lang không phải người đầu tiên, và cũng chẳng phải người cuối cùng chuyển ngữ The Godfather sang tiếng Việt , nhưng bản dịch của ông chỉ được dấu ấn trong lòng người đọc nhất. Cái hay, cái khiến người đọc say mê có lẽ nằm ở chính giọng văn đậm chất giang hồ súng đạn của người dịch. Nhiều người nói rằng nếu đọc The Godfather của Mario Puzo , hãy tìm đúng bản dịch của Ngọc Thứ Lang để thấy chất đàn ông trong đó . . .

Vài tác phẩm khác của Mario Puzo mà bạn có thể tìm đọc

- The Last Don (Ông trùm cuối cùng)
- The Sicilian (Đất máu Sicily)
- The Family (Cha con giáo hoàng)
- Omerta (Luật im lặng)
- The Fortunate Pilgrim (Đất khách quê người)